backup og meta

Thiếu hụt nội tiết tố estrogen: Nguyên nhân, hệ quả và hướng điều trị

Thiếu hụt nội tiết tố estrogen: Nguyên nhân, hệ quả và hướng điều trị

Việc bị thiếu hụt estrogen dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Vậy estrogen là gì? Vì sao nồng độ estrogen giảm mạnh? Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể ra sao?

Nếu bạn cũng đang có những băn khoăn kể trên và đang đi tìm biện pháp để khắc phục tình trạng này, bài viết sau của Hello Bacsi có thể giải đáp giúp bạn.

Nội tiết tố estrogen có tác dụng gì? 

Estrogen là nhóm hormone giới tính được sản sinh từ buồng trứng. Do đó, mọi người còn gọi chúng là nội tiết tố nữ. Tác dụng của estrogen không chỉ liên quan đến sự phát triển của cơ quan sinh dục nữ mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe khác, ví dụ:

  • Cải thiện độ mịn màng của da
  • Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định
  • Đảm bảo sức khỏe của xương
  • Điều tiết sản xuất cholesterol ở gan

Hàm lượng nội tiết tố nữ này thường không cố định. Thế nhưng nếu nồng độ giảm quá mức dẫn đến tình trạng thiếu hụt estrogen, bạn có thể đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Tác dụng của estrogen đối với cơ thể là gì? Tìm hiểu để sống khỏe hơn

Nguyên nhân gây thiếu hụt estrogen

Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị thiếu hụt estrogen bởi nhiều nguyên do, chủ yếu liên quan đến tình trạng buồng trứng chịu thương tổn, chẳng hạn như suy buồng trứng.

Bên cạnh đó, tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ phổ biến. Tình trạng suy giảm nồng độ estrogen (hay chúng ta thường gọi tắt là suy giảm estrogen) ở phụ nữ khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều rất bình thường. Tuy nhiên, hàm lượng hormone nữ này đã có xu hướng giảm dần từ vài năm trước đó (giai đoạn tiền mãn kinh).

Ngoài ra, thiếu hụt estrogen còn có thể phát sinh bởi một số lý do khác, bao gồm:

  • Điều kiện sức khỏe bẩm sinh, ví dụ như hội chứng Turner
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Lạm dụng việc tập thể dục thể thao
  • Suy dinh dưỡng
  • Đã hoặc đang tiếp nhận phương pháp hóa trị
  • Tuyến yên hoạt động kém
  • Có tiền sử gia đình về các vấn đề nội tiết tố.

Ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt estrogen đến sức khỏe

Thiếu hụt estrogen ở phụ nữ
Một số vấn đề sức khỏe có thể phát sinh khi nồng độ estrogen thấp.

Phạm vi ảnh hưởng của hormone estrogen tương đối rộng. Vì vậy, nếu cơ thể thiếu hụt estrogen, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một số triệu chứng như:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Estrogen là một trong những nội tiết tố chính kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, kinh nguyệt có thể bị gián đoạn nếu hàm lượng estrogen quá thấp.
  • Vô sinh: Tingh trạng thiếu hụt estrogen còn gây cản trở quá trình rụng trứng, khiến việc mang thai trở nên khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, việc bị vô sinh hoàn toàn có nguy cơ xảy ra.
  • Xương yếu: Estrogen góp phần duy trì độ chắc khỏe của xương. Vì vậy, phụ nữ sau mãn kinh bị thiếu hụt estrogen có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương hay thậm chí gãy xương.
  • Cảm thấy đau rát khi quan hệ: Một tác dụng khác của estrogen là giúp bôi trơn âm đạo. Do đó, tình trạng khô âm đạo có thể xảy ra nếu hàm lượng hormone này thấp, dẫn đến cơn đau khó chịu khi quan hệ tình dục.
  • Trầm cảm: Một số chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu hụt estrogen có thể gây cản trở quá trình sản xuất serotonin, từ đó góp phần thay đổi tâm trạng theo hướng tiêu cực hay tệ hơn là trầm cảm.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nồng độ estrogen thấp còn ảnh hưởng đến độ dày của lớp mô bảo vệ trong niệu đạo, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh tấn công, dẫn đến nhiễm trùng.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, estrogen là một trong nhiều nhóm nội tiết tố đóng vai trò kiểm soát cân nặng và lượng chất béo dự trữ. Do đó, tình trạng suy giảm hàm lượng hormone estrogen có thể góp phần gây nên:

  • Tăng cân
  • Thay đổi nơi lưu trữ chất béo (từ hông, đùi sang bụng)

Tuy vậy, tình trạng tăng cân do thiếu hụt hormone nữ estrogen không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Bạn có thể khắc phục bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học. Đồng thời, tập thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ thừa cân ở phụ nữ.

Làm thế nào để biết nồng độ estrogen đang giảm?

Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu quá trình chẩn đoán tình trạng thiếu hụt estrogen bằng cách:

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Kiểm tra tiền sử bệnh
  • Xem xét các triệu chứng, bao gồm cả những dấu hiệu liên quan đến rối loạn tuyến giáp

Bên cạnh đó, để xác định nguyên nhân gây suy giảm hormone, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu nhằm kiểm tra nồng độ estrogen.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành một số xét nghiệm bổ sung khác nhằm loại trừ những vấn đề sức khỏe có biểu hiện tương tự với dấu hiệu thiếu hụt estrogen.

Các lựa chọn điều trị thiếu hụt estrogen

Điều trị thiếu hụt estrogen
Nếu bạn cảm thấy khó chịu, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ để có phương hướng điều trị phù hợp.

Nồng độ estrogen thấp phải làm sao? Thực tế, hàm lượng estrogen thấp không phải là vấn đề cần được điều trị cấp bách. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng gây khó chịu cho bạn, bác sĩ có thể dựa vào nguyên nhân gây bệnh và những biểu hiện bạn có để đưa ra phương hướng trị liệu phù hợp, bao gồm:

Điều trị thiếu estrogen bằng liệu pháp thay thế hormone

Liệu pháp thay thế hormone (HRT) là phương pháp chữa trị phổ biến nhất cho vấn đề suy giảm nồng độ estrogen. Liệu trình này có nhiều loại, nhưng bác sĩ thường đề xuất loại kết hợp estrogen và progesterone vì đạt hiệu quả cao trong việc cân bằng nồng độ estrogen.

Đối tượng chủ yếu của phương pháp thay thế hormone dạng kết hợp như trên là phụ nữ sắp bước vào thời kỳ mãn kinh hoặc đang trải qua các dấu hiệu sau mãn kinh. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng liệu pháp điều trị này có thể gây tác dụng phụ, chẳng hạn như đầy hơi, đau đầu và chảy máu âm đạo.

Ngoài ra, liệu pháp thay thế hormone có thể được sử dụng bằng nhiều cách, ví dụ như:

  • Uống
  • Bôi trực tiếp lên da
  • Đặt tại âm đạo
  • Tiêm

Thêm vào đó, tùy vào thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định liều dùng khác nhau, thường là liều thấp nhất có tác dụng.

Một vấn đề khác bạn cần quan tâm là không phải ai cũng có thể áp dụng biện pháp điều trị này. Những người không phù hợp bao gồm:

  • Có tiền sử đột quỵ
  • Đau tim
  • Tăng huyết áp

Điều trị bằng liệu pháp estrogen

Thông thường, liệu pháp estrogen chủ yếu dành cho tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen bởi một số nguyên nhân như cắt bỏ buồng trứng. Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ cũng đề nghị người bệnh áp dụng phương pháp này để đối phó với những triệu chứng mãn kinh khó chịu.

Một số biện pháp khắc phục tại nhà

Tập thể dục
Tập thể dục cũng là một cách cải thiện tình trạng thiếu hụt estrogen.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được những phương pháp tăng nồng độ estrogen tự nhiên có đem lại hiệu quả như mong đợi không. Tuy nhiên, một vài thay đổi nhỏ trong lối sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện triệu chứng, bao gồm:

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Nếu trọng lượng cơ thể quá thấp, nồng độ estrogen có thể giảm xuống để “kéo” chỉ số cân nặng lên. Do đó, việc duy trì trọng lượng khỏe mạnh có thể ngăn ngừa tình trạng này xảy ra.

Tập thể dục vừa phải

Đôi khi, luyện tập quá sức cũng là nguyên nhân ức chế quá trình sản sinh estrogen. Vì vậy, nếu muốn tăng hàm lượng hormone này, bạn nên cân nhắc lại cường độ rèn luyện.

Dùng nhiều đậu nành

Nhiều chị em thường suy giảm estrogen uống sữa đậu nành có cải thiện không? Mặc dù khả năng cải thiện nồng độ estrogen của đậu nành vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học, nhưng một số chuyên gia vẫn cho rằng isoflavone, một dạng phytoestrogen, trong thực phẩm này có thể xoa dịu các triệu chứng mãn kinh do thiếu hụt estrogen.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều đậu nành có nguy cơ gây tác dụng phụ ở một số đối tượng. Vì vậy, trước khi quyết định áp dụng biện pháp này, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ.

Tình trạng thiếu hụt estrogen sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Vì vậy, nếu bạn bắt gặp bất kỳ dấu hiệu suy giảm nồng độ estrogen nào, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng và điều trị hiệu quả.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Low Estrogen

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22354-low-estrogen#:~:text=Low%20estrogen%20can%20affect%20your,sexual%20desire%20and%20hot%20flashes. Ngày truy cập 19/8/2022

Could you have low estrogen

https://www.healthywomen.org/content/article/could-you-have-low-estrogen  Ngày truy cập 19/8/2022

Low Estrogen Levels in Menopause

https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=85&ContentID=P00559 Ngày truy cập 19/12/2019.

What happens when estrogen levels are low? https://www.medicalnewstoday.com/articles/321064.php. Ngày truy cập 19/12/2019.

What Are the Symptoms of Low Estrogen in Women and How Are They Treated? https://www.healthline.com/health/womens-health/low-estrogen-symptoms. Ngày truy cập 19/12/2019.

What Women Should Know About Having Low Estrogen. https://www.verywellhealth.com/low-estrogen-levels-4588661. Ngày truy cập 19/12/2019.

Phiên bản hiện tại

19/08/2022

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

8 cách bổ sung estrogen để phụ nữ trẻ trung, khỏe mạnh

Phytoestrogen liệu có tốt cho sức khỏe hay không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 19/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo