backup og meta

Tác dụng phụ của dầu cá có thể khiến bạn đột quỵ

Tác dụng phụ của dầu cá có thể khiến bạn đột quỵ

Dầu cá có nhiều giá trị trong việc tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, tác dụng phụ của dầu cá cũng có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho người dùng. Dưới đây là 8 tác dụng phụ của dầu cá mà bạn có thể gặp phải khi hấp thụ quá nhiều loại dầu này hoặc axit béo omega-3.

8 tác dụng phụ của dầu cá

1. Tăng đường huyết

Tác dụng của dầu cá phần lớn đến từ thành phần omega-3. Mặc dù vậy, các nghiên cứu cho thấy bổ sung quá nhiều axit béo omega-3 có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Thêm một nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc dùng 8g axit béo omega-3 mỗi ngày có thể dẫn đến tăng 22% lượng đường trong máu ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 trong khoảng 8 tuần.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các nhà khoa học cho rằng việc tiêu thụ omega-3 liều cao có thể tăng kích thích sản xuất glucose, góp phần làm tăng hàm lượng đường huyết dài hạn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại chứng minh rằng chỉ khi sử dụng một liều rất cao omega-3 mới tác động đến lượng đường trong máu.

Trên thực tế, theo tổng hợp của hơn 20 nghiên cứu cho thấy liều hàng ngày ở mức 3,9g EPA và 3,7g DHA (hai dạng chính của axit béo omega-3) không làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của những người bị đái tháo đường týp 2.

2. Tác dụng phụ của dầu cá gây chảy máu

Hẳn bạn đã biết dầu cá có tác dụng gì nhưng bạn đã biết một trong những tác dụng phụ của dầu cá là gây chảy máu nếu dùng không đúng cách chưa? 

Một nghiên cứu trên 56 người phát hiện ra rằng bổ sung 640mg dầu cá mỗi ngày trong thời gian 4 tuần sẽ làm ức chế quá trình đông máu ở người trưởng thành. Thêm vào đó, một nghiên cứu khác cho thấy việc bổ sung nhiều dầu cá có thể dẫn đến nguy cơ chảy máu cam cao hơn. Theo báo cáo này, có 72% thanh thiếu niên bị chảy máu cam khi dùng khoảng 1 – 5g dầu cá hàng ngày.

Do đó, trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân thường được khuyên ngừng sử dụng dầu cá nếu đang dùng. Đồng thời, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng các thực phẩm chức năng khi bạn đang uống thuốc làm loãng máu như warfarin.

3. Huyết áp thấp

Uống dầu cá có tốt không? Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống dầu cá quá liều có thể làm giảm huyết áp một cách hiệu quả, đặc biệt đối với những người huyết áp cao hoặc có nồng độ cholesterol cao. Công dụng này của dầu cá có lợi đối với những người có huyết áp cao nhưng sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho người vốn có huyết áp thấp.

Đã có nhiều tài liệu ghi nhận tác dụng phụ của dầu cá gây hạ huyết áp của dầu cá. Một nghiên cứu được thực hiện trên 90 người đang chạy thận cho thấy sử dụng 3g axit béo omega-3 mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể huyết áp tâm trương lẫn huyết áp tâm thu của những người này so với nhóm sử dụng giả dược (placebo).

Dầu cá cũng có khả năng tương tác với một vài loại thuốc hạ huyết áp. Do đó, việc đầu tiên bạn cần làm là thảo luận với bác sĩ trước khi muốn sử dụng các thực phẩm chức năng trong khi đang điều trị bệnh tăng huyết áp.

4. Tiêu chảy

Tác dụng phụ của dầu cá 1

Tiêu chảy cũng là một trong những tác dụng phụ của dầu cá thường gặp nhất, bên cạnh các triệu chứng tiêu hóa khác như đầy hơi, đặc biệt khi dùng liều cao.

Ngoài dầu cá, một vài thực phẩm bổ sung omega-3 khác cũng có lúc gây tiêu chảy. Dầu hạt lanh, một sản phẩm thay thế dầu cá phổ biến dành cho người ăn chay, cũng đã được chứng minh có tác dụng nhuận tràng và làm tăng tần suất đi đại tiện.

Nếu bạn bị tiêu chảy sau khi uống omega-3, hãy xem lại liệu bạn có sử dụng những sản phẩm này trong bữa ăn hay không và xem xét việc giảm liều sử dụng để theo dõi liệu tình trạng tiêu chảy còn xuất hiện hay không.

5. Trào ngược axit

Tuy tuy công dụng của dầu cá mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch nhưng lại gây ra tác dụng phụ là ợ nóng ở nhiều người dùng. Các triệu chứng trào ngược axit khác bao gồm ợ hơi, buồn nôn và cảm thấy khó chịu ở dạ dày là những tác dụng phụ thường gặp của dầu cá, phần lớn là do nồng độ chất béo quá cao. Trong một vài nghiên cứu, chất béo đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu.

Sử dụng liều vừa phải và uống thực phẩm bổ sung dầu cá trong bữa ăn có thể làm giảm trào ngược axit hiệu quả cũng như làm giảm các triệu chứng liên quan. Hơn thế nữa, bạn có thể chia nhỏ liều dùng thành nhiều lần trong ngày để giảm bớt tình trạng khó tiêu.

6. Đột quỵ: Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của dầu cá

Đột quỵ xuất huyết là tình trạng bị chảy máu trong não, thường là do mạch máu trở nên yếu và dễ vỡ.

Một số nghiên cứu trên động vật đã phát hiện rằng việc hấp thu liều cao axit béo omega-3 có thể làm giảm khả năng đông máu và tăng nguy cơ gây đột quỵ do xuất huyết. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại đưa ra những kết luận ngược lại. Nhiều nhà khoa học cho rằng không có mối liên quan giữa lượng cá hay dầu cá sử dụng với nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não.

Do đó, cần tiến hành thêm những nghiên cứu sâu rộng trên người để xác định axit béo omega-3 có ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não.

7. Ngộ độc vitamin A

Một số loại thực phẩm bổ sung axit béo omega-3 có chứa nhiều vitamin A và khi dùng với lượng lớn có thể dẫn đến ngộ độc. Một muỗng canh (khoảng 14g) dầu gan cá tuyết đã đáp ứng tới 270% nhu cầu vitamin A hàng ngày trong một khẩu phần ăn.

Ngộ độc vitamin A sẽ gây ra những tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, đau khớp và kích ứng da. Về lâu dài, nó cũng có thể dẫn đến tổn thương gan, thậm chí suy gan trong một vài trường hợp nghiêm trọng.

Do vậy, tốt hơn hết là bạn nên chú ý đến hàm lượng vitamin A có trong sản phẩm bổ sung omega-3 và tính toán liều dùng vừa phải.

8. Mất ngủ

Có những nghiên cứu phát hiện ra rằng sử dụng dầu cá với liều lượng vừa đủ có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu trên 395 trẻ em được uống 600mg omega-3 mỗi ngày trong vòng 16 tuần đã cho thấy chất lượng giấc ngủ của chúng tăng lên.

Tuy nhiên, một vài trường hợp uống quá nhiều dầu cá lại gây cản trở giấc ngủ và góp phần gây ra bệnh mất ngủ. Việc sử dụng một liều cao dầu cá đã làm trầm trọng hơn các triệu chứng mất ngủ và lo âu ở một người bệnh có tiền sử trầm cảm.

Các nghiên cứu hiện tại chỉ mới dừng lại ở từng trường hợp cụ thể và báo cáo không có chứng cứ rõ ràng theo cách khảo cứu khách quan. Trong tương lai, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ được cơ chế mà omega-3 có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nói chung.

Để hạn chế tác dụng phụ của dầu cá, nên sử dụng bao nhiêu là đủ?

Tác dụng phụ của dầu cá

Mặc dù có nhiều khuyến cáo khác nhau, hầu hết các tổ chức y tế đều khuyến nghị nên sử dụng ít nhất 250–500mg hỗn hợp EPA và DHA, hai dạng thiết yếu của axit béo omega-3, mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe cũng như từng giai đoạn khác nhau mà liều lượng omega-3 được khuyến cáo sử dụng có thể thay đổi. 

WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai nên dùng 300mg hỗn hợp EPA và DHA, trong đó cần có khoảng 200mg DHA. Đối với trẻ sơ sinh đến 1 tuổi, lượng omega-3 cần cung cấp vào khoảng 500mg, tăng dần đến lượng dành cho người trường thành khi 14 tuổi. Đối với người trưởng thành, nữ cần được cung cấp 1.100mg mỗi ngày và nam là 1.600mg.

Theo Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, việc bổ sung axit béo omega-3 vẫn an toàn với liều lên đến 5.000mg mỗi ngày.

Một nguyên tắc chung khi dùng sản phẩm bổ sung omega-3 là nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy giảm lượng sử dụng hoặc đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu omega-3 của cơ thể qua các nguồn thực phẩm thay thế.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

8 Little-Known Side Effects of Too Much Fish Oil.

https://www.healthline.com/nutrition/fish-oil-side-effects?fbclid=IwAR3wKkmggT2z3K7Kr29MKN1EafmL-uiqYOP09ipkUnc7ya_GiLNZ4yMBt8g

Ngày truy cập: 07/09/2019

Fish Oil Dosage: How Much Should You Take Per Day?

https://www.healthline.com/nutrition/fish-oil-dosage

Ngày truy cập: 07/09/2019

Fish Oil

https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-993/fish-oil

Ngày truy cập: 07/09/2019

Phiên bản hiện tại

31/12/2020

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Omega 3-6-9: Bổ sung từ đâu?

11 loại cá ngon mà bạn không nên ăn nhiều


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 31/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo