backup og meta

Bé bị nổi mẩn đỏ có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí

Bé bị nổi mẩn đỏ có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí

Khi biết nguyên nhân khiến bé bị nổi mẩn đỏ, mẹ sẽ có cách chữa trị và phòng ngừa để con tránh được những kích ứng da gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. 

Bé bị nổi mẩn đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Né bị sốt nổi mẩn đỏ khắp người có thể là do virus và vi khuẩn gây ra do lây truyền qua từ người bị bệnh. Phổ biến hơn cả vẫn là trường hợp trẻ bị mẩn đỏ khắp người nhưng không sốt do các tác nhân bên ngoài như sản phẩm có chứa nhiều hóa chất, bụi bẩn, lông thú cưng, thời tiết nóng bức…

Bạn hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân khiến bé bị nổi mẩn đỏ để có cách bảo vệ làn da nhạy cảm của con tốt hơn nhé.

11 nguyên nhân khiến bé bị nổi mẩn đỏ

1. Do bị nhiễm virus và vi khuẩn

Virus và vi khuẩn có thể khiến cho bé bị sốt nổi mẩn đỏ khắp người và gây ra một số bệnh dưới đây:

• Bệnh ban đào: Đây là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em từ 6 tháng đến 2 tháng tuổi. Bệnh thường khiến cho bé sốt rất cao, từ 39-41°C trong 3-6 ngày rồi sau đó nổi mẩn trên thân người và lan sang cổ, cánh tay, mặt…

• Bệnh tinh hồng nhiệt: Một dạng bệnh do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra khiến cho bé bị sốt nổi mẩn đỏ khắp người. Ngoài sốt và phát ban da, vi khuẩn này còn khiến cho bé bị đau đầu, nhức mỏi cơ thể, buồn nôn, đau dạ dày, hoặc nôn…

• Bệnh tay chân miệng: Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do một số loại virus khác nhau. Bệnh thường đi kèm với sốt, đau họng, biếng ăn, khó chịu… Sau 1-2 ngày sốt, bé có thể bị phát ban làm xuất hiện mụn nước ở cổ họng, có đốm đỏ trên lòng bàn tay, bàn chân, ở mông hoặc ở 2 bên bộ phận sinh dục.

• Ban đỏ nhiễm khuẩn: Đây là bệnh thường xảy ra ở trẻ mới biết đi do virus Parvovirus B19 gây ra nhiễm trùng. Bé bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người, bắt đầu từ má, lan sang thân người, mông, cánh tay và chân. Bệnh còn khiến bé bị đau đầu và sổ mũi.

>>> Đọc thêm: 7 cách chăm sóc da cho trẻ sơ sinh bị mẩn ngứa

• Bệnh thủy đậu: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella gây ra. Đây là một bệnh có thể lây lan nhanh chóng và xảy ra phổ biến ở trẻ em. Biểu hiện ban đầu của bệnh thủy đậu là nổi các mụn nước trên da và niêm mạc, cơ thể sốt cao, suy nhược, mệt mỏi.


Bạn cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện khi thấy bé bị nổi mẩn đỏ, sốt kèm các triệu chứng khác như phát ban, mệt mỏi, nôn, đau họng, biếng ăn, khó chịu…

2. Kem chống nắng gây kích ứng da

bé bị nổi mẩn đỏ

Mặc dù tác dụng của kem chống nắng có thể giúp ngăn ngừa bức xạ UV nhưng một số công thức trong kem có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé và khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ.

Vì thế, bạn nên biết cách sử dụng kem chống nắng và chọn loại kem không có axit para – aminobenzoic (PABA), một hóa chất có thể gây kích ứng. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất bạn không nên cho bé ra nắng và nếu có sử dụng kem chống nắng thì nên hỏi kỹ bác sĩ tư vấn. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, bạn có thể chọn loại kem có thành phần an toàn cho da nhạy cảm của bé, có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan uy tín chứng nhận.

>>> Đọc thêm: Trẻ bị phát ban nhưng không sốt là bệnh gì? 7 cách xử lý mẹ cần biết


Phụ nữ khi mang thai sử dụng kem chống nắng chứa hóa chất có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi và bị kích ứng da bởi các hóa chất. Vì thế, bạn hãy sử dụng loại kem có thành phần chiết xuất từ tự nhiên để an toàn cho cả hai mẹ con.

3. Rủi ro từ triclosan trong hóa mỹ phẩm

Triclosan là một thành phần được tìm thấy trong một số loại xà phòng kháng khuẩn, kem đánh răng, sữa tắm và mỹ phẩm. Đây là hóa chất có thể gây phát ban da tiếp xúc ở một số trẻ có làn da nhạy cảm khiến em bé nổi mẩn đỏ khắp người.

Một số nghiên cứu còn cho thấy triclosan có thể làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong các nghiên cứu trên động vật. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh sự an toàn của hóa chất này khi sử dụng lâu dài.

Nếu hóa chất gây kích ứng và khiến bé bị phát ban, bạn có thể khuyến khích con rửa tay bằng xà phòng thông thường và nước sạch. Ngoài ra, bạn cũng cần sử dụng những sản phẩm không chứa triclosan cũng như có thành phần an toàn cho làn da.

Nếu con bị viêm da tiếp xúc, bạn có thể giúp con chữa bệnh bằng cách dưỡng ẩm đều đặn cho con bằng thuốc mỡ theo chỉ định từ bác sĩ, tắm nước ấm hàng ngày cho bé. Bạn cũng có thể cho con mặc quần áo thoáng mát, hạn chế nhiều nhất có thể những hóa chất độc hại trong nhà…

4. Kem dưỡng da khiến bé bị nổi mẩn đỏ

bé bị nổi mẩn đỏ

Kem dưỡng ẩm cũng là một tác nhân khiến da bé bị tổn thương do có chứa những mùi hương gây kích ứng cho làn da mỏng manh, đặc biệt là khi bé đã bị bệnh chàm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu thêm về những thành phần trong kem dưỡng ẩm có chứa paraben và phthalates gây ra vấn đề về nội tiết tố.

Đối với làn da khô của trẻ, bạn nên chỉ sử dụng bộ sản phẩm tắm dịu nhẹ để bảo vệ làn da bé và không chà xát da khô sau khi tắm. Bạn cũng nên hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn về loại kem dưỡng da an toàn cho bé.

>>> Tham khảo thêm: Cách xử lý vết thương cho trẻ tại nhà bằng biện pháp tự nhiên

5. Khăn giấy ướt có chứa hóa chất khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ

Khăn giấy ướt dùng 1 lần có thể chứa cồn và hóa chất tạo mùi hương gây kích ứng da. Chúng còn chứa chất bảo quản có thể kích hoạt viêm da tiếp xúc, phát ban hoặc nổi mề đay. Thay vào đó, bạn hãy dùng khăn vải mềm an toàn cho da bé.

6. Bột giặt khiến bé bị nổi mẩn đỏ khắp người

bé bị nổi mẩn đỏ

Các hóa chất trong một số chất tẩy rửa có thể kích hoạt viêm da tiếp xúc khiến bé bị nổi mẩn đỏ khắp người nhưng không sốt. Đây là tác nhân phổ biến gây các bệnh về da ở trẻ, đặc biệt là những bé có tiền sử bị bệnh chàm.

Để ngăn chặn tình trạng viêm da ở trẻ, mẹ nên sử dụng những sản phẩm giặt không chứa hóa chất độc hại, không chứa mùi hương nhân tạo và thuốc nhuộm, chất tẩy. Bạn hãy ưu tiên chọn sản phẩm “gốc thực vật” không mùi, có mùi hương chiết xuất từ thiên nhiên và có giấy chứng nhận của cơ quan uy tín về thành phần tự nhiên.

>>> Tìm hiểu thêm: Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tác nhân độc hại!

Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo giặt quần áo, khăn trải giường và khăn tắm của con thật sạch sẽ để loại bỏ cặn bột giặt đồng thời giữ những vật dụng con tiếp xúc sạch sẽ để tránh kích hoạt bệnh da liễu.

7. Dầu gội và dầu xả gây kích ứng da đầu bé

Bạn nên kiểm tra thành phần trên nhãn sản phẩm trước khi gội đầu cho con. Một số hương liệu và hóa chất trong những sản phẩm này có thể khiến da đầu nhạy cảm của bé gặp nhiều vấn đề.

Nghiên cứu cũng đã xác định được một số thành phần như phthalates, formaldehyd và 1,4 dioxane có thể gây lo ngại cho sức khỏe của bé và cả gia đình bạn. Để an toàn hơn, bạn hãy tìm các sản phẩm tự nhiên với ít hương liệu, hóa chất độc hại.

8. Chất làm mềm vải khiến bé bị nổi mẩn đỏ

bé bị nổi mẩn đỏ

Nếu con có làn da nhạy cảm, bạn nên tránh sử dụng những loại nước xả làm mềm vải có nhiều mùi hương hoặc sử dụng giấy làm thơm quần áo (dryer sheet). Những sản phẩm này chứa rất nhiều hóa chất cùng hương liệu độc hại như limonene và benzyl acetate. Ngoài gây kích ứng da, mắt, mũi và cổ họng, chúng còn có thể là những “sát thủ” gây tổn thương gan, thận, phổi, ung thư…


Nếu muốn làm quần áo mềm mại, bạn có thể tự làm nước xả vải từ tự nhiên bằng cách thêm 1/2 bát (chén) baking soda hoặc 1/2 chén giấm vào quá trình giặt quần áo.

9. Sản phẩm tẩy rửa gia dụng nhiều hóa chất

Chất tẩy rửa gia dụng trong ngôi nhà có thể kể đến là nước giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, lau bếp, sản phẩm làm sạch toilet, nhà tắm, nước lau kính…

Những sản phẩm tẩy rửa này có chứa rất nhiều hóa chất độc hại mà không được liệt kê trên nhãn thành phần của sản phẩm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác hại của hóa chất tẩy rửa không chỉ gây ra những vấn đề về da mà còn có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm tổn thương phổi, hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc….

Chẳng hạn như alkylphenol ethoxylates (APEs), được tìm thấy trong một số chất tẩy rửa và chất khử trùng có thể gây ra những vấn đề về nội tiết tố và làm ảnh hưởng khả năng sinh sản. Amoniac có thể gây kích ứng phổi, bỏng da và gây độc nếu nuốt phải.

Volatile organic compounds (VOC) thường được sử dụng làm hương liệu nhân tạo có thể gây triệu chứng kích ứng, làm ảnh hưởng hệ thần kinh. Chúng thậm chí còn có thể làm tổn thương gan, thận, hệ thần kinh trung ương hay thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.


Bạn có thể tự làm nước tẩy rửa gia dụng tại nhà hoặc mua sản phẩm gốc thực vật tiện lợi bày bán ở siêu thị, các cửa hàng đại lý lớn.

Thực tế, sản phẩm chứa hóa chất độc hại cũng có thể gắn mác không mùi, không hóa chất độc hại để đánh lừa người tiêu dùng nhưng sự thật không hẳn là như vậy. Vì thế, bạn cần nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc thành phần, xuất xứ, thương hiệu và có cơ quan uy tín kiểm duyệt thành phần.

>>> Tham khảo thêm: Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là gì? Trẻ bị rôm sảy phải làm sao?

10. Chất bảo quản trong xà phòng khiến bé dị ứng

bé bị nổi mẩn đỏ

Ngay cả một số sản phẩm được dán nhãn cho trẻ sơ sinh nhưng vẫn có chứa formaldehyd, một chất gây kích ứng da, mắt và phổi. Xà phòng cũng có thể làm kích hoạt bệnh chàm, khiến da bị nổi mẩn đỏ khắp người, gặp kích thích và bị viêm da.

Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là khá phổ biến, đặc biệt là nếu trẻ đã bị dị ứng hoặc hen suyễn. Vì thế, bạn nên chọn mua các sản phẩm không có hương liệu và hóa chất để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé.

11. Ô nhiễm không khí khiến bé bị nổi mẩn đỏ

Bé có thể gặp tình trạng viêm da, dị ứng nếu như tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, lông thú hay ô nhiễm không khí trong nhà.

Vì thế, mẹ cần luôn giữ không gian sống sạch sẽ bằng cách lau dọn nhà thường xuyên bằng sản phẩm dịu nhẹ hoặc sử dụng thêm máy lọc không khí trong nhà để bảo vệ sức khỏe của con.

Nếu làn da nhạy cảm của bé dễ bị kích ứng, bạn hãy chọn mua các sản phẩm chăm sóc nhà cửa thân thiện với môi trường để ngôi nhà sẽ là nơi an toàn và lý tưởng cho sức khỏe của con yêu nhé.

>> Xem thêm: 9 tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe của bạn

Mẹ nên làm gì khi trẻ bị nổi mẩn đỏ kéo dài?

Những điều không nên làm khi trẻ bị nổi mẩn đỏ

  • Không tắm hoặc lau rửa cho bé quá kỹ. Da của bé rất mỏng nếu lau rửa quá kỹ, da của bé rất dễ bị kích ứng.
  • Tuyệt đối không được nặn hay làm vỡ mụn ở vùng da bị mẩn đỏ để tránh gây nhiễm trùng
  • Không dùng các loại kem không rõ nguồn gốc thoa lên da bé.
  • Không dùng các loại sữa tắm có chất tạo bọt, tẩy rửa vì những chất này tiếp xúc với da bé sẽ khiến da của bé đỏ và ngứa nặng hơn.

Những điều mẹ nên làm khi trẻ bị nổi mẩn đỏ

Khi trẻ nổi mẩn đỏ, mẹ nên loại bỏ những tác nhân kích ứng và nên chú ý thực hiện những điều sau để nhanh chóng làm dịu làn da của bé

  • Giữ vệ sinh cơ thể cho bé

  • Mẹ cần vệ sinh cơ thể và miệng của trẻ sạch sẽ sau khi cho trẻ ăn và bú.

  • Không nên để trẻ ở một không gian quá nóng, ngột ngạt hoặc quá ẩm ướt.

  • Không để bé cào, gãi lên vùng da bị mẩn đỏ, tránh làm da trầy xước, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn xâm nhập vào da.

  • Chọn những loại quần áo được làm từ chất liệu thoáng mát, mềm mại và có thể thấm hút tốt giúp trẻ thoải mái khi mặc và tránh việc quần áo cọ vào những nốt mụn gây đau và khó chịu.

  • Nên bổ sung nhiều nước, sữa và các loại thức uống có tính mát cho trẻ bị nổi mẩn đỏ để giúp bé tăng cường sức đề kháng.

Bé bị nổi mẩn đỏ có thể do nhiều nguyên nhân đến từ môi trường sống khiến da bé bị kích ứng. Vì thế, mẹ hãy bảo vệ làn da của con bằng cách hạn chế nhiều nhất các tác nhân nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Common childhood rashes
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/common-childhood-rashes
Ngày truy cập: 27/02/2023
Baby rashes
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/multimedia/baby-rashes/sls-20076668
Ngày truy cập: 27/02/2023
Rash or Redness – Localized
https://www.healthychildren.org/English/tips-tools/symptom-checker/Pages/symptomviewer.aspx?symptom=Rash+or+Redness+-+Localized
Ngày truy cập: 27/02/2023
Common Skin Rashes in Children
https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2015/0801/p211.html
Ngày truy cập: 27/02/2023
Rashes in babies and children
https://www.nhs.uk/conditions/rashes-babies-and-children/
Ngày truy cập: 27/02/2023
Rash – child under 2 years: MedlinePlus Medical Encyclopedia
https://medlineplus.gov/ency/article/003259.htm
Ngày truy cập: 27/02/2023
Skin care for your baby – PMC
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2528704/
Ngày truy cập: 27/02/2023

Phiên bản hiện tại

02/06/2023

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tác nhân độc hại!

Bệnh chàm có lây không? Những điều bạn cần nên biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 02/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo