backup og meta

Thuốc Metasone 0.5mg là thuốc gì, có tác dụng gì?

Thuốc Metasone 0.5mg là thuốc gì, có tác dụng gì?

Thuốc Metasone có thành phần hoạt chất là betamethasone 0,5mg. Thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong nhiều trường hợp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm thấp khớp,… Dù vậy, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định, nếu không người dùng có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn về tác dụng và những lưu ý khi dùng thuốc này nhé!

Tác dụng

Thuốc Metasone là thuốc gì? Thuốc Metasone có tác dụng gì?

Viên nén Metasone có chứa hoạt chất betamethasone 0.5mg, thuộc nhóm glucocorticoid. Tác dụng của thuốc là kháng viêm, kháng dị ứng và điều trị những tình trạng khác có đáp ứng với corticoid. 

Betamethason thường không gây ra trữ muối và nước, không gây phù nề; tăng huyết áp thì gần như không đáng kể.

Một số chỉ định chính của thuốc Metasone thường bao gồm: 

  • Hen phế quản, những phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, sốc phản vệ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ toàn thân, viêm bì cơ, rối loạn mô liên kết hỗn hợp (ngoại trừ xơ cứng toàn thân), viêm đa động mạch nút. 
  • Những rối loạn viêm da, bao gồm: pemphigus thông thường, pemphigoid a bọng nước, viêm da mủ hoại thư. 
  • Hội chứng thận hư do sang thương tối thiểu, viêm thận kẽ cấp tính.
  • Viêm loét ruột kết, bệnh Crohn, bệnh u hạt, bệnh thấp tim.
  • Thiếu máu huyết tán (tự miễn), bệnh bạch cầu lympho và bệnh bạch cầu cấp tính, u lympho ác tính, đa u tủy xương, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
  • Ức chế miễn dịch trong phẫu thuật cấy ghép.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Metasone cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thuốc Metasone 0.5mg cần được cá nhân hoá, tuỳ thuộc vào từng mục đích điều trị, biểu hiện lâm sàng, độ tuổi và khả năng đáp ứng với thuốc của bệnh nhân. Dưới đây là liều dùng tham khảo cho một số trường hợp: 

  • Liều dùng thông thường khi điều trị viêm khớp dạng thấp: 1 viên/ lần x 3 – 4 lần /ngày.
  • Liều dùng thông thường khi điều trị trong thời gian ngắn: 2 viên/ lần x 3 lần /ngày, sau 2 – 5 ngày nên giảm còn 1 viên/ 3 lần/ ngày.
  • Liều dùng thông thường khi điều trị các bệnh lý khác: 3 viên/ lần x 3 – 4 lần /ngày, thời gian điều trị từ 1 – 3 tuần.

Liều dùng thuốc Metasone cho trẻ em như thế nào?

  • Từ 12 tuổi trở lên: 2/3 liều của người trưởng thành.
  • Từ 7 – 11 tuổi: 1/2 liều của người trưởng thành.
  • Từ 1 – 6 tuổi: 1/4 liều của người trưởng thành.

Tuy nhiên, việc dùng liều bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố lâm sàng trước khi quyết định.

Cách dùng

cách dùng thuốc metasone 0.5mg

Bạn nên dùng thuốc Metasone như thế nào?

Bạn nên uống cả viên cùng với một ly nước lọc sau ăn 20 phút.

Bạn lưu ý luôn tuân thủ hướng dẫn liều lượng và tần suất theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều. 

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Quá một liều đơn corticosteroid có lẽ không gây ra các triệu chứng cấp. Tác dụng do tăng corticosteroid không xuất hiện sớm trừ khi dùng liều cao liên tiếp. 

Các triệu chứng toàn thân do quá liều thuốc Metasone có thể bao gồm:

  • Tác dụng giữ natri và nước,
  • Tăng chứng thèm ăn,
  • Huy động calci và phospho kèm theo loãng xương,
  • Mất nitơ,
  • Tăng glucose huyết,
  • Giảm tái tạo mô,
  • Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn,
  • Nhiễm nấm thứ phát,
  • Suy thượng thận,
  • Tăng hoạt động vỏ thượng thận,
  • Rối loạn tâm thần và thần kinh, 
  • Yếu cơ. 

Cách xử trí:

  • Trong trường hợp quá liều cấp, cần theo dõi điện giải đồ huyết thanh và nước tiểu. Đặc biệt chú ý đến cân bằng natri và kali. Trong trường hợp nhiễm độc mạn, ngừng thuốc từ từ. Điều trị mất cân bằng điện giải nếu cần.
  • Nếu trường hợp quá liều xảy ra, đề nghị đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có phương pháp xử lý.
  • Tích cực theo dõi để có biện pháp xử trí kịp thời.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Metasone?

Thường gặp là rối loạn tâm thần (rối loạn cảm xúc (như dễ bị kích thích, phấn kích, chán nản, tấm trạng không ổn định và có ý định tự tử), những phản ứng tâm thần (bao gồm điên cuồng, ảo giác, hoang tưởng, tình trạng xấu đi của chứng tâm thần phân liệt), rối loạn hành vi, dễ bị kích động, lo âu, rối loạn giấc ngủ và rối loạn chức năng nhận thức (bao gồm lẫn lộn và chứng quên đã được báo cáo).

Những phản ứng thường này xảy ra cả ở trẻ em và người lớn. Ở người lớn, tần suất những phản ứng nghiêm trọng khoảng 5 – 6%. Những ảnh hưởng tâm thần đã được báo cáo khi ngưng corticosteroid, tần suất chưa biết. Tâm lý phụ thuộc, tăng áp suất nội sọ với phù gai thị ở trẻ em (u giả não bộ), thường là sau khi ngưng điều trị. Làm trầm trọng thêm chứng động kinh.

  • Nhiễm khuẩn: tăng tính dễ nhiễm khuẩn và sự nghiêm trọng của chúng với sự suy giảm triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, những nhiễm khuẩn cơ hội, tái phát bệnh lao tiềm ẩn.
  • Rối loạn nội tiết: suy yếu trục HPA, ức chế sự tăng trưởng của trẻ nhũ nhi, trẻ em và thanh thiếu niên, kinh nguyệt thất thường và mất kinh.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: hội chứng dạng Cushing, chứng rậm lông, tăng cân, giảm dung nạp carbohydrate với yêu cầu ngày càng tăng đối với điều trị đái tháo đường (cân bằng canxi, nitơ, protein âm tính; tăng sự ngon miệng, tăng tiết mồ hôi, tăng nồng độ lipoprotein mật độ cao và lipoprotein mật độ thấp trong máu, rối loạn nước và điện giải (giữ nước và natri, cao huyết áp, mất kali, cao kali máu)).
  • Rối loạn thị giác: tăng áp suất nội nhãn cầu, tăng nhãn áp, phù gai thị, đục thủy tinh thể dưới bao, mỏng giác mạc và màng cứng, sự trầm trọng hơn ở bệnh viêm mắt do nấm và vi rút.
  • Rối loạn tim: vỡ cơ tim sau khi nhồi máu cơ tim không lâu.
  • Rối loạn tiêu hóa: trướng bụng, loét thực quản, buồn nôn, khó tiêu, loét thủng và xuất huyết dạ dày, viêm tụy cấp, nhiễm nấm candida.
  • Rối loạn da và mô dưới da: phục hồi suy giảm, teo da, đau, chứng giãn mao mạch, rạn, mụn, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: chứng loãng xương, gãy xương cột sống và xương dài, hoại tử vô mạch xương, đứt gân.
  • Rối loạn chung: quá mẫn (bao gồm sốc phản vệ đã được báo cáo), chứng tăng bạch cầu, nghẽn mạch huyết khối, suy nhược, nấc cục.
  • Triệu chứng và dấu hiệu khi ngưng thuốc Metasone: giảm liều quá nhanh sau điều trị dài ngày có thể dẫn tới suy tuyến thượng thận cấp, hạ huyết áp và tử vong.
  • Hội chứng ngưng thuốc Metasone có thể xuất hiện bao gồm: sốt, đau cơ, đau khớp, viêm mũi, viêm màng kết, đau ngứa da, nổi những u nhỏ, sụt cân.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

thận trọng khi dùng thuốc metasone

Trước khi dùng thuốc Metasone, bạn nên lưu ý những gì?

Chống chỉ định dùng thuốc cho các trường hợp sau:

  • Người bị đái tháo đường, tâm thần, trong nhiễm nấm và nhiễm virus, trong nhiễm nấm toàn thân. 
  • Người quá mẫn với betamethason hoặc với các corticosteroid khác hoặc với bất kì thành phần nào của thuốc.

Hãy trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh và dị ứng, thuốc hay các thủ thuật ngoại khoa bạn đã và đang dùng để cân nhắc cẩn thận trước khi dùng Metasone. 

Đối với những trường hợp dùng thuốc Metasone 0.5mg dài hạn, nên theo dõi trong vòng một năm, chú ý khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh và điều chỉnh liều khi cần. Nên cho người bệnh bắt đầu dùng thuốc ở liều thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất và nếu được thì nên dùng một liều thuốc duy nhất vào buổi sáng. Nếu đang dùng ở liều cao thì cần giảm liều từ từ, không nên đột ngột ngừng thuốc. Bệnh nhân suy gan và thiểu năng tuyến giáp cần được hiệu chỉnh liều dùng thuốc Metasone. 

Dùng Metasone lâu ngày có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và một số rối loạn thị giác hiếm gặp khác. Ngoài ra, sử dụng Metasone trong thời gian dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch. Do đó, người bệnh cần tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi,… Đặc biệt, người bị suy giảm miễn dịch mà nhiễm thủy đậu có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, dùng thuốc Metasone dài hạn cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng và mức độ sản xuất cortisol nội sinh ở trẻ nhỏ, gây ra chậm lớn. Thuốc còn ảnh hưởng đến số lượng và tính di động của tinh trùng ở một vài trường hợp.

Thận trọng khi dùng thuốc Metasone 0.5mg cho người nhiễm virus Herpes, viêm đại tràng không đặc hiệu, suy thận, viêm ruột thừa, tăng huyết áp, suy tim sung huyết, suy giáp, nhược cơ, loãng xương, có tiền sử rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, tiểu đường, tăng nhãn áp, suy gan, động kinh, loét dạ dày – tá tràng.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Metasone trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chưa có nghiên cứu lâm sàng đầy đủ về việc sử dụng Metasone cho phụ nữ mang thai và cho con bú. 

Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong những giai đoạn này, nhằm làm giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc. 

Tương tác thuốc

Thuốc Metasone có thể tương tác với những thuốc nào?

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Metasone bao gồm:

  • Những loại thuốc có khả năng làm tăng chuyển hoá các dẫn xuất của corticoid, chẳng hạn như phenytoin, phenobarbital, rifampicin, ephedrine.
  • Betamethasone dùng cùng fluoroquinolon làm tăng nguy cơ đứt gân.
  • Metasone có thể tăng cường chuyển hóa tretinoin dẫn đến giảm nồng độ hoạt chất này.
  • Mifepristone làm giảm tác dụng của corticoid trong 3 – 4 ngày.
  • Làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc hạ đường huyết (bao gồm cả insulin), thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu bị đối kháng bởi corticoid.
  • Dùng chung thuốc Metasone với theophylline, carbenoxolone, amphortericin B có thể giảm nồng độ kali trong máu. Nếu hạ kali máu xảy ra ở người dùng glycoside tim, Metasone làm tăng độc tính.
  • Thuốc Metasone ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống đông máu coumarin. Vì thế, cần điều chỉnh liều nếu có ý định kết hợp.
  • Corticoid có thể đối kháng tác dụng của thuốc ức chế thần kinh cơ như vecuronium.
  • NSAID và rượu kết hợp với Metasone làm tăng tác hại lên niêm mạc dạ dày và ruột.
  • Dùng chung thuốc này với salicylate làm tăng sự thanh thải qua thận của salicylate, khi ngừng dùng Metasone có thể dẫn tới nhiễm độc salicylate.

Thuốc Metasone có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Rượu kết hợp với thuốc Metasone có thể làm tăng tác dụng phụ lên niêm mạc dạ dày và ruột, cần kiêng rượu và các loại đồ uống có cồn khác trong thời gian dùng thuốc.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Metasone?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Metasone như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Side effects of betamethasone tablets – NHS

https://www.nhs.uk/medicines/betamethasone-tablets/side-effects-of-betamethasone-tablets/

Ngày truy cập 6/2/2023

Betamethasone 500 microgram Soluble Tablets – Summary of Product Characteristics (SmPC) – (emc)

https://www.medicines.org.uk/emc/product/9098/smpc#gref

Ngày truy cập 6/2/2023

Betamethasone: Uses, Interactions, Mechanism of Action | DrugBank Online

https://go.drugbank.com/drugs/DB00443

Ngày truy cập 6/2/2023

Metasone

https://drugbank.vn/thuoc/Metasone&VN-16595-13

Ngày truy cập 6/2/2023

Metasone 

https://caodangykhoaphamngocthach.com/y-duoc/nhung-dieu-can-luu-y-khi-su-dung-thuoc-metasone-c59913.html

Ngày truy cập 6/2/2023

Phiên bản hiện tại

04/10/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Thuốc kháng viêm corticoid và những điều cần biết

Thuốc bôi Temprosone Cream 30g kháng viêm, trị bệnh ngoài da


Tham vấn y khoa:

Dược sĩ Phạm Thuỳ Thu Hà

Dược · Nhà thuốc Bảo Anh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 04/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo