backup og meta

Xoắn buồng trứng là gì? Nhận biết để điều trị kịp thời

Xoắn buồng trứng là gì? Nhận biết để điều trị kịp thời

Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng xoắn buồng trứng có thể đe dọa đến chức năng của buồng trứng và khả năng sinh sản về sau. Vì thế, việc nhận biết, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để buồng trứng có khả năng phục hồi chức năng hoàn toàn.

Xoắn buồng trứng là một trong những tình trạng cần cấp cứu ngoại phụ khoa phổ biến và có thể gây ảnh hưởng đến nữ giới ở mọi lứa tuổi. Điều quan trọng là người bệnh phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời để bảo tồn chức năng buồng trứng và/ hoặc ống dẫn trứng, ngăn ngừa các bệnh lý liên quan khác. Tuy nhiên, việc đưa ra chẩn đoán có thể gặp khó khăn vì các triệu chứng biểu hiện tương đối không đặc hiệu.

Xoắn buồng trứng là gì, có nguy hiểm không? 

Xoắn buồng trứng là tình trạng mà buồng trứng, có khi bao gồm cả ống dẫn trứng, bị xoắn vào các mô hỗ trợ xung quanh. Từ đó, nguồn máu cung cấp đến buồng trứng bị chặn lại và nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây chết mô tại cơ quan này.

Tình trạng buồng trứng bị xoắn thường chỉ xảy ra ở một bên và gây ra cảm giác đau dữ dội, kèm theo nôn mửa đột ngột. Tình trạng này cũng có thể gây nhiễm trùng trong khoang bụng (viêm phúc mạc).

Yếu tố nguy cơ chính gây ra xoắn buồng trứng là khối u buồng trứng (u đặc hoặc u nang) có đường kính từ 5cm trở lên. Khối u làm tăng nguy cơ buồng trứng bị vặn xoắn trên trục của hai dây chằng treo nó và làm gián đoạn dòng máu cung cấp.

Mặc dù nguy cơ buồng trứng bị xoắn là không thường gặp nhưng đây là trường hợp cần được cấp cứu y tế nếu xảy ra. Nếu máu không cung cấp đến được buồng trứng trong thời gian đủ lâu sẽ khiến buồng trứng không còn khả năng hoạt động bình thường, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, khi được điều trị kịp thời thì buồng trứng có cơ hội phục hồi hoàn toàn và bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Dấu hiệu xoắn buồng trứng: Làm thế nào để nhận biết?

dấu hiệu xoắn buồng trứng

Dấu hiệu điển hình của tình trạng xoắn buồng trứng là bùng phát cơn đau vùng chậu cấp tính ở mức độ từ vừa đến nặng, có thể lan tỏa hoặc khu trú ở một bên và thường kèm theo buồn nôn, nôn mửa nếu có khối u. Các triệu chứng khác có thể xảy ra gồm:

  • Đau bụng đột ngột, đau nhói từng cơn hoặc đau âm ỉ, liên tục
  • Đau quặn thắt trong vài ngày hoặc vài tuần
  • Bụng mềm và nhạy cảm hơn

Cơn đau đôi khi lan xuống lưng, sườn hoặc chân. Mức độ đau cũng có thể khác nhau ở phụ nữ sau mãn kinh hay tiền mãn kinh. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ sau mãn kinh thường bị đau âm ỉ, liên tục còn những người tiền mãn kinh thường cảm thấy đau nhói, đột ngột như bị dao đâm. Cơn đau có thể diễn ra ngắt quãng, không liên tục nếu buồng trứng bị xoắn rồi hết xoắn luân phiên.

Nếu buồng trứng đã hoại tử có thể khiến người bệnh bị sốt. Tình trạng chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch bất thường cũng xảy ra khi buồng trứng bị xoắn có liên quan đến áp-xe ống dẫn trứng. Tình trạng xoắn buồng trứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây ra biểu hiện không dung nạp thức ăn hoặc khó chịu, quấy khóc.

Những ai có nguy cơ bị xoắn buồng trứng?

bị xoắn buồng trứng

Ngoài việc tìm hiểu xoắn buồng trứng là gì, các chị em phụ nữ cũng quan tâm đến vấn đề những ai có nguy cơ gặp phải tình trạng này. Xoắn buồng trứng thường dễ xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có khả năng xuất hiện ở các bé gái trước tuổi dậy thì. Yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến xoắn buồng trứng là u nang.

Một số trường hợp dễ tạo thành u nang và sau đó tạo điều kiện cho tình trạng xoắn buồng trứng xảy ra là:

  • Mang thai: Bình thường, trứng được phóng thích khỏi nang trứng trong quá trình rụng trứng. Sau đó, vỏ nang trứng còn lại tạo thành dạng cấu trúc mới gọi là hoàng thể. Khi quá trình thụ thai không diễn ra, hoàng thể sẽ bị phá vỡ và được cơ thể tái hấp thu. Ngược lại, nếu có thụ thai, nang hoàng thể có thể tồn tại dưới dạng nang xuất huyết bên trong chứa đầy máu hoặc dịch. Loại nang này thường thấy trong thời kỳ đầu thai kỳ. Đa số trường hợp nang này sẽ tự biến mất nhưng cũng có nguy cơ gây ra xoắn buồng trứng nếu kích thước quá to.
  • Sử dụng thuốc nội tiết tố: Những người sử dụng nội tiết tố (hormone) để kích rụng trứng trong điều trị hiếm muộn có thể kích thích buồng trứng phát triển u nang, làm tăng nguy cơ bị xoắn buồng trứng.

Buồng trứng bị xoắn được điều trị như thế nào? 

điều trị xoắn buồng trứng

Phương pháp điều trị duy nhất khi phát hiện xoắn buồng trứng là phẫu thuật để tháo xoắn. Trong quá trình phẫu thuật, trước tiên, bác sĩ sẽ cắt bỏ u nang (nếu có) sau đó tháo xoắn buồng trứng và ống dẫn trứng để phục hồi lưu lượng máu đến các cơ quan này. Hai loại hình phẫu thuật thường được sử dụng gồm:

  • Nội soi ổ bụng: Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên bụng để đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào bên trong rồi tiến hành quá trình cắt bỏ u nang (nếu có) cùng tháo xoắn. Sau khi kiểm tra và đảm bảo lưu lượng máu đến buồng trứng bình thường, ca phẫu thuật sẽ kết thúc. Quá trình phẫu thuật được thực hiện trong bệnh viện dưới hình thức gây mê.
  • Phẫu thuật mở ổ bụng: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch đường mổ lớn ở bụng để có thể quan sát trực tiếp các cơ quan bị ảnh hưởng và tiến hành thao tác tháo xoắn buồng trứng, loại bỏ u nang (nếu có). Sau khi đánh giá trạng thái buồng trứng đã ổn định, bác sĩ sẽ khâu vết mổ lại. Người bệnh trải qua loại hình phẫu thuật mở này cần có thời gian nằm viện lâu hơn cũng như quá trình hồi phục kéo dài hơn.

Nếu buồng trứng có dấu hiệu hoại tử và không thể cứu chữa, bác sĩ có thể phải lựa chọn cắt bỏ buồng trứng – ống dẫn trứng. Trường hợp nghi ngờ u nang ác tính hoặc người bệnh đã mãn kinh thì bác sĩ sẽ ưu tiên lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng – ống dẫn trứng ở bên bị xoắn.

Nhìn chung, khi điều trị tình trạng xoắn buồng trứng, các bác sĩ sẽ luôn cố gắng bảo tồn chức năng của buồng trứng. Phần lớn người bệnh đều phục hồi tốt sau khi phẫu thuật điều trị xoắn buồng trứng và ít có khả năng tái phát. Đừng quên tham gia cộng đồng Sức khỏe phụ nữ ngay hôm nay để chia sẻ câu chuyện, cùng thảo luận về bí quyết chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và đời sống sinh lý phụ nữ bạn nhé! 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ovarian Torsion https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560675/ Ngày truy cập 7/7/2024

Ovarian torsion

https://radiopaedia.org/articles/ovarian-torsion Ngày truy cập 7/7/2024

Ovarian Torsion https://www.yalemedicine.org/conditions/ovarian-torsion Ngày truy cập 7/7/2024

Adnexal Torsion

https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/miscellaneous-gynecologic-abnormalities/adnexal-torsion Ngày truy cập 7/7/2024

What to Know About Ovarian Torsion https://www.webmd.com/women/what-to-know-ovarian-torsion Ngày truy cập 7/7/2024

Ovarian and fallopian tube torsion https://www.uptodate.com/contents/ovarian-and-fallopian-tube-torsion Ngày truy cập 7/7/2024

Phiên bản hiện tại

10/07/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Hỏi đáp Bác sĩ: Nang đơn thùy buồng trứng phải có nguy hiểm không?

6 biểu hiện của u nang buồng trứng ác tính dễ gây nhầm lẫn và cách điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 10/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo