backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Siêu âm buồng trứng: Những thông tin không thể bỏ qua

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/09/2021

    Siêu âm buồng trứng: Những thông tin không thể bỏ qua

    Khi bác sĩ chỉ định siêu âm buồng trứng có phải là bạn đang có dấu hiệu của ung thư? Siêu âm buồng trứng diễn ra như thế nào và giúp phát hiện những bệnh lý gì? 

    Siêu âm là một trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được chỉ định thường xuyên khi thăm khám phụ khoa. Vì đây là kỹ thuật cho thấy được hình ảnh của các cơ quan bên trong mà không xâm lấn và không sử dụng tia xạ. Với những ưu điểm này, kỹ thuật siêu âm buồng trứng được ứng dụng rộng rãi trên nhiều đối tượng, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Những thông tin mà bác sĩ Tạ Trung Kiên chia sẻ với Hello Bacsi trong bài viết dưới đây có thể giải đáp cho các thắc mắc này của bạn! 

    Thế nào là siêu âm buồng trứng?

    Theo y khoa, hình ảnh siêu âm buồng trứng có thể thu được bằng kỹ thuật siêu âm qua bụng hoặc ngả âm đạo. Trong siêu âm qua ngả âm đạo (siêu âm đầu dò), bác sĩ hay kỹ thuật viên sẽ đưa một đầu dò chuyên dụng vào âm đạo và cho hình ảnh chất lượng tốt, tìm ra những chi tiết nhỏ hơn đầu dò bụng. Đầu dò này sẽ phát ra sóng âm và ghi lại những hình ảnh các cơ quan ở vùng chậu bao gồm buồng trứng, vòi trứng, tử cung và các cấu trúc lân cận.

    Siêu âm buồng trứng diễn ra như thế nào?

    Với mỗi cấu trúc cơ thể khác nhau sẽ dùng loại đầu dò chuyên biệt, siêu âm qua ngả âm đạo là một loại siêu âmđầu dò dài nhỏ. Khi tiến hành kỹ thuật siêu âm:

    • Phụ nữ sẽ nằm ngửa, đầu gối co lại trên bàn siêu âm. Chân có thể được cố định bằng kiềng. 
    • Bác sĩ hay kỹ thuật viên sẽ đưa đầu dò siêu âm chuyên dụng vào trong âm đạo khoảng 5-6 cm. Đầu dò này đã được phủ bằng bao sao su và gel bôi trơn. 
    • Đầu dò sẽ phát ra sóng âm và ghi lại những phản xạ sóng này để tạo ra hình ảnh bên trong vùng chậu. 
    • Lúc này, kỹ thuật viên tiến hành kỹ thuật siêu âm có thể di chuyển nhẹ nhàng qua lại đầu dò để ghi nhận được toàn bộ hình ảnh của vùng chậu.

    Một lưu ý rằng bác sĩ sẽ thường yêu cầu bạn làm rỗng bàng quang trước khi tiến hành siêu âm buồng trứng để đảm bảo nhận được kết quả chẩn đoán hình ảnh chính xác nhất.

    Khi nào cần thực hiện siêu âm buồng trứng? 

    siêu âm buồng trứng

    Khi có những dấu hiệu bất thường về sinh dục và sinh sản, phụ nữ cần phải gặp bác sĩ sản phụ khoa để thăm khám càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, bạn nên định kỳ khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/lần để tầm soát các bệnh lý ở hệ thống sinh dục và sinh sản. 

    Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ thường đề nghị siêu âm buồng trứng trong các trường hợp: 

    • Nghi ngờ sự phát triển của khối u lành tính hay ác tính
    • Chảy máu âm đạo bất thường 
    • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt 
    • Khô dịch âm đạo
    • Dấu hiệu nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, thai sớm
    • Đau nhức vùng xương chậu.
    • Đánh giá tình trang buồng trứng,vòi trứng.

    Hình ảnh tử cung, buồng trứng, vòi trứng và ống dẫn trứng sẽ được ghi lại nhờ phương pháp siêu âm. Điều này giúp các bác sĩ đưa ra được phán đoán ban đầu cho những gì đang diễn ra bên trong hệ thống sinh dục và sinh sản của bạn.

    Siêu âm buồng trứng có thể giúp phát hiện những vấn đề sức khỏe nào?

    Với độ chính xác và độ nhạy cao, thời gian tiến hành thủ thuật ngắn, siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo trở thành lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ sản phụ khoa. Từ đó qua hình ảnh bất thường trên kết quả siêu âm qua ngả âm đạo có thể giúp các bác sĩ phát hiện những bệnh lý sau: 

  • Khối u lành tính (u nang, u xơ) ở buồng trứng, tử cung
  • Ung thư buồng trứng, tử cung, âm đạo hoặc các cấu trúc vùng chậu khác
  • Nhiễm trùng vùng chậu
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Sảy thai
  • Nhau thai thấp (Nhau tiền đạo)
  • Xoắn buồng trứng.
  • Sau khi có kết quả siêu âm đầu dò âm đạo, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác vấn đề mắc phải ở tử cung và buồng trứng. Những xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm máu hay sinh thiết tế bào buồng trứng, tử cung… Đừng quá lo lắng khi phải thực hiện thêm các xét nghiệm này, các bác sĩ sản phụ khoa đang muốn thu thập đủ thông tin để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị hiệu quả cho bạn.

    Siêu âm buồng trứng giúp tầm soát các bệnh lý phụ khoa nào?

    siêu âm buồng trứng

    Siêu âm buồng trứng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu trong các xét nghiệm tầm soát các phát triển bất thường ở buồng trứng, bao gồm: hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), u nang buồng trứng hay các khối u ác tính ở buồng trứng

    Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

    Trên hình ảnh siêu âm đầu dò âm đạo, PCOS thể hiện qua các vòng tròn sẫm màu (thường được mô tả những chuỗi hạt). Đó là những nang chứa đầy dịch được phát triển bên trong buồng trứng. Nếu kết quả siêu âm cho thấy từ 12 nang trứng trở lên, đồng nghĩa với việc bạn có thể mắc PCOS. 

    Ngoài ra, sự khác thường về thể tích và hình thái buồng trứng trong siêu âm buồng trứng cũng chỉ định cho sự phát triển của các khối u. Đây được xem là chẩn đoán bắt buộc trong các xét nghiệm tầm soát ung thư nhằm làm rút ngắn giai đoạn xét nghiệm, kịp thời can thiệp nếu là khối u ác tính để tránh bệnh biến chứng và lây lan. 

    Khối u buồng trứng

    Siêu âm đầu dò âm đạo có thể phát hiện sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong buồng trứng với độ chính xác cao. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm buồng trứng chưa đủ độ tin cậy trong việc phân biệt khối u lành tính (u xơ, u nang) hay khối u ác tính (ung thư) ở buồng trứng. Bác sĩ cần phải kết hợp các chỉ số xét nghiệm máu và hình thái khối u để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp. 

    Khám phụ khoa định kỳ là lời khuyên hữu hiệu cho các chị em phụ nữ giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe sinh dục, sinh sản của bản thân. 

    Hy vọng với các thông tin trên đây của Hello Bacsi đã bổ sung kiến thức bổ ích cho các chị em phụ nữ về siêu âm buồng trứng, để bạn vững vàng hơn trong hành trình chăm sóc sức khỏe nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 24/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo