backup og meta

Bí quyết giúp giảm đau cơ xương khớp ở người trẻ

Bí quyết giúp giảm đau cơ xương khớp ở người trẻ

Đau cơ xương khớp thường được cho là bệnh gặp phải ở người trung niên, cao tuổi. Nhưng trên thực tế, đau cơ xương khớp có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khoảng 1/3 người và 1/5 người (kể cả trẻ em) sống chung với tình trạng này. (1) 

Đau cơ xương khớp là cảm giác đau có thể cảm nhận thấy ở xương, cơ, dây chằng, gân và dây thần kinh. Cơn đau có khi xuất hiện đột ngột, trong thời gian ngắn với triệu chứng nghiêm trọng (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính). Vị trí đau có khi chỉ khu trú ở trong một khu vực hoặc lan rộng xung quanh. (2)

Nếu đau cơ xương khớp ở người già thường là do thoái hóa, tuổi càng tăng, thì độ giòn của xương tăng, khả năng phục hồi sụn kém, giảm độ đàn hồi dây chằng (11) thì đau cơ xương khớp ở người trẻ thường liên quan đến chấn thương hoặc vận động quá mức. (3) Đau thắt lưng (đau ở vùng lưng dưới) là loại đau cơ xương khớp phổ biến nhất. (2, 3)

Các cơn đau nhức có thể là một rào cản lớn để sống năng động, trọn vẹn. Ví dụ, nếu bạn có một cơn đau do thoái hóa khớp, mỗi lần vận động sẽ gặp ít nhiều khó khăn hay đau lưng dữ dội có thể làm giảm năng suất làm việc. Tình trạng này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân, bạn bè, gia đình và công việc. (10)

Các nguyên nhân dẫn đến đau cơ xương khớp ở người trẻ

Đau cơ xương khớp có thể xuất hiện sau khi có chấn thương tác động đến xương, khớp, cơ, gân, dây chằng hay dây thần kinh. Nguyên nhân có khả năng là do các chuyển động giật (chuyển động mạnh, đột ngột), tai nạn giao thông, té ngã, gãy xương, bong gân, trật khớp hay tác động lực trực tiếp lên cơ bắp. (2)

Ngoài ra, đau cơ xương khớp do công việc dẫn đến vận động quá mức cũng gây ảnh hưởng đến khoảng 33% người trưởng thành. Một trong những cơn đau liên quan đến nghề nghiệp do vận động, sử dụng cơ xương khớp quá mức là đau thắt lưng. (2)

Thói quen sinh hoạt, sai tư thế hay không vận động trong thời gian dài cũng dẫn đến tình trạng đau cơ xương khớp. (2)

Một số bệnh lý khác có thể liên quan đến đau cơ xương khớp như: (4)

  • Viêm khớp, gồm viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bệnh gút…
  • Loãng xương
  • Chấn thương như gãy xương và trật khớp
  • Mất cơ
  • Cấu trúc xương hoặc khớp có vấn đề, như vẹo cột sống

Bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, cần xác định triệu chứng đau cơ xương khớp có liên quan đến những bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng, các bệnh lý có tính hệ thống. (5)

Các biện pháp giúp giảm đau cơ xương khớp ở người trẻ

Để giải quyết đau cơ xương khớp tốt nhất cần điều trị nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. (2) Các lựa chọn điều trị giúp giảm đau cũng rất đa dạng.

Sử dụng thuốc

sử dụng thuốc trị đau cơ xương khớp ở người trẻ
Ảnh: Shutterstock.com – 1557914180

Một số nhóm thuốc thường dùng để giảm đau cơ xương khớp gồm: (4)

  • Paracetamol: Đây là loại thuốc giảm đau không cần toa được sử dụng khá phổ biến có lẽ vì hiệu quả, dung nạp tốt và tương đối an toàn. Tuy nhiên, nếu không chú ý mà dùng quá liều có thể gây ra độc tính ở thận, gan (nhất là ở những người nghiện rượu). (6)
  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): được chia thành hai nhóm là NSAIDs truyền thống (ức chế không chọn lọc) và NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2. Các thuốc NSAIDs có thể gây ra những tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, tim mạch, gan, thận nhưng mức độ ảnh hưởng của các NSAIDs thì khác nhau. Một số NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 được chứng minh an toàn hơn các NSAIDs khác. (6, 8, 9)
  • Tiêm corticosteroid: corticosteroid sẽ được tiêm thẳng vào vị trí đau. (4)
  • Các thuốc opioid: chỉ dùng cho các cơn đau dữ dội bởi vì nhóm thuốc này có thể gây nghiện và gây ra nhiều tác dụng phụ. (4)

Người trẻ hay có tâm lý chủ quan nên khi sử dụng thuốc thường ít để ý đến các tác động bất lợi có thể xảy ra hoặc không để ý đến liều dùng. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của thuốc trên hệ tiêu hóa, huyết áp hay tim mạch có thể gây ra biến cố nghiêm trọng, và xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. (12, 13) Do đó, bạn nên hỏi đầy đủ thông tin về loại thuốc giảm đau được chỉ định, chú ý đến liều dùng và cách sử dụng để giảm bớt tác dụng không mong muốn.

Trị liệu bằng vật lý

Các phương pháp trị liệu này bao gồm: (4)

  • Massage trị liệu
  • Nắn xương hay nắn chỉnh cột sống (chiropractic)
  • Vật lý trị liệu

Phương pháp điều trị thay thế

Một số cách có thể giúp giảm bớt đau cơ xương khớp dù chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng: (4)

  • Châm cứu
  • Sử dụng thảo dược, vitamin và thực phẩm chức năng bổ sung khoáng chất

Sử dụng thiết bị, dụng cụ hỗ trợ

Một số dụng cụ chuyên dùng có thể giúp hỗ trợ trong điều trị đau cơ xương khớp là: (4)

  • Dụng cụ chỉnh hình
  • Nẹp
  • Vòng nẹp cổ
  • Băng dán cơ
  • Đai hỗ trợ thắt lưng

Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ được thực hiện ở những trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn. Bác sĩ sẽ đánh giá và lựa chọn loại phẫu thuật phù hợp cho bạn, như: (4)

Bí quyết duy trì cơ xương khớp khỏe mạnh

Hoạt động thể chất là một trong những cách duy trì sức khỏe hiệu quả và lười vận động được xem là yếu tố chính trong việc hình thành, phát triển một số bệnh lý. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo mỗi người nên có ít nhất 75 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh hoặc ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải mỗi tuần. Một nghiên cứu tại Đan Mạch đã chứng minh việc tuân theo hướng dẫn này giúp giảm bớt nguy cơ bị đau thắt lưng. (7)

Ngoài ra, một số mẹo giúp giảm đau nhức tạm thời bạn có thể thử áp dụng là chườm lạnh và chườm nóng. Nhiệt độ mát sẽ giúp giảm sưng và làm dịu cơn đau ngay sau khi bị chấn thương. Còn nhiệt độ ấm sẽ giúp giảm bớt tình trạng cứng khớp sau vài ngày khi chấn thương. (4)

Tóm lại, bên cạnh các phương pháp điều trị giảm đau cơ xương khớp, bạn nên duy trì một lối sống năng động, lành mạnh. Nếu phải sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài, hãy trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh của bạn nếu có (bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, tim mạch và huyết áp) để được chỉ định loại thuốc an toàn, phù hợp, ít tác dụng phụ và hạn chế tối đa các nguy cơ có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Musculoskeletal conditions. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/musculoskeletal-conditions.

2. Musculoskeletal Pain. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14526-musculoskeletal-pain.

3. Epidemiology of Musculoskeletal Pain. https://s3.amazonaws.com/rdcms-iasp/files/production/public/Content/ContentFolders/GlobalYearAgainstPain2/20092010MusculoskeletalPain/Epidemiology_Final.pdf.

4. Musculoskeletal Pain. https://www.healthline.com/health/tgct/musculoskeletal-pain.

5. Principles and Practice of Pediatric Infectious Diseases (Fifth Edition) (2018), Pages 184-192. 24 – Musculoskeletal Symptom Complexes. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780323401814000244.

6. Approach to managing musculoskeletal pain. Acetaminophen, cyclooxygenase-2 inhibitors, or traditional NSAIDs? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1949301/.

7. Association between lifestyle and musculoskeletal pain: cross-sectional study among 10,000 adults from the general working population. https://bmcmusculoskeletdisord.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12891-019-3002-5.

8. Nonsteroidal anti-inflammatory drugs and upper and lower gastrointestinal mucosal damage. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3890944/.

9. Cardiovascular Safety of Celecoxib, Naproxen, or Ibuprofen for Arthritis. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1611593.

10. Musculoskeletal Health. A public health approach. https://www.versusarthritis.org/media/2116/public-health-guide.pdf.

11. Musculoskeletal Disorders in the Elderly. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3424705/.

12. Chronic pain: Medication decisions. https://www.mayoclinic.org/chronic-pain-medicationdecisions/art-20360371.

13. Side effects of commonly prescribed analgesic medications. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24787343.

Phiên bản hiện tại

28/05/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tổng quan về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch | Hello Bacsi x SANOFI

Trẻ tuổi nhưng thường xuyên đau cơ xương khớp: Nguyên nhân và cách chữa trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo