backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Béo phì

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 04/03/2021

Béo phì

Tìm hiểu chung

Bệnh béo phì không những khiến bạn tự ti về ngoại hình mà còn gây nên nhiều vấn đề sức khỏe. Tìm hiểu đúng nguyên nhân thừa cân béo phì là một trong những cách hiệu quả giúp bạn biết cách “tống khứ” mỡ thừa trong cơ thể.

Bệnh béo phì là gì?

Béo phì là một chứng rối loạn phức tạp do có quá nhiều chất béo trong cơ thể. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng của bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như như tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao, ngưng thở khi ngủ, khó thở khi gắng sức…

Béo phì và thừa cân là hai khái niệm khác nhau. Thừa cân là tình trạng cân nặng dư thừa so với chiều cao. Nguyên nhân gây thừa cân không chỉ do dư thừa chất béo mà còn do nhiều cơ bắp hoặc nước trong cơ thể. Cả hai tình trạng trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Triệu chứng thường gặp

Tác hại của bệnh béo phì là gì?

Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 25 là thừa cân, ở mức 30 hoặc cao hơn là béo phì và ở mức 40 hoặc cao hơn là béo phì nghiêm trọng. Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một cách để biết một người có thừa cân hay không. Công thức tính BMI là:

BMI = Cân nặng (kg)/ (chiều cao (m) x chiều cao (m))

Đối với hầu hết mọi người, BMI giúp ước tính lượng chất béo hợp lý trong cơ thể. Tuy nhiên, chỉ số BMI không trực tiếp đo lượng chất béo trong cơ thể. Ví dụ như ở một số người, cụ thể là vận động viên thể hình có thể có chỉ số BMI ở mức béo phì do cơ bắp của họ phát triển quá nhiều nên chiếm khối lượng lớn mặc dù họ không có chất béo dư thừa trong cơ thể. Cho nên nếu chỉ dựa vào chỉ số BMI sẽ không phản ánh chính xác tình trạng béo phì của bạn. Hãy hỏi bác sĩ của bạn nếu bạn có thắc mắc về chỉ số BMI của mình.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cho rằng mình có thể bị béo phì hoặc thừa cân, hãy gặp bác sĩ ngay. Bạn và bác sĩ có thể cùng đánh giá rủi ro sức khoẻ và thảo luận các cách thức giảm cân. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây béo phì?

nguyên nhân gây béo phì

Nguyên nhân chính gây bệnh béo phì là do cơ thể hấp thu quá nhiều calo. Bên cạnh đó, béo phì cũng có những nguyên nhân khác như gene, stress, thường xuyên thức khuya hoặc có lối sống thiếu lành mạnh.

Nguy cơ mắc phải

Bệnh béo phì có nguy hiểm không?

Bất cứ ai cũng có thể bị béo phì nếu không có một chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp. Đối tượng dễ mắc bệnh bao gồm: Người làm việc ở văn phòng, người ít vận động.

Bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Ngày nay, tình trạng béo phì ở trẻ em cũng là một vấn đề đáng báo động do chế độ ăn uống không hợp lý và ít vận động.

Yếu tố làm tăng nguy cơ béo phì

Một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì:

  • Gen di truyền
  • Lối sống gia đình
  • Ít vận động
  • Chế độ và thói quen ăn uống không lành mạnh
  • Hút thuốc lá
  • Thiếu ngủ
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Tuổi tác

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chẩn đoán bệnh béo phì

Để chẩn đoán bệnh béo phì, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh, thói quen ăn uống, cường độ tập thể dục của bạn.

Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành hai phương pháp phổ biến nhất để đánh giá trọng lượng và đo lường rủi ro sức khỏe liên quan đến cân nặng của bạn là:

Chỉ số khối cơ thể (BMI): Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng chiều cao và cân nặng của bạn theo công thức: BMI = Cân năng (kg)/ (chiều cao (m) x chiều cao (m)). Thông thường, người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 25 là thừa cân, ở mức 30 hoặc cao hơn là béo phì và ở mức 40 hoặc cao hơn là béo phì nghiêm trọng.

Vòng eo (đo vòng bụng của bạn ): Số đo vòng bụng của bạn là một cách khác để ước tính cơ thể bạn đang có bao nhiêu lượng chất béo.

Điều trị béo phì

điều trị béo phì

Chế độ ăn kiêng, tập thể thao hoặc phẫu thuật đều có thể điều trị béo phì.

Chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch cho chế độ ăn ít chất béo, ít calo. Mặt khác, tập thể dục là một cách hữu hiệu để trị bệnh. Bạn cũng nên có một chương trình theo dõi sức khỏe cá nhân để giúp ngăn ngừa những biến chứng của bệnh.

Một vài loại thuốc có thể giúp bạn giảm cân nhưng cũng thường gây tác dụng phụ. Bạn chỉ nên giảm cân bằng thuốc sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Đặc biệt, bạn cần dùng thuốc giảm cân dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Bạn cũng nên hạn chế thói quen ăn vặt hoặc tránh stress thông qua các phương pháp giảm stress khác như yoga, tập thể dục… Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị trầm cảm và stress nghiêm trọng.

Nếu bạn mắc bệnh béo phì (trên mức 100% trọng lượng lý tưởng của cơ thể hoặc có chỉ số BMI cao hơn 40) và những phương pháp giảm béo khác không hiệu quả thì có thể xem xét đến biện pháp phẫu thuật).

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh béo phì?

Những thói quen sau giúp bạn hạn chế diễn tiến trình trạng béo phì:

  • Thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khoẻ của bạn
  • Thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc bạn sử dụngvà tác dụng phụ từ thuốc mà bạn gặp phải (nếu có).
  • Xem xét việc tham gia vào nhóm hỗ trợ giảm cân
  • Tham gia các hoạt động hằng ngày
  • Hiểu rõ cân nặng, chỉ số khối cơ thể và lượng mỡ trong cơ thể hiện tại của bạn
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn tăng cân mặc dù đã ăn kiêng và tập thể dục
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị tiêu chảy hoặc đường huyết thấp nghiêm trọng (glucose) sau phẫu thuật
  • Tìm hiểu về tình trạng của mình sẽ giúp bạn biết được nhừng điều gì nên làm và kiểm soát tình trạng của mình tốt hơn
  • Thiết lập mục tiêu thực tế: bạn không nên đặt những mục tiêu giảm cân quá cao, vì nó sẽ dễ khiến bạn nản chí
  • Kiên trì theo đuổi kế hoạch điều trị
  • Có một bản ghi chép theo dõi tiến trình điều trị: hãy ghi chép lại các loại thức ăn mà bạn đã dùng và các hoạt động thể chất mà bạn đã thực hiện. Việc này sẽ giúp bạn duy trì trách nhiệm trong việc ăn uống và tập thể dục hằng ngày. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn biết được các loại thức ăn và hoạt động nào bạn cần giữ loại hay loại bỏ. Nhận diện và tránh những loại thức ăn có thể đánh thức cơn thèm ăn của bạn. Chỉ nên ăn khi thực sự cảm thấy đói.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 04/03/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo