Rau là một thành phần vô cùng quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Các loại rau giúp hạ đường huyết dành cho bệnh nhân tiểu đường nên có hàm lượng carb (tinh bột, đường) thấp, hàm lượng chất xơ cao, lượng protein và khoáng chất dồi dào. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các loại rau tốt cho người tiểu đường trong bài viết ngay sau đây nhé!
Các loại rau giúp hạ đường huyết sẽ góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường về lâu dài. Do đó, nếu bạn bị tiểu đường, hãy tăng khẩu phần rau trong chế độ ăn uống và giảm tiêu thụ carb. Vậy, người tiểu đường nên ăn rau gì? Dưới đây là danh sách các loại rau tốt cho việc kiểm soát đường huyết và quản lý bệnh tiểu đường.
1. Bông cải xanh
Một nghiên cứu đã tiết lộ rằng sulforaphane có trong bông cải xanh có công dụng làm giảm tình trạng tăng đường huyết, tăng lipid máu, kháng insulin và stress oxy hóa do bệnh tiểu đường gây ra.
Ngoài ra, bông cải xanh còn chứa lượng carb thấp (chỉ khoảng 5g trong 90g bông cải tươi) và là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, 6,6% chất xơ và 2,9% sắt. Do đó, nếu nhắc đến các loại rau giúp hạ đường huyết cho người bệnh tiểu đường thì không thể thiếu bông cải xanh. Loại rau này giúp bạn no lâu, tránh tăng đường huyết đột ngột sau ăn.
2. Súp lơ trắng (Bông cải trắng)
Bệnh tiểu đường nên ăn rau gì? Súp lơ trắng là thực phẩm tuyệt vời cho bệnh nhân tiểu đường hoặc bất kỳ ai muốn duy trì sức khỏe bằng chế độ ăn uống hàng ngày. Chỉ số đường huyết của súp lơ trắng chỉ là 10, rất thấp. Tải lượng đường huyết của súp lơ trắng là 1, cũng rất thấp. Vì vậy, đây là loại rau an toàn và tốt cho sức khỏe cho bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao của súp lơ trắng giúp giảm huyết áp và mức cholesterol, cải thiện độ nhạy với insulin và hỗ trợ giảm cân ở những người béo phì. Chúng cũng rất giàu vitamin C, có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư và tổn thương do các gốc tự do gây hại.
3. Cải xoăn
Cải xoăn một loại rau thuộc họ Cải, có tác dụng hạ đường huyết khá hiệu quả. Trong nghiên cứu gần đây đã chứng minh, việc ăn cải xoăn với lượng 14g làm giảm mức đường huyết sau ăn hiệu quả. Ngoài ra, cải xoăn chứa flavonoid có khả năng chống oxy hóa giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
4. Rau diếp
Trong các loại rau giúp hạ đường huyết, rau diếp là một cái tên còn khá xa lạ. Rau diếp có chỉ số đường huyết thấp và do đó giúp giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, một chùm rau diếp chỉ cung cấp 5 đến 10 calo nên sẽ góp phần giúp giảm cân.
Trong một nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc bổ sung rau diếp vào bữa ăn có hàm lượng chất béo vừa phải đã làm chậm phản ứng đường huyết sau bữa ăn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc tiêu thụ loại rau này đối với phản ứng sau bữa ăn ở những đối tượng có yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh tim mạch vẫn chưa được làm sáng tỏ.
5. Măng tây
Măng tây là loại rau ít calo, ít carb và giàu protein. Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cho thấy ăn măng tây có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Karachi ở Pakistan phát hiện ra rằng việc ăn loại rau này thường xuyên có thể kiểm soát lượng đường trong máu và tăng sản xuất insulin trong cơ thể. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng chiết xuất măng tây có tác dụng phòng chống bệnh tiểu đường.
6. Cải bó xôi
Cải bó xôi rất giàu canxi, sắt, protein, vitamin A, vitamin C và axit folic. Đây cũng là loại thực phẩm có chỉ số GI thấp nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Cải bó xôi cũng là một nguồn giàu chất chống oxy hóa do có sự hiện diện của axit alpha-lipoic, làm tăng độ nhạy insulin. Ngoài ra, nguồn chất xơ dồi dào cũng góp phần làm giảm lượng đường trong máu.
7. Rau ngót
Rau ngót là một trong các loại rau giúp hạ đường huyết. Rau ngót có chứa insulin và đây cũng chính là chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Rau ngót được chứng minh là có tác dụng hiệu quả trong điều trị tiểu đường tuýp 1.
Vì vậy,việc thường xuyên bổ sung rau ngót vào bữa ăn hàng ngày sẽ giúp cải thiện mức đường huyết cao ở những người mắc bệnh tiểu đường.
8. Rau muống
Theo nghiên cứu khoa học, rau muống rất giàu các chất dinh dưỡng như protein, canxi, magie, sắt, vitamin C, B2, B1, cũng như các loại axit amin thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra, chất xơ trong rau muống cũng giúp thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân.
Vậy, người tiểu đường có ăn được rau muống không? Người tiểu đường hoàn toàn có thể ăn rau muống bởi trong rau muống chứa một hợp chất có công dụng tương tự như insulin, giúp điều hòa đường huyết, đặc biệt tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Bổ sung các loại rau giúp hạ đường huyết vào chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng là chìa khóa góp phần kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường và giảm các biến chứng có thể xảy ra. Do đó, một bệnh nhân tiểu đường nên ưu tiên ăn từ 3 đến 5 phần rau không chứa hoặc ít carb mỗi ngày. Rau cung cấp chất xơ, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu và một số thành phần giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và huyết áp.