backup og meta

Bạn cần làm gì khi kinh nguyệt không đều?

Bạn cần làm gì khi kinh nguyệt không đều?

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ xảy ra đều đặn mỗi tháng khi lớp nội mạc tử cung rã ra dẫn đến có máu chảy ra từ âm đạo. Hiện tượng này còn được gọi là hành kinh.

Mỗi chị em trải qua thời kì hành kinh rất khác nhau. Trung bình, chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ sẽ dao động trong khoảng từ 24 đến 38 ngày và thường kéo dài trong vòng 2 đến 8 ngày. Đối với một số người, chu kỳ này diễn ra rất đều đặn; tuy nhiên, ở những người khác thì lại không cố định. Vì vậy, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn xuất hiện thất thường, bạn cần đi khám bác sĩ để được điều trị.

Nhận biết dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt không đều

Nếu bạn nhận ra khoảng thời gian giữa những kì kinh nguyệt của mình bắt đầu thay đổi, số ngày hành kinh kéo dài hoặc bạn mất nhiều máu trong một chu kỳ hơn bình thường, hãy tranh thủ đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt để điều hòa lại chu kì kinh nguyệt của mình.

Ngoài ra, có rất nhiều triệu chứng liên quan đến sự thất thường này, bao gồm:

  • Ra máu kinh bất thường: Đây là tình trạng khi bạn bị hành kinh trong vòng hơn 20 ngày mỗi chu kỳ, và tình trạng này thường kéo dài trong vòng hơn 1 năm;
  • Mất kinh: Tình trạng không có kinh trong vòng 90 ngày;
  • Rong kinh: Tình trạng máu kinh ra quá nhiều ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này có thể xảy ra kèm theo với các triệu chứng khác;
  • Rong kinh kéo dài: Ít phổ biến hơn so với chứng rong kinh thông thường. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai hiện tượng này là chứng rong kinh kéo dài xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và tình trạng này có thể chữa bằng nhiều liệu pháp điều trị khác nhau;
  • Rong kinh nhẹ: phụ thuộc vào sự miêu tả của bệnh nhân và ít khi liên quan đến các bệnh lý trong cơ thể.

Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều có nên đi điều trị hay không?

Cách chữa trị chứng kinh nguyệt không đều phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân của bệnh cũng như mong muốn có con của bệnh nhân trong tương lai. Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt bình thường, điển hình là sự thay đổi của các hormone trong cơ thể bao gồm nội tiết tố sinh dục nữ (estrogen) và hormone giới tính có chức năng duy trì thai nhi (progesterone). Đó là lý do vì sao những bé gái phải trải qua giai đoạn dậy thì và phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh thường có chu kỳ kinh nguyệt thất thường.

Bên cạnh đó, người đang đặt vòng tránh thai (IUD); có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú; mắc chứng đa nang buồng trứng (PCOS) hoặc căng thẳng kéo dài; thay đổi thuốc tránh thai hoặc dùng một số loại thuốc đặc trị nhất định; mắc bệnh cường giáp, u xơ tử cung, nội mạc tử cung dày hoặc có polyp cũng có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt.

Các biến chứng tử cung như hội chứng Asherman (sự hình thành dính tử cung tạo ra các mô sẹo) cũng được xem là nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra sự thất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Bạn nên làm gì khi kinh nguyệt rối loạn?

Các tình trạng thường không cần phải điều trị bao gồm: Mất kinh do mang thai, kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì và giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên nếu các tình trạng trên quá nặng hoặc ảnh hưởng nhiều đến đời sống người bệnh thì tốt nhất nên được điều trị. Những phương thức dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn trong việc điều trị kinh nguyệt bất thường:

  • Điều trị các bệnh lý có liên quan: Điều quan trọng là bạn cần phải giải quyết tận gốc những bệnh lý gây ra tình trạng kinh nguyệt thất thường. Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm máu để kiểm tra lượng hormone và chức năng của tuyến giáp;
  • Chứng đa nang buồng trứng (PCOS) và cường giáp là hai nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Mục đích của phương pháp này là lấy lại sự cân bằng của các hormone trong cơ thể. Các bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc tránh thai hoặc bổ sung các loại hormone, điển hình là hormone tuyến giáp, để kích thích chu kỳ kinh nguyệt diễn ra;
  • Thay đổi thuốc tránh thai: Nhiều phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt thất thường khi sử dụng thuốc tránh thai dạng tiêm hoặc đặt vòng tránh thai. Nếu kinh nguyệt của bạn không đều và kéo dài trong ba tháng, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chuyển qua một loại thuốc khác. Do đó, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn khi dùng thuốc tránh thai để tránh những tác dụng phụ;
  • Thay đổi lối sống: Nhiều phụ nữ nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình thay đổi do họ vận động quá nhiều. Trong trường hợp đó, chị em cần giảm tần suất và cường độ tập luyện để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường. Phương pháp thả lỏng cơ thể có thể giúp ích trong việc điều trị;
  • Ngoài ra, thay đổi cân nặng cơ thể cũng tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Việc tăng cân có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Vì thế, giảm cân có thể giúp bạn giải quyết vấn đề kinh nguyệt thất thường. Tuy nhiên, bạn không nên giảm cân quá đột ngột vì có thể bạn sẽ lại mắc chứng rối loạn kinh nguyệt;
  • Liệu pháp hormone: Thiếu hoặc mất cân bằng hormone cũng là nguyên nhân của chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Các bác sĩ sẽ kê các loại thuốc tránh thai chứa nhiều hormone estrogen và testosterone để giúp điều hòa chu kì của bạn. Ngoài ra, một loại hormone khác là progestin cũng có tác dụng đáng kể trong việc điều trị kinh nguyệt thất thường ở phụ nữ. Những chị em khó thụ thai cũng thường chọn phương pháp này để giải quyết vấn đề của họ;
  • Phẫu thuật: Đôi khi, những vấn đề liên quan đến sẹo, cấu trúc tử cung hoặc ống dẫn trứng có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt thất thường. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nhằm sửa chữa lại các vấn đề đó, đặc biệt là đối với những phụ nữ có ý định mang thai. Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể được dùng để loại bỏ các tế bào dính thành sẹo trong đường sinh sản.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy chu kỳ kinh của mình có thay đổi bất thường, hãy đến gặp bác sĩ. Khi đó, các bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe hoặc xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Đặc biệt, bạn phải đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện những triệu chứng sau đây:

  • Bạn mất kinh trong vòng 3 tháng hoặc nhiều hơn một năm;
  • Bạn có chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày hoặc lâu hơn 35 ngày;
  • Máu kinh chảy nhiều hơn bình thường trong một lần hành kinh;
  • Thời gian hành kinh của bạn dài quá 7 ngày;
  • Những cơn đau bụng kinh xuất hiện thường xuyên hơn trong suốt chu kỳ.

Nói tóm lại, kinh nguyệt bất thường có thể là một dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu bạn không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác thậm chí là gây vô sinh. Vì thế, bạn đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ về vấn đề đang gặp phải để được giúp đỡ trong quá trình điều trị.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treating Irregular Periods. http://www.webmd.com/women/guide/treating-irregular-periods#1. Ngày truy cập 12/11/2016.

Irregular Periods Treatments. http://www.34-menopause-symptoms.com/irregular-periods-treatments.htm. Ngày truy cập 12/11/2016.

Phiên bản hiện tại

01/07/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Vùng kín nổi mụn ngứa nguyên nhân do đâu và cách điều trị?

Bị đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? 6 nguyên nhân thường gặp 


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 01/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo