backup og meta

7 lưu ý quan trọng trong cách uống thuốc ngủ để không nguy hiểm

7 lưu ý quan trọng trong cách uống thuốc ngủ để không nguy hiểm

Thuốc ngủ có thể giúp bạn ngủ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ về thuốc, bạn có thể đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe sau khi sử dụng. 

Nếu bạn thường xuyên gặp khó khăn để ngủ hoặc không ngủ lâu được (mất ngủ), hãy đến gặp bác sĩ. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ, có thể là một tình trạng bệnh lý hoặc rối loạn giấc ngủ. Điều trị nguyên nhân là cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều so với chỉ điều trị các triệu chứng của mất ngủ.

Đối với mất ngủ mãn tính, thay đổi hành vi là cách điều trị tốt nhất, bao gồm ngủ đúng giờ, tập thể dục đều đặn, tránh dùng caffeine, không ngủ vào ban ngày và kiểm soát căng thẳng trong mức cho phép. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bạn cần phải sử dụng thuốc ngủ để ngủ được vào ban đêm.

Tất cả thuốc ngủ đều có rủi ro, đặc biệt đối với những người có tình trạng bệnh lý nhất định, bao gồm bệnh gan hoặc bệnh thận. Hãy thảo luận với bác sĩ trước khi dùng thuốc hoặc bất cứ phương pháp điều trị mất ngủ nào.

>> Đọc thêm: Tác hại của thuốc ngủ: Có thể gây chết người

7 lưu ý để uống thuốc ngủ đúng cách

Uống thuốc ngủ đúng cách

Thuốc ngủ chỉ nên được sử dụng khi tất cả các phương pháp điều trị khác đều thất bại. Dưới đây là một số lời khuyên để bạn uống thuốc ngủ đúng cách, an toàn:

1. Được bác sĩ hướng dẫn, chỉ định trước khi dùng thuốc ngủ

Trước khi uống thuốc, bạn hãy gặp bác sĩ để được khám kỹ lưỡng. Thông thường, bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân cụ thể gây mất ngủ. Nếu bạn đang dùng thuốc ngủ hơn một vài tuần, hãy thường xuyên đến gặp bác sĩ để theo dõi tình hình.

2. Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc

Đọc hướng dẫn dùng thuốc để bạn biết rõ thời gian, cách sử dụng thuốc cũng như các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc. Nếu bạn có thắc mắc, hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ.

3. Không bao giờ uống thuốc ngủ cho đến khi bạn đi ngủ

Thuốc ngủ có thể làm cho bạn giảm khả năng nhận thức, làm tăng nguy cơ rơi vào các tình huống nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên chờ đến khi đã hoàn tất tất cả các công việc buổi tối và chuẩn bị đi ngủ để uống thuốc.

4. Quan sát các tác dụng phụ

Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ hoặc chóng mặt vào ban ngày hoặc nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng khác, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi liều hoặc dừng thuốc dần. Bạn không uống bất cứ loại thuốc ngủ mới vào đêm trước khi có một cuộc hẹn hoặc sự kiện quan trọng vì không biết thuốc mới sẽ ảnh hưởng đến cơ thể bạn thế nào.

5. Tránh uống rượu cùng với thuốc ngủ

Không bao giờ uống rượu chung với thuốc ngủ. Rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc. Ngay cả một lượng nhỏ của rượu kết hợp với thuốc ngủ có thể làm cho bạn cảm thấy chóng mặt, lẫn lộn hoặc ngất xỉu. Kết hợp rượu với một số thuốc ngủ nhất định có thể làm cho bạn thở chậm lại hoặc bất tỉnh. Rượu thực sự có thể gây ra chứng mất ngủ.

6. Uống thuốc ngủ đúng theo quy định của bác sĩ

Một số thuốc ngủ theo toa chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Ngoài ra, bạn không tự uống liều cao hơn so với quy định. Nếu liều ban đầu không tạo ra hiệu quả mong muốn đối với giấc ngủ, không uống thêm thuốc trước khi đến gặp bác sĩ.

7. Ngưng thuốc ngủ cẩn thận

Khi bạn đã sẵn sàng ngưng dùng thuốc, hãy làm theo hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ hoặc theo hướng dẫn trên nhãn. Một số loại thuốc phải được dừng lại dần dần. Ngoài ra, hãy lưu ý bạn có thể bị mất ngủ hồi phát ngắn hạn trong một vài ngày sau khi ngừng uống thuốc ngủ.

Phân loại và tác dụng của thuốc ngủ

Thuốc ngủ có nhiều loại khác nhau và đem lại các tác dụng khác nhau. Có loại giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn, có loại giúp bạn ngủ lâu hơn, có loại lại mang cả hai tác dụng trên. Để xác định loại thuốc ngủ nào phù hợp với bạn, bác sĩ sẽ:

  • Đặt câu hỏi để tìm hiểu rõ về giấc ngủ của bạn
  • Yêu cầu các xét nghiệm để loại trừ bất kỳ tình trạng tiềm ẩn gây ra chứng mất ngủ
  • Thảo luận về các lựa chọn thuốc ngủ, bao gồm mức độ thường xuyên, thời gian uống và các dạng thuốc như thuốc viên, thuốc xịt vào miệng hoặc viên nén hòa tan
  • Kê toa thuốc trong một khoảng thời gian nhất định để đánh giá những lợi ích và tác dụng phụ của thuốc ngủ
  • Kiểm tra bạn đã thử toa thuốc ngủ khác do toa thuốc đầu tiên uống không có kết quả sau một đợt điều trị đầy đủ.

Các loại thuốc ngủ phổ biến trên thị trường và tác dụng của chúng được thể hiện trong bảng dưới đây:

Thuốc ngủ Giúp bạn vào giấc ngủ Giúp kéo dài giấc ngủ Có thể dẫn đến phụ thuộc
Doxepin (Silenor®)
Estazolam
Eszopiclone (Lunesta®)
Ramelteon (Rozerem®)
Temazepam (Restoril®)
Triazolam (Halcion®)
Zaleplon (Onata®)
Zolpidem (Ambien®, Edluar®, Intermezzo®, Zolpimist®)
Zolpidem được nâng cấp (Ambien CR®)  ✔
Suvorexant (Belsomra®)

Các tác dụng phụ của thuốc ngủ

Luôn hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ tiềm ẩn trước khi bạn quyết định sử dụng thuốc ngủ. Tùy thuộc vào loại thuốc, bạn có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Chóng mặt hoặc đầu lâng lâng, có thể làm té ngã
  • Nhức đầu
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy và buồn nôn
  • Buồn ngủ kéo dài, thường xảy ra hơn với các loại thuốc giúp bạn kéo dài giấc ngủ
  • Phản ứng dị ứng nặng
  • Không hoàn toàn tỉnh táo khi lái xe hoặc ăn uống
  • Các vấn đề về trí nhớ ban ngày và giảm hiệu quả làm việc.

Các thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần

Các thuốc ngủ chống trầm cảm có tác dụng an thần

Đôi khi, các thuốc theo toa sử dụng chủ yếu để điều trị trầm cảm có thể làm nhẹ chứng mất ngủ khi dùng liều lượng thấp hơn. Khi mất ngủ đi kèm với trầm cảm hoặc lo âu, thuốc chống trầm cảm có thể cải thiện đồng thời cả hai tình trạng này. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa được các chuyên gia chấp nhận.

Thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần có thể bao gồm các tác dụng phụ như:

  • Chóng mặt và kém minh mẫn
  • Nhức đầu
  • Buồn ngủ kéo dài
  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Tim đập thất thường
  • Tăng cân
  • Các vấn đề về trí nhớ ban ngày và hiệu quả làm việc
  • Táo bón.
Cân nhắc sự an toàn
Một số loại thuốc ngủ cũng như thuốc chống trầm cảm nhất định có thể không an toàn cho những người đang mang thai, cho con bú hoặc lớn tuổi. Sử dụng các thuốc này có thể làm người lớn tuổi dễ bị té ngã vào ban đêm và gây chấn thương. Nếu bạn đã lớn tuổi, bác sĩ có thể kê toa một liều thuốc thấp hơn để giảm các nguy cơ này.

Nếu bạn mắc các tình trạng sức khỏe như bệnh thận, huyết áp thấp, vấn đề về nhịp tim (loạn nhịp tim) hoặc có tiền sử động kinh, có thể bạn phải hạn chế việc sử dụng thuốc ngủ liều mạnh. Ngoài ra, thuốc ngủ cũng có thể tương tác với các thuốc khác. Nếu bạn uống thời gian dài có thể dẫn đến nghiện thuốc, vì vậy điều quan trọng là bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Sử dụng thuốc ngủ là một trong những phương pháp giúp bạn điều trị tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được lạm dụng thuốc mà cần kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt để cải thiện thời gian và chất lượng giấc ngủ của mình. Nếu bạn tiếp tục gặp khó khăn để ngủ, hãy hỏi bác sĩ để được giúp đỡ thêm.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Prescription sleeping pills: What’s right for you?.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/in-depth/sleeping-pills/art-20043959.

Ngày truy cập: 9/12/2022

Sleeping Pills

http://my.clevelandclinic.org/health/drugs/15308-sleeping-pills

Ngày truy cập: 9/12/2022

Sleeping pills and minor tranquillisers

http://mind.org.uk/information-support/drugs-and-treatments/sleeping-pills-and-minor-tranquillisers/sleeping-pills/

Ngày truy cập: 9/12/2022

Sleeping Pills: Medications & Prescription Sleep Aids

http://sleepfoundation.org/sleep-aids/sleeping-pills

Ngày truy cập: 9/12/2022

Sleeping Pills and Natural Sleep Aids

http://helpguide.org/articles/sleep/sleeping-pills-and-natural-sleep-aids.htm

Ngày truy cập: 9/12/2022

Phiên bản hiện tại

09/12/2022

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bệnh mất ngủ ở phụ nữ: Nguyên nhân, tác hại và cách điều trị

Bạn nên làm gì khi bị mất ngủ, trằn trọc về đêm?


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 09/12/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo