Phụ nữ mãn kinh không những dễ bốc hỏa, giảm ham muốn chuyện ấy mà còn có nguy cơ bị trầm cảm. Thậm chí, đây có thể xem là một giai đoạn “ẩm ương” của phụ nữ trưởng thành!
Bước vào tuổi mãn kinh của phụ nữ tầm 40 – 50, bạn sẽ dễ căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Điều này một phần có thể là do những thay đổi thể chất, chẳng hạn như giảm nồng độ estrogen và progesterone. Phụ nữ mãn kinh còn có thể khó chịu vì các triệu chứng như đổ mồ hôi, nóng bừng… Nguyên nhân cũng có thể do những thay đổi về cảm xúc, chẳng hạn như lo lắng về tuổi già sắp tới, nỗi đau mất người thân hoặc sự hẫng hụt khi con cái trưởng thành rời khỏi nhà.
Đối với một số phụ nữ mãn kinh, đây có thể là thời gian cô đơn hoặc thất vọng. Gia đình và bạn bè không phải lúc nào cũng hiểu những gì bạn đang trải qua hoặc hỗ trợ khi bạn cần. Nếu bạn gặp khó khăn ở thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ sẽ càng cao.
Dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy buồn bã, khóc một mình, tuyệt vọng hoặc trống rỗng, bạn có thể bị trầm cảm. Các dấu hiệu trầm cảm khác bao gồm:
- Trí nhớ kém
- Thay đổi khẩu vị
- Thiếu năng lượng
- Ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm giác tội lỗi hoặc vô giá trị
- Cáu kỉnh, bực bội hoặc giận dữ
- Đau đớn thể xác không rõ lý do
- Lo lắng, bồn chồn hoặc kích động
- Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
Tại sao phụ nữ mãn kinh có nguy cơ trầm cảm?
Tình trạng thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ. Tuy nhiên, tình trạng sụt giảm nhanh chóng của hormone estrogen có thể không phải là điều duy nhất ảnh hưởng đến tâm trạng. Các yếu tố nguy cơ sau đây cũng có thể dẫn đến bệnh trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh:
- Hút thuốc lá
- Lòng tự trọng thấp hoặc lo lắng
- Không tập thể dục hoặc hoạt động thể chất
- Chẩn đoán bị trầm cảm trước khi mãn kinh
- Stress từ các mối quan hệ công việc hoặc cá nhân
- Không cảm thấy được mọi người xung quanh giúp đỡ
- Cảm giác tiêu cực đối với thời kỳ mãn kinh hoặc suy nghĩ về tuổi già
- Không hài lòng về công việc, môi trường sống hoặc tình hình tài chính
Cách điều trị trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh được điều trị theo những nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi lối sống, kê toa thuốc, trị liệu tâm lý hoặc kết hợp cả ba cách điều trị này.
Thay đổi lối sống
Trước khi chẩn đoán bạn bị trầm cảm ở do thời kỳ mãn kinh, bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân thể chất cho các triệu chứng của bạn, chẳng hạn như các vấn đề về tuyến giáp. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi những thói quen sống sau đây để xem liệu có giúp giảm trầm cảm một cách tự nhiên hay không.
1. Tập thể dục: Thói quen tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát stress, vượt qua áp lực công việc đồng thời tăng cường năng lượng và cải thiện tâm trạng. Bạn nên duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày đều đặn trong 5 ngày/tuần. Bạn có thể đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, chơi tennis…
Các hoạt động thể chất cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường cơ bắp. Bạn có thể lựa chọn các bài tập nâng tạ hoặc yoga để thư giãn và giúp săn chắc cơ bắp. Để đảm bảo an toàn, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi lựa chọn các môn tập.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Dậy sớm tập thể dục: 30 ngày biến điều không thể thành có thể!
2. Kỹ thuật thư giãn: Bạn có thể thực hiện các kỹ thuật thư giãn giúp giảm căng thẳng với yoga, thái cực quyền, thiền và massage. Những kỹ thuật này cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm.
3. Ngủ đủ giấc: Nhiều phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh gặp vấn đề về giấc ngủ. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Bạn nên cố gắng tuân theo lịch trình ngủ thông thường bằng cách đi ngủ vào cùng một giờ mỗi tối và thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng. Hãy giữ cho phòng ngủ của bạn tối, yên tĩnh, mát mẻ và học cách sắp xếp đồ đạc trong phong ngủ giúp bạn thư giãn.
4. Bỏ hút thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mãn kinh hút thuốc có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với những người không hút thuốc. Nếu bạn hiện đang hút thuốc thì nên tìm cách cai thuốc lá. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thông tin về các công cụ và kỹ thuật cai thuốc lá.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ: Bạn có thể tìm đến bạn bè và thành viên gia đình để chia sẻ khó khăn. Ngoài ra, bạn cũng nên kết nối với những phụ nữ khác cũng đang trải qua thời kỳ mãn kinh. Hãy nhớ rằng, bạn không hề đơn độc. Nhiều người phụ nữ khác cũng đang trải qua sự thay đổi này.
Nếu những thay đổi về thói quen sống không cải thiện được bệnh trầm cảm, bạn sẽ cần có sự trợ giúp của bác sĩ để thực hiện các phương pháp khác như thay thế hormone, thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý.
Liệu pháp thay thế estrogen
Bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế hormone estrogen, dưới dạng thuốc uống hoặc miếng dán da. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp thay thế estrogen có thể giúp giảm bớt các triệu chứng về thể chất và cảm xúc của thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và huyết khối (cục máu đông).
Thuốc chống trầm cảm
Nếu liệu pháp thay thế hormone không phải là một lựa chọn cho bạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm truyền thống. Thuốc có thể được sử dụng trong thời gian ngắn trong khi bạn điều chỉnh theo những thay đổi trong cuộc sống hoặc bạn có thể cần chúng trong một khoảng thời gian dài hơn.
Phương pháp trị liệu tâm lý
Cảm giác bị cô lập có thể ngăn bạn chia sẻ những gì bạn trải qua với bạn bè hoặc thành viên gia đình. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn khi nói chuyện với một chuyên gia tâm lý. Họ là người có thể giúp bạn đối phó với những thách thức mà bạn đã trải qua.
Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề có thể điều trị. Một số lựa chọn điều trị có thể giúp giảm triệu chứng nên bạn cần theo dõi các dấu hiệu cải thiện. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để cân nhắc những phương pháp điều trị bệnh trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh hiệu quả nhất.
Thảo Viên HELLO BACSI
[embed-health-tool-ovulation]