Insulin và glucagon là hai hormone giúp điều hòa nồng độ đường (glucose) trong máu. Glucose hấp thụ từ thức ăn được sử dụng làm năng lượng cho cơ thể. Vai trò của insulin và glucagon trong việc kiểm soát đường huyết đều quan trọng như nhau, giúp đảm bảo hoạt động bình thường của cơ thể. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về vai trò của insulin trong điều hòa lượng đường trong máu cũng như glucagon trong bài viết này nhé!
Insulin và glucagon giống như âm và dương trong cơ chế điều hòa đường huyết trong máu. Các hormone này cân bằng lượng đường trong máu, duy trì đường huyết trong phạm vi theo nhu cầu của cơ thể. Khi bạn ăn, tuyến tụy phóng thích insulin để giúp giảm lượng đường trong máu. Giữa các bữa ăn, tụy tiếp tục giải phóng hormone điều hòa đường huyết glucagon để giữ lượng đường ổn định trong máu.
Nếu bạn bị đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, cơ thể của bạn không thể sử dụng insulin hoặc sử dụng insulin không đúng cách, sản xuất không đủ insulin hoặc hoàn toàn không sản xuất ra insulin. Kết quả là, lượng glucagon cũng sản xuất ra không hợp lý. Khi cơ thể mất cân bằng, có thể dẫn đến lượng đường trong máu ở mức cao nguy hiểm.
Cơ chế điều hòa đường huyết của insulin và glucagon
Cơ chế tác dụng của insulin
Insulin là một hormone quan trọng được sản xuất bởi các tế bào trong tuyến tụy. Cơ chế hoạt động của insulin là chuyển glucose từ máu vào tế bào làm năng lượng để sử dụng hoặc lưu trữ.
Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn có chứa carbohydrate được tiêu hóa và phân hủy thành glucose. Khi đó, lượng đường huyết sẽ gia tăng. Sự gia tăng lượng đường phát tín hiệu đến tuyến tụy để sản xuất insulin nhằm kiểm soát nồng độ đường trong máu. Đây là cơ chế tiết insulin.
Khi cơ thể sản xuất insulin, glucagon sẽ bị ức chế. Insulin kích thích các tế bào khắp cơ thể của bạn hấp thụ glucose từ máu. Sau đó, các tế bào sử dụng glucose làm năng lượng.
Để cung cấp năng lượng cho cơ thể giữa các bữa ăn, glucose dư thừa được lưu trữ trong các tế bào gan và cơ dưới dạng glycogen. Khi glucose được chuyển đổi thành năng lượng hoặc được lưu trữ trong gan và cơ, nồng độ glucose trong máu sẽ giảm đi.
Cơ chế điều hòa đường huyết của glucagon
Cũng giống như insulin, glucagon là một loại protein được sản xuất trong tuyến tụy. Insulin và glucagon được xem là hai protein đối trọng nhau.
Khoảng 4 – 6 giờ sau khi ăn, lượng đường trong máu sẽ giảm dần. Điều này kích hoạt sự sản xuất glucagon trong tuyến tụy. Khi tuyến tụy tiết glucagon, cơ thể sẽ ức chế sản xuất insulin.
Glucagon báo hiệu cho gan và cơ thể phân giải glycogen thành glucose và giải phóng glucose trở lại vào máu. Điều này sẽ giúp lượng đường trong máu của bạn không tụt xuống quá thấp.
Insulin và glucagon giúp duy trì lượng đường trong máu bao nhiêu là bình thường?
Viện Y tế quốc gia cung cấp các hướng dẫn sau đây về mức mục tiêu của lượng đường trong máu.
Mức đường huyết bình thường ở những người không mắc bệnh đái tháo đường là:
- Khi đói: 70-100 mg/dl (mg/dl).
- Sau khi ăn: 100-140 mg/dl.
Lượng đường trong máu mục tiêu ở những người đang điều trị bệnh đái tháo đường là:
- Trước bữa ăn: 80 đến 130 mg/dl.
- 2 giờ sau ăn: dưới 180 mg/dl.
Rối loạn cân bằng insulin và glucagon
Cơ chế điều hòa glucose trong máu của insulin và glucagon là một quá trình trao đổi chất tuyệt vời. Tuy nhiên, mọi hoạt động đôi khi không diễn ra như đã được thiết lập. Bệnh đái tháo đường được biết như một tình trạng mất cân bằng đường huyết, thường liên quan đến insulin. Tùy theo cơ chế bệnh sinh mà bệnh này được chia thành:
Bệnh đái tháo đường type 1
Bệnh đái tháo đường type 1 là dạng ít phổ biến hơn. Bệnh là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào trong tuyến tụy, nơi sản sinh ra insulin. Bệnh này còn được gọi là “bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin” vì những người bị bệnh đái tháo đường type 1 buộc phải dùng insulin để duy trì sự sống.
Bệnh đái tháo đường type 2
Bệnh đái tháo đường type 2 phát triển khi cơ thể đề kháng insulin, sử dụng insulin không hiệu quả, khiến đường glucose bị giữ lại trong máu thay vì đưa vào tế bào. Do đó, cơ thể phải tăng tiết nhiều insulin hơn để bù đắp. Theo thời gian, tuyến tụy yếu đi và giảm sản xuất insulin, khiến đường huyết tăng lên.
Những người bị bệnh béo phì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn. Bệnh đái tháo đường type 2 có thể được kiểm soát bằng thuốc và thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như giảm cân, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục hợp lý.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ
Một số phụ nữ dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ vào giữa cuối giai đoạn mang thai (tuần 24 -28 thai kỳ). Tiểu đường thai kỳ là những hormone được sinh ra trong quá trình mang thai có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của insulin và glucagon. Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường khỏi sau khi sinh, một số ít sẽ mắc đái tháo đường típ 2 thật sự sau sinh. Tuy nhiên, những phụ nữ đã bị bệnh này và em bé được sinh ra có nguy cơ phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai cao hơn.
Tiền tiểu đường
Đây cũng là tình trạng nồng độ đường trong máu tăng, nhưng chưa cao đến mức để có thể kết luận là bệnh đái tháo đường type 2. Nhiều người mắc tiền đái tháo đường sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai nếu không kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với những thay đổi trong lối sống, bao gồm cả kiểm soát cân nặng, tập thể dục và một chế độ ăn uống lành mạnh hoặc dùng thuốc, có thể làm chậm hoặc giảm tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thật sự.
Làm thế nào bạn có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường?
Hiểu rõ cơ chế điều hòa đường huyết của insulin và glucagon, bạn sẽ biết rằng không phải tất cả các type bệnh đái tháo đường đều có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, việc duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm cả tập thể dục và một chế độ ăn uống lành mạnh có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn tình trạng tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường type 2.
Sống lành mạnh cũng rất quan trọng để đối phó với bất kỳ thể bệnh nào liên quan đến hoạt động của insulin và glucagon. Siêng năng tập thể dục và ý thức về chế độ ăn uống là những công cụ quan trọng trong việc kiểm soát các rối loạn gây ra do bệnh tiểu đường.