backup og meta
Chuyên mục

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Chứng khát nước liên tục là do đâu và cách điều trị?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 30/10/2023

    Chứng khát nước liên tục là do đâu và cách điều trị?

    Chứng khát nước là một thuật ngữ y khoa chỉ cảm giác khát nước liên tục và tình trạng không hề cải thiện dù bạn đã uống bao nhiêu nước.

    Chứng khát nước không phải là bệnh nhưng bản thân nó có thể là triệu chứng quan trọng của một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. Những người có triệu chứng này nên đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.

    Chứng khát nước quá mức là gì?

    chứng khát nước khiến bạn uống nước liên tục

    Cảm giác khát quá mức có thể xảy ra thường xuyên nhưng thường không kéo dài và dễ dàng biến mất sau khi cơ thể hấp thu đủ nước.

    Trong khi đó, chứng khát nước có thể kéo dài liên tục nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí lâu hơn tùy thuộc vào nguyên nhân. Thông thường, một người bị chứng khát nước có xu hướng hầu như luôn cảm thấy khát mặc dù thường xuyên uống một lượng lớn nước. Bị khát nước liên tục thường đi kèm với khô miệng tạm thời hoặc kéo dài.

    Khát nước liên tục là bệnh gì?

    Hay khát nước là bệnh gì? Chứng khát nước thường có liên quan trực tiếp đến tình trạng tiết niệu. Bạn sẽ tiểu tiện rất nhiều lần một ngày và ngay sau đó, cơ thể cảm thấy cần phải bổ sung lại lượng chất lỏng mất đi khi tiểu tiện. Trong đó phải kể đến chứng đa niệu – một tình trạng mà cơ thể bài tiết ra một lượng nước tiểu lớn bất thường.

    Hay khát nước cũng có thể xuất hiện khi bạn bị mất nước do đổ mồ hôi nhiều trong khi tập thể dục và lao động, ăn mặn, ở trong môi trường nhiệt độ cao hoặc dùng một số thuốc khiến bạn phải tiết ra nhiều chất lỏng, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu. Bên cạnh đó, khi uống một số loại nước như cà phê, trà xanh hoặc trà đen, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ khát.

    Tại sao khát nước liên tục? Tình trạng mất nước vì không uống đủ nước cũng chính là một nguyên nhân phổ biến gây ra chứng khát nước.

    Ngoài ra, khát nước liên tục còn được cho là một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh tiểu đường. Đường trong máu cao sẽ kéo nước ra khỏi tế bào, khiến cơ thể bị mất nước. Bên cạnh đó, thận có xu hướng đào thải đường dư thừa ra ngoài cùng với nước tiểu nên bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Đây chính là những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy khát nước liên tục.

    Chứng khát nước cũng chính là một dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo nhạt. Bệnh này xảy ra khi cơ thể bị suy giảm hormone ADH trong quá trình chuyển hóa nước, khiến lượng chất lỏng trong cơ thể mất cân bằng. Bệnh nhân gặp tình trạng khát nước liên tục và mãnh liệt kể cả khi thường xuyên uống nước, đi tiểu rất nhiều.

    Nguyên nhân khác gây chứng khát nước có thể do một rối loạn nào đó, thường gặp ở những người có vấn đề về tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt. Những người này hay bị khát nước quá mức dẫn đến uống nước nhiều và tiểu nhiều.

    Phụ nữ mang thai cũng có thể gặp phải tình trạng khát nước do mẹ bầu thường dễ bị nóng và đổ mồ hôi hơn, dẫn đến mất nhiều nước hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, cơ thể bà bầu cần nhiều nước hơn cho cả mẹ lẫn thai nhi. Và khi em bé tiếp tục phát triển, tử cung mở rộng và ấn xuống bàng quang, khiến người mẹ muốn đi tiểu nhiều hơn và cơ thể mất nước nhiều hơn.

    Triệu chứng cụ thể của chứng khát nước

    triệu chứng chứng khát nước

    Triệu chứng rõ nhất của chứng khát nước là bạn sẽ cảm thấy khát nước liên tục, kể cả khát nước về đêm ngay cả sau khi bạn đã uống rất nhiều mà không giải thích được tại sao.

    Các triệu chứng phổ biến khác của chứng khát nước bao gồm:

    • Có lượng nước tiểu cao bất thường (trên 5 lít mỗi ngày).
    • Cảm giác miệng và cổ họng luôn khô rát liên tục.

    Ngoài ra, bạn có thể có những biểu hiện khác nếu chứng khát nước là do tình trạng bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường gây ra. Một số triệu chứng đái tháo đường có thể đi kèm với chứng khát nước bao gồm:

  • Cảm thấy đói bụng bất thường
  • Kiệt sức, suy nhược
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Tê bì chân tay, mờ mắt, dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành…
  • Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý việc uống quá nhiều nước cũng có thể dẫn đến chứng ngộ độc nước. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể bạn hấp thu quá nhiều dẫn đến dư thừa lượng nước lớn. Chứng ngộ độc nước có thể pha loãng lượng natri trong máu và gây tình trạng hạ natri máu, rất nguy hiểm. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như:

    • Nhức đầu, buồn nôn, nôn
    • Cảm giác choáng váng hoặc mất phương hướng
    • Co thắt cơ hoặc chuột rút
    • Nhìn đôi
    • Tăng huyết áp
    • Buồn ngủ
    • Mất cảm giác
    • Buồn ngủ.

    Điều trị chứng khát nước liên tục như thế nào?

    chứng khát nước khiến bạn uống nước liên tục

    Phương pháp điều trị chứng này sẽ khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể dẫn đến bị khát nước liên tục.

    Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, mục đích chữa trị là để giảm lượng đường trong máu xuống và ổn định chúng. Cách tốt nhất để duy trì lượng đường huyết ở mức phù hợp là tập thể dục, kế hoạch ăn uống và uống thuốc tiểu đường theo đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

    Bạn có thể kiểm soát bệnh đái tháo nhạt bằng cách rất đơn giản là uống đủ nước. Cách này là để giúp điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng mất nước. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc gọi là desmopressin có tác dụng tương tự như hormone ADH của cơ thể.

    Những người bị khát nước quá mức do vấn đề về tâm thần có thể cần đến bác sĩ để được tư vấn giúp vượt qua “ý nghĩ bắt buộc cơ thể uống nhiều nước”, dù rằng điều này là không cần thiết.

    Vì vậy, nếu bạn hay bị khát nước liên tục mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đi thăm khám sớm để được điều trị đúng cách và kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 30/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo