Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh?
Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc không cải thiện trong vài tuần, hãy đến bệnh viện hay phòng khám cơ xương khớp để được kiểm tra. Vì đau cơ xương khớp có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trước tiên bác sĩ cần nắm tiền sử bệnh chi tiết và các triệu chứng của người bệnh, chẳng hạn như:
- Cơn đau bắt đầu khi nào?
- Trước thời điểm phát đau, người bệnh đang làm gì (ví dụ: tập thể dục hoặc chơi thể thao)?
- Miêu tả cảm giác đau: đau nhói, châm chích, tê bì, âm ỉ…?
- Cơn đau bộc phát ở vị trí nào trên cơ thể?
- Người bệnh còn có những triệu chứng nào khác không (khó ngủ, mệt mỏi…)?
- Người bệnh cảm thấy đỡ đau hay đau nặng hơn khi làm gì?
Bác sĩ có thể khám lâm sàng bằng cách nhấn hoặc dịch chuyển vùng bị đau để tìm vị trí chính xác nơi cơn đau khởi phát. Bên cạnh đó, có một số xét nghiệm cũng có thể giúp xác định nguyên nhân cơn đau là:
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu viêm (nếu mắc viêm khớp)
- Chụp X-quang hoặc CT để kiểm tra xương
- Chụp MRI để kiểm tra các mô mềm như cơ, dây chằng và gân
- Xét nghiệm dịch khớp để tìm nhiễm trùng hoặc tinh thể gây bệnh gout
Những phương pháp điều trị bệnh
Người bị đau cơ xương khớp thường sẽ được điều trị bởi 1 bác sĩ chăm sóc chính. Chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ chuyên ngành nắn xương, chuyên gia chỉnh hình và các chuyên gia khác cũng có thể tham gia điều trị trong một số trường hợp.
Phương pháp điều trị thường được lựa chọn dựa trên nguyên nhân gây đau, chẳng hạn như:
- Thuốc. Người bệnh có thể được sử dụng paracetamol (acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen. Người bệnh cũng có thể được tiêm corticosteroid hay opioids (chỉ trong trường hợp đau nặng hơn do thuốc có nguy cơ gây nghiện và có tác dụng phụ).
- Trị liệu bằng tay. Massage trị liệu, thao tác chỉnh hình – nắn xương, vật lý trị liệu là những sự lựa chọn khác dành cho người bị đau cơ xương khớp.
- Liệu pháp điều trị thay thế. Người bệnh có thể áp dụng liệu pháp châm cứu, bấm huyệt, bổ sung các viên uống thảo dược, vitamin và khoáng chất.
- Phẫu thuật. Phẫu thuật là lựa chọn cuối nếu cơn đau không cải thiện khi áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn. Người bệnh có thể sẽ cần thay khớp, phẫu thuật ghép, sửa chữa mô mềm và sụn, nội soi khớp.
Thay đổi lối sống
Người đau cơ xương khớp cần thay đổi lối sống như thế nào?
Đối với chấn thương hoặc các vấn đề liên quan đến việc lạm dụng sức khỏe cơ xương khớp, bác sĩ có thể khuyên người bệnh giảm khối lượng công việc, nghỉ ngơi phần cơ thể bị ảnh hưởng cho đến khi cơn đau giảm dần và có thể vận động bình thường. Nếu bị viêm khớp hoặc đau cơ khác, người bệnh có thể cần thực hiện một số bài tập giãn cơ với sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
Chườm đá và chườm nóng đều là những sự lựa chọn tốt để giảm đau. Chườm đá làm giảm sưng và đau ngay sau khi gặp chấn thương. Chườm nóng làm giảm độ cứng của vùng bị ảnh hưởng sau khi chấn thương vài ngày.