Chị Lan, 52 tuổi, là quản lý một công ty kinh doanh. Trước đây, thỉnh thoảng chị bị đau thắt lưng và đau vai gáy. Chị đi bác sĩ ở bệnh viện quận và được kê paracetamol kèm NSAIDs là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid nhóm ức chế COX2 dạng uống (bác sĩ bảo thuốc này không gây mục xương như thuốc hạt dưa (corticosteroid) và ít gây đau bao tử), salicilate dạng thoa. Sau vài tuần, tình trạng của chị đã ổn. Dạo sau này công việc áp lực làm chị mất ngủ, ăn uống thiếu khoa học và lên cân. Tần suất các cơn đau thắt lưng và xương vai, gáy xuất hiện ngày càng dày và cuối cùng là liên tục. Các thuốc sử dụng trước đây không hiệu quả. Chị đã chườm lạnh, massage, châm cứu nhưng cũng không có tác dụng. Cơn đau dai dẳng làm cho chị không thể ngồi làm việc, mất ngủ và trầm cảm. Chị cảm thấy dường như bác sĩ bất lực với căn bệnh của mình. Chị xin nghỉ không lương 1 tháng để nghỉ ngơi nhưng hầu như cơn đau không thuyên giảm.
Cuối cùng, chị đến khám ở một bệnh viện tuyến trên và được bác sĩ xương khớp và thần kinh đánh giá và chẩn đoán thoái hóa cột sống kèm viêm cơ xơ hóa.
Chúng ta hãy cùng chị Lan tìm hiểu tại sao bị đau dai dẳng xương khớp, lý do những phương thức điều trị trước đây không hiệu quả cũng như bác sĩ lần này sẽ đề nghị với chị giải pháp gì nhé.
Những bệnh gây đau xương khớp dai dẳng
Đau xương khớp dai dẳng là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh mãn tính ở xương và khớp, thường gặp nhất là:
• Thoái hóa khớp [13]: có đặc điểm là mất sụn khớp ở các đầu xương, liên quan với sự phì đại của xương (các tế bào tạo xương và xơ cứng xương dưới sụn) và dày lên của bao hoạt dịch [13]. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng thường gặp nhất ở hông, đầu gối, khớp bàn tay, bàn chân và cột sống. [13]. Đau có thể từng cơn hoặc liên tục không dứt. [5]
• Viêm khớp dạng thấp [13]: là một tình trạng viêm lan rộng ở các bao hoạt dịch ở các khớp. Đây là dạng phổ biến nhất của bệnh viêm đa khớp mãn tính. Và mặc dù đây là bệnh toàn thân nhưng viêm khớp dạng thấp chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ngoại vi. [13] Một số dấu hiệu của bệnh này như đau nhức, căng cứng, sưng nhiều khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, sụt cân, sốt, mệt mỏi, yếu [3].
• Loãng xương [13]: khối lượng xương ít đi và cấu trúc vi thể của mô xương lỏng lẻo, làm xương giòn dễ bị gãy [13]. Trên lâm sàng, loãng xương thường được nhận biết bởi sự xuất hiện của gãy xương đặc trưng sau chấn thương năng lượng thấp, được ghi nhận nhiều nhất là gãy xương hông, gãy đốt sống và gãy cẳng tay xa. [13]
• Đau thắt lưng [13]: đau khu trú dưới xương sườn thứ mười hai và trên nếp gấp dưới cơ mông, có hoặc không đau chân. Đau lưng được xếp loại là đau cấp nếu kéo dài dưới 6 tuần; bán cấp tính nếu kéo dài giữ 6 tuần và 3 tháng; và mãn tính nếu kéo dài trên 3 tháng. [13].
Tại sao bạn bị đau xương khớp dai dẳng?
Bệnh mãn tính
Bản thân các bệnh mãn tính trên có triệu chứng đau dai dẳng và dễ tái phát nhiều lần.
▪ Bệnh nhân thoái hóa khớp sẽ đau từng đợt hoặc đau nhức liên tục. Với giai đoạn nặng, cơn đau liên tục hơn, với các đợt không thể đoán trước [5].
▪ Thấp khớp gây đau mãn tính không những ở các khớp bị bệnh mà có khả năng gây đau mãn tính ở nhiều vùng khác. Ví dụ, đau đầu có thể do viêm khớp ảnh hưởng đến ba đốt sống đầu tiên của cột sống [10].
▪ Người đã gãy xẹp đốt sống do loãng xương có nguy cơ bị lần thứ hai cao gấp 5 lần [8].
▪ Đau lưng tái phát thường xuyên: Hầu hết các đợt đau sẽ thuyên giảm sau vài hoặc nhiều tuần, nhưng sẽ tái phát. Thường đau thắt lưng không bao giờ hết hoàn toàn và bệnh nhân gặp phải những đợt cấp của đau thắt lưng mãn tính [13].
Lối sống
Một số thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Các thói quen này khó thay đổi ngay, thậm chí không thể thay đổi được ở một số người hút thuốc, béo phì, ít vận động, thiếu ngủ, stress [4]. Chế độ ăn và vận động trong thời kỳ hình thành xương cũng ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp trong suốt cuộc đời. [4]
Ảnh hưởng môi trường
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự liên quan mạnh mẽ giữa các cơn đau xương khớp chi trên với tiếng ồn, nhiệt độ và ánh sáng [9].
Không tuân thủ điều trị
Một số nghiên cứu ghi nhận nguyên nhân dẫn đến việc không tuân thủ điều trị bệnh cơ xương khớp như thiếu vận động trước đó, khó tuân thủ điều trị vật lý trị liệu do thời gian đầu các bài tập ít hiệu quả hoặc gây đau, lo lắng, trầm cảm, hỗ trợ của cộng đồng yếu cũng như nhận thức bản thân kém [7].
Mặt khác, việc sử dụng nhiều thuốc cùng lúc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tuân thủ điều trị. Ở người lớn tuổi, tần suất không tuân thủ điều trị trong khoảng 25-75% và có khả năng tăng lên tỷ lệ với số lượng thuốc và số liều dùng hàng ngày. [6]
Điều trị dứt điểm đau xương khớp dai dẳng được không?
Đau cơ xương khớp mãn tính thường gây ra những thách thức trong việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng đối với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình [11].
Có những bệnh không thể hồi phục như thoái hóa khớp hoặc tình trạng tái đi tái lại nhiều lần như đau thắt lưng, gãy xẹp đốt sống do loãng xương. Riêng thấp khớp có tỉ lệ thuyên giảm bệnh khi được điều trị khoảng 10–30% [13].
Các loại thuốc kê đơn phổ biến cho đau cấp tính là paracetamol, aspirin, NSAIDs, dẫn xuất opioid, thuốc giãn cơ, thuốc tê lidocain dán đã được chứng minh là không có hiệu quả rõ rệt để quản lý đau cơ xương mãn tính [11].
Vậy phải làm gì với đau xương khớp dai dẳng?
Nguyên tắc
Các lựa chọn điều trị cho những cơn đau cơ xương khớp dai dẳng là hữu hạn chứ không phải vô hạn. Có 4 nhóm lựa chọn điều trị chính: liệu pháp vật lý, dùng thuốc, tiêm và phẫu thuật. Ở một số bệnh nhân, yếu tố tâm lý liên quan đến đau mãn tính có thể cản trở sự phục hồi. [2]
Hiểu biết về các lựa chọn điều trị sẽ có ích vì bản thân bệnh nhân cũng sẽ tham gia tích cực và thảo luận với bác sĩ để chọn ra giải pháp thích hợp cho bản thân. [2]
Liệu pháp vật lý
Các liệu pháp có thể được xếp vào 2 nhóm: thụ động và chủ động. Các liệu pháp thụ động như chườm lạnh, kích thích điện, massage, châm cứu, nghỉ ngơi có hiệu quả hỗ trợ ngắn hạn nhưng không giúp giảm đau mãn tính về lâu dài. Liệu pháp chủ động bao gồm các bài tập.
Khi vừa bắt đầu, các bài tập thể dục tập trung vào chỗ đau có thể làm bạn đau nhiều lúc ban đầu nhưng sẽ cải thiện chức năng. Nếu đau xương khớp dai dẳng trong nhiều năm và bệnh nhân đã thay đổi thói quen vận động để điều chỉnh các triệu chứng đau, sự phục hồi sức mạnh, sự linh hoạt và sức bền sẽ mất hàng tháng (không phải hàng tuần) với cường độ luyện tập tích cực hàng ngày (không phải hàng tuần). [2]
Dùng thuốc
Liệu pháp dùng thuốc và tiêm có xu hướng giảm triệu chứng ngắn hạn. [2] Tramadol ER (phóng thích kéo dài), một số thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, thuốc nhóm chống co giật; và các thuốc dùng ngoài như lidocaine, diclofenac và capsaicin là các lựa chọn điều trị hiệu quả nhất cho đau xương khớp mãn tính. [11]
Tiêm
Tiêm tủy sống có thể hữu ích cho cả chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, nếu không có tác dụng giảm đau trong vài tháng, tiêm tủy sống không phải là lựa chọn thích hợp để kiểm soát triệu chứng trong thời gian dài. [2]
Phẫu thuật
Trong phần lớn các trường hợp đau cơ xương khớp mãn tính, phẫu thuật/thủ thuật xâm lấn là lựa chọn sau cùng khi tất cả những điều trị bảo tồn khác thất bại. [2]
Cái kết làm hài lòng mọi người
Chị Lan được giải thích về tình trạng bệnh theo tâm lý liệu pháp rằng cơn đau sẽ kiểm soát được nếu chị hợp tác tích cực, và bác sĩ thảo luận cùng chị về liệu pháp điều trị. Chị mong muốn không phải tiêm hoặc phẫu thuật. Do vậy, bác sĩ kê toa cho chị Tramadol và một thuốc nhóm chống co giật để giảm đau nguồn gốc thần kinh. Thuốc có hiệu quả giảm đau tốt làm chị phấn chấn và có động lực cũng như sức lực tham gia lớp tập aerobic mỗi ngày. Ngoài ra, chị được hướng dẫn tránh những tư thế có hại cho cột sống, những giải pháp tạo lạc quan cũng như năng lượng tích cực cho mình. Chị thích nghi dần với cơn đau và cảm thấy có thể sống chung được với nó. Với những đợt đau nhiều, chị lại gặp bác sĩ và sẽ có một đợt dùng thuốc. Do đó, chị có thể quay trở lại làm việc và cảm thấy khỏe hơn.
PP-CEL-VNM-0476
VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]