Da là cơ quan chiếm diện tích lớn nhất cơ thể và là nơi đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi làn da lại là nơi cư ngụ của hàng triệu vi khuẩn. Tuy nhiên, các loại vi khuẩn trên da thường sẽ có cả vi khuẩn tốt lẫn vi khuẩn xấu để tạo nên thế cân bằng cho hàng rào sinh học của chức năng đề kháng da.
Làn da – với chức năng đề kháng da – vốn được mệnh danh là chiếc “áo giáp” thần kỳ giúp bảo vệ cơ thể trước các tác nhân có hại, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh. Thế nhưng, theo nghiên cứu, mỗi centimet da lại có đến 1 triệu vi khuẩn cư ngụ. Có bao giờ bạn tò mò rằng có những loại vi khuẩn nào trên da chưa? Nếu câu trả lời là “có” thì những chia sẻ sau của Hello Bacsi sẽ là những thông tin khiến bạn rất bất ngờ đấy.
Điểm mặt những vi khuẩn thường cư trú trên da người
Theo nghiên cứu, da là địa bàn cư ngụ của hơn 500 loài vi khuẩn khác nhau, trong đó có cả những vi khuẩn có lợi và cả những loài vi khuẩn xấu gây hại cho cơ thể. Hai loại vi khuẩn có trên da này sẽ kìm hãm lẫn nhau để tạo nên sự cân bằng nhằm giúp cơ thể chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài, còn được hiểu như hàng rào sinh học trong cơ chế đề kháng da để bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn gây bệnh.
Mỗi vùng da sẽ có những loài vi khuẩn khác nhau cư ngụ tùy vào điều kiện của từng vùng, chẳng hạn vùng đầu, cổ và thân là những nơi thường có nhiều bã nhờn, vùng nếp gấp thường hay ẩm ướt và các vùng da cánh tay, chân thường hay bị khô. Dưới đây là một số loại vi khuẩn thường thấy:
1. Vi khuẩn gây mụn P. acnes
P. acnes là chủng vi khuẩn kỵ khí thích phát triển trong môi trường có nồng độ oxy thấp. Loài vi khuẩn này sử dụng bã nhờn như một nguồn năng lượng để nuôi sống bản thân. Khi da không được vệ sinh sạch sẽ, bã nhờn tích tụ ngày càng nhiều sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây chính là môi trường lý tưởng để vi khuẩn này sinh sôi. Nếu sinh sôi đến một mức độ nhất định, chúng sẽ gây viêm, dẫn đến hình thành mụn mủ hoặc nặng hơn là mụn bọc.
2. Chi Corynebacterium
Chi Corynebacterium có cả vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn không gây bệnh. Cụ thể, vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae thuộc chi này là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bạch hầu, một bệnh nhiễm trùng chủ yếu ảnh hưởng đến cổ họng, niêm mạc mũi và tổn thương da. Nếu không được điều trị sớm, căn bệnh này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho thận, tim và hệ thần kinh.
3. Vi khuẩn Staphylococcus Cholermidis trên da
Vi khuẩn Staphylococcus cholermidis là những “cư dân” vô hại và hiếm khi gây bệnh. Không những vậy, loại vi khuẩn này còn tạo nên một hàng rào sinh học giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại như ô nhiễm, hóa chất, khói bụi và các loài vi khuẩn gây hại khác.
Tuy nhiên, khi thế cân bằng bị phá vỡ, vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho hệ miễn dịch. Loại vi khuẩn này thường rất phổ biến trong bệnh viện vì nó thường sinh sôi nhiều ở những người phải dùng ống thông trong một thời gian dài hoặc những người đang dùng chân giả.
4. Tụ cầu vàng
Staphylococcus aureus là một loại vi khuẩn trên da khá phổ biến, thường tập trung nhiều ở khoang mũi và đường hô hấp. Có thể nói, tụ cầu khuẩn là một trong những vi khuẩn nổi tiếng nhất, được nhiều nhà vi khuẩn học quan tâm nghiên cứu bởi tỷ lệ gây bệnh rất cao và đặc biệt, loại vi khuẩn này có sức đề kháng với kháng sinh rất mạnh.
Tụ cầu vàng có khả năng bám dính rất cao bởi loài vi khuẩn này được bao bọc bằng một lớp phân tử kết dính tế bào. Nếu chức năng đề kháng da không được chăm sóc đúng cách, những vi khuẩn này có thể xâm nhập được vào bên trong cơ thể, gây nhiễm trùng và một số bệnh nguy hiểm khác, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến tử vong.
5. Liên cầu khuẩn
Liên cầu khuẩn (Streptoccocus spp.) thường cư ngụ nhiều ở da và cổ họng. Bình thường, ở người khỏe mạnh, chúng sẽ không gây hại gì nhiều, tuy nhiên, với những người có rối loạn miễn dịch, hoặc đề kháng da “lung lay” do nhiều yếu tố tác động, liên cầu khuẩn sẽ có thể thừa cơ hội tấn công.
Loại vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí còn có thể gây ra các bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số bệnh thường gặp là viêm họng do liên cầu khuẩn, chốc lở, hội chứng sốc nhiễm độc, nhiễm trùng máu và sốt thấp khớp cấp tính.
Làm sao để duy trì cân bằng vi khuẩn trên da nhằm tạo hàng rào đề kháng vững chắc cho cơ thể?
Hệ vi sinh vật trên da rất dễ bị biến động do các tác nhân gây hại từ bên ngoài như ô nhiễm, khói bụi, hóa chất… và các thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, làm việc quá căng thẳng, hay lo âu… Điều này làm suy giảm sức mạnh của lớp hàng rào sinh học, từ đó ảnh hưởng đến khả năng mà còn đề kháng da, khiến da rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân từ bên ngoài.
Không những vậy, nguy hiểm hơn, một “binh đoàn” vi khuẩn gây hại đang trú ngụ ở da sẽ “tận dụng” cơ hội này để xâm nhập vào cơ thể, gây ra một số căn bệnh như cảm, cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa và nặng hơn có thể là nhiễm trùng máu…
Để chăm sóc tốt hơn cho đề kháng da, tránh tình trạng hệ vi sinh vật trên da bị mất cân bằng, bạn cần quan tâm hơn đến việc chăm sóc da, phát huy tối đa vai trò bảo vệ của đề kháng da. Cụ thể, bạn nên:
- Xây dựng một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây
- Uống nước đúng cách
- Duy trì một lối sống lành mạnh, không hút thuốc, uống rượu, bia, không làm việc quá sức
- Tập thể dục thường xuyên.
Ngoài việc duy trì một lối sống lành mạnh, để tăng cường sức đề kháng da, bạn cần đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh cơ thể đúng cách bằng sản phẩm chăm sóc da phù hợp giúp làm sạch bụi bẩn, hạn chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn gây bệnh trên da mà không làm tổn thương đến các loài vi khuẩn có lợi, đảm bảo sự toàn vẹn của hàng rào sinh học trong đề kháng da, phát huy sức mạnh bảo vệ của đề kháng da.
Ngân Phạm/HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]