Nhiễm giun kim là loại nhiễm giun đường ruột phổ biến, chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể lây lan qua người lớn. Nếu bị ngứa ở mông do giun kim, bạn có thể cải thiện tình hình bằng cách uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
6. Ngứa mông do trĩ hoặc nứt hậu môn
Nếu tình trạng ngứa mông trở nên tồi tệ hơn hoặc chuyển thành đau đớn khi bạn đi nặng thì nguyên nhân có thể là do bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn. Đây là hai bệnh khá phổ biến và đều có thể khiến phân lẫn máu. Bạn nên đi khám nếu thấy lượng máu trong phân quá nhiều.
Để cải thiện các bệnh gây ngứa vùng mông trên, bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và áp dụng các cách giúp giảm táo bón khác. Những cách này có thể giúp phân mềm hơn và bạn sẽ bớt cảm thấy đau khi đi vệ sinh.
7. Ngứa mông do nhiễm trùng
Nấm men không chỉ xuất hiện ở âm đạo mà cũng có thể ảnh hưởng tới vùng quanh hậu môn, đặc biệt ở những người lớn tuổi, béo phì, bị tổn thương hệ thống miễn dịch hoặc đang dùng kháng sinh. Chứng nhiễm trùng nấm men gây ra 10 – 15% trường hợp ngứa mông.
Ngoài ra, tình trạng ngứa mông cũng có thể là triệu chứng của các chứng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như herpes và mụn cóc sinh dục. Các triệu chứng của những bệnh này thường xảy ra xung quanh hậu môn chứ không phải âm đạo nếu bạn quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
Chứng nhiễm trùng nấm men thường được điều trị bằng bột hoặc kem chống nấm. Trong trường hợp nặng, bạn cũng có thể sẽ cần uống thuốc chống nấm. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thuốc chống virus để giúp kiểm soát bệnh herpes nếu mắc chứng này. Đối với mụn cóc, bạn có thể cần dùng kem bôi, liệu pháp áp lạnh hoặc thậm chí là phẫu thuật.
8. Ngứa mông do bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là một bệnh về da phổ biến và rất dễ lây lan. Bệnh này có thể dẫn đến phát ban ngứa và lở loét khắp cơ thể, kể cả quanh hậu môn và bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, bạn có thể không mắc bệnh ghẻ nếu chỉ bị ngứa ở quanh hậu môn. Bệnh này thường ảnh hưởng đến cả những phần khác như háng, nách, rốn… Nếu bị ngứa mông do bệnh ghẻ, bạn cần đi khám và dùng thuốc theo toa để điều trị.
9. Ngứa mông do bệnh mãn tính
Mông có thể bị ngứa và viêm do một số bệnh mãn tính như tiểu đường và các bệnh tự miễn. Những bệnh này cũng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm vi khuẩn và nấm, từ đó làm tăng nguy cơ bị ngứa vùng mông.
Bên cạnh đó, một số rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn có thể gây tiêu chảy và rò rỉ phân nên dễ gây kích ứng da xung quanh hậu môn. Theo một nghiên cứu năm 2008 trên Tạp chí Da liễu lâm sàng Hoa Kỳ (American Journal of Clinical Dermatology), một số bệnh như thiếu máu do thiếu sắt, bệnh thận hoặc gan và một số loại ung thư cũng có thể gây ngứa toàn cơ thể.
Nếu tình trạng ngứa vùng mông là do một bệnh mãn tính, bạn cần đi khám để tìm ra đúng bệnh tiềm ẩn và chữa trị đúng cách để cải thiện tình hình. Khi đã chữa khỏi bệnh, cơn ngứa cũng sẽ dần biến mất.
10. Ngứa mông do tổn thương thần kinh
Đôi khi cơn ngứa là do thần kinh chứ không phải do những tác nhân bên ngoài. Nhiều người lớn tuổi bị chấn thương lưng dưới và có thể bị tổn thương nhẹ đến các dây thần kinh tủy sống. Những vấn đề này có thể gây ra cơn đau hoặc ngứa ngáy ở khu vực xung quanh mông và hậu môn.
Cách điều trị cho trường hợp ngứa vùng mông do tổn thương thần kinh là khá đa dạng và bạn có thể cân nhắc lựa chọn cách chữa phù hợp. Một số cách chữa trị bạn có thể tham khảo là vật lý trị liệu, phẫu thuật hoặc liệu pháp thay đổi hành vi.
11. Ngứa mông do ung thư hậu môn
Trong vài tình huống hiếm gặp, tình trạng ngứa hậu môn có thể là dấu hiệu của ung thư hậu môn. Có tới một nửa số bệnh nhân mắc bệnh Paget, một bệnh ung thư ảnh hưởng tới lớp ngoài của da có bị ngứa hậu môn.
Bệnh Bowen là một dạng ung thư da sớm cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực quanh hậu môn và gây ngứa nghiêm trọng. Nếu nghi ngờ mình bị ngứa do các chứng ung thư trên, bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và điều trị sớm.
Tuy tình trạng ngứa mông thường không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Vậy nên, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa cho mình để cải thiện tình hình đúng cách và hiệu quả nhé.
Như Vũ | HELLO BACSI