Sau khi cấy ghép nội tạng, bạn cần phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như một biện pháp nhằm ngăn chặn sự đào thải cơ quan cấy ghép từ cơ thể. Tuy nhiên, loại thuốc này đồng thời cũng mang lại khả năng nhiễm bệnh cao đối với người dùng. Vì vậy, bạn cần có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Hệ miễn dịch luôn bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi trùng cũng như các sinh vật hay vật thể từ bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn thực hiện liệu pháp cấy ghép nội tạng, cơ quan được ghép vào có thể bị các tế bào miễn dịch tấn công dẫn đến cơ thể đào thải. Hiện trạng này là do sự nhầm lẫn của cơ chế bảo vệ cơ thể và đây cũng chính là lý do bạn cần dùng thuốc ức chế miễn dịch sau phẫu thuật ghép tạng.
Thuốc ức chế miễn dịch có thể tạm thời ngăn chặn tác dụng của lớp phòng vệ thuần túy này. Chúng giúp cơ thể hoạt động tương đối hài hòa với cơ quan cấy ghép. Vấn đề ở đây là hệ miễn dịch bị hạn chế hoạt động, bạn chắc chắn sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn trước rất nhiều. Đó là mặt trái của liệu pháp cấy ghép nội tạng.
Theo Barry Friedman, giám đốc điều hành của Chương trình cấy ghép nội tạng tại Trung tâm y tế trẻ em ở Dallas, vấn đề của việc sống chung với cơ quan cấy ghép là sự giữ cân bằng giữa đào thải và nhiễm trùng. Ông cho rằng người được ghép tạng cần phải uống đầy đủ thuốc để ngăn cơ thể đào thải, nhưng đồng thời phải giữ cơ thể không bị nhiễm trùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, các bác sĩ cũng như chuyên gia đã thành công hơn rất nhiều trong việc tạo ra sự cân bằng cần thiết. Bạn sẽ không phải lo đến việc mình có phải sống trong phòng vô trùng để bảo vệ sức khỏe hay không. Đồng thời, sau vài tuần hoặc vài tháng đầu tiên, những hạn chế trong cuộc sống dường như giảm đi đáng kể.
Theo Jeffrey D. Punch – Trưởng khoa cấy ghép tại Đại học Michigan Health System, Ann Arbor – thói quen sinh hoạt hàng ngày lành mạnh sẽ giúp người bệnh vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn.
Những biện pháp phòng ngừa sau khi cấy ghép nội tạng
Ngay sau phẫu thuật cấy ghép nội tạng, cơ thể bạn đặc biệt dễ bị tổn thương vì lúc này bạn đang trong giai đoạn cảm ứng của việc ức chế miễn dịch. Bác sĩ sẽ kê đơn với liều cao, vì vậy bạn cần phải để tâm đến cơ thể của mình hơn nữa. Bạn nên tập những thói quen như:
- Rửa tay thường xuyên. Rửa tay là một cách tuyệt vời để giảm thiểu khả năng tiếp xúc với mầm bệnh. Đây là bước đặc biệt quan trọng cần thực hiện trước khi bạn ăn.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh. Tốt nhất là bạn nên hạn chế tiếp xúc với bất cứ ai bị cảm lạnh hoặc đang mắc các bệnh dễ lây nhiễm như sởi hoặc thủy đậu.
- Tránh những người đã được chủng ngừa gần đây. Một số loại vắc xin ngừa các bệnh như cúm, sởi sử dụng virus sống làm thành phần kháng nguyên chính. Dù đã được giảm độc lực nhưng nó vẫn có tiềm năng gây bệnh cho những người có hệ miễn dịch yếu nếu chẳng may tiếp xúc
- Tránh xa khu vực đông đúc. Ví dụ như các trung tâm mua sắm hay rạp chiếu phim.
- Không chăm sóc thú cưng. Vật nuôi mang nhiều mầm bệnh trên người, vì vậy bạn nên hạn chế tiếp xúc với chúng. Bạn không nhất thiết phải vứt bỏ chúng, mà thay vào đó, hãy nhờ bạn đời hoặc con cái chăm sóc hộ trong khoảng thời gian này.
- Đừng làm vườn. Trong đất chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì thế, bạn có thể thuê một thợ làm vườn chăm sóc giúp hoặc bỏ mặc nó vài tháng.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên. Điều này giúp cho miệng của bạn không bị nhiễm trùng.
- Đừng ngó lơ những vết cắt hay vết trầy xước. Hãy khử trùng vết thương và dán băng gạc. Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.
- Hết sức cẩn thận khi quan hệ tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường miệng như mụn rộp sinh dục có khả năng trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với bất kỳ ai. Đặc biệt nó càng nguy hiểm hơn cho những người đã cấy ghép nội tạng. Chỉ mỗi bao cao su thì không đủ để bảo vệ bạn hoàn toàn. Ngay cả nước bọt cũng có thể khiến bạn bị cảm lạnh do chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, bạn hãy thực hiện biện pháp an toàn nhiều nhất có thể khi quan hệ tình dục.
Các khuyến nghị cụ thể phụ thuộc vào sức khỏe và thể trạng của bạn. Nơi bạn sống thậm chí cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Nếu bạn sống ở thành phố, thật khó cho bạn tránh khỏi đám đông. Mặt khác, sống ở nông thôn lại tích hợp những rủi ro khác nhau, chẳng hạn như khả năng cao tiếp xúc với động vật hoặc nước giếng có chứa mầm bệnh. Hãy liên hệ với chuyên viên chăm sóc sức khỏe của bạn để được tư vấn kỹ càng hơn.
Những biện pháp phòng ngừa trong thời gian dài
Trong khoảng 6 tháng – 1 năm sau khi cấy ghép nội tạng, bác sĩ có thể giảm lượng thuốc bạn dùng. Bạn sẽ tiến vào giai đoạn duy trì với liều lượng thấp hơn. Tại thời điểm này, bạn đã có thể yên tâm, không sợ dễ dàng bị nhiễm trùng như trước nữa. Tuy vậy, bạn vẫn cần phải phòng ngừa. Hãy chắc chắn rằng bạn rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc mới được chủng ngừa.
Nếu cơ thể bạn xuất hiện tình trạng đào thải, bác sĩ có thể cần phải thay đổi thuốc hoặc tăng liều thuốc ức chế miễn dịch lên. Phương pháp này được gọi là liệu pháp miễn dịch chống thải ghép. Lúc đó hệ thống miễn dịch sẽ càng bị ức chế và bạn sẽ cần phải quan tâm tới sức khỏe của mình nhiều hơn nữa.
Bác sĩ đôi khi cũng sẽ cần thay đổi một số loại thuốc. Một số thuốc chỉ có thể hoạt động tốt trong một khoảng thời gian nhất định. Các loại thuốc mới và hiệu quả hơn xuất hiện trên thị trường có khả năng thay thế những loại thuốc cũ.
Liệu pháp điều trị sau phẫu thuật cấy ghép nội tạng
Sống chung với cấy ghép nội tạng đồng nghĩa với việc phải dùng nhiều thuốc bổ trợ có thể kéo dài suốt đời. Hầu hết người bệnh cần uống từ 6 – 12 loại thuốc khác nhau mỗi ngày hoặc nhiều hơn. Hấp thụ quá nhiều thuốc khiến cơ thể thật sự khó chịu.
Tiến sĩ, bác sĩ y khoa Richard Perez – giám đốc Trung tâm cấy ghép tại Trung tâm y tế Đại học California tại Davis cho biết một số người bị choáng ngợp với số lượng thuốc mà họ phải uống. Tuy nhiên, điều này là bình thường vị họ đang tham gia một phác đồ điều trị phức tạp.
Dùng thuốc đóng vai trò thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe. Sau đây là một số mẹo nhỏ hỗ trợ bạn vượt qua quá trình này:
- Khi dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, hãy tuân theo lời khuyên của bác sĩ hoặc chuyên viên chăm sóc sức khỏe
- Chia liều lượng thuốc vào hộp đựng theo ngày hoặc theo tuần
- Sử dụng đồng hồ báo thức hoặc cài đặt ghi nhớ trên điện thoại để nhắc nhở uống thuốc
- Nhờ các thành viên trong gia đình giúp bạn theo sát lịch uống thuốc
- Giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi
- Cất giữ thuốc ở nơi khô ráo và thoáng mát
- Lập danh sách những loại thuốc bạn đang dùng và cất nó ở nơi cố định, dễ tìm
- Nếu bạn lỡ quên uống một lần thì cũng đừng tự ý tăng liều lượng lên gấp đôi ở lần sử dụng tiếp theo
- Nếu bác sĩ chấp thuận, hãy uống thuốc khi ăn để ngăn ngừa các tác dụng phụ ở hệ tiêu hóa
- Không bao giờ ngừng dùng thuốc mà không có sự chấp thuận từ bác sĩ hoặc chuyên viên sức khỏe.
[embed-health-tool-bmi]