backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Cách bổ sung sắt cho bà bầu để có thai kỳ khỏe mạnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 13/02/2023

    Cách bổ sung sắt cho bà bầu để có thai kỳ khỏe mạnh

    Khi mới mang thai, bạn nên tìm hiểu về thuốc bổ sung sắt cho bà bầu hoặc ăn những thực phẩm dinh dưỡng để con yêu khỏe mạnh và ngăn ngừa các nguy cơ khi vượt cạn. Mẹ bầu bổ sung sắt càng sớm thì sẽ càng khỏe mạnh và tránh được các triệu chứng khó chịu do thiếu máu đấy!

    Khi nhắc đến chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, danh sách những món không nên ăn có thể kéo dài vô tận khiến bạn chẳng thể nào nhớ hết. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là danh sách những thứ mẹ bầu nên ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Đặc biệt, bạn cần nên biết cách bổ sung sắt cho bà bầu càng sớm càng tốt.

    Cơ thể chúng ta không tự nhiên sản xuất ra sắt (iron). Đây là một loại chất khoáng chỉ có thể hấp thu được thông qua chế độ ăn uống, vitamin hay thuốc bổ sung sắt cho bà bầu.

    Vai trò của sắt đối với mẹ và bé

    vai trò của sắt đối với mẹ và bé

    Thai kỳ có thể làm tăng nguồn cung cấp máu của bạn lên tới 50% khiến nhu cầu về sắt tăng cao. Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra các tế bào hồng cầu. Sự gia tăng nguồn cung cấp máu có nghĩa là bạn sẽ cần nhiều tế bào hồng cầu và nhiều chất sắt hơn để tạo ra các tế bào máu.

    Khi bạn không đủ chất sắt trong cơ thể, bạn có thể bị thiếu máu. Đây là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà mẹ bầu nào cũng gặp phải. Tình trạng thiếu máu khi mang thai có thể khiến mẹ và bé có nguy cơ cao dẫn đến sinh non và nhẹ cân.

    Vai trò của sắt đối với mẹ và bé chính là để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cùng các rủi ro khi sinh nở.

    Theo khuyến nghị của WHO, phụ nữ mang thai nên bổ sung 30mg sắt và 0,4mg axit folic mỗi ngày. Đây là liều lượng phù hợp giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và nhiễm trùng huyết ở mẹ, đồng thời tránh sinh non và nhẹ cân ở bé.

    Khi nào mẹ bầu nên bổ sung sắt?

    khi nào mẹ bầu nên bổ sung sắt

    Thực tế, phụ nữ nên bổ sung sắt thường xuyên và không nhất thiết phải đợi đến khi trở thành mẹ bầu. Nếu bạn chuẩn bị mang thai thì lại càng cần bổ sung thành phần dinh dưỡng này để tránh bị thiếu máu.

    Bạn có thể nhận biết các dấu hiệu thiếu máu sau đây: suy nhược cơ thể, đau đầu kèm chóng mặt, đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều, da xanh xao… Đây là những dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu nên tăng cường bổ sung sắt hơn.

    Để phòng tránh thiếu máu thai kỳ, bạn nên đi khám sức khỏe để nhận biết tình hình thể trạng của bản thân. Khi có kết quả xét nghiệm thiếu máu, bác sĩ sẽ khuyến cáo cách bổ sung sắt phù hợp thông qua chế độ dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung.

    Ngay khi biết tin mình có thai, bạn nên học cách bổ sung sắt cho bà bầu càng sớm càng tốt theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bạn cũng cần hỏi bác sĩ tư vấn thêm về chế độ ăn uống giúp cung cấp sắt để đảm bảo dinh dưỡng cho bé yêu.

    Cách bổ sung sắt cho bà bầu

    cách bổ sung sắt cho mẹ bầu

    Bạn có thể bổ sung sắt từ các loại thực phẩm hàng ngày, vitamin trước khi sinh và thuốc bổ sung sắt cho bà bầu.

    Bổ sung sắt cho bà bầu qua thực phẩm hàng ngày

    Hầu hết mẹ bầu có thể nhận đủ lượng sắt và axit folic khi mang thai bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bạn nên bổ sung sắt cho cơ thể từ các loại thực phẩm sau đây:

    • Trứng
    • Ngũ cốc
    • Gia cầm
    • Thịt nạc đỏ
    • Các loại hạt
    • Các loại đậu
    • Rau xanh có màu đậm
    • Trái cây như chuối và dưa lưới

    Nguồn sắt động vật là dễ hấp thụ nhất. Nếu chất sắt của bạn đến từ các nguồn thực vật, hãy bổ sung thêm vitamin C như nước ép cà chua hoặc cam để hấp thụ tốt hơn.

    Bổ sung sắt cho bà bầu bằng vitamin

    Vitamin trước khi sinh là loại vitamin đặc biệt dành cho phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị có con. Dù được sản xuất từ nhiều thương hiệu khác nhau, các loại vitamin trước khi sinh đều có ít nhất những thành phần phổ biến sau đây:

    • Canxi: Phụ nữ mang thai và người trưởng thành cần ít nhất 1.000 mg canxi mỗi ngày. Mỗi viên vitamin trước khi sinh thường chứa khoảng 200–300 mg canxi.

    • Axit folic: Mẹ bầu bổ sung đủ axit folic trong thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh cho bé. Mẹ bầu và phụ nữ chuẩn bị có thai nên bổ sung 0,6mg axit folic mỗi ngày.

    • Chất sắt: Chất sắt là dưỡng chất rất cần thiết để cơ thể sản sinh tế bào hồng cầu trong cơ thể. Mẹ bầu cần khoảng 27-30 mg sắt mỗi ngày nên bắt buộc phải bổ sung chất sắt từ thực phẩm và vitamin trước khi sinh.

    Ngoài các thành phần trên, vitamin trước khi sinh còn có thể chứa nhiều dưỡng chất khác như axit béo omega-3, đồng, kẽm, vitamin A, vitamin E…

    Thuốc bổ sung sắt cho bà bầu

    Nếu bạn có kết quả kiểm tra bị thiếu máu, bác sĩ có thể đề nghị dùng thêm thuốc bổ sung sắt cho bà bầu bên cạnh vitamin trước khi sinh. Mẹ bầu cần khoảng 27 mg sắt/ngày nhưng tùy thuộc vào loại thuốc bổ sung sắt mà liều lượng sẽ thay đổi. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để biết liều lượng thuốc bổ sung sắt phù hợp.

    Khi sử dụng thuốc bổ sung sắt, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:

    • Tránh ăn thực phẩm giàu canxi trong khi dùng thuốc bổ sung sắt.

    • Các loại thực phẩm và đồ uống như cà phê hay trà, sản phẩm từ sữa và lòng đỏ trứng cũng có thể ngăn cơ thể bạn hấp thụ chất sắt.

    • Thuốc kháng axit (antacid) cũng có thể cản trở sự hấp thụ sắt. Bạn nên uống thuốc bổ sung sắt 2 giờ trước khi uống thuốc kháng axit hoặc 4 giờ sau khi uống thuốc kháng axit.

    Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng khi chào đời. Vì thế, bạn nên chú ý bổ sung sắt từ các nguồn khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng cho cả hai mẹ con. Hãy luôn nhớ dùng thuốc bổ sung sắt đúng giờ mỗi ngày để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nhé!

    Thảo Viên HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 13/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo