backup og meta

Nổi mụn ở mép vùng kín nữ: 8 nguyên nhân phổ biến và cách trị

Nổi mụn ở mép vùng kín nữ: 8 nguyên nhân phổ biến và cách trị

Tình trạng nổi mụn ở mép vùng kín nữ xảy ra khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vậy, nữ giới mọc mụn ở vùng kín là biểu hiện của bệnh gì?

Bộ phận sinh dục là một trong những vùng nhạy cảm nhất. Vị trí này rất dễ bị kích ứng bởi các yếu tố bất thường bên ngoài và bên trong cơ thể. Do đó, hiện tượng nổi mụn ở mép vùng kín nữ thường xảy ra, gây khó chịu cho phái đẹp. Để hiểu rõ nguyên nhân cũng như khắc phục tình trạng này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Nổi mụn ở mép vùng kín nữ là gì?

Tình trạnh mụn nổi ở mép vùng kín nữ thường là những nốt mụn nhỏ, màu đỏ, nổi trên bề mặt da ở mép âm hộ. Nguyên nhân thường là do:

Bạn có thể ngạc nhiên và lo lắng khi phát hiện ra mình bị nổi mụn ở mép vùng kín. Tuy nhiên, những nốt mụn này thường vô hại và có thể biến mất nếu bạn áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, mụn mọc ở mép vùng kín có thể sưng tấy và cần được can thiệp y tế.

Dấu hiệu nhận biết khi bị nổi mụn ở mép vùng kín nữ

Các nốt mụn mọc ở mép vùng kín có thể trông giống như mụn nổi trên mặt hoặc trên cơ thể, do đó mà có thể có các hình dạng như:

  • Mụn đầu đen: Nang lông bị bít tắc và đổi màu đen trên bề mặt da.
  • Mụn đầu trắng: Nang lông bị bít tắc và bề mặt da trông có màu trắng.
  • Mụn mủ hoặc mụn nhọt: Các nốt mụn có nền màu đỏ, nhân mủ trắng hoặc vàng.
  • Mụn sẩn: Một dạng tổn thương trên da nhỏ, màu hồng và viêm.
  • Hạch: Một dạng tổn thương lớn, sâu trên da và gây đau.

Các nốt mụn này có thể sưng đỏ, mềm khi chạm vào. Ban đầu, vùng kín có thể nổi các nốt mụn nhỏ sau có thể lớn dần. Một số chị em còn gặp phải tình trạng:

  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Ngứa hoặc đau tại vị trí nổi mụn
  • Đau hoặc tổn thương quanh âm hộ.

Nguyên nhân gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ

Nguyên nhân nổi mụn ở mép vùng kín nữ
Nguyên nhân nổi mụn ở mép vùng kín nữ

Có quan điểm cho rằng những nguyên nhân gây nổi mụn ở những vị trí khác trên cơ thể cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mụn vùng kín, chẳng hạn như bít tắc lỗ chân lông, thay đổi hormone… Bên cạnh đó, cũng có nhiều lý do khác khiến phụ nữ bị nổi mụn ở mép vùng kín. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến:

1. Viêm nang lông

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ là viêm nang lông. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào nang lông vùng kín và gây viêm hoặc nhiễm trùng. Thông thường, viêm nang lông có thể là do:

  • Lông mọc ngược
  • Cạo lông vùng kín sai cách
  • Mặc quần áo bó sát
  • Đổ nhiều mồ hôi gây bít tắc lỗ chân lông
  • Nước trong bồn tắm, hồ bơi… không sạch
Viêm nang lông thường tự khỏi sau một thời gian. Điều quan trọng là bạn nên cạo lông đúng cách, đồng thời mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để giữ vùng kín khô thoáng, sạch sẽ.

2. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc cũng có thể gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ. Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc thường là kết quả của việc tiếp xúc với các hóa chất có trong:

  • Bột giặt/nước giặt
  • Sữa tắm
  • Dầu gội
  • Nước rửa phụ khoa
  • Nước hoa
  • Bao cao su
  • Băng vệ sinh

Thậm chí, viêm da tiếp xúc cũng có thể xảy ra khi da tiếp xúc với mồ hôi, nước tiểu, tinh dịch, dịch âm đạo. Những chất gây kích ứng này có thể dẫn đến nổi mụn ở mép vùng kín, gây ngứa hoặc đau.

Việc xác định tác nhân gây viêm da tiếp xúc có thể giúp phụ nữ khắc phục tình trạng mọc mụn ở vùng kín.

3. Thay đổi nội tiết tố

Chu kỳ kinh nguyệt và nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố, khiến mụn vùng kín trở nên nghiêm trọng hơn hoặc dễ hình thành hơn. Điều này là do sự thay đổi hormone có thể gây tăng tiết bã nhờn.

4. U mềm lây

nổi mụn ở mép vùng kín: u mềm lây

U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng do virus Molluscum contagiosum gây ra. Bệnh lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thông thường với da của người bệnh hoặc đồ vật bị nhiễm virus.

Thông thường, u mềm lây có thể tự khỏi trong 6-12 tháng. Bệnh cũng có thể được điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống, bắn laser hoặc liệu pháp áp lạnh.

5. Viêm tuyến mồ hôi mủ

Có thể bạn ít nghe qua nhưng viêm tuyến mồ hôi mủ (Hidradenitis suppurativa) cũng có thể gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ. Đây là tình trạng các vết sưng hình thành ở chân lông gần tuyến mồ hôi.

Viêm tuyến mồ hôi mủ xảy ra do tắc nghẽn nang lông và nhiễm trùng thứ cấp hoặc viêm tuyến mồ hôi. Bệnh có thể gây ra vết loét đầy mủ tái phát sau khi điều trị và để lại sẹo.

Để điều trị, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc chỉ định phẫu thuật trong một số trường hợp. Thuốc sát trùng và kem kháng sinh bôi tại chỗ cũng có thể được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

6. Mụn rộp sinh dục

Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ, chẳng hạn như bệnh mụn rộp sinh dục. Đây là bệnh do virus herpes simplex gây ra, khiến nữ giới bị:

  • Đau
  • Ngứa
  • Lở loét
  • Nổi mụn nhỏ màu đỏ hoặc mụn nước nhỏ màu trắng ở vùng sinh dục.

Việc dùng thuốc có thể cần thiết để giảm bớt các triệu chứng cũng như hạn chế nguy cơ lây lan cho những người xung quanh. Mặc dù các triệu chứng có thể thuyên giảm hoặc biến mất nhưng virus sẽ tồn tại trong cơ thể bạn suốt đời.

7. Mụn cóc sinh dục

nổi mụn ở mép vùng kín: mụn cóc sinh dục

Nếu bạn nhìn thấy mụn nổi ở mép vùng kín đó có thể là dấu hiệu của mụn cóc sinh dục. Mụn cóc sinh dục là những tổn thương trên bề mặt da do Human papillomavirus (HPV) – một loại virus gây u nhú ở người gây ra.

Mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện dưới dạng những tổn thương phẳng, những vết sưng nhỏ hoặc những vết lồi lõm nhỏ trông giống như thân cây. Các nốt mụn cóc sinh dục thường nổi ở âm hộ, mép vùng kín, hậu môn hoặc thậm chí là trong âm đạo, cổ tử cung.

8. U nang Bartholin

Một nguyên nhân không quá phổ biến gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ là u nang Bartholin. Đây là một túi nhỏ chứa đầy chất lỏng có thể xuất hiện bên trong lỗ âm đạo. Tình trạng này xảy ra khi các tuyến ở hai bên âm đạo bị tắc nghẽn khiến khu vực này bị viêm và tích tụ mủ.

U nang Bartholin như một khối u mềm, không đau và thường không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu u nang phát triển lớn hoặc bị nhiễm trùng, tình trạng đau vùng da xung quanh âm đạo có thể xảy ra. Lúc này, bạn có thể cảm thấy mép vùng kín nổi mụn lớn, nhưng thực chất đó là u nang Bartholin sưng to.

Nếu nhận thấy mụn sưng to ở mép vùng kín, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ điều trị đúng cách.

Cách trị mụn nổi ở mép vùng kín nữ

1. Biện pháp điều trị tại nhà

Việc điều trị mụn nổi ở mép vùng kín nữ có thể tương tự với biện pháp trị mụn trên mặt, trừ một số trường hợp đặc biệt như nổi mụn cóc sinh dục, mụn rộp sinh dục… Phương pháp điều trị cũng có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nốt mụn.

Thông thường, mụn mọc ở mép vùng kín có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Chỉ cần tuân thủ một số biện pháp sau đây thì mụn nổi ở vùng kín có thể nhanh biến mất:

  • Ngưng cạo lông vùng kín trong một thời gian
  • Chăm sóc da vùng kín cẩn thận
  • Chườm ấm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm để giảm sưng viêm
  • Không sử dụng các sản phẩm hóa chất và kem bôi lên âm hộ
  • Tránh nặn hoặc chạm vào nốt mụn để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng khiến mụn nổi nhiều hơn hoặc nghiêm trọng hơn. Nặn mụn cũng có thể dẫn đến sẹo và vết thâm.

2. Can thiệp y tế

điều trị nổi mụn ở mép vùng kín

Nếu sau khi áp dụng những biện pháp trên mà mụn ở mép vùng kín vẫn không khỏi thì phụ nữ nên đi khám. Tùy vào nguyên nhân gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ mà bác sĩ có thể kê thuốc điều trị phù hợp, chẳng hạn như:

  • Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ (ví dụ như clindamycin) để điều trị các triệu chứng cấp tính
  • Thuốc kháng sinh đường uống (ví dụ như erythromycin/lymecycline) để điều trị mụn vùng kín không đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh dạng bôi
  • Thuốc tránh thai đường uống nếu sự thay đổi hormone là nguyên nhân gây nổi mụn ở mép vùng kín nữ
  • Thuốc kháng histamine nếu mụn nổi do viêm da tiếp xúc
  • Thuốc kháng virus để điều trị các bệnh mụn cóc sinh dục, mụn rộp sinh dục, u mềm lây.

Nếu mụn cóc hoặc u mềm lây không thể điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp áp lạnh, phẫu thuật đốt điện hoặc đốt laser.

Đối với u nang Bartholin, việc điều trị phụ thuộc vào kích thước của u nang và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Nếu bệnh nhẹ thì phụ nữ có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu u nang lớn thì cần phẫu thuật dẫn lưu u nang. Nếu nhiễm trùng xảy ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.

Phòng ngừa nổi mụn ở mép vùng kín nữ

Có một số cách có thể giúp phòng ngừa tình trạng nổi mụn ở mép vùng kín nữ, chẳng hạn như:

  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ
  • Rửa vùng kín hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ
  • Tránh các chất gây kích ứng da như xà phòng thơm, nước hoa, kem dưỡng da…
  • Cạo lông vùng kín đúng cách theo chiều lông mọc hoặc tốt hơn là cắt tỉa lông thay vì cạo
  • Tránh mặc đồ bó sát
  • Chọn đồ lót làm bằng cotton hoặc vải thoáng khí
  • Thay quần áo đã ướt mồ hôi càng sớm càng tốt
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên nếu đang trong kỳ kinh nguyệt
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng nổi mụn ở mép vùng kín nữ. Điều quan trọng là phụ nữ cần duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để hạn chế tình trạng mọc mụn ở vị trí nhạy cảm này.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pimple on Vagina: Causes, Treatment and Prevention https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22019-pimple-on-vagina Ngày truy cập: 04/06/2024

Disorders of the Vulva: Common Causes of Vulvar Pain, Burning, and Itching | ACOG https://www.acog.org/womens-health/faqs/disorders-of-the-vulva-common-causes-of-vulvar-pain-burning-and-itching Ngày truy cập: 04/06/2024

Molluscum contagiosum https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/molluscum-contagiosum/symptoms-causes/syc-20375226 Ngày truy cập: 04/06/2024

Hidradenitis suppurativa (HS) https://www.nhs.uk/conditions/hidradenitis-suppurativa/ Ngày truy cập: 04/06/2024

Vulval acne: a case series describing clinical features and management https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32803767/ Ngày truy cập: 04/06/2024

Phiên bản hiện tại

18/06/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Âm đạo bị sưng: 9 nguyên nhân và cách điều trị sưng vùng kín

Đau rát vùng kín: 9 nguyên nhân không thể chủ quan!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 18/06/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo