backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

11 nguyên nhân gây tê chân và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 19/05/2022

    11 nguyên nhân gây tê chân và cách điều trị hiệu quả

    Cảm thấy bàn chân, chân hay bị tê khi ngồi quá lâu là tình trạng mà hầu như ai cũng gặp phải. Nguyên nhân gây tê chân là do việc ngồi lâu gây tác động lực lên dây thần kinh, làm máu không lưu thông được. Tuy nhiên, nếu bị tê chân thường xuyên, kéo dài hoặc không giải thích được thì có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn.

    Nếu bạn có cảm giác tê kéo dài hoặc cảm thấy ngứa ran ở lòng bàn chân hay chân thì hãy cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải các bệnh lý tiềm ẩn. Lúc này, bạn có thể cảm thấy tê ở toàn bộ chân, dưới đầu gối hoặc các khu vực khác nhau của bàn chân. Nguyên nhân tê chân là gì? Bị tê chân là bệnh gì? Mời bạn cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để phần nào hiểu thêm lý do tại sao hay bị tê chân nhé!

    Nguyên nhân gây tê chân không do bệnh lý

    Hay bị tê chân, nhất là tình trạng hay bị tê chân khi ngồi là điều rất thường gặp. Và nguyên nhân có thể đến từ các vấn đề như:

    1. Nguyên nhân tê chân có thể là do tư thế

    Một số tư thế có thể tạo áp lực đè ép lên dây thần kinh, làm máu không thể lưu thông ở chi dưới và gây ra tê tạm thời. Cụ thể, một số thói quen có thể làm chân bị tê là:

    • Bắt chéo chân quá lâu
    • Ngồi hoặc quỳ trong thời gian dài
    • Ngồi chồm hổm
    • Mặc quần, vớ, giày quá chật

    2. Chấn thương cũng có thể gây hiện tượng tê chân

    Chấn thương ở lưng, cột sống, hông, chân, mắt cá chân, bàn chân có thể làm gây áp lực lên dây thần kinh và khiến chân hay bị tê.

    3. Uống rượu bia quá mức

    Các độc tố có trong rượu có thể gây tổn thương thần kinh và gây tê ở bàn chân. Uống rượu thường xuyên hoặc quá mức có thể khiến bạn bị thiếu vitamin B (B1, B9 và B12), dẫn đến thần kinh bị tổn thương và gây tê.

    Nguyên nhân gây tê chân do bệnh lý

    nguyên nhân tê chân

    4. Hay bị tê chân là bệnh gì? Có thể dấu hiệu của tiểu đường

    Hay bị tê chân kéo dài, không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường, nhất là khi tình trạng này đi cùng với các triệu chứng tiểu đường khác. Một số người mắc bệnh tiểu đường phát triển một loại tổn thương thần kinh gọi là bệnh thần kinh tiểu đường. Bệnh thần kinh tiểu đường thường gây tê, ngứa ran và đau ở lòng bàn chân. Nếu nghiêm trọng hơn sẽ làm cả chân bị liệt.

    5. Đau lưng và đau thần kinh tọa cũng có thể khiến chân hay bị tê

    Bị chấn thương ở lưng dưới, chẳng hạn như gặp phải tai nạn hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống, sẽ gây chèn ép lên các dây thần kinh đến chân, dẫn đến tê hoặc rối loạn cảm giác.

    Đau thần kinh tọa là tình trạng các dây thần kinh tọa bị kích thích quá mức. Các dây thần kinh này chạy từ lưng dưới đến chân. Nếu chúng bị kích thích hoặc bị đè nén sẽ dẫn đến tình trạng bị tê hoặc ngứa ran ở chân và bàn chân.

    6. Chân bị tê là bệnh gì? Có thể là hội chứng ống cổ chân

    Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi dây thần kinh chạy xuống phía chân dọc theo hướng mắt cá chân và chạy vào lòng bàn chân bị nén, chèn ép hoặc tổn thương.

    7. Bệnh động mạch ngoại biên

    Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) làm cho các động mạch máu ngoại biên ở chân, cánh tay và dạ dày bị thu hẹp, làm giảm lượng máu được bơm cũng như giảm lưu lượng máu. Chân là một trong những bộ phận cơ thể phổ biến bị tác động bởi PAD.

    Hầu hết những người bị PAD đều trải qua cơn đau và chuột rút ở chân và hông khi họ đi bộ hay lên cầu thang. Một số người bị PAD cũng bị tê và yếu chân. Các triệu chứng của PAD thường biến mất sau vài phút nghỉ ngơi.

    8. Nguyên nhân gây tê chân có thể là khối u

    Các khối u, u nang, tăng trưởng lành tính, không phải ung thư có thể gây áp lực lên não, tủy sống và thậm chí cả chân và bàn chân. Áp lực này sẽ hạn chế lưu lượng máu đến chân, bàn chân và gây tê.

    9. Đau cơ xơ hóa

    Đau cơ xơ hóa là tình trạng mãn tính gây đau toàn thân. Một số người bị đau cơ xơ hóa cũng sẽ bị tê và ngứa ran ở tay và chân. Hầu hết những người bị đau cơ xơ hóa trải qua một loạt các triệu chứng như:

    • Cứng và đau không có lý do rõ ràng, đặc biệt là vào buổi sáng và trước khi ngủ
    • Kiệt sức
    • Hay quên và khó suy nghĩ rõ ràng
    • Hội chứng chân không yên

    Hầu như mọi người bị đau cơ xơ hóa đều trải qua các triệu chứng ở hơn một phần cơ thể ít nhất 3 tháng 1 lần. Nếu tê chân và bàn chân không đi kèm bất kì triệu chứng nào khác hoặc không lâu dài thì không chắc là do đau cơ xơ hóa gây ra.

    10. Đa xơ cứng

    Những người bị bệnh đa xơ cứng (MS) trải qua cảm giác tổn thương thần kinh gây tê ở một số vùng nhỏ trên cơ thể hoặc toàn bộ chi. Mặc dù chứng tê liên quan đến MS thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, nhưng nó có thể gây ra sự bất tiện cho người bệnh.

    11. Đột quỵ hoặc cơn đột quỵ nhỏ

    Cơn đột quỵ hoặc đột quỵ nhỏ có thể gây ra tổn thương não, ảnh hưởng đến cách não bộ diễn giải và xử lý tính hiệu thần kinh. Đột quỵ hoặc đột quỵ nhỏ đôi khi còn gây ra tê tạm thời ở một số bộ phận cơ thể.

    Triệu chứng tê chân như thế nào?

    Tê có thể tạm thời hay mãn tính. Bạn có thể có cảm giác tê rần ở chân, đôi khi cơn tê có thể như bị kim châm hoặc có cảm giác tê bì như kiến bò, có thể lan lên vùng bắp chân, đùi và thắt lưng. Triệu chứng tê còn có thể khiến chân bị mất cảm giác. Nhiều người bị tê ở chân và bàn chân, họ thường gặp các triệu chứng khác cùng một lúc hoặc xen kẽ, chẳng hạn như:

    • Ngứa ran
    • Nóng
    • Nhột
    • Ngứa
    • Cảm giác như có con gì bò dưới da

    Điều trị tê chân như thế nào?

    Việc điều trị thích hợp cho tê chân và bàn chân phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây tê chân, bàn chân của người bệnh.

    Thuốc

    • Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm như duloxetinemilnacipran đã được phê duyệt để điều trị chứng đau cơ xơ hóa.
    • Corticosteroid: giúp giảm viêm mãn tính và tê liệt do đa xơ cứng.
    • Gabapentinpregabalin: Các loại thuốc ngăn chặn hoặc thay đổi tín hiệu thần kinh sẽ giúp giảm tê liên quan đến các tình trạng như đau cơ xơ, đa xơ cứng và bệnh thần kinh tiểu đường.

    Biện pháp khắc phục tại nhà

    nguyên nhân gây tê chân

    • Nghỉ ngơi: Nhiều tình trạng tê chân và bàn chân, chẳng hạn như áp lực thần kinh, sẽ được cải thiện khi nghỉ ngơi.
    • Nước đá: Nước đá giúp giảm sưng. Chườm lạnh hoặc chườm đá lạnh vào chân và bàn chân tê trong 15 phút vài lần mỗi ngày.
    • Nhiệt: Nhiệt đôi khi có thể nới lỏng các cơ căng cứng hoặc đau, gây áp lực lên dây thần kinh và gây tê. Tuy nhiên, tránh làm quá nóng chân và bàn chân, vì việc làm này làm nặng thêm tình trạng viêm, gây đau và tê.
    • Massage: Xoa bóp chân và bàn chân giúp cải thiện lưu lượng máu và làm giảm các triệu chứng.
    • Tập thể dục: Ít vận động làm suy yếu tim và mạch máu, giảm khả năng bơm máu đến các chi dưới. Các hoạt động như yoga, Pilates sẽ thúc đẩy lưu lượng máu và giảm viêm mãn tính, tê đau.
    • Kỹ thuật tinh thần và giảm căng thẳng: Những người mắc bệnh tê mãn tính, chẳng hạn như đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa nên cố gắng tập trung vào thực tế là các giai đoạn tê liệt thường ngắn ngủi và tự khỏi. Stress cũng có xu hướng làm cho các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương trở nên tồi tệ hơn.
    • Ngủ đủ giấc: Nhiều tình trạng mãn tính liên quan đến tê chân và bàn chân được biết sẽ trở nên xấu hơn khi thiếu ngủ.
    • Chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý: Suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin B, gây tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt. Nhận đủ vitamin và các chất dinh dưỡng khác cũng làm giảm viêm mãn tính và đau, tê.
    • Hạn chế sử dụng rượu: Rượu chứa độc tố gây tổn thương thần kinh và tê liệt. Rượu cũng thường làm cho các triệu chứng đau mãn tính và tình trạng viêm nặng hơn.

    Một số phương pháp điều trị khác

    Một số liệu pháp điều trị đã được chứng minh là giúp giảm triệu chứng của tình trạng tê ở chân và bàn chân. Các liệu pháp bao gồm:

    •  Xoa bóp
    •  Bấm huyệt
    •  Châm cứu
    •  Vật lý trị liệu
    •  Thiền
    •  Bổ sung vitamin B (đặc biệt là B3, B6 và B12)

    Khi nào nên đi khám bác sĩ?

    Nói chuyện với bác sĩ về tình trạng tê ở chân và bàn chân khi:

    • Tê không liên quan đến thói quen tư thế hoặc các yếu tố lối sống, chẳng hạn như mặc quần áo bó sát và mang giày dép quá chật
    • Kéo dài trong thời gian dài
    • Đi kèm với bất kỳ triệu chứng mãn tính khác
    • Đi kèm với những thay đổi vĩnh viễn hoặc lâu dài về màu sắc, hình dạng hoặc nhiệt độ của chân và bàn chân.

    Tê ở chân và bàn chân là một rối loạn phổ biến, nó có thể trở thành bệnh mãn tính và là dấu hiệu của một bệnh khác tiềm ẩn trong cơ thể. Bất cứ ai gặp phải tình trạnghay bị tê chân không rõ nguyên nhân, dai dẳng, thường xuyên, đau đớn hoặc kèm theo các triệu chứng mãn tính khác nên đến bác sĩ để chẩn đoán và thảo luận về các lựa chọn điều trị.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 19/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo