backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Ăn chay đủ chất cho người bệnh tiểu đường

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 29/03/2023

    Ăn chay đủ chất cho người bệnh tiểu đường

    Gần đây, nhiều người đã chọn cho mình chế độ ăn kiêng với món chay. Những người thực hiện chế độ này không hề ăn thịt (nghĩa là không ăn thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, hoặc các sản phẩm làm từ những thực phẩm này). Nhưng với người bị bệnh tiểu đường có ăn chay được không? Và chế độ ăn chay đủ chất cho người bệnh tiểu đường nên được xây dựng ra sao?

    Tầm quan trọng của chế độ ăn chay

    Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người lựa chọn chế độ ăn chay vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Những lý do phổ biến để một người chuyển sang chế độ ăn chay bao gồm: Những lợi ích cho sức khỏe, sự quan tâm đến phúc lợi động vật, quan tâm đến môi trường và sự bền vững, hay đơn giản chỉ vì các món chay có hương vị thơm ngon, dễ tiêu.

    Có rất nhiều kiểu ăn chay khác nhau. Những kiểu phổ biến nhất hiện nay là:

  • Người ăn thuần chay: Nhóm này không ăn thịt, trứng hoặc sản phẩm từ sữa.
  • Người ăn chay lacto: Nhóm này không ăn thịt hoặc trứng. Tuy nhiên, họ vẫn ăn các sản phẩm từ sữa.
  • Người ăn chay Lacto-ovo: Nhóm này không ăn bất kì loại thịt nào. Tuy nhiên, họ vẫn ăn trứng và sản phẩm từ sữa.
  • Với người bệnh đang sống chung với tiểu đường – căn bệnh có liên quan chặt chẽ đến tình trạng thừa cân, béo phì và tăng huyết áp, ăn chay là một chế độ ăn kiêng giúp họ kiểm soát đường huyết. Vậy thực sự ăn chay tốt cho người bệnh tiểu đường ra sao? Và thực đơn ăn chay đủ chất cho bệnh nhân tiểu đường như thế nào?

    Tại sao ăn chay đủ chất lại quan trọng với bệnh nhân tiểu đường

    Ăn chay đủ chất tốt cho người bệnh tiểu đường ra sao?

    Chế độ ăn chay là một lựa chọn ăn uống rất lành mạnh, kể cả khi bạn đang bị tiểu đường. Nghiên cứu đã chứng minh rằng thực hiện theo kiểu ăn chay này có thể giúp ngăn ngừa và chế ngự bệnh tiểu đường. Trong thực tế, nghiên cứu về chế độ ăn chay cũng cho thấy việc hạn chế tinh bột và calo là không cần thiết và vẫn đẩy mạnh quá trình giảm cân và giúp hạ nồng độ A1C của người tham gia.

    Chế độ ăn chay mang lại nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa và không hề có cholesterol so với chế độ ăn truyền thống của Mỹ. Lượng chất xơ cao có thể giúp bạn cảm thấy no trong thời gian dài sau khi ăn và giúp bạn ăn ít hơn. Khi bạn nạp vào cơ thể nhiều hơn 50g chất xơ mỗi ngày, lượng đường huyết trong máu của bạn có khả năng giảm xuống.

    Một vài nghiên cứu ở Mỹ cũng cho thấy, việc theo đuổi chế độ ăn chay đủ chất đã giúp 43% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 giảm được lượng thuốc điều trị. Ăn chay không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn so với một chế độ ăn thông thường, mà còn giúp bệnh nhân tiểu đường tăng độ nhạy insulin, giảm huyết áp và giảm viêm.

    Chế độ ăn này tốn ít chi phí. Thịt, gia cầm và cá thường là những thực phẩm đắt tiền nhất mà chúng ta hay ăn.

    Chế độ ăn thuần chay đủ chất cho bệnh nhân tiểu đường

    Chế độ ăn chay đủ chất cho bệnh nhân tiểu đường

    Ăn chay rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, nhưng đó phải là một chế độ ăn chay đủ chất nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, đồng thời không làm tăng đường huyết. Các bữa ăn cho người bị tiểu đường, cho dù là bữa ăn chính hay bữa ăn nhẹ, đều cần có những thành phần cân bằng gồm protein, carb và chất béo lành mạnh. Bổ sung từ các nguồn dinh dưỡng lành mạnh khác cũng là một cách để ăn chay đủ chất cho người tiểu đường.

    Ngoài ra, để thực hiện chế độ thuần chay đủ chất, bệnh nhân tiểu đường nên chọn các loại thực phẩm từ thực vật chứa hỗn hợp carbs, protein và chất béo. Việc ăn các sản phẩm từ đậu và hỗn hợp rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt cung cấp rất nhiều protein và các dưỡng chất quan trọng khác. Bạn có thể tham khảo một số ví dụ về carbs, protein và chất béo có thể được dùng để xây dựng bữa ăn chay đủ chất cho người tiểu đường dưới đây:

  • Carbs: Bột ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, khoai tây, trái cây…
  • Protein: Đậu nành, đậu hũ, đậu Hà Lan, đậu phộng, các loại hạt…
  • Chất béo: Dầu oliu, các loại hạt, dầu bơ, dừa, bơ…
  • Vấn đề đáng lo nhất của nhóm này đó là khả năng bị thiếu vitamin B12, do đó bạn cần phải cung cấp bổ sung B12 hoặc bổ sung nhiều loại vitamin cùng lúc nếu muốn xây dựng chế độ ăn chay đủ chất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 29/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo