“Bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không?” là câu hỏi của phần lớn người bệnh tiểu đường. Với mong muốn chữa bệnh khỏi hoàn toàn và tránh tác dụng phụ thuốc Tây khi sử dụng lâu dài, đây thật sự là một vấn đề nan giải. Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp nhé!
Tiểu đường là một bệnh mạn tính và việc điều trị gần như là suốt đời. Vậy nên nhiều bệnh nhân mang tâm lý rất nặng nề khi được chẩn đoán mắc bệnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn sớm, tiểu đường vẫn có thể được kiểm soát tốt bằng chế độ sinh hoạt, ăn uống và vận động. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh tiểu đường có phải dùng thuốc suốt đời không?
Nếu bạn thắc mắc bệnh tiểu đường có phải dùng thuốc suốt đời không thì câu trả lời gần như là CÓ. Bạn cần hiểu thuốc ổn định đường huyết là một trong những phương pháp điều trị mà người mắc bệnh này phải áp dụng thường xuyên.
- Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, bạn có thể cần phải tiêm insulin mỗi ngày.
- Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc ổn định đường huyết như metformin, thiazolidinedione, sulfonylureas, thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4,…
Bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không phụ thuộc phần lớn vào thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Đặc biệt, người bệnh phải thường xuyên tự theo dõi đường huyết tại nhà và thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu các chỉ số tăng trở lại hoặc có triệu chứng đường huyết cao thì bệnh nhân cần được điều chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp.
Các dấu hiệu cảnh báo đường huyết đang tăng cao bao gồm:
- Hay khát nước
- Đi tiểu nhiều lần
- Vết thương khó lành
- Suy giảm thị lực, mắt mờ, nhòe
- Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên
- Da khô, bong tróc, ngứa lâu không đỡ
Tại sao nhiều người muốn ngưng dùng thuốc điều trị tiểu đường?
Bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không và những lầm tưởng của bệnh nhân
Một sai lầm mà rất nhiều người bệnh mắc phải đó là đánh giá bệnh đơn thuần qua triệu chứng, cảm giác của bản thân hoặc kết quả đo đường huyết tại nhà. Khi không nhận thấy có triệu chứng bệnh tiểu đường và đường huyết trở về bình thường, nhiều người thường tưởng nhầm mình đã khỏi bệnh và tự ngưng thuốc điều trị.
Thế nhưng, triệu chứng bệnh tiểu đường chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bệnh tiểu đường không chỉ đơn thuần gây rối loạn chuyển hóa đường mà còn kéo theo rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể. Những rối loạn này tiến triển âm thầm qua nhiều giai đoạn. Không phải giai đoạn nào cũng có những dấu hiệu đặc trưng đủ để phân biệt đó là do bệnh tiểu đường.
Chỉ số đường huyết được đo hằng ngày hay hàng tháng thay đổi theo từng thời điểm đo. Đường huyết khi đói và sau ăn của bạn ổn không có nghĩa đường huyết cả ngày cũng ổn. Để đánh giá chính xác lượng đường trong máu có thực sự tốt hay không, bạn cần dựa vào chỉ số HbA1c đo 3 tháng 1 lần. Chỉ số này cũng cho biết nguy cơ biến chứng, đáp ứng với thuốc để điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp. Đường huyết dưới giới hạn cho phép nhưng tăng giảm thất thường hay HbA1c cao thì biến chứng của bệnh tiểu đường trên tim, mắt, thận, thần kinh, bàn chân… vẫn có thể xảy ra.
Uống thuốc tiểu đường có hại không?
Mặt khác, nhiều người cũng lo lắng bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không vì sợ những tác hại của thuốc khi dùng lâu dài. Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, các nhóm thuốc ổn định đường huyết cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, đa phần thuốc đều được đánh giá là an toàn cho người bệnh nếu sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là các dấu hiệu hạ đường huyết quá mức do dùng thuốc hoặc insulin, người bệnh nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ, để được điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Không nên tự ý ngừng dùng thuốc khi xuất hiện tác dụng phụ mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Bên cạnh việc hiểu rõ bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không, để đảm bảo kiểm soát đường huyết ổn định, hạn chế tác dụng phụ, người bệnh tiểu đường cũng cần tuân thủ các lưu ý sau:
Dùng thuốc đúng liều lượng, đúng giờ, đúng loại
Liều thuốc và loại thuốc ở mỗi người bệnh là khác nhau, vì vậy, bạn không nên tự thay đổi liều thuốc hay dùng đơn thuốc của người khác để áp dụng cho mình.
Thuốc hạ đường huyết nhóm sulfonylurea (glibenclamid, gliclazid, glimepirid…) nên uống trước bữa ăn. Nhưng metformin, acarbose nên uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để hạn chế rối loạn tiêu hóa. Hãy tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ.
Thăm khám bệnh định kỳ
Bạn nên kiểm tra chỉ số HbA1C 3 tháng/lần. Chỉ số này đại diện cho đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng, nhờ đó, giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị đường huyết khi đói hay sau ăn tốt hơn việc đo bằng máy thử tại nhà.
Những thông tin trên hi vọng có thể giúp bạn giải đáp câu hỏi “Bệnh tiểu đường có phải uống thuốc suốt đời không?”. Đối các bệnh mạn tính như tiểu đường, việc dùng thuốc điều trị sẽ cần duy trì đều đặn. Uống thuốc tiểu đường đúng cách theo chỉ định kết hợp lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh một cách toàn diện và hạn chế được tác dụng phụ không mong muốn.