backup og meta

Miếng dán tránh thai: Công dụng, cách dùng, tác dụng phụ và đối tượng chống chỉ định

Miếng dán tránh thai: Công dụng, cách dùng, tác dụng phụ và đối tượng chống chỉ định

Dùng miếng dán tránh thai (miếng tránh thai hay thuốc dán tránh thai) là biện pháp ngừa thai hiệu quả bên cạnh sử dụng những cách thức tránh thai thông thường khác.

Khi muốn tránh thai, chúng ta thường nghĩ đến các phương pháp phổ biến như sử dụng bao cao su hoặc uống thuốc tránh thai. Tuy nhiên, ngoài những cách này, bạn còn có thể sử dụng miếng dán tránh thai. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu về biện pháp ngừa thai bằng miếng dán da này nhé.

Miếng dán tránh thai là gì?

Miếng dán tránh thai là phương pháp ngừa thai an toàn, đơn giản và hợp lý mà bạn chỉ cần dùng trên vùng da như bụng, cánh tay, mông hoặc lưng. Sản phẩm này sẽ giúp cơ thể giải phóng hormone có khả năng ngăn chặn quá trình thụ thai. Dụng cụ tránh thai này còn được biết đến với những tên gọi khác như dán tránh thai, miếng tránh thai, thuốc dán tránh thai hay miếng dán da tránh thai.

Cách sử dụng miếng dán tránh thai

miếng dán tránh thai

Miếng dán tránh thai có hiệu quả không? Nếu áp dụng đúng cách, miếng dán tránh thai có thể ngừa thai đến 99%, giống như phương pháp uống thuốc ngừa thai.

Cách sử dụng miếng dán tránh thai:

  • Dán miếng dán lên vùng da khô sạch, không có lông (mông, bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên). Không dán lên vú, vùng da bị đỏ hoặc kích ứng, bị trầy xước. Miếng dán tiếp theo không dán trùng lên vị trí đã dán trước đó.
  • Ấn chặt cho miếng dán dính chắc vào da. Không nên sử dụng các loại mỹ phẩm lên vùng da đã dán.
  • Kiểm tra hàng ngày để đảm bảo miếng dán vẫn dính tốt vào da.

Lưu ý trong cách sử dụng miếng dán:

  • Bắt đầu dùng miếng dán vào ngày đầu tiên có kinh nguyệt. Ví dụ, ngày này là thứ Ba, vậy những ngày thay miếng dán là thứ Ba hàng tuần. Bạn sẽ thay 3 lần liên tục rồi nghỉ 1 tuần. Như vậy, mỗi miếng dán được dán liên tục trong 7 ngày.
  • Hết tuần thứ tư, lúc đó bạn cần dán miếng mới dù chu kỳ kinh nguyệt đã đến hay chưa.
  • Lưu ý bạn không để thời gian không dán miếng dán lâu hơn 7 ngày vì điều này sẽ làm giảm hiệu quả ngừa thai. Nếu để lâu hơn 7 ngày, bạn phải dùng kết hợp với biện pháp tránh thai khác.
  • Nếu miếng dán bị bong ở bờ hoặc bong hẳn ra và không dán lại được, thuốc sẽ không được phóng thích đầy đủ. Nếu phát hiện tình trạng này dưới 24 giờ, bạn cần thay miếng dán mới tại vị trí cũ.

Ai có thể sử dụng miếng dán ngừa thai?

Miếng dán tránh thai không hẳn thích hợp cho mọi người. Nếu bạn có ý định sử dụng nó, hãy đến bác sĩ kiểm tra để đảm bảo sản phẩm phù hợp với bạn. Một điều quan trọng nữa là người dùng nên thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của mình cũng như nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào nhằm tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng miếng dán nếu:

  • Đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình có thai
  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Hút thuốc lá và từ 35 tuổi trở lên
  • Hơn 35 tuổi kèm theo việc bỏ thuốc lá hơn một năm
  • Béo phì
  • Uống một vài loại thuốc nhất định chẳng hạn như kháng sinh.

Bạn cũng không thể sử dụng phương pháp tránh thai bằng miếng dán khi có các vấn đề sau:

  • Huyết đông trong tĩnh mạch hoặc động mạch
  • Vấn đề về tim hoặc bệnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn máu của bạn (bao gồm cao huyết áp, huyết đông…)
  • Đau nửa đầu
  • Ung thư vú
  • Mắc bệnh về gan hoặc túi mật
  • Tiểu đường kèm theo biến chứng hoặc mắc bệnh tiểu đường hơn 20 năm.

Thuận lợi và bất lợi khi dùng miếng dán tránh thai

miếng dán tránh thai

Thuận lợi khi sử dụng miếng dán da tránh thai

  • Mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng
  • Rất dễ sử dụng cũng như không cản trở quá trình các cặp đôi gần gũi
  • Không giống như viên thuốc tránh thai kết hợp, khi sử dụng bạn phải uống hằng ngày. Phái nữ chỉ phải nhớ thay đổi miếng dán mỗi tuần một lần.
  • Các hormone từ miếng dán ngừa thai không cần hấp thụ qua dạ dày. Vì vậy, bạn cũng không cần lo lắng đến các tác dụng bị ảnh hưởng nếu chẳng may bị buồn nôn, tiêu chảy.
  • Giống như thuốc viên, miếng dán có khả năng điều hòa nội tiết tố trong cơ thể bạn, giúp chu kỳ kinh nguyệt xảy ra đều đặn, nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn.
  • Hỗ trợ phụ nữ trong quá trình tiền mãn kinh
  • Có thể dùng miếng dán khi đi tắm, chơi thể thao
  • Mỗi lần đến chu kỳ kinh nguyệt, bạn rất khó chịu, mệt mỏi? Miếng dán có thể giúp đỡ bạn phần nào.

Bất lợi khi sử dụng miếng dán da tránh thai

Một số bất lợi có thể xuất hiện trong quá trình sử dụng miếng dán bao gồm:

  • Dễ bị nhìn thấy và nhận ra
  • Gây kích ứng da, khiến người dùng có cảm giác ngứa, khó chịu
  • Không thể bảo vệ bạn chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, nếu muốn tránh bệnh lây qua đường tình dục, bạn cũng phải sử dụng bao cao su
  • Xuất hiện tác dụng phụ tạm thời ở mức độ nhẹ chẳng hạn đau đầu, buồn nôn, đau ngực, tâm trạng thay đổi thất thường nhưng sẽ hết sau vài tháng.
  • Xuất huyết đột ngột giữa các chu kỳ “đèn đỏ” là tình trạng phổ biến trong thời gian đầu sử dụng miếng dán tránh thai. Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng về điều này nếu bạn dùng đúng theo những gì được hướng dẫn. Thêm vào đó, chị em sẽ vẫn được bảo vệ khỏi việc mang thai.

Một số loại thuốc có khả năng làm cho miếng dán trở nên kém hiệu quả. Nếu bạn được kê thuốc mới hoặc đang mua thuốc không kê toa, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn. Bạn có thể cần sử dụng một hình thức ngừa thai bổ sung trong lúc đang dùng thuốc và trong 28 ngày sau đó.

Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai

miếng dán tránh thai

Nhiều phụ nữ trước khi sử dụng đều muốn biết miếng dán tránh thai có an toàn không, có tác dụng phụ nào không. Miếng dán tránh thai là phương pháp ngừa thai an toàn. Tuy nhiên, nó vẫn tiềm ẩn một số rủi ro sức khỏe nhất định mà bạn không nên chủ quan bỏ qua.

Huyết đông

Miếng dán tránh thai làm tăng cơ hội phát triển của các cục máu đông, có thể làm tắc nghẽn mạch máu (huyết khối tĩnh mạch) hoặc động mạch (huyết khối động mạch) kèm theo tình trạng đột quỵ hoặc đau tim. Do đó, bạn không nên sử dụng sản phẩm nếu bạn đã từng bị cục máu đông trước đây.

Nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng tăng cao trong năm đầu dùng miếng dán tránh thai nếu:

  • Sử dụng thuốc lá
  • Béo phì quá mức
  • Gặp khó khăn trong cử động
  • Bị giãn tĩnh mạch nghiêm trọng
  • Cao huyết áp
  • Thành viên có quan hệ huyết thống gần gũi trong gia đình bị đột quỵ hoặc đau tim trước 45 tuổi.

Ung thư

Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ ngừa thai bằng nội tiết tố, chẳng hạn như miếng dán tránh thai, có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn so với chị em còn lại. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng nhận định nếu sử dụng miếng dán ngừa thai dài hạn, bạn cũng làm tăng một phần nhỏ nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ hơn mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Các trường hợp chống chỉ định với miếng dán tránh thai

Miếng dán tránh thai tuy tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gây ra các rủi ro hiếm gặp như thuyên tắc mạch máu, nhồi máu cơ tim,…Do đó trước khi sử dụng miếng dán tránh thai, cần khám và tư vấn ở các cơ sở y tế uy tín để biết mình có thuộc nhóm đối tượng bị chống chỉ định hay không.

Các trường hợp chống chỉ định tuyệt đối

  • Có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau khi sinh
  • Có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đối tượng từ 35 tuổi trở lên, hút thuốc lá thường xuyên, bị tăng huyết áp, đái tháo đường
  • Đã và đang mắc các bệnh lý tim mạch như rối loạn đông máu, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch, bệnh lý van tim,…
  • Đang bị suy gan, xơ gan, u gan

Các trường hợp chống chỉ định tương đối

  • Sử dụng một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramate, oxcarbazepine, thuốc kháng virus, kháng sinh rifampicin…
  • Phụ nữ đang cho con bú sau khi sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc phụ nữ không cho con bú trong vòng 4 tuần sau khi sinh
  • Đã từng bị ung thư vú và không tái phát trong vòng 5 năm
  • Bị rối loạn lipid máu.

Miếng dán tránh thai là một biện pháp ngừa thai hiệu quả và không ảnh hưởng đến sự thăng hoa cảm xúc khi “yêu”. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh các vấn đề không mong muốn có thể xảy ra.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The contraceptive patch

https://www.nhs.uk/conditions/contraception/contraceptive-patch/?

Ngày truy cập: 21/11/2022

Birth control patch

https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-patch

Ngày truy cập: 21/11/2022

http://kidshealth.org/en/teens/contraception-patch.html

Contraception patch

http://mayoclinic.org/tests-procedures/birth-control-patch/about/pac-20384553

Ngày truy cập: 21/11/2022

Contraceptive patch

http://sexwise.org.uk/contraception/contraceptive-patch

Ngày truy cập: 21/11/2022

Phiên bản hiện tại

21/11/2022

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Trả lời: Tháo vòng tránh thai bao lâu thì đặt lại được?

Mất khoảng bao lâu để mang thai lần 2 sau khi sinh con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 21/11/2022

Bài viết này có hữu ích với bạn?