backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Liệu pháp ánh sáng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 06/07/2020

    Liệu pháp ánh sáng

    Tìm hiểu chung

    Liệu pháp ánh sáng là gì?

    Liệu pháp ánh sáng hay quang trị liệu là một biện pháp nhằm điều trị trầm cảm theo mùa (SAD) và một số tình trạng sức khỏe khác bằng cách tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo. Trong quá trình trị liệu bằng ánh sáng, người bệnh sẽ ngồi hoặc làm việc gần một thiết bị phát ra ánh sáng mô phỏng ánh sáng tự nhiên ngoài trời. Ánh sáng được kiểm soát trong một khoảng thời gian nhất định hoặc chỉ dùng vào một thời điểm cụ thể trong ngày.

    Liệu pháp ánh sáng được cho là có ảnh hưởng đến các chất hóa học nội sinh trong não – liên quan đến tâm trạng và giấc ngủ, từ đó làm giảm các triệu chứng của SAD. Sử dụng thiết bị trị liệu bằng ánh sáng cũng có thể cải thiện triệu chứng của các loại trầm cảm hay rối loạn giấc ngủ.

    Khi nào bạn cần thực hiện liệu pháp ánh sáng?

    Liệu pháp ánh sáng có thể thực hiện trong những trường hợp sau:

    • Bác sĩ chỉ định điều trị một bệnh lý nhất định (như trầm cảm theo theo mùa)
    • Người bệnh mong muốn một liệu trình điều trị an toàn và có ít tác dụng phụ
    • Cần tăng hiệu quả của thuốc chống trầm cảm hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần (tâm lý trị liệu)
    • Cần tránh dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai hoặc đang cho con bú
    • Giảm liều thuốc chống trầm cảm
    • Cần điều chỉnh lịch làm việc về đêm

    Liệu pháp ánh sáng được sử dụng như một phương pháp điều trị cho một số tình trạng sức khỏe gồm:

    • Trầm cảm theo mùa
    • Các loại trầm cảm khác không theo mùa
    • Rối loạn nhịp sinh học như hiện tượng jet lag
    • Rối loạn giấc ngủ
    • Sa sút trí tuệ

    Cần phân biệt với liệu pháp trong điều trị các tình trạng da như bệnh vảy nến, vàng da trẻ sơ sinh… dù cùng dùng chung một thuật ngữ. Các rối loạn về da sử dụng đèn phát ra tia cực tím (UV) trong khi phương pháp được đề cập trong bài viết này đã lọc tia UV ra vì nó có thể làm hỏng mắt và da của người bệnh.

    Điều cần thận trọng

    đọc sách trước đèn trị liệu ánh sáng

    Liệu pháp ánh sáng có nguy hiểm không?

    Nhìn chung, đây là phương pháp an toàn. Tuy nhiên nếu có tác dụng phụ xảy ra, chúng thường nhẹ và không kéo dài, chẳng hạn như:

    • Mỏi mắt
    • Đau đầu
    • Buồn nôn
    • Khó chịu hoặc kích động
    • Hưng cảm, hưng phấn, hiếu động hoặc kích động, những trạng thái có liên quan đến rối loạn lưỡng cực

    Nếu xảy ra, tác dụng phụ có thể tự hết sau vài ngày kể từ khi bắt đầu trị liệu bằng ánh sáng. Để kiểm soát các tác dụng phụ này, người bệnh có thể giảm thời gian điều trị, di chuyển ra xa hơn khỏi thiết bị phát sáng, nghỉ ngơi giữa các phiên trị liệu dài hoặc thay đổi thời gian sử dụng liệu pháp.

    Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả tốt nhất, người bệnh nên được chuyên gia y tế giám sát trong quá trình thực hiện.

    Ngoài ra, hãy đảm bảo những yếu tố sau:

    • Tình trạng da ổn định. Vì làn da sẽ phải tiếp xúc với ánh sáng trong một thời gian dài nên nếu là đối tượng có da nhạy cảm với ánh sáng (như mắc lupus ban đỏ hệ thống) thì không nên thực hiện liệu pháp.
    • Không dùng thuốc làm tăng mức độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, chẳng hạn như một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc thảo dược bổ sung từ cây St. John’s Wort.
    • Không có bệnh lý về mắt khiến mắt nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn trước ánh sáng

    Một số rủi ro khác có thể đến từ:

    • Tia cực tím. Các thiết bị dùng trị liệu ánh sáng nên được thiết kế để lọc ánh sáng cực tím có hại. Tuy nhiên, một số thiết bị có thể không lọc hết được. Ánh sáng tia cực tím sẽ gây tổn thương da và mắt. Tương tự, người bệnh cũng không nên thay thế thiết bị này bằng các phương pháp làm da rám nắng như giường, buồng làm da rám nắng để chữa trị bệnh.
    • Thận trọng khi dùng cho người rối loạn lưỡng cực. Liệu pháp có thể kích hoạt hưng cảm ở một số người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, vì vậy hãy tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu trị liệu.

    Quy trình thực hiện

    sinh hoạt cùng đèn trị liệu ánh sáng

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Trước khi thực hiện

    Mặc dù không cần bác sĩ kê đơn nhưng người bệnh vẫn nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để cân nhắc thực hiện liệu pháp ánh sáng. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh chọn thiết bị phát sáng phù hợp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng và giảm thiểu tác dụng phụ có thể xảy ra.

    Thông thường, hầu hết những người bị rối loạn cảm xúc theo mùa bắt đầu điều trị bằng liệu pháp ánh sáng vào đầu mùa thu, kéo dài đến mùa xuân. Nếu thường bị trầm cảm vào mùa thu và mùa đông, khi thời tiết nhiều mây hoặc mưa, các triệu chứng cũng trở nên nặng nề hơn. Lúc này, người bệnh có thể điều chỉnh mức ánh sáng trị liệu dựa trên thời gian không có nắng và triệu chứng.

    Nếu có nhu cầu sử dụng thử liệu pháp ánh sáng trong điều trị các chứng trầm cảm không theo mùa hoặc một tình trạng sức khỏe khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia.

    Trong khi thực hiện

    Trong các buổi trị liệu bằng ánh sáng, người bệnh sẽ ngồi hoặc làm việc gần thiết bị phát sáng (hộp đèn). Để có hiệu quả, ánh sáng từ hộp đèn phải chiếu gián tiếp vào mắt. Nếu đang mở mắt thì không nên nhìn thẳng vào hộp đèn vì ánh sáng chói có thể làm hỏng mắt. Luôn làm theo khuyến nghị của bác sĩ và hướng dẫn từ nhà sản xuất thiết bị.

    Liệu pháp ánh sáng đòi hỏi thời gian và sự nhất quán. Người bệnh có thể đặt hộp đèn trên bàn trong nhà hoặc tại văn phòng để có thể vừa sinh hoạt thường nhật (đọc, sử dụng máy tính, viết, xem tivi, nói chuyện điện thoại hoặc ăn uống) vừa thực hiện liệu pháp ánh sáng. Cần bám sát lịch trình trị liệu nhưng không nên lạm dụng.

    Liệu pháp này đạt hiệu quả nhất khi có sự kết hợp đúng giữa cường độ ánh sáng, thời lượng và thời điểm.

    • Cường độ. Cường độ ánh sáng của hộp đèn được tính bằng lux. Đối với chứng trầm cảm theo mùa, mức khuyến nghị là 10.000 lux ở khoảng cách 40-60cm tính từ mặt.
    • Thời lượng. Với hộp đèn 10.000 lux, người bệnh có thể thực hiện liệu pháp hằng ngày khoảng 20-30 phút. Tuy nhiên, nếu dùng hộp đèn cường độ ánh sáng thấp hơn như 2.500 lux thì cần thực hiện các phiên trị liệu dài hơn. Hãy kiểm tra hướng dẫn từ nhà sản xuất và làm theo tham vấn của bác sĩ. Người bệnh có thể bắt đầu bằng các phiên ngắn, sau đó tăng dần thời lượng trị liệu.
    • Thời điểm. Đối với hầu hết mọi người, liệu pháp ánh sáng có hiệu quả nhất khi thực hiện vào sáng sớm, sau khi thức dậy. Bác sĩ có thể giúp xác định lịch trình trị liệu bằng ánh sáng nào là phù hợp nhất cho người bệnh.

    Liệu pháp ánh sáng không bảo đảm có hiệu quả với tất cả mọi đối tượng nhưng có thể thực hiện các bước để tận dụng tối đa liệu pháp như sau:

    • Chọn đúng loại hộp đèn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định mua thiết bị trị liệu bằng ánh sáng nhằm chọn được loại có độ sáng và tính năng phù hợp, thuận tiện khi sử dụng.
    • Kiên nhẫn. Duy trì liệu pháp như một thói quen hằng ngày để tăng mức độ cải thiện theo thời gian. Nếu không thể thực hiện mỗi ngày, người bệnh có thể ngừng trong 1-2 ngày nhưng nên theo dõi tâm trạng và các triệu chứng khác cũng như cố gắng sắp xếp để thực hiện liệu pháp mỗi ngày.
    • Theo dõi thời gian. Nếu thời gian trị liệu bị gián đoạn, các triệu chứng bệnh có thể quay trở lại. Do đó, cần theo dõi thời điểm bắt đầu và kết thúc trị liệu để lập thành lịch trình cho các năm sau đó.
    • Bổ sung các biện pháp điều trị khác. Nếu các triệu chứng không đáp ứng với liệu pháp ánh sáng, người bệnh có thể cần được điều trị bổ sung. Tham vấn ý kiến từ bác sĩ về các lựa chọn điều trị khác chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm hoặc tâm lý trị liệu.

    Kết quả của liệu pháp

    Kết quả của liệu pháp ánh sáng là gì?

    Liệu pháp ánh sáng là một cách hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm theo mùa hay các chứng trầm cảm khác. Từ đó giúp tăng mức năng lượng của người bệnh, cải thiện tinh thần để có thể tự tin hơn về bản thân và cuộc sống.

    Liệu pháp thường bắt đầu có tác dụng chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời gian hiệu lực có thể mất từ 2 tuần trở lên.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 06/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo