backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách làm kombucha chua ngọt và có lợi cho sức khỏe

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Le Minh Phuong · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    Cách làm kombucha chua ngọt và có lợi cho sức khỏe

    Trà kombucha là thức uống lên men từ trà, đường và có vị chua ngọt. Không chỉ có những lợi ích sức khỏe từ trà, kombucha còn cung cấp một lượng vi sinh vật có lợi cho đường ruột. Vậy cách làm kombucha thế nào, tác dụng của trà kombucha là gì, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

    Trà kombucha là gì?

    Kombucha hay còn gọi là trà thủy sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó lan sang Nhật Bản, Nga và dần trở nên phổ biến ở châu Âu vào đầu thế kỷ 20. Đây là loại thức uống có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe.

    Các thành phần cơ bản trong kombucha là men, đường và trà đen. Hỗn hợp này thường được ủ trong một tuần hoặc hơn. Trong quá trình đó, vi khuẩn và axit hình thành trong nước trà, kèm một lượng nhỏ cồn (alcohol).

    Những vi khuẩn và axit này tạo thành một lớp giống như thạch trên bề mặt nước trà được gọi là scoby, một thể cộng sinh của vi khuẩn và nấm men. Bạn có thể sử dụng scoby làm giống lên men nước trà và đường để có nhiều kombucha hơn.

    Vi khuẩn trong kombucha bao gồm vi khuẩn axit lactic – một dạng lợi khuẩn probiotic. Ngoài ra, kombucha cũng chứa một lượng vitamin B lành mạnh.

    Tác dụng của trà kombucha

    cách làm trà kombucha

    Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, trà kombucha có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp thải độc tố và tăng cường năng lượng cho cơ thể. Nó cũng được biết đến với khả năng nâng cao hệ miễn dịch, giúp giảm cân, ngăn ngừa huyết áp cao, bệnh tim và ung thư. Tuy nhiên, hiện vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh những tác dụng này của trà kombucha.

    Khả năng hỗ trợ tiêu hóa của kombucha xuất phát từ quá trình lên men tạo ra lợi khuẩn. Các lợi khuẩn được hình thành giúp hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích (IBS) và tăng cường hệ miễn dịch.

    Do được làm từ trà, kombucha mang lại những lợi ích tương tự như trà xanh. Nó chứa nhiều hợp chất sinh học như polyphenol, có chức năng như chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị hư hại.

    Trà xanh cũng giúp bạn đốt cháy lượng mỡ thừa và bảo vệ bạn khỏi bệnh tim. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thức uống này làm giảm lượng cholesterol và lượng đường trong máu, nhưng những báo cáo này không chỉ ra rằng tác dụng đó là tương tự ở mọi người.

    Một lưu ý khi làm trà kombucha là nếu thực hiện sai cách, nó có thể hình thành vi khuẩn hoặc nấm mốc có hại thay vì các men vi sinh có lợi cho sức khỏe.

    Bạn có thể quan tâm: Cách sử dụng trà xanh giảm cân hiệu quả

    Mách bạn cách làm trà kombucha tại nhà

    cách làm kombucha

    Nguyên liệu

    • 200g đường vàng/trắng
    • 10g trà đen
    • 500ml nước sôi
    • 1,500ml nước nguội
    • 250ml trà mồi + scoby

    Dụng cụ

    • Bình thủy tinh 3-4 lít
    • Vải che + dây buộc
    • Thìa/đũa/muôi.

    Lưu ý về nguyên liệu và dụng cụ trong cách làm trà kombucha

  • Trà mồi là nước trà đã được lên men từ mẻ trước. Bạn thu hoạch được sẽ chừa lại làm giống.
  • Với bình thủy tinh, bạn cần tiệt trùng nhiều lần bằng nước sôi.
  • Với vải che, bạn nên chọn vải có độ dày vừa phải để vừa tránh bụi, côn trùng xâm nhập vào bình trà cũng vừa để tạo độ thoáng khí, giúp cho các vi sinh vật trong trà kombucha phát triển bình thường. Bạn có thể dùng vải linen, vải cotton hay vải mùng gấp làm nhiều lớp.
  • Bạn có thể mua sẵn một bộ giống về để làm dễ hơn nhé.
  • Cách làm kombucha

    • Dùng bình thủy tinh, hãm 10g trà với 500ml nước sôi trong 5 phút, lọc bỏ bã trà.
    • Thêm 200g đường vào nước trà vừa hãm rồi khuấy tan.
    • Rót vào 1,500ml nước nguội. Bạn nên dùng nước đã được xử lý qua vòi lọc nhé.
    • Đợi bình nước nguội hoàn toàn.
    • Cho trà mồi và scoby vào.
    • Dùng vải che miệng bình để bình vào chỗ thoáng mát, tránh ánh sáng.

    Dấu hiệu nhận biết cách làm kombucha có thành công hay không: sau 2-3 ngày, trên nước trà sẽ xuất hiện 1 màng mỏng, chính là scoby mới hình thành. Còn nếu trà bị hỏng, trên bề mặt trà sẽ xuất hiện các đốm màu sắc trắng, đen, xanh, cam… và có sợi, chứng tỏ mẻ trà kombucha đó đã bị nhiễm nấm mốc. Khi đó, việc duy nhất bạn có thể làm là hủy mẻ trà, khử trùng bình thật sạch với nước sôi nhiều lần và làm lại mẻ trà mới.

    Dụng cụ cũng cần được tiệt trùng bằng nước sôi, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời rồi mới được sử dụng.

    Những thay đổi của bình trà trong quá trình làm kombucha

    cách làm kombucha

    Đến ngày thứ 3, bạn sẽ nhìn thấy một scoby mới, được gọi là scoby con được hình thành trên bề mặt nước trà, phía trên scoby giống, gọi là scoby mẹ. Bình trà có đường kính bao nhiêu thì scoby mẹ và con cũng sẽ có đường kính bấy nhiêu. Theo thời gian, scoby con sẽ ngày càng dày hơn và màu nước trà cũng nhạt đi.

    Trong quá trình lên men, scoby mẹ có thể nổi lên trên hoặc chìm xuống dưới đáy bình. Đây là điều hết sức bình thường nên bạn đừng lo lắng nhé. Đặc biệt, trong quá trình lên men sẽ sinh ra khí ga có bản chất là khí cacbonic nên bạn sẽ nhìn thấy bọt khí giữa lớp nước trà và scoby con. Điều này nhiều khi khiến cho scoby con bị đẩy lên cao, tách biệt khỏi bề mặt trà. Vì vậy chúng ta sẽ cần phải thường xuyên nghiêng nhẹ bình để bọt khí thoát ra, giúp scoby con chạm xuống bề mặt nước trà.

    Nếu bạn thắc mắc bình trà lên men mấy ngày thì thu hoạch được thì câu trả lời là việc này không có quy chuẩn cụ thể. Bởi vì cách làm kombucha lên men phụ thuộc lớn vào nhiệt độ. Trong khi đó có sự khác nhau về nhiệt độ theo mùa, theo miền và có người sẽ thích uống kombucha chua vừa phải, có người lại muốn uống kombucha chua nhiều. Do đó, kinh nghiệm làm kombucha sau nhiều lần sẽ cho bạn biết khi nào nên thu hoạch. Hãy nếm thử trà, nếu thấy còn ngọt và chưa được vị chua như ý muốn, bạn hãy để trà lên men lâu hơn nữa cho đến khi đạt độ chua vừa ý nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Le Minh Phuong · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo