backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tổng hợp 5 loại thuốc kích trứng tăng cơ hội thụ thai

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/02/2024

    Tổng hợp 5 loại thuốc kích trứng tăng cơ hội thụ thai

    Nếu bạn gặp các rối loạn về rụng trứng và khó mang thai thì việc dùng thuốc kích trứng hay thuốc kích rụng trứng sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc. Loại thuốc này thường được khuyến khích sử dụng đối với những chị em khó xác định thời điểm thụ thai do kinh nguyệt không đều.

    Kinh nguyệt không đều là một tình trạng thường liên quan đến yếu tố cơ địa, sự căng thẳng, thay đổi cân nặng, sử dụng thuốc hoặc mắc bệnh lý nào đó. Công dụng chính của thuốc kể trên là vừa tăng số lượng trứng trưởng thành trong một chu kỳ kinh nguyệt vừa đảm bảo giải phóng trứng khỏe mạnh.

    Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bạn cần thực hiện một số xét nghiệm để xác định buồng trứng của bạn có đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc hay không. Ngoài ra, để hiểu chi tiết hơn về các loại thuốc kích trứng trước khi dùng, bạn có thể tham khảo ngay những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau.

    Tổng hợp 5 loại thuốc kích trứng phổ biến hiện nay

    Tại một số diễn đàn trên các trang mạng xã hội, nhiều chị em thường thắc mắc thuốc kích trứng loại nào tốt và xin tư vấn về các loại thuốc kích trứng tốt nhất hiện nay hay uống thuốc kích trứng có thai luôn là thuốc nào?

    Thuốc kích trứng (các chị em hay gọi là thuốc kích rụng trứng) còn được biết đến là thuốc hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ. Các loại thuốc này hoạt động giống như các hormone tự nhiên là hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) để kích hoạt sự rụng trứng. Các loại thuốc kích trứng phổ biến bao gồm:

    1. Clomiphene citrate

    Clomiphene citrate là thuốc  kích trứng dạng uống. Loại thuốc này kích thích rụng trứng bằng cách làm cho tuyến yên tiết ra nhiều hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone luteinizing (LH). Đây là phương pháp điều trị đầu tiên cho phụ nữ dưới 39 tuổi mắc hoặc không mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

    Ngoài ra, việc theo dõi là cần thiết trong khi bạn dùng clomiphene citrate. Các hình thức theo dõi thường là siêu âm canh trứng, kiểm tra nồng độ estrogen trong máu và xét nghiệm chỉ số hormone LH. Đối với các trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, bác sĩ thường kê đơn thuốc kích trứng clomiphene citrate khi bạn làm thụ tinh nhân tạo IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung).

    2. Gonadotropin

    thuốc kích trứng rụng

    Gonadotropin là dạng thuốc tiêm kích trứng, thuốc bao gồm Menotropin (hMG) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Thuốc gonadotropin có tác dụng kích thích sự phát triển của trứng ở những phụ nữ không thể rụng trứng tự nhiên hoặc rụng trứng không đều. Đối với phụ nữ có thể rụng trứng, việc dùng gonadotropin sẽ giúp tăng số lượng trứng phát triển trong một chu kỳ.

    Bên cạnh đó, gonadotropin còn có một loại khác chứa hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin). Thuốc tiêm kích trứng này được sử dụng để giúp trứng trưởng thành và kích hoạt giải phóng trứng vào đúng thời điểm rụng trứng. Đồng thời, thuốc còn kích thích hoàng thể tiết ra progesterone để làm dày lớp niêm mạc tử cung và chuẩn bị cho quá trình thụ tinh.

    Không những vậy, thuốc kích trứng gonadotropin với kỹ thuật dạng tiêm có thể được sử dụng trong cả thụ tinh nhân tạo IUI và thụ tinh trong ống nghiệm IVF.

    3. Metformin

    Metformin là thuốc kích trứng được sử dụng đối với trường hợp kháng insulin đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ là nguyên nhân gây vô sinh. Thông thường, tình trạng này sẽ xảy ra đối với phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

    Nói cách khác, bởi vì buồng trứng đa nang thường có liên quan qua lại với quá trình chuyển hóa insulin và glucose. Do đó, việc dùng Metformin (Fortamet) sẽ cải thiện vấn đề kháng insulin và cùng với đó là cải thiện khả năng rụng trứng của phụ nữ mắc hội chứng PCOS.

    4. Nhóm thuốc chứa chất ức chế aromatase

    thuốc kích trứng rụng

    Aromatase là men được cơ thể tiết ra giúp chuyển đổi hormone androgen thành estrogen. Thuốc  ức chế aromatase là loại thuốc làm giảm nồng độ estradiol tạm thời, khiến tuyến yên tạo ra nhiều hormone FSH hơn. Nhóm thuốc này hoạt động tương tự như Clomiphene và thường được sử dụng cho phụ nữ dưới 39 tuổi mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Trong đó, letrozole và anastrozole là 2 loại thuốc đã được FDA phê duyệt để sử dụng với mục đích hỗ trợ phụ nữ đang gặp các vấn đề về rụng trứng.

    5. Thuốc kích trứng bromocriptine và cabergoline

    Một số phụ nữ rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng là do tuyến yên sản xuất quá nhiều prolactin. Khi nồng độ prolactin trong máu quá cao sẽ ức chế sự giải phóng hormone FSH và LH. Từ đó phá vỡ sự phát triển của nang trứng và ngăn cản quá trình rụng trứng.

    Nếu bạn được chẩn đoán tăng prolactin trong máu, tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc bromocriptine hoặc cabergoline. Thuốc có tác dụng làm giảm lượng prolactin do tuyến yên tiết ra và giúp nồng độ prolactin trong máu trở lại bình thường. Trong hầu hết trường hợp dùng thuốc kích trứng bromocriptine hoặc cabergoline, phụ nữ đều có thể rụng trứng và mang thai thành công nếu không có thêm nguyên nhân gây vô sinh nào khác.

    Thuốc kích trứng có thể gây những rủi ro nào khi dùng?

    Sử dụng thuốc kích trứng là phương pháp hỗ trợ sinh sản khá hiệu quả đối với phụ nữ gặp các rối loạn về rụng trứng. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn có những mặt trái và cả những rủi ro mà bạn cần lưu ý.

    1. Dùng thuốc kích trứng khiến bạn dễ mang đa thai

    tác dụng phụ của thuốc kích trứng

    Thuốc kích trứng có tác dụng gia tăng số trứng trưởng thành trong một chu kỳ của phụ nữ. Do đó, việc dùng thuốc dù dưới dạng tiêm hoặc uống đều có thể làm tăng khả năng mang thai song sinh hoặc đa thai. Trong đó, thuốc tiêm kích trứng thường khiến bạn dễ sinh ba hơn thuốc dùng đường uống.

    Vấn đề này được xem là mặt trái của thuốc hỗ trợ sinh sản vì việc mang đa thai sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, sinh bé nhẹ cân và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ hoặc có thể gây ra những biến chứng thai kỳ cho mẹ. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ thật kỹ càng để được hướng dẫn sử dụng thuốc với liều lượng phù hợp.

    2. Hội chứng quá kích buồng trứng

    Một số trường hợp uống hoặc tiêm thuốc kích trứng có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng. Các dấu hiệu và triệu chứng thường bao gồm đau bụng nhẹ, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Nếu nghiêm trọng hơn, bạn có thể gặp các vấn đề như tăng cân nhanh, buồng trứng sưng to, đau đớn, có dịch trong bụng và khó thở.

    3. Nguy cơ xuất hiện khối u buồng trứng

    Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy phụ nữ dùng thuốc kích trứng ít có rủi ro về lâu dài. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy phụ nữ dùng loại thuốc này 12 tháng trở lên mà không thụ thai thì có thể tăng nguy cơ phát triển các khối u buồng trứng.

    Do đó, cách tốt nhất là khi nhận ra việc dùng thuốc kích trứng không đem lại hiệu quả trong vài chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên thì bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá lại mức độ phù hợp giữa cơ thể và loại thuốc bạn đang dùng để thay đổi nếu cần thiết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo