backup og meta

Sinh thiết nội mạc tử cung

Sinh thiết nội mạc tử cung

Tên kỹ thuật y tế: Sinh thiết nội mạc tử cung

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Nội mạc tử cung

Tìm hiểu chung

Sinh thiết nội mạc tử cung là gì?

Sinh thiết nội mạc tử cung là một xét nghiệm mà trong đó bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ hút lấy đi một mẫu nhỏ lớp niêm mạc tử cung. Các mẫu này sau đó sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào bất thường.

Sinh thiết giúp bác sĩ phát hiện những căn bệnh nằm trong nội mạc tử cung đồng thời nó cho phép bác sĩ kiểm tra tình trạng nội mạc tử cung có phù hợp với nồng độ tiết tố nữ của cơ thể hay không.

Có nhiều cách để có thể sinh thiết nội mạc tử cung. Bác sĩ có thể:

  • Dùng một thiết bị mềm có hình dạng như một ống hút để hút một mẫu nhỏ tế bào ra khỏi tử cung. Phương pháp này nhanh chóng nhưng có thể gây ra hiện tượng co thắt bụng dưới ở một số bệnh nhân.
  • Dung thiết bị hút điện tử. Phương pháp này có thể gây khó chịu cho bệnh nhân.
  • Phun chất lỏng (tưới phản lực) để rửa các mô nằm ở tử cung. Bác sĩ sẽ sử dụng bàn chải để loại bỏ các lớp lót trước khi thực hiện rửa mô.

Sinh thiết nội mạc tử cung có thể được thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân của xuất huyết âm đạo bất thường, tăng sản quá mức của niêm mạc tử cung hoặc để kiểm tra xem bệnh nhân có bị ung thư hay không.

Đối với những phụ nữ khó có con, sinh thiết nội mạc tử cung cũng có thể được thực hiện để xem liệu các lớp niêm mạc tử cung có phù hợp để mang thai hay không.

Sinh thiết đôi khi được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm soi buồng tử cung. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xem xét lớp niêm mạc lót bên trong tử cung thông qua một camera dài nhỏ.

Khi nào bạn nên thực hiện sinh thiết?

kinh nguyệt thất thường

Xét nghiệm này được dùng để xác định nguyên nhân của:

  • Kinh nguyệt thất thường (kéo dài hoặc không có chu kỳ) hoặc vô kinh
  • Ra huyết âm đạo sau khi đã mãn kinh
  • Ra huyết âm đạo khi trị bệnh bằng hormone; sau khi điều trị ung thư vú bằng Tamoxifen
  • Niêm mạc tử cung dày được phát hiện khi siêu âm
  • Xét nghiệm Pap bất thường loại tế bào tuyến nội mạc tử cung
  • Tầm soát ung thư nội mạc tử cung sau khi tìm được những tế bào nội mạc không điển hình
  • Đánh giá khả năng sinh sản
  • Kiểm tra đáp ứng của liệu pháp hormone
  • Thủ thuậtnày thường được thực hiện ở phụ nữ trên 35 tuổi
  • Thủ thuật này cũng được sử dụng để kiểm tra tình trạng nội mạc tử cung khi phụ nữ bị vô sinh hoặc xem bệnh nhân có bị ung thư nội mạc tử cung hay không.

Thủ thuật nay không làm ngưng các triệu chứng bệnh, nhưng có thể giúp bác sĩ tìm được nguyên nhân của bệnh.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện thủ thuật này?

đau vùng chậu

Bạn cần chú ý sinh thiết nội mạc tử cung không được thực hiện trong thời gian mang thai.

Những rối loạn khác mà sinh thiết nội mạc tử cung không được khuyến cáo gồm:

  • Bệnh lý viêm vùng chậu cấp tính
  • Bệnh nhân với bệnh lý rối loạn đông cầm máu
  • Viêm nhiễm cấp tính của cổ tử cung hay âm đạo
  • Ung thư cổ tử cung
  • Hẹp nặng cổ tử cung (chít hẹp cổ tử cung).

Khi thực hiện nong và nạo (D & C), ta có thể lấy nhiều mẫu nội mạc tử cung hơn so với khi sinh thiết nội mạc tử cung. Soi buồng tử cung thường được thực hiện cùng với thủ thuật nong và nạo để bác sĩ có thể nhìn thấy lớp niêm mạc tử cung. Bác sĩ cũng có thể thực hiện soi tử cung thay vì thực hiện thủ thuật nong và nạo.

Sinh thiết nội mạc tử cung có một vài nguy cơ nhất định. Nguy cơ hàng đầu thường là đau, nhưng đau sẽ giảm nhanh một thời gian sau thủ thuật. Những nguy cơ ít phổ biến khác bao gồm nhiễm trùng, chảy máu và rất hiếm gặp thủng tử cung.

Trước khi tiến hành thủ thuật này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện sinh thiết nội mạc tử cung?

thuoc

Bạn nên cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm các loại thuốc kháng đông như warfarin, clopidogrel và aspirin, các thuốc hormone bạn đang sử dụng.

Bạn có thể được yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra xem bạn có đang mang thai hay không, vì thủ thuật này có thể làm cho bạn bị sẩy thai nếu đang mang thai.

Nếu cần chỉ định thực hiện ở một thời điểm nhất định của chu kỳ kinh, bác sĩ cũng hỏi bạn về lịch sử chu kỳ kinh trước khi tiến hành sinh thiết.

Bạn cần thông báo về các bệnh lý rối loạn đông máu, và việc dị ứng với các thuốc, latex, Iodine, băng gạc hoặc thuốc tê nếu có.

Trong hai ngày trước khi phẫu thuật, bạn không được sử dụng các loại kem hoặc các loại thuốc khác trong âm đạo.

Bạn không nên thụt rửa âm đạo. (Việc thụt rửa là không nên bởi nó có thể gây nhiễm trùng âm đạo hoặc tử cung).

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn cần dùng thuốc giảm đau như ibuprofen hay acetaminophen, thường được bác sĩ cho uống 30-60 phút trước khi làm thủ thuật.

Nếu bác sĩ có cho bạn sử dụng thuốc an thần nhẹ, bạn sẽ cần đi về cùng với thân nhân sau khi thực hiện xong thủ thuật.

Bạn sẽ ký vào một cam kết thủ thuật trước khi bác sĩ tiến hành thủ thuật để xác nhận đã hiểu rõ nguy cơ, lợi ích và đồng ý thực hiện thủ thuật.

Quy trình thực hiện sinh thiết nội mạc tử cung như thế nào?

Sinh thiết nội mạc tử cung thường do bác sĩ phụ khoa, được đào tạo để làm xét nghiệm, thực hiện. Các mẫu mô lấy được sẽ do chuyên gia giải phẫu bệnh xem xét. Sinh thiết cũng có thể được thực hiện tại phòng khám bác sĩ.

Bác sĩ sẽ đưa mỏ vịt đã được bôi trơn vào âm đạo của bạn. Sau đó bác sĩ sẽ nhẹ nhàng dùng mỏ vịt tách rộng vách âm đạo để có thể nhìn thấy bên trong âm đạo và cổ tử cung. Cổ tử cung sẽ được rửa với một chất sát khuẩn chuyên biệt và có thể được giữ lại bằng kẹp.

Cổ tử cung của bạn có thể được gây tê cục bộ bằng thuốc xịt hoặc thuốc tiêm.

Dụng cụ sinh thiết là một ống mảnh và mềm sẽ được đưa xuyên qua cổ tử cung để vào trong buồng tử cung hút lấy mẫu mô niêm mạc tử cung. Hầu hết phụ nữ sẽ có cảm giác khó chịu, co thắt nhẹ vùng bụng dưới trong quá trình sinh thiết.

Sinh thiết nội mạc tử cung sẽ kéo dài từ 10 đến 15 phút.

Bạn nên làm gì sau khi sinh thiết nội mạc tử cung?

Bạn có thể cảm thấy đau ở âm đạo trong vòng một hai ngày. Việc ra huyết âm đạo hoặc tiết dịch âm đạo trong vòng một tuần sau khi sinh thiết là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể sử dụng băng vệ sinh khi bị ra huyết âm đạo và đừng tập thể dục nặng hoặc nâng vật nặng trong vòng một vài ngày sau khi làm sinh thiết. Ngoài ra, tạm ngưng quan hệ tình dục, không thụt rửa, sử dụng băng vệ sinh cho đến khi dừng ra huyết âm đạo.

Bạn cần báo ngay với bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường sau khi làm thủ thuật:

  • Ra huyết âm đạo nhiều hoặc kéo dài trên 2 ngày
  • Ra dịch âm đạo mùi hôi
  • Sốt hoặc lạnh run
  • Đau bụng dưới nhiều.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả sinh thiết nội mạc tử cung của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả sinh thiết sẽ có sau vài ngày.

Kết quả bình thường:

Kết quả bình thường tức là không có tế bào bất thường hay ung thư được tìm thấy. Đối với phụ nữ đang có kinh nguyệt, niêm mạc tử cung phải phù hợp với giai đoạn kinh nguyệt lúc lấy mẫu.

Kết quả bất thường:

Bạn có thể bị:

  • Tổn thương lành tính đang phát triển: polyp hoặc u xơ dưới niêm mạc tử cung, viêm nhiễm niêm mạc tử cung.
  • Tăng sản nội mạc tử cung.
  • Ung thư hoặc những dấu hiệu tiền ung thư.

Đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt mà niêm mạc tử cung không phải là ở giai đoạn phù hợp với thời gian trong chu kỳ khi sinh thiết được thực hiện thì cần thực hiện thêm các xét nghiệm để làm rõ.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Endometrial biopsy. http://www.medicinenet.com/endometrial_biopsy/article.htm. Ngày truy cập 2/11/2015

Endometrial biopsy. http://www.healthline.com/health/endometrial-biopsy#Risks5. Ngày truy cập 2/11/2015

Phiên bản hiện tại

24/05/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Bị đau ngực bên trái ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 24/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo