backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh văn phòng: Đau cơ xương khớp làm giảm hiệu quả công việc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/03/2022

    Bệnh văn phòng: Đau cơ xương khớp làm giảm hiệu quả công việc

    Dù công việc trong văn phòng không phải tiếp xúc với nhiều chất độc hại gây ra những bệnh nghề nghiệp cụ thể nhưng nhân viên văn phòng lại có khả năng gặp phải các vấn đề cơ xương khớp. (1) Đây được xem là một bệnh văn phòng thường gặp khiến người bệnh phải nghỉ phép vì đau ốm, bệnh tật. (11)

    Do phải sử dụng máy tính trong thời gian dài và ít vận động, nhân viên văn phòng dễ gặp phải các vấn đề về cơ xương khớp hay cụ thể hơn là rối loạn cơ xương khớp. (1)

    Rối loạn cơ xương khớp liên quan đến công việc gồm nhiều tình trạng khác nhau, có thể gây ra những bệnh lý cụ thể (như hội chứng ống cổ tay) hay những ảnh hưởng đến thần kinh, cơ, gân và các cấu trúc hỗ trợ khác. (3) Các rối loạn này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm giảm năng suất làm việc. (2)

    Tại sao nhân viên văn phòng lại hay bị đau nhức xương khớp?

    Chị L. (36 tuổi) là một nhân viên kế toán cẩn thận, tỉ mỉ và có tính cách khá khép kín. Do tính chất công việc đòi hỏi phải thận trọng, kỹ lưỡng và làm việc chủ yếu trên máy tính nên phần lớn thời gian trong ngày chị phải nhìn rất lâu vào màn hình. Chị gắn bó với công việc này hơn 10 năm rồi nhưng vẫn hết sức yêu thích nó. Tuy vậy, thời gian gần đây chị thường xuyên cảm thấy đau nhức các khớp xương, mỏi cơ kéo dài khiến hiệu quả công việc giảm sút. Đặc biệt, phần cổ tay và cánh tay còn bị tê rần, cảm giác như kim châm, lâu lâu lại đau nhói lên khiến chị phải dùng đến thuốc giảm đau. Một hôm, chị quyết định đi khám bệnh thì được bác sĩ chẩn đoán mắc phải hội chứng ống cổ tay…

    Câu chuyện trên cũng là vấn đề thường gặp ở những người làm việc văn phòng phải sử dụng máy tính hàng ngày. Vậy tại sao bệnh văn phòng hay có các triệu chứng liên quan đến cơ xương khớp đến vậy?

    nhân viên văn phòng đau nhức xương khớp
    Ảnh: Shutterstock.com – 238409218

    Dù công việc văn phòng thường được xem là khá nhẹ nhàng nhưng thực tế việc sử dụng máy tính trong thời gian dài có thể gây đau cơ, khớp, làm tổn thương khớp vai, cánh tay, cổ tay và bàn tay do những hành động lặp đi lặp lại quá nhiều. Việc sử dụng chuột hay bàn phím quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến khuỷu tay, cổ tay và bàn tay. Khi đó, bạn thường bị đau, sưng, cứng các khớp và hay bị tê tay. (4)

    Bên cạnh đó, ngồi yên trong thời gian dài có thể khiến cho các nhóm cơ lớn ở mông và chân yếu dần đi. (5) Ngồi lâu đặc biệt với chỗ ngồi không được thiết kế phù hợp còn có thể khiến các cơ bị co lại trong thời gian dài, tăng áp lực lên đĩa đệm và làm căng dây chằng, giảm tính linh hoạt của mô, thay đổi độ cong cột sống, làm yếu các cơ quanh đốt sống. (6)

    Đồng thời, tư thế ngồi không đúng “chuẩn” cũng có thể khiến các đĩa đệm ở cột sống bị chèn ép, dẫn đến thoái hóa sớm và gây ra triệu chứng đau đớn. (5)

    Nếu bạn hay cúi người về phía trước để gõ bàn phím hay nhìn màn hình, tình trạng đau và cứng cổ, vai có thể xảy ra. (5)

    Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh văn phòng liên quan cơ xương khớp

    Nhìn chung, những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải các triệu chứng đau nhức, mỏi cơ xương khớp ở nhân viên văn phòng là: (1)

    • Thời gian sử dụng máy tính quá lâu
    • Tư thế ngồi không khoa học
    • Các yếu tố tâm lý xã hội như áp lực trong công việc, xã hội

    Các triệu chứng cơ xương khớp này thường xảy ra ở cổ, vai, lưng trên, có khi ở mắt cá chân hay bàn chân. Tỷ lệ mắc phải ở phụ nữ cao hơn so với đàn ông. (6)

    Nghiên cứu cho thấy tình trạng đau ở chi trên khi dùng máy tính thời gian dài thường có đặc điểm của cơn đau thần kinh. (7) Đặc trưng của cơn đau do nguyên nhân thần kinh gồm cảm giác tê, châm chích hay đau bỏng rát, đau nhói, cảm giác như điện giật, tê lạnh. (8)

    Khi mắc phải bệnh văn phòng gây ra những rối loạn cơ xương khớp, năng suất làm việc của bạn sẽ giảm xuống do các cơn đau nhức làm giảm khả năng tập trung. (12)

    Vậy chị L. có thể có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh văn phòng liên quan đến cơ xương khớp mà không hề chú ý để cải thiện.

    Bí quyết sống khỏe mạnh, hạn chế bệnh văn phòng

    hạn chế bệnh văn phòng
    Ảnh: Shutterstock.com – 609986825

    Như đã nói, các cơn đau cơ xương khớp liên quan đến việc sử dụng máy tính có các đặc điểm của đau thần kinh nên việc dùng các thuốc giảm đau thông thường có xu hướng không mang lại hiệu quả tốt. (7) Đôi khi, cơn đau trở nên tệ hơn thay vì được cải thiện theo thời gian. (9)

    Điều trị bằng phương pháp giảm đau đa mô thức (kết hợp thuốc, vật lý trị liệu, điều trị tâm lý và đôi khi cần phẫu thuật) thường cần thiết để giảm đau thần kinh. (9, 10) Để tìm được phương thức điều trị phù hợp nhất, bạn nên trao đổi chi tiết với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Bác sĩ sẽ kê toa phối hợp các loại thuốc phù hợp cho bạn, cũng như hướng dẫn những biện pháp vận động, sinh hoạt và tư thế làm việc để cải thiện bệnh.

    Bạn cũng có thể phòng tránh các bệnh văn phòng gây đau nhức cơ xương khớp bằng cách: (4, 5)

    • Sử dụng bàn, ghế và các sản phẩm được thiết kế tốt cho tư thế ngồi làm việc với máy tính.
    • Sắp xếp bàn làm việc sao cho khuỷu tay có chỗ để thoải mái ở hai bên bàn phím, cẳng tay song song với mặt sàn.
    • Để chuột máy tính cùng độ cao và gần với bàn phím, dùng cả cánh tay thay vì mỗi cổ tay khi di chuyển chuột.
    • Sắp xếp các công việc khác nhau xen kẽ (nếu được) để giảm bớt thời gian dùng máy tính liên tục.
    • Thường xuyên giải lao trong thời gian ngắn, đứng dậy đi bộ xung quanh nơi làm việc khi có thể.
  • Thực hiện các bài tập giãn cơ đơn giản ngay tại bàn làm việc hoặc cố gắng tham gia các hoạt động thể chất (như đi thang bộ thay vì đi thang máy).
  • Tham gia các hoạt động khác như đi bộ, đạp xe đạp, tập luyện thể dục thể thao.
  • Tóm lại, việc cố gắng giảm bớt các yếu tố nguy cơ gây ra vấn đề cơ xương khớp, sống năng động chính là bí quyết sống khỏe mạnh cho mọi nhân viên văn phòng, kể cả với những người đã phát triển bệnh lý như chị L.

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    PP-CEL-VNM-0476

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo