backup og meta

6 dấu hiệu bạn bị mất nước: Hãy bổ sung nước ngay!

6 dấu hiệu bạn bị mất nước: Hãy bổ sung nước ngay!

Khi thời tiết nóng bức, hãy lưu ý đến những dấu hiệu bạn bị mất nước để kịp thời bổ sung. Mất nước có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn bạn tưởng.

Mọi sinh vật sống đều cần nước để tồn tại. Tuy nhiên, cơ thể sẽ bị mất chất lỏng khi đổ mồ hôi, đi tiểu, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Khi chất lỏng trong cơ thể bị hao hụt, sự sống cũng bị đe dọa. Cơ thể có nhu cầu được bổ sung nước, và thế là chúng ta cảm thấy khát nước.

Khát nước là dấu hiệu bạn bị mất nước rõ ràng nhất, cho thấy cơ thể bạn đang thiếu nước và không thể vận hành ở mức tốt nhất. Mất nước không chỉ đơn thuần là cơ thể thiếu nước, mà còn có nghĩa là bạn mất chất điện giải, chẳng hạn như muối và kali. Chất điện giải giúp bạn thở, di chuyển, nói chuyện và thực hiện tất cả những hoạt động khác.

Khi bạn mất chất lỏng nhiều đến nỗi trọng lượng cơ thể giảm hơn 10% thì tức là bạn đang trong tình trạng mất nước nghiêm trọng, có thể dẫn đến những tổn thương hoặc biến chứng gây tử vong và cần được đưa đi cấp cứu. Lên cơn co giật, rối loạn nhịp tim hoặc sốc giảm thể tích sẽ xảy ra do lượng máu của bạn quá thấp.

Tuy nhiên, mọi người hiếm gặp tình trạng đó. Hầu hết trong các trường hợp, bạn có thể dễ dàng bổ sung thêm nước để chống mất nước. Một khi đã mất 5-6% trọng lượng cơ thể, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy các triệu chứng mất nước nhẹ. Khát nước, mệt mỏi, chóng mặt, táo bón là những dấu hiệu nghiêm trọng, cho thấy đã đến lúc bạn cần uống nước hay các loại thức uống thể thao ít đường và nhiều chất điện giải.

Nhưng không phải lúc nào những dấu hiệu bị mất nước cũng rõ rệt. 6 dấu hiệu dưới đây sẽ khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên:

1. Hôi miệng

dấu hiệu bạn bị mất nước 2

Hôi miệng là dấu hiệu bạn bị mất nước. Nước bọt có đặc tính kháng khuẩn, nhưng mất nước có thể ngăn cơ thể tạo ra đủ lượng nước bọt.

Nếu không có đủ nước bọt, bạn có thể bị bội nhiễm vi khuẩn trong miệng và một trong những tác dụng phụ của bệnh đó là hiện tượng hôi miệng.

2. Da khô hoặc đỏ ửng

dấu hiệu bạn bị mất nước 3

Nhiều người nghĩ rằng những người bị mất nước sẽ đổ mồ hôi rất nhiều, nhưng thực tế, khi bạn trải qua những giai đoạn mất nước khác nhau, bạn sẽ có làn da rất khô, thậm chí bị đỏ.

Khi ấn vào làn da của một người bị thiếu nước sẽ thấy tình trạng kiểu như “lún’ xuống, một lúc sau mới trở về phẳng như bình thường.

3. Chuột rút

Chuột rút (co rút cơ bắp) là một triệu chứng mất nước khác. Khi cơ thể bạn mất một lượng chất lỏng nhất định, nó không thể tự làm mát như bình thường. Càng nóng thì càng dễ bị chuột rút, hiện tượng này là do một hiệu ứng nhiệt thuần túy trên cơ bắp. Khi các cơ làm việc nhiều hơn, sản sinh nhiều nhiệt lượng hơn thì càng dễ xảy ra co rút cơ bắp. Ngoài ra, những thay đổi trong chất điện giải (như natri hoặc kali) cũng có thể dẫn đến chuột rút.

Ngay cả trong điều kiện thời tiết mát mẻ, chúng ta vẫn có thể bị mất nước nếu không uống đủ nước khi tập thể dục.

4. Sốt và ớn lạnh

Các triệu chứng khác của bệnh nhiệt bao gồm sốt và ớn lạnh. Kiểu như cả cơ thể toát mồ hôi đầm đìa trong khi chạm vào bên ngoài da thì thấy da vẫn mát.

Sốt có thể làm mất nước trầm trọng hơn. Sốt càng cao, bạn càng mất nhiều nước. Nếu không hạ sốt, làn da sẽ mất khả năng tự làm mát, sau đó trở nên nóng, khô và đỏ ửng khi chạm vào. Tại thời điểm này, điều quan trọng là phải hạ nhiệt ngay lập tức và gặp chuyên gia y tế. Chườm mát da bằng khăn ẩm, giữ nhiệt độ môi trường xung quanh mát mẻ là những cách hạ nhiệt tạm thời trong khi chờ đợi sự trợ giúp của chuyên gia y tế.

Trẻ em và trẻ sơ sinh dễ mất nhiều chất lỏng cơ thể hơn khi bị sốt. Trẻ cũng dễ bị tiêu chảy nặng và nôn mửa vì bệnh. Cần chú ý khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị sốt. Kể cả người lớn khi bị sốt 39 độ C trở lên cũng cần được thăm khám.

5. Thèm đồ ăn, đặc biệt là các món đồ ngọt

Các cơ quan trong cơ thể cần nước để hoạt động, bao gồm cả gan. Khi cơ thể mất nước, gan sẽ khó giải phóng glycogen (lượng glucose dự trữ) và các thành phần khác trong kho dự trữ năng lượng trong cơ thể, vì vậy bạn có thể cảm thấy thèm ăn.

Sẽ không có gì lạ lùng khi bạn bỗng thấy thèm ăn mọi thứ, từ sô cô la đến các món mặn ăn vặt, nhưng cơn thèm đồ ngọt vẫn là phổ biến nhất. Cơ thể bạn khi ấy đang gặp khó khăn để giải phóng glucose vào máu để sử dụng làm nhiên liệu cho các hoạt động hàng ngày.

6. Nhức đầu

Đôi khi ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng gây ra đau đầu và khởi phát chứng đau nửa đầu. Nếu sau khi bạn uống nước đầy đủ và thấy cơn đau đầu giảm thì nhiều khả năng mất nước chính là nguyên nhân.

Làm sao để biết bạn bị mất nước hay đang mắc phải vấn đề sức khỏe nào khác?

Nếu bạn khát nước, đơn giản là cơ thể bạn đã bị mất nước. Nhưng trong trường hợp không thấy khát thì chưa thể khẳng định là bạn không bị mất nước. Có hai cách để kiểm tra xem bạn có bị mất nước hay không:

  • Kiểm tra da: Dùng hai ngón tay véo vào một số phần da trên mu bàn tay và buông ra. Nếu da trở lại trạng thái bình thường sau chưa đầy vài giây thì ổn, còn da trở về trạng thái bình thường chậm hơn thì bạn có thể bị mất nước.

dấu hiệu bạn bị mất nước 4

  • Kiểm tra nước tiểu: Nếu cơ thể bạn được cung cấp đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Màu vàng đậm hơn hoặc màu cam là những màu sắc cảnh báo, cho thấy bạn cần uống nhiều nước hơn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

6 Unusual Signs of Dehydration You Should Know About

https://www.everydayhealth.com/news/unusual-signs-of-dehydration/

Truy cập ngày 11/06/2019

What is Dehydration? What Causes It?

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/dehydration-adults#1

Truy cập ngày 11/06/2019

Dehydration

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/symptoms-causes/syc-20354086

Truy cập ngày 11/06/2019

Phiên bản hiện tại

10/12/2019

Tác giả: Thảo Lê

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Có nguy hiểm hay không khi cơ thể mất nước?

Nhận diện sớm tình trạng mất nước ở trẻ sơ sinh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 10/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo