Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

6 đặc điểm của nhóm máu O có thể khiến bạn bất ngờ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 17/03/2023

    6 đặc điểm của nhóm máu O có thể khiến bạn bất ngờ
    Quảng cáo

    Bạn có biết đặc điểm nhóm máu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính cách của một người. Vậy nếu bạn là người nhóm máu O, điều này nói lên những gì?

    Máu người được phân loại lần đầu tiên vào những năm 1900 bởi Karl Landsteiner, một bác sĩ người Áo. Phát hiện này không chỉ phục vụ cho mục đích y khoa mà theo quan niệm của nhiều nền văn hóa, đây còn là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, vận may, tính cách và thậm chí là tình duyên của một người. Mời bạn tìm hiểu 6 sự thật thú vị về đặc điểm của nhóm máu O qua bài viết này.

    Các nhóm máu được xác định như thế nào?

    Phân loại nhóm máu dựa trên sự hiện diện hoặc vắng mặt của những kháng nguyên riêng biệt trên bề mặt các tế bào hồng cầu. Những kháng nguyên này sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận ra những kháng nguyên khác lạ khi người bệnh được truyền máu không tương thích. Đây là lý do tại sao bạn cần hiểu rõ nhóm máu của bản thân để nếu cần phải truyền máu, quá trình này sẽ được diễn ra an toàn hơn.

    Có 4 nhóm máu cơ bản là A, B, AB, O. Theo đó, nhóm máu A sẽ có kháng nguyên A, nhóm máu B có kháng nguyên B, nhóm máu AB sẽ có cả 2 loại kháng nguyên trong khi đó nhóm máu O lại không có.

    Vậy nhóm máu O có mấy loại? Tuy không có kháng nguyên A và B trong tế bào hồng cầu nhưng người máu O có cả kháng thể A và B trong huyết tương. Ngoài ra, mỗi nhóm máu còn được chia thêm thành Rh+ và Rh-, tương ứng với việc có protein Rh hay không. Vì vậy, người có nhóm máu O cũng được chia thành nhóm máu O Rh+ và nhóm máu O Rh-.

    Bạn có biết “Nhóm máu O chiếm bao nhiêu phần trăm dân số thế giới?”. Theo nhiều thống kê, đây là nhóm máu phổ biến nhất thế giới với khoảng 37 – 53% dân số thuộc các chủng tộc khác nhau có nhóm máu này.

    6 đặc điểm của nhóm máu O

    Nhóm máu O có đặc điểm gì? Dưới đây là 6 đặc điểm của người máu O:

    1. Tính cách người nhóm máu O

    Tính cách người nhóm máu O

    Có không ít người thắc mắc: Tính cách nhóm máu O như thế nào? Thực tế, sự ảnh hưởng của nhóm máu đến tính cách vẫn là vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, vẫn có nhiều quan điểm thú vị về điều này.

    Các chương trình truyền hình, báo và tạp chí ở nước này thậm chí còn đăng tải những bài trắc nghiệm tính cách theo nhóm máu, cách nhận biết người có nhóm máu này thông qua tính cách và so sánh độ tương hợp về tình duyên giữa các nhóm máu. Người Nhật tin rằng những tính cách của người người nhóm máu O “chuyên cho” là những người rất rộng lượng, đam mê, hòa đồng và rất thành công về tài chính. Không những vậy, họ cũng rất thích hợp để kết duyên với những người mang nhóm máu A.

    2. Nhóm máu chuyên cho

    Người nhóm máu O+ (nhóm máu O Rh+) có thể truyền máu cho cả 4 nhóm nhưng chỉ truyền được cho những loại máu có protein Rh (O+, A +, B+, AB+). Trong khi đó, nhóm máu O trừ (O-) có thể truyền cho mọi loại máu do nhóm máu này không có kháng nguyên A, B và cả Rh nên không bị hệ miễn dịch của người nhận tấn công. Nhờ vậy, đây là nhóm máu thường được truyền trong các trường hợp khẩn cấp, ngay cả khi chưa biết được nhóm máu của người nhận và cũng an toàn nhất để truyền cho trẻ sơ sinh vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

    3. Người có nhóm máu O nhận được nhóm máu nào? Chỉ có thể nhận từ người cùng nhóm máu

    Phân loại nhóm máu O (nhóm máu O Rh+ và O Rh-)

    Những người có máu O Rh+ có thể nhận máu từ người có nhóm máu O+ và O-, trong khi những người có nhóm máu O- chỉ có thể nhận từ những người có cùng nhóm máu với mình. Trong trường hợp khẩn cấp khi máu O- bị thiếu hụt, máu O Rh+ có thể được thay thế.

    4. Những rủi ro sức khỏe thường gặp

    Những rủi ro về sức khỏe thường gặp của nhóm máu O

    Theo các nhà khoa học, thành phần của máu cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù những ảnh hưởng này vẫn đang được nghiên cứu nhưng đã có một số lý thuyết nhất định được công nhận. Các nhà khoa học cho rằng những người có nhóm máu chuyên cho sẽ dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn và virus như quai bị, dịch hạch, tả, lao hơn những người mang các nhóm máu khác.

    Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho rằng, những người mang nhóm máu này sẽ có nguy cơ bị loét dạ dày tá tràng cao hơn 35% so với những người có nhóm máu A, B và AB.

    5. Một số lợi ích về sức khỏe

    Một số lợi ích về sức khỏe của nhóm máu O

    Những người mang nhóm máu “chuyên cho” có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và ung thư tuyến tụy thấp hơn so với những người có nhóm máu nhận như A, B và AB.

    Chưa hết, những người có nhóm máu này còn giảm thiểu được nguy cơ mắc phải các bệnh về hệ tuần hoàn và rối loạn nhận thức so với các nhóm máu khác. Dù vậy, việc duy trì một lối sống lành mạnh vẫn là điều rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật dù bạn thuộc nhóm máu nào đi nữa.

    6. Những người nhóm máu O có cần đến một chế độ ăn đặc biệt?

    Những người nhóm máu O có cần đến một chế độ ăn đặc biệt?

    Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông lan truyền khá nhiều thông tin về các chế độ ăn phù hợp với từng nhóm máu để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn chỉ nên tuân theo một chế độ ăn phù hợp với sức khỏe thay vì tuân theo chế độ ăn phù hợp với nhóm máu.

    Không có cách nhận biết nhóm máu O nào chính xác bằng việc tiến hành xét nghiệm phân loại nhóm máu tại bệnh viện. Tuy nhiên, đặc điểm nhóm máu O có nhiều điều thú vị. Nhiều khi tính cách sôi nổi của bạn cũng có thể xuất phát từ chính nhóm máu “hào phóng” này đấy! Tuy nhiên, điều bạn cần lưu ý là nên có chế độ ăn uống điều độ cũng như duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa được nhiều bệnh tật nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 17/03/2023

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo