Trong đời sống thường nhật, “gia trưởng” là từ được sử dụng để chỉ người có tính cách độc đoán và thích kiểm soát hay người có cái tôi lớn. Nhưng theo nghĩa gốc, “gia trưởng” không có hàm ý tiêu cực, mà đơn thuần là một thuật ngữ mà khái niệm, mô tả tính chất của nó liên tục được nghiên cứu, làm rõ trong nhiều năm. Vậy chính xác gia trưởng là gì? Cụ thể là trong bối cảnh gia đình, người mang tính cách gia trưởng sẽ có các biểu hiện như thế nào?
Nội dung bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được nhiều tầng nghĩa cũng như mở ra cho bạn nhiều góc nhìn về khái niệm gia trưởng là gì, khác với cách hiểu về gia trưởng mà bạn vẫn hay nghĩ.
Gia trưởng là gì?
Gia trưởng (paternalism) là một hệ tư tưởng, một quan niệm đề cao vai trò và vị trí của người đàn ông trong gia đình. Đây là định nghĩa thuộc thời kỳ Nho giáo – khoảng thời gian mà khái niệm này xuất hiện. “Gia trưởng” đại diện cho lối tư duy trọng nam khinh nữ, nghĩa là chỉ có đàn ông mới có khả năng tạo lập, nuôi dưỡng gia đình, và rộng hơn là xây dựng, phát triển xã hội. Chính vì vậy mà người đàn ông được xem là quan trọng nhất, là trung tâm của gia đình.
Ở thời điểm đó, khi sống trong gia đình, người phụ nữ phải coi cha là số 1, khi lấy chồng thì chồng là số 1, còn khi chồng mất thì con trai là số 1. Vì vậy người phụ nữ trong xã hội xưa luôn được gắn với quan điểm ‘tam tòng’ – Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Theo cập nhật mới nhất từ Từ điển Đại học Cambridge Anh, định nghĩa Gia trưởng (paternalism) là từ dùng để chỉ người có thẩm quyền nhất định trong một hệ thống và có xu hướng hành động, suy nghĩ hay ra quyết định thay cho người khác, muốn người khác hành động theo ý mình. Mặc dù hành vi của người gia trưởng có thể hướng tới lợi ích của người khác, nhưng nó lại ngăn cản người khác phát triển tính tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của chính họ.
Tính cách của người gia trưởng như thế nào?
Về mặt ngôn ngữ học, nghĩa của từ gia trưởng không có hàm ý tiêu cực. Nó có nghĩa đơn giản là những người đứng đầu, người có khả năng gánh vách và đảm nhận những trọng trách lớn trong gia đình.
Về tính cách và thái độ, người gia trưởng thường có tính cách áp đặt, bảo thủ, kiểm soát và có xu hướng ép buộc người khác phải theo ý của mình. Những người này thường có tính cách cộc cằn, khô khan, dễ cáu gắt và nổi giận. Do tính cách này mà họ thường rất quyết đoán nên về mặt công việc họ thường đạt kết quả cao. Tuy nhiên họ thường thất bại trong việc giao tiếp và quản lý đội nhóm.
Trong gia đình, những người này thường khiến không khí gia đình trở nên nặng nề, ngột ngạt và dễ nảy sinh mâu thuẫn; tạo cho mọi người cảm không muốn ở gần.
Gia trưởng / Người gia trưởng
Ngoài ra việc thường xuyên ra quyết định thay cho các thành viên khác trong gia đình, tuy với ý định mang lại điều tốt nhất, lại ngăn cản quyền tự chủ của họ. Như trong bối cảnh cụ thể giữa người cha gia trưởng và các con, hành vi này của họ đã vô tình giới hạn quyền quyết định và khả năng tự chịu trách nhiệm của các con.
Dấu hiệu nhận biết một người đàn ông gia trưởng là gì?
Sau khi bạn đã hiểu về nguồn gốc và khái niệm của gia trưởng là gì, bạn sẽ dễ dàng hiểu lý do vì sao những người đàn ông có những dấu hiệu sau đây.
Dấu hiệu nhận biết đàn ông gia trưởng
- Thích kiểm soát mọi thứ
- Muốn mọi người phải theo ý mình
- Luôn cho rằng bản thân là đúng
- Muốn mọi người phải nhận sự giúp đỡ từ anh ta
- Có quan niệm người làm việc nhà phải là phụ nữ
- Sẵn sàng sử dụng bạo lực để đạt được mục đích.
- Tin rằng bản thân có năng lực tốt nhất trong mọi lĩnh vực
- Tin rằng bản thân đang tạo lợi ích tốt nhất cho các cá nhân và toàn tập thể
- Đánh giá người khác không có khả năng hoặc có thì cũng kém hơn mình
- Kiểm soát: Giành quyền lao động, chu cấp tiền bạc và kiến thức, ra quyết định của người khác
Ngoài ra, một số quan niệm hướng đến nữ giới của người gia trưởng còn có thể là:
- Người làm việc nhà phải là phụ nữ
- Những quyết định đối với gia đình, nữ giới không có quyền lên tiếng…
Nhìn chung, những đặc điểm tính cách này đều nhằm phục vụ cho niềm tin họ là người đưa ra quyết định vì muốn tốt cho mọi người, và họ còn tin rằng chỉ có quyết định của họ luôn đúng. Tóm lại, những đặc điểm tính cách này đều nhằm thể hiện và duy trì sự gia trưởng trong bản thân cá nhân và toàn hệ thống như gia đình hay tổ chức.
Câu hỏi thường gặp
Đàn ông gia trưởng có tốt không?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết bạn cũng cần biết qua một số khái niệm mở rộng về gia trưởng là gì.
Steve Corbett và Brian Fikkert là hai tác giả sách, nhà phát triển cộng đồng và cũng là hai nhà nghiên cứu phát triển kinh tế, họ đã xuất bản một quyển sách về chủ nghĩa gia trưởng và phân loại chủ nghĩa này thành 5 loại khác nhau bao gồm:
- Gia trưởng tài nguyên (Resource paternalism): Tin rằng bản thân là người đảm nhận trọng trách trong việc kiếm tiền và cung cấp cho những người khác trong gia đình và xã hội. Với niềm tin rằng bản thân là người duy nhất có khả năng trong việc kiếm tiền, người thuộc nhóm gia trưởng tài nguyên có xu hướng độc chiếm vị trí tạo thu nhập để duy trì gia đình. Vì đối với người gia trưởng thì những người khác không có khả năng tự chủ về tài chính. Họ đánh giá những thành viên còn lại của gia đình không có khả năng tự chủ tài chính và cần phụ thuộc hoàn toàn vào họ.
- Gia trưởng tinh thần/ tôn giáo (Spiritual paternalism): Cho rằng bản thân là người am hiểu và có niềm tin, tư tưởng tốt hơn bất kỳ ai. Những người thuộc nhóm này thường nằm trong gia đình có lối sống theo được ảnh hưởng bởi một tinh thần, tư tưởng hay tôn giáo nào đó. Người gia trưởng tinh thần/ tôn giáo cho rằng những điều họ học được từ hệ thống tư tưởng/ giáo lý là tuyệt đối đúng mà không tiếp nhận các bàn luận khác.
- Gia trưởng hiểu biết (Knowledge paternalism): Người có tính gia trưởng hiểu biết luôn cho rằng người kia không hiểu bản thân mình bằng họ nên họ có xu hướng đưa ra quyết định thay người kia. Khá tương đồng với tính gia trưởng tinh thần/ tôn giáo, tính gia trưởng hiểu biết cũng có xu hướng cho rằng những ý kiến của họ về các kiến thức chung hay lĩnh vực chuyên môn là chính xác và hiệu quả nhất. Họ không có nhu cầu tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia và thậm chí từ chối tiếp nhận bất cứ đóng góp nào đến từ các nguồn khác.
- Gia trưởng sức lao động (Labor paternalism): Muốn làm tất cả mọi thứ vì không tin vào khả năng của người khác. Đặc trưng của nhóm này thể hiện qua việc thường dành phần làm tất cả công việc trong gia đình, bao gồm cả những việc mà các thành viên khác có khả năng làm và nên làm cho chính họ. Hành vi này được lý giải là do người mang tính gia trưởng lao động không tin vào khả năng làm việc, hoàn thành nhiệm vụ của người khác và cho rằng chất lượng công việc mà họ đạt được luôn là tối ưu nhất.
- Gia trưởng quản lý (Managerial paternalism): Lập kế hoạch và đưa ra quyết định thay người khác, vì không tin người khác có khả năng làm tốt. Người thuộc nhóm này có nhận thức méo mó rằng người khác không có khả năng lên ý tưởng hay lựa chọn chính xác, vậy nên họ sẽ dành phần lập kế hoạch và đưa ra quyết định thay cho người khác. Người gia trưởng quản lý có xu hướng nhảy vào các tình huống/ sự kiện không thuộc về hay bao hàm họ, và ra quyết định như thể họ là chuyên gia.
Vậy đàn ông gia trưởng có tốt không?
Như phân tích, có thể thấy dù trong lĩnh vực nào, tính gia trưởng cũng mang màu sắc của sự bao bọc, cung cấp vô độ kèm theo sự kiểm soát và không coi trọng người khác. Xét trong bối cảnh mối quan hệ cặp đôi hay gia đình, những lợi ích, tác hại của tính cách này tùy vào nhận thức của từng thành viên. Những trường hợp khác nhau có thể xảy ra, bao gồm:
- Những thành viên còn lại có thể mặc cảm, tự ti và hạn chế khả năng phát triển các kỹ năng phục vụ cuộc sống tự lập khi thường xuyên bị coi nhẹ năng lực của bản thân.
- Nếu có khả năng sử dụng sự nguồn tài nguyên cả về tài chính và kiến thức từ người gia trưởng để đầu tư cho bản thân, và có khả năng tự nhận thức, những thành viên còn lại trong gia đình sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển.
Phụ nữ gia trưởng là gì? Phụ nữ có gia trưởng hay không?
Như đã đề cập, gia trưởng là một khái niệm và là một hệ tư tưởng có từ thời kỳ Nho giáo, đại diện cho hệ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “gia trưởng” khi đó được dùng để chỉ nam giới, là tàn dư của xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Vào thời đó, phụ nữ không được xem trọng trong gia đình, mà chỉ xem là người chăm lo việc nội trợ và duy trì nòi giống. Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội và khoa học, “gia trưởng” ngày nay đã trở thành một tính từ mang các tính chất mà hoàn toàn có thể xuất hiện ở cả hai giới nam và nữ, trong nhiều bối cảnh: gia đình, công ty, tổ chức, xã hội… chứ không còn chỉ giới hạn trong bối cảnh gia đình.
Tuy nhiên, khi cụm từ gia trưởng được sử dụng để ám chỉ một người phụ nữ thì lại được nhiều người hưởng ứng với thái độ tích cực hơn. Vì người phụ nữ gia trưởng thường được mọi người tung hô là người có khả năng tự chủ, độc lập tài chính và có khả năng chăm sóc người khác.
Kết luận
Tóm lại, gia trưởng là một khái niệm xuất phát từ hệ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong thời kỳ tôn giáo, vốn mang đậm tính chất tôn sùng vai trò, khả năng của nam giới, xóa bỏ vị trí của nữ giới và từ đó trao mọi quyền quyết định cho người nam trong gia đình nói riêng và xã hội nói chung. Trải qua các thời kỳ, có thể thấy mô tuýp cá nhân nắm quyền sản xuất, chu cấp và kiểm soát các thành viên còn lại của hệ thống xuất hiện ở nhiều nơi với đa dạng về cả tính chất của hệ thống hay cá nhân. Ngày nay, từ “gia trưởng” đã trở thành một từ ngữ thông dụng cho mọi tầng lớp, giới tính.
Sau khi hiểu rõ hơn về nguồn gốc và khái niệm gia trưởng là gì, bạn mới có thể hiểu rõ hơn về cách những người gia trưởng vận hành suy nghĩ, hành vi của họ, cách họ lý giải sự vật sự việc dưới góc nhìn của họ và tại sao họ lại lặp lại những hành động như vậy.
[embed-health-tool-bmi]