backup og meta

Người bị chứng viêm xương khớp nên tránh ăn gì?

Người bị chứng viêm xương khớp nên tránh ăn gì?

Nếu mắc chứng viêm xương khớp, bạn nên lưu ý khi lên thực đơn hàng ngày. Một số loại thực phẩm có nguy cơ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Viêm xương khớp là tình trạng các khớp trở nên thô cứng (thoái hóa khớp) và gây đau khi di chuyển. Vấn đề này thường xuất hiện ở đầu gối, háng hoặc xương sống. Tuy vậy, trong vài trường hợp hy hữu, bạn vẫn có thể bắt gặp chứng viêm xương khớp xảy ra ở tay.

Sụn khớp là bộ phận chịu trách nhiệm kết nối hai đoạn xương với nhau. Khi chứng viêm xương khớp phát sinh, lớp sụn này sẽ bị bào mòn đến mức mất khả năng làm “tấm đệm” cho hai đầu xương. Lúc này, các xương sẽ cọ xát vào nhau khi bạn cử động, dẫn đến tình trạng sưng khớp và đau nhức nghiêm trọng.

Thông thường, viêm xương khớp phát triển ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, không ít người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc chứng bệnh này vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngày nay, phẫu thuật thay khớp gối là lựa chọn lý tưởng cho việc điều trị viêm xương khớp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thay đổi một số thói quen sống lành mạnh nhằm đẩy nhanh tốc độ hồi phục, chẳng hạn như:

  • Ăn uống điều độ, đúng giờ
  • Áp dụng chế độ ăn lành mạnh
  • Chăm thực hiện các bài tập thể chất phù hợp, hạn chế các môn thể thao va chạm

Bạn có thể quan tâm: Điều trị viêm xương khớp không phẫu thuật cho người lớn tuổi.

Người bị chứng viêm xương khớp tránh ăn gì?

Ngày nay, chứng viêm xương khớp là một trong nhiều vấn đề sức khỏe phổ biến, thuộc danh sách những nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật.

Ăn uống có thể hỗ trợ điều trị viêm xương khớp bằng cách giảm bớt các triệu chứng cũng như rút ngắn thời gian phục hồi sau phẫu thuật. Tuy nhiên, liệu bạn có biết một số thực phẩm cũng có nguy cơ khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những loại thực phẩm này nhé.

Bạn có thể muốn tìm hiểu: Đối phó với viêm xương khớp, đừng quên những siêu thực phẩm sau.

1. Đường

Chứng viêm xương khớp 1

Theo một số nghiên cứu, những món như bánh bích quy, bánh gato hay các loại bánh ngọt thông thường chứa một lượng lớn đường tinh luyện, có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh tật. Sự thay đổi này có nguy cơ khiến tình trạng viêm ở khớp tồi tệ hơn. Đồng thời, lúc này các khớp xương cũng trở nên yếu đi.

Nếu là một người hảo ngọt, bạn có thể lựa chọn mật ong để thay thế. Loại thực phẩm ngọt tự nhiên này sẽ thảo mãn “cơn thèm đồ ngọt” của bạn mà không tạo tác động tiêu cực đến chứng viêm xương khớp.

2. Muối

Chứng viêm xương khớp 2

Natri (muối) có tính giữ nước, có thể gây sưng nếu tích lũy quá nhiều trong cơ thể.

Ngoài ra, mặc dù natri góp phần vào các hoạt động của cơ thể, nhưng hấp thụ quá nhiều khoáng chất này rất dễ dẫn đến phản ứng viêm. Điều này có nguy cơ góp phần khiến chứng viêm xương khớp trở nặng.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), để giảm thiểu lượng natri hấp thụ, bạn có thể thay thế muối ăn bằng nhiều loại gia vị khác, chẳng hạn như:

  • Nghệ
  • Tỏi
  • Gừng
  • Húng quế
  • Hương thảo
  • Bạc hà

3. Các món chiên

Chứng viêm xương khớp 3

Những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như khoai tây chiên hay bánh rán có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe của cơ thể, bao gồm cả việc:

  • Làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể
  • Khiến tình trạng viêm khớp trở nặng

Các loại dầu được sử dụng để chiên thực phẩm thường tạo ra phản ứng sinh hóa trong cơ thể, gây tăng cholesterol.

Do đó, bạn cần tránh xa nhóm thực phẩm giàu chất béo bão hòa. Mặt khác, nếu cần sử dụng dầu để chế biến món ăn, bạn nên dùng một lượng nhỏ dầu oliu hoặc bơ thực vật.

4. Bột mì trắng

Chứng viêm xương khớp 4

Các sản phẩm làm từ bột mì tinh chế, ví dụ như bánh mì trắng, bánh bao, mì… có nguy cơ kích thích phản ứng viêm trong cơ thể. Điều này giải thích nguyên nhân vì sao ăn nhiều nhóm thực phẩm này làm tăng cường độ đau của chứng viêm xương khớp.

Để hạn chế tình huống này xảy ra, bạn nên chọn dùng các loại thực phẩm chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt… Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng ngũ cốc nguyên hạt chứa gluten, ví dụ như lúa mì nguyên chất, có khả năng ảnh hưởng đến cơn đau do viêm khớp.

5. Axit béo omega-6

Chứng viêm xương khớp 5

Theo các chuyên gia đến từ Khoa Y trực thuộc Đại học Harvard, bạn nên hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-6, chẳng hạn như lòng đỏ trứng và thịt đỏ. Nhóm axit béo này có nguy cơ làm tăng mức độ viêm trong cơ thể, khiến cơn đau viêm khớp trở nặng.

Thay vào đó, bạn nên chọn dùng những thực phẩm giàu omega-3, ví dụ như:

  • Cá hồi
  • Quả óc chó
  • Đậu nành

Nhóm thực phẩm này sẽ cung cấp đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể mà không ảnh hưởng tiêu cực đến chứng viêm xương khớp.

Bạn có thể muốn đọc thêm: 12 lợi ích sức khỏe từ omega-3 và cách bổ sung.

6. Sữa

Chứng viêm xương khớp 6

Một số người tin rằng sữa và các sản phẩm làm từ sữa có thể gây viêm ở một số người. Một nghiên cứu nhỏ cho thấy các triệu chứng ở những người bị viêm xương khớp không sử dụng sữa có nguồn gốc từ động vật đã cải thiện đáng kể so với những người thường xuyên dùng.

Tuy nhiên, giả thiết về mối liên hệ giữa sữa và viêm vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Để đảm bảo sức khỏe bản thân, bạn có thể thử thay thế loại sữa thường ngày của mình bằng sữa hạnh nhân hoặc sữa hạt lanh.

Thêm vào đó, hãy đảm bảo sản phẩm sữa bạn dùng không chứa carrageenan. Loại chất phụ gia này có nguy cơ gây ra nhiều triệu chứng tiêu hóa và làm suy yếu độ thẩm thấu của ruột.

Viêm xương khớp và rượu

Hầu hết các chuyên gia không khuyến khích uống rượu quá mức nếu bạn bị viêm khớp. Nồng độ purine cao trong các sản phẩm rượu bày bán trên thị trường có nguy cơ góp phần bùng phát tình trạng viêm.

Mặt khác, thuốc điều trị viêm khớp cũng có khả năng tương tác với chất cồn trong rượu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và gây nguy hiểm cho người dùng.

Tổng kết

Ăn uống có thể hỗ trợ bạn điều trị viêm xương khớp, nhưng cũng có nguy cơ góp phần khiến bệnh trở nặng nếu chọn sai thực phẩm.

Hạn chế những thực phẩm không có lợi đối với chứng viêm xương khớp còn có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe khác. Chẳng hạn như:

  • Giảm thiểu lượng muối hấp thụ mỗi ngày sẽ giúp bạn phòng ngừa tăng huyết áp.
  • Hạn chế ăn thực phẩm chiên giúp bạn giảm cân.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp nhất cho tình trạng của bạn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

6 Foods to Avoid If You Have Osteoarthritis. https://www.healthline.com/health/osteoarthritis/foods-to-avoid. Ngày truy cập 29/05/2019.

Everything You Need to Know About Osteoarthritis. https://www.healthline.com/health/osteoarthritis. Ngày truy cập 29/05/2019.

Foods to Avoid If You Have Arthritis. https://www.arthritis.org/living-with-arthritis/arthritis-diet/foods-to-avoid-limit/. Ngày truy cập 29/05/2019.

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Top 4 phòng khám cơ xương khớp uy tín tại TP.HCM

Top thực phẩm tốt và không tốt cho người bị viêm loét dạ dày


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo