backup og meta

9 trường hợp cần lưu ý khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm

9 trường hợp cần lưu ý khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm

Không phải ai khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm đều nhận được tác dụng chữa trị giống như nhau. Một số trường hợp cần phải được theo dõi hoặc tránh dùng một số loại thuốc vì khả năng gặp phải rủi ro lớn hơn lợi ích điều trị.

Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs) là nhóm thuốc phổ biến được dùng để giảm bớt các cơn đau thụ thể từ nhẹ đến vừa. Ngoài ra, chúng còn có đặc tính kháng viêm nên được chỉ định trong nhiều bệnh lý liên quan đến viêm như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, chấn thương phần mềm… (1)

Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng có lợi thì nhóm thuốc này cũng gây ra nhiều biến cố không mong muốn cho người dùng, như gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, tim mạch, độc trên gan, thận. (2) Ngoài ra, một số đối tượng dễ gặp phải những biến cố không mong muốn khi dùng thuốc NSAID so với những người khác. (3) Hãy cùng tìm hiểu 9 trường hợp cần lưu ý khi dùng nhóm thuốc này qua bài viết sau đây nhé!

1. Người cao tuổi nên dùng thuốc giảm đau kháng viêm như thế nào?

Dùng thuốc giảm đau kháng viêm cho người cao tuổi
Ảnh: Shutterstock – 108938363

Các biến cố trên đường tiêu hóa do NSAIDs gây ra như loét, chảy máu là những vấn đề nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, Đặc biệt ở người cao tuổi (trên 65 tuổi), việc sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm NSAIDs trở thành nguyên nhân dẫn đến nhập viện và tăng nguy cơ tử vong do loét đường tiêu hóa hơn gấp 4 lần. (4)

Hơn nữa, người cao tuổi thường cần sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, nhất là khi mắc phải nhiều bệnh lý nền. Khi dùng NSAIDs chung với các thuốc đặc trị khác có thể gây ra tương tác làm ảnh hưởng đến khả năng gặp phải tác dụng không mong muốn. Ví dụ, dùng đồng thời NSAIDs với thuốc chống kết tập tiểu cầu, corticosteroid sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa hay dùng chung với thuốc điều trị huyết áp sẽ gây tăng huyết áp do làm giảm tác dụng hạ huyết áp. (5) Do vậy, đối với người cao tuổi cần được bác sĩ lựa chọn những loại thuốc ít ảnh hưởng trên đường tiêu hóa, trên tim mạch cũng như ít tương tác với các thuốc khác.

2. Đối với người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa

Người bệnh tiêu hóa dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 1196903890

Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm NSAIDs có thể gây ra những vấn đề ở đường tiêu hóa. Nếu dùng trong thời gian ngắn, người bệnh có thể bị khó tiêu, đau bụng. Nếu dùng lâu dài, nhất là với liều cao, thuốc NSAIDs có khả năng gây loét đường tiêu hóa và chảy máu dạ dày. (2)

Các biến cố như khó tiêu và khó chịu ở đường tiêu hóa xảy ra ở ít nhất 10–20% người dùng NSAIDs. Đối với những người có tiền sử bị loét, nguy cơ bị chảy máu tái phát lên đến 5% trong vòng 6 tháng dùng thuốc, ngay cả khi sử dụng NSAIDs không chọn lọc kèm với thuốc bảo vệ dạ dày như PPI (thuốc ức chế bơm proton). (3)

Một số loại thuốc NSAID thế hệ mới nhờ tác dụng ức chế chọn lọc nên ít ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hơn so với các NSAID thế hệ cũ (19). Nếu bạn có vấn đề tiêu hóa, cần nói rõ với bác sĩ để được lựa chọn loại thuốc NSAID phù hợp.

3. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm khi có bệnh lý tim mạch

Người bệnh tim mạch dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 274570694

Các NSAIDs ngoại trừ aspirin có liên quan đến nhiều rủi ro đối với bệnh tim mạch, bao gồm khiến suy tim sung huyết nặng hơn, tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay thiếu máu cơ tim cục bộ. Ước tính, huyết áp trung bình của người bệnh tăng trung bình 5mmHg khi dùng thuốc NSAIDs cổ điển. Một số NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 cũng được chứng minh gây tăng huyết áp khi sử dụng. (3)

Nguy cơ bị tăng huyết áp khi dùng các loại thuốc NSAIDs khác nhau cũng rất khác biệt, do vậy bạn cần trao đổi kĩ với bác sĩ để được lựa chọn loại thuốc phù hợp. Nguy cơ gặp biến cố tim mạch cao nhất ở những bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu, đặc biệt ở trong vài tuần đầu điều trị bằng NSAIDs. (6) Nhìn chung, những người đã mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành thường không nên dùng thuốc giảm đau, kháng viêm NSAIDs hoặc nếu cần thiết, chỉ dùng thuốc ở liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất. (2)

4. Đối với người dễ bị chảy máu (xuất huyết)

Người bị xuất huyết dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 581786065

Những người từng bị chảy máu dạ dày, ruột non hay thực quản đều có nguy cơ tái phát khi dùng thuốc NSAIDs. Bên cạnh đó, nếu bạn có rối loạn trong quá trình đông cầm máu như mắc bệnh von Willebrand, urê huyết hay giảm tiểu cầu cũng được khuyến cáo là không nên dùng thuốc giảm đau, kháng viêm này. (2)

Tất cả các loại NSAIDs đều có khả năng gây chảy máu khi sử dụng. Cụ thể, khi dùng NSAIDs nhóm cổ điển (ức chế không chọn lọc) là tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa gấp 4 lần. Nếu dùng cùng với thuốc corticosteroid, nguy cơ chảy máu lần lượt tăng gấp 12 lần và khi dùng chung với thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) thì nguy cơ này tăng 7 lần. Khả năng dẫn đến tử vong khi bị chảy máu đường tiêu hóa ở người dùng NSAIDs có tỷ lệ được ghi nhận là 21%, trong khi ở người bệnh không dùng NSAIDs thì tỷ lệ này là 7%. (7)

Nếu bạn sắp phải trải qua một loại phẫu thuật nào đó, hãy thông báo với bác sĩ về thuốc NSAIDs đang dùng, nếu có. Thông thường, bạn cần phải ngưng sử dụng nhóm thuốc này trong khoảng 1 tuần trước khi làm phẫu thuật để tránh chảy máu quá mức. (2, 3)

5. Chức năng thận suy giảm dùng thuốc giảm đau kháng viêm như thế nào?

Người có chức năng thận suy giảm dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 1429661279

Thận là cơ quan chính có vai trò đào thải thuốc ra khỏi cơ thể. Do đó, các tiểu động mạch thận và mao mạch cầu thận rất dễ bị thương tổn do ảnh hưởng từ các loại thuốc, trong đó có cả thuốc NSAIDs. (8)

Do tác động đến các men COX-1 và/hoặc COX-2 khiến các thuốc NSAID có những ảnh hưởng lên chức năng thận. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng của các loại thuốc này lên thận lại không giống nhau. (9) Đặc biệt, một nghiên cứu lớn gần đây đã cho thấy một loại thuốc NSAID ức chế chọn lọc COX-2 có tác dụng bất lợi trên thận thấp hơn so với các loại thuốc NSAID cổ điển. (18) Do vậy, đối với người có bệnh lý thận, cần trao đổi với bác sĩ để được lựa chọn các loại thuốc giảm đau ít ảnh hưởng đến thận hơn các loại khác. (9)

Khi dùng thuốc trong thời gian dài có thể dẫn đến viêm thận kẽ mạn tính cùng với tình trạng xơ hóa và rối loạn chức năng thận mạn tính. Do đó, đối với người bệnh cần dùng NSAIDs dài ngày, cần phải theo dõi chức năng thận thường xuyên. Ngoài ra, các thuốc NSAIDs làm tăng nguy cơ suy thận cấp phụ thuộc vào liều, đặc biệt ở người lớn tuổi với nhiều bệnh đồng mắc, và việc dùng đồng thời với các thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể, thuốc lợi tiểu. (9)

6. Đối với người có chức năng gan suy giảm

Người chức năng gan suy giảm dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 267970022

Một số NSAIDs có khả năng gây ra tác dụng không mong muốn trên gan, từ làm tăng men gan đến gây tổn thương gan nghiêm trọng, suy gan cấp. Dù vậy, độc tính trên gan liên quan đến NSAIDs không phổ biến, nhất là những trường hợp gặp biến cố nghiêm trọng phải nhập viện là khá hiếm. (10)

Ở những người bị suy giảm chức năng gan, sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm này có thể mang đến nhiều rủi ro hơn. Đã có báo cáo cho thấy NSAIDs có độc tính trên gan ở những bệnh nhân có viêm gan C, men gan tăng lên rõ rệt hơn 10 lần so với mức giới hạn bình thường. Ngoài ra, thuốc còn khiến lưu lượng máu qua thận giảm, làm tăng nguy cơ bị suy thận ở người xơ gan. (3)

7. Đối với người mắc bệnh hen suyễn

Người bệnh hen suyễn dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 273888614

Một vấn đề khác được quan tâm khi dùng thuốc aspirin hay các NSAIDs là liệu chúng có an toàn cho những bệnh nhân hen suyễn không. Một số người đã phát triển các triệu chứng của viêm phế quản và viêm mũi khi dùng thuốc. (3, 11)

Có khoảng 8–20% người bệnh hen suyễn trải qua cơn co thắt phế quản sau khi uống thuốc NSAIDs. Tỷ lệ bị co thắt phế quản tăng lên ở những bệnh nhân hen suyễn, cùng với viêm mũi mạn tính hoặc có polyp mũi. (11)

Do đó, nếu bạn có tiền sử bị hen thì nên cẩn trọng khi dùng aspirin hay các thuốc giảm đau kháng viêm khác trong nhóm này. Nếu nhận thấy các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn từ khi bắt đầu dùng thuốc, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay. (11)

8. Trẻ em có được dùng thuốc giảm đau kháng viêm?

Trẻ em dùng dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 490175767

Khi dùng thuốc NSAIDs cho trẻ em, nguyên nhân chính khiến biến cố bất lợi xảy ra là do dùng sai liều dẫn đến quá liều. (3) Những tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm có thể xảy ra ở người lớn cũng có khả năng xuất hiện ở trẻ em, bao gồm biến cố đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến gan, thận, gây co thắt phế quản. (12)

Mỗi một thuốc NSAIDs tuy không khác biệt đáng kể về khả năng kháng viêm nhưng lại có những đáp ứng khác nhau ở mỗi bệnh nhân. (12) Một số NSAIDs không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 6 tháng hay thậm chí chống chỉ định với trẻ em dưới 16 tuổi vì có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như hội chứng Reye. (13, 14) Do vậy, khi lựa chọn thuốc cho trẻ, cần trao đổi kĩ bác sĩ để lựa chọn loại thuốc với dạng dùng và liều dùng phù hợp.

9. Phụ nữ mang thai và cho con bú

Phụ nữ mang thai dùng thuốc giảm đau kháng viêm
Ảnh: Shutterstock – 1254932263

Các thuốc NSAIDs thường không được khuyến nghị dùng cho phụ nữ đang mang thai ở tam cá nguyệt cuối cùng vì có khả năng làm tăng nguy cơ gặp biến cố ở trẻ sơ sinh. (2) Một số nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc giảm đau kháng viêm này có thể đi qua nhau thai và đi vào hệ tuần hoàn của thai nhi. Kết quả là đứa bé sẽ chịu những tác dụng phụ khi người mẹ đang điều trị bằng thuốc này. (15)

Việc mẹ đang cho con bú sử dụng thuốc NSAIDs dường như khá an toàn đối với trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy liều lượng thuốc xuất hiện ở trẻ đều ở mức thấp và có thể chấp nhận được do khả năng gây ra độc tính thấp. Tuy nhiên, với aspirin liều cao thì mẹ đang cho con bú không nên dùng. (16) Trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da, mẹ không nên dùng thuốc NSAIDs khi đang cho con bú. (3)

Làm sao để lựa chọn thuốc giảm đau kháng viêm phù hợp?

Mẹ chị N. năm nay đã 67 tuổi và mắc phải nhiều bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi, bao gồm đái tháo đường kèm theo bệnh thận, tăng huyết áp nhẹ, thoái hóa khớp gối, đồng thời có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng. Do đó, bà phải dùng rất nhiều loại thuốc cùng lúc trong thời gian dài. Dạo gần đây, các triệu chứng đau, cứng khớp gối do thoái hóa khớp tái phát và bà được bác sĩ kê đơn thêm thuốc giảm đau kháng viêm. Chị N. lo lắng không biết việc sử dụng nhiều thuốc như vậy có gây ra nhiều tác dụng phụ khác không. Chị có nên trao đổi gì với bác sĩ để được lựa chọn thuốc giảm đau kháng viêm an toàn, hiệu quả cho mẹ mình?

Như những thông tin được đề cập ở trên thì mẹ chị N. có khả năng cao sẽ gặp phải biến cố bất lợi khi dùng thuốc NSAIDs nếu không được theo dõi cẩn thận.

Theo Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) thì những bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến cố khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs gồm: (7)

● Trên 65 tuổi

● Sử dụng đồng thời nhiều thuốc gây ra tương tác

● Có bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy giảm chức năng thận hoặc gan

● Có tiền sử loét hoặc chảy máu đường tiêu hóa

● Thường sử dụng NSAIDs dài hạn hoặc ở liều cao

Do đó, chị N. nên thông báo cho bác sĩ tất cả bệnh lý đang có cùng với những thuốc điều trị mà mẹ chị đang dùng trước khi được kê đơn thuốc. Điều đó sẽ giúp bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro để lựa chọn loại thuốc giảm đau kháng viêm phù hợp nhất.

Ví dụ như bác sĩ có thể chỉ định dùng NSAIDs dạng bôi tại chỗ ngoài da để giúp giảm đau cơ xương khớp cấp tính hoặc giảm đau ở khớp tay, đầu gối, đồng thời hạn chế được tác dụng phụ toàn thân như khi dùng đường uống. (7) Trường hợp ưu tiên bảo vệ đường tiêu hóa, bác sĩ có thể lựa chọn nhóm NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 vì sẽ giảm khả năng gây chảy máu đường tiêu hóa hơn so với NSAIDs cổ điển. Một số hướng dẫn thực hành lâm sàng đã khuyến cáo dùng aspirin liều thấp chung với NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 ở người bệnh cần bảo vệ tim mạch. (17)

Thực tế, việc xác định đâu là thuốc giảm đau kháng viêm tốt nhất cho một bệnh nhân là điều không hề dễ dàng. Đáp ứng với thuốc của mỗi người là hoàn toàn khác biệt, cho dù có đang sử dụng cùng một tên thuốc với liều lượng y như nhau. Vậy nên, đôi khi người bệnh cần phải thử sử dụng một loại thuốc trong vài tuần và sau đó đổi sang loại mới để tìm ra được đâu là thuốc mang lại hiệu quả tối ưu. (2) Tất cả quá trình này cần có sự phối hợp tốt giữa bác sĩ chủ trị và bệnh nhân.

PP-CEL-VNM-0474

VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Nonsteroidal anti-inflammatory drugs: adverse effects and their prevention. Available from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18823646/. Accessed on 06th Aug 2020.
2. Patient education: Nonsteroidal antiinflammatory drugs (NSAIDs) (Beyond the Basics). Available from https://www.uptodate.com/contents/nonsteroidal-antiinflammatory-drugs-nsaids-beyond-the-basics. Accessed on 06th Aug 2020.
3. NSAID Prescribing Precautions. Available from https://www.aafp.org/afp/2009/1215/p1371.html. Accessed on 06th Aug 2020.
4. Nonsteroidal anti-inflammatory drugs in the elderly. Available from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11706458/. Accessed on 06th Aug 2020.
5. A Comprehensive Review of Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drug Use in The Elderly. Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5772852/. Accessed on 06th Aug 2020.
6. Cardiovascular Risk of Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs: An Under-Recognized Public Health Issue. Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5422108/. Accessed on 06th Aug 2020.
7. The dangers of NSAIDs: look both ways. Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4809680/. Accessed on 06th Aug 2020.
8. Significant Acute Kidney Injury Due to Non-steroidal Anti-inflammatory Drugs: Inpatient Setting. Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4034033/. Accessed on 06th Aug 2020.
9. Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs and the Kidney. Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4036662/. Accessed on 06th Aug 2020.
10. Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs and Hepatic Toxicity: A Systematic Review of Randomized Controlled Trials in Arthritis Patients. Available from https://www.cghjournal.org/article/S1542-3565(04)00777-3/pdf. Accessed on 06th Aug 2020.
11. NSAID-induced Bronchospasm: A Common and Serious Problem. Available from https://www.medsafe.govt.nz/profs/PUarticles/nsaid-induced.htm. Accessed on 06th Aug 2020.
12. Safe use of NSAIDs in infants and children. Available from http://archives.who.int/eml/expcom/children/LATE/NSAIDskidsMedToday-2.pdf. Accessed on 06th Aug 2020.
13. Ibuprofen Use in Young Children. Available from https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/sid7727. Accessed on 06th Aug 2020.
14. Use of Aspirin in Children is Not Recommended. Available from https://www.medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/December2015/UseOfAspirinInChildren.htm. Accessed on 06th Aug 2020.
15. Use of non-steroidal anti-inflammatory drugs in pregnancy: impact on the fetus and newborn. Available from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22299823/. Accessed on 06th Aug 2020.
16. Nonsteroidal anti-inflammatory drugs during pregnancy and the initiation of lactation. Available from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23558845/. Accessed on 06th Aug 2020.
17. Risks and benefits of COX-2 inhibitors vs non-selective NSAIDs: does their cardiovascular risk exceed their gastrointestinal benefit? A retrospective cohort study. Available from https://academic.oup.com/rheumatology/article/46/3/435/2256033. Accessed on 06th Aug 2020.
18. NSAID choice: lessons from PRECISION. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6520008/. Accessed on 15th Dec 2020.
19. Non-steroidal anti-inflammatory drugs and gastrointestinal damage—problems and solutions. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1741894/pdf/v077p00082.pdf. Accessed on 15th Dec 2020.

Phiên bản hiện tại

03/03/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Top 4 Bệnh viện và Phòng khám Đa khoa Quốc tế uy tín tại Bình Dương

[Infographic] Thuốc trị đau khớp nào có thể dùng cho người bị tăng huyết áp?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo