backup og meta

Nhận biết tác dụng của glucosamine để sử dụng hiệu quả

Nhận biết tác dụng của glucosamine để sử dụng hiệu quả

Tác dụng của glucosamine là gì mà luôn được đề cập trong các quá trình điều trị người bệnh gặp những vấn đề về cơ xương khớp?

Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu glucosamine là gì, tác dụng của glucosamine và những lưu ý trước khi có ý định sử dụng nhé!

Glucosamine là gì?

Glucosamine là một hợp chất tự nhiên được phân loại hóa học như một loại đường amin, được tổng hợp từ glucose. Loại chất này đóng vai trò hỗ trợ một loạt các phân tử chức năng trong cơ thể bạn nhưng chủ yếu là phát triển và duy trì sụn trong khớp.

Đây là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong sụn mô cứng có tác dụng đệm khớp cho cơ thể. Ở dạng thực phẩm bổ sung, glucosamine được lấy từ vỏ động vật có vỏ hoặc được sản xuất trong phòng thí nghiệm.

Glucosamine thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các vấn đề rối loạn khớp, chẳng hạn như viêm xương khớp. Loại chất này có thể được dùng thông qua các dạng bào chế đường uống, bôi tại chỗ dạng kem hoặc thuốc mỡ.

Khi cơ thể bạn già đi, sụn có thể trở nên kém linh hoạt và bị phá vỡ dần. Có một số bằng chứng cho thấy glucosamine có thể làm chậm quá trình này bằng cách xây dựng và sửa chữa sụn bị phá vỡ. Tuy nhiên ở độ tuổi cao, nồng độ glucosamine trong cơ thể giảm nên bạn có thể cân nhắc sử dụng bổ sung glucosamine.

Tác dụng của glucosamine

tác dụng của glucosamine

Các tác dụng của glucosamine đối với sức khỏe bao gồm:

1. Giảm mức độ viêm

Glucosamine thường được sử dụng bổ sung để điều trị các triệu chứng của tình trạng viêm khác nhau. Mặc dù các cơ chế giảm viêm của glucosamine vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng một nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh tác động chống viêm đáng kể khi glucosamine được áp dụng cho các tế bào liên quan đến sự hình thành xương.

Phần lớn nghiên cứu về glucosamine liên quan đến việc bổ sung kết hợp với chondroitin – một hợp chất tương tự glucosamine, đóng vai trò duy trì sụn khỏe mạnh.

Một nghiên cứu trên 200 người khi sử dụng các chất bổ sung glucosamine cho thấy mức giảm hai dấu hiệu sinh hóa cụ thể của tình trạng viêm CRP và PGE lần lượt là 28% và 24%. 

2. Hỗ trợ khớp khỏe mạnh

Glucosamine luôn tồn tại tự nhiên trong cơ thể bạn và đóng vai trò hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của các mô giữa các khớp. Sụn ​​khớp là mô liên kết trắng trong, rất bền, dai và đàn hồi tốt, bao phủ các đầu xương – nơi tiếp xúc tạo thành khớp. Loại mô này cùng với chất lỏng bôi trơn có tên là chất lỏng hoạt dịch giúp xương di chuyển tự do qua nhau, giảm thiểu ma sát và chuyển động không gây đau tại khớp.

Tác dụng của glucosamine giúp hình thành một số hợp chất hóa học liên quan đến quá trình tạo ra sụn và dịch khớp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung glucosamine có thể bảo vệ mô khớp bằng cách ngăn chặn sự phá vỡ sụn.

Một nghiên cứu nhỏ ở 41 người đi xe đạp cho thấy việc bổ sung tới 3g glucosamine mỗi ngày giúp giảm thoái hóa collagen ở đầu gối xuống 27% so với 8% ở nhóm giả dược. Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy tỷ lệ phân hủy collagen giảm đáng kể so với các dấu hiệu tổng hợp collagen trong khớp của cầu thủ bóng đá được điều trị bằng 3g glucosamine mỗi ngày trong khoảng thời gian 3 tháng.

3. Điều trị rối loạn xương khớp

Việc bổ sung glucosamine thường xuyên có thể giúp điều trị các tình trạng xương và khớp khác nhau. Phân tử này đã được nghiên cứu đặc biệt về khả năng điều trị các triệu chứng và tiến triển bệnh liên quan đến viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và loãng xương.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi sử dụng glucosamine sulfate hàng ngày có thể giúp điều trị lâu dài hiệu quả cho bệnh viêm xương khớp bằng cách giảm đau, duy trì không gian khớp và làm chậm quá trình phát triển bệnh.

4. Giúp kiểm soát viêm bàng quang kẽ

Glucosamine được nghiên cứu như một phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ (IC) – một tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt hợp chất glycosaminoglycan. Vì glucosamine là tiền chất của hợp chất này, nên có giả thuyết cho rằng khi bổ sung glucosamine có thể giúp kiểm soát viêm bàng quang kẽ. Tuy nhiên, giả thuyết này cần được nhiều nghiên cứu thực hiện chuyên sâu hơn để chứng minh khả năng này.

5. Hỗ trợ giảm viêm ruột (IBD)

Giống như viêm bàng quang kẽ, bệnh viêm ruột (IBD) có liên quan đến sự thiếu hụt glycosaminoglycan. Có rất ít nghiên cứu ủng hộ giả thuyết cho rằng glucosamine có thể điều trị bệnh viêm ruột. Một nghiên cứu trên chuột mắc IBD cho thấy rằng khi bổ sung glucosamine có thể làm giảm viêm. Tuy nhiên điều này là chưa đủ và cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về giả thiết này.

6. Khả năng điều trị đa xơ cứng (MS)

Một số nghiên cứu cho rằng glucosamine có thể là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh đa xơ cứng (MS). Một nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của việc sử dụng glucosamine sulfate cùng với liệu pháp truyền thống để điều trị bệnh đa xơ cứng tái phát. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy không có tác động đáng kể đến tỷ lệ tái phát hoặc tiến triển bệnh do glucosamine.

7. Cải thiện bệnh tăng nhãn áp

Glucosamine được cho rằng có thể điều trị bệnh tăng nhãn áp. Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng glucosamine sulfate có thể thúc đẩy sức khỏe của mắt thông qua việc giảm viêm và tác dụng chống oxy hóa trong võng mạc. Ngược lại, một nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng lượng glucosamine quá mức có thể gây hại cho những người mắc bệnh tăng nhãn áp.

8. Giúp điều trị viêm khớp thái dương hàm (TMJ)

Một số nguồn tin cho rằng glucosamine là một liệu pháp hiệu quả cho tình trạng viêm khớp thái dương hàm. Một nghiên cứu nhỏ ở những người tham gia được bổ sung kết hợp glucosamine sulfate và chondroitin cho thấy, các dấu hiệu đau và viêm đã suy giảm đáng kể, cũng như tăng khả năng vận động của hàm.

Bạn có nên sử dụng glucosamine?

tác dụng của glucosamine

Hiện nay, glucosamine sulfate thường được sử dụng để điều trị lâu dài các triệu chứng viêm xương khớp và ít mang lại hiệu quả trong điều trị các bệnh hoặc tình trạng viêm khác.

Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng glucosamine, bạn nên thảo luận cùng bác sĩ để được tư vấn liệu có nên sử dụng, liều lượng và loại thuốc đạt chất lượng tốt.

Thực phẩm bổ sung glucosamine được làm từ các nguồn tự nhiên chẳng hạn như vỏ sò, nấm hoặc được sản xuất nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Liều glucosamine được sử dụng thường trong khoảng từ 1.200 – 1.500mg mỗi ngày, có thể chia ra làm 3 lần trong 1 ngày. Thực phẩm bổ sung glucosamine có thể có các dạng bao gồm:

  • Glucosamine sulfat
  • N-acetyl glucosamine
  • Glucosamine hydrochloride
  • Glucosamine sulfate kết hợp với chondroitin sulfate

Hầu hết các dữ liệu khoa học cho thấy người bệnh đạt hiệu quả cao đối với dạng dùng glucosamine sulfate hoặc glucosamine sulfate kết hợp với chondroitin.

Mặc dù thực phẩm bổ sung glucosamine đều an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Buồn nôn, ói mửa

Bạn không nên dùng glucosamine nếu bạn mang thai hoặc cho con bú do hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh về tính an toàn khi sử dụng với nhóm đối tượng này. Glucosamine có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu đối với những người mắc bệnh tiểu đường, mặc dù nguy cơ này tương đối thấp. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, bạn hãy trao đổi với bác sĩ trước khi dùng glucosamine.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về glucosamine là gì, tác dụng của glucosamine và những lưu ý trước khi có ý định sử dụng. Trước khi sử dụng loại thực phẩm bổ sung này, bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ về thông tin sản phẩm, liều lượng sử dụng hợp lý để đạt hiệu quả nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Does Glucosamine Work? Benefits, Dosage and Side Effects
https://www.healthline.com/nutrition/glucosamine
Ngày truy cập 05.03.2020

Glucosamine: Should I try it?
https://www.medicalnewstoday.com/articles/265748
Ngày truy cập 05.03.2020

GLUCOSAMINE SULFATE
https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-807/glucosamine-sulfate
Ngày truy cập 05.03.2020

Phiên bản hiện tại

12/08/2021

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Scar Gel có tác dụng gì và có tốt không? Cách dùng và liều dùng

Uống thuốc Concor lâu dài có tốt không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 12/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo