backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

10 loại thực phẩm mà trẻ thiếu máu nên ăn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 30/05/2022

    10 loại thực phẩm mà trẻ thiếu máu nên ăn

    Trẻ thiếu máu nên ăn gì là câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm vì hầu hết tình trạng thiếu máu đều có thể điều trị qua chế độ ăn uống.

    Trẻ bú sữa mẹ thường nhận đủ chất sắt từ sữa mẹ, còn trẻ uống sữa bột pha công thức nên lựa chọn loại sữa tăng cường chất sắt. Tuy nhiên, trẻ có thể không tiêu thụ đủ thực phẩm giàu chất sắt khi bắt đầu biết ăn. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ bị thiếu sắt, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu.

    Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể sử dụng để sản xuất huyết sắc tố (hemoglobin) – loại protein có chứa sắt trong các tế bào hồng cầu (RBCs) giúp máu mang oxy đưa đến tất cả các tế bào khác trong cơ thể. Nếu không có huyết sắc tố, cơ thể sẽ ngừng sản xuất hồng cầu khỏe mạnh, khiến các cơ, mô và tế bào của trẻ có thể không nhận được oxy cần thiết, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

    Sắt đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, khi trẻ bị thiếu máu chất sắt có nghĩa là sẽ dễ bị nhiễm trùng, cảm lạnh và cơn cúm nhiều hơn. Tình trạng thiếu sắt làm cản trở sự tăng trưởng của trẻ, đồng thời có thể gây ra các vấn đề sau đây:

    • Suy yếu cơ
    • Vấn đề học tập và hành vi
    • Chậm các kỹ năng vận động
    • Tự cô lập khỏi xã hội (social withdrawal)

    Các triệu chứng thiếu máu ở trẻ không xuất hiện lúc đầu, nhưng khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn có thể khiến trẻ gặp các dấu hiệu như:

    • Cáu gắt
    • Đau đầu
    • Mệt mỏi
    • Chóng mặt
    • Choáng váng
    • Da nhợt nhạt
    • Tăng cân chậm
    • Giảm sự thèm ăn
    • Nhịp tim nhanh hoặc không đều

    Lời giải cho câu hỏi trẻ thiếu máu nên ăn gì đó là những thực phẩm giàu chất sắt. Sắt trong chế độ ăn uống có hai dạng chính: sắt heme từ thịt động vật và sắt nonheme từ thực vật. Cơ thể hấp thụ sắt nonheme kém hơn sắt heme.

    Vậy trẻ thiếu máu nên ăn gì? Bạn hãy cùng tìm hiểu 10 loại thực phẩm trẻ bị thiếu máu nên ăn để bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhé!

    1. Chocolate đen

    Chocolate đen là loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp tăng lượng chất sắt cho trẻ thiếu máu. Đây là một trong những thực phẩm giàu chất sắt nhất mà trẻ thiếu máu có thể ăn, mang đến 7 mg sắt trong 85g.

    Một số trẻ không thích vị đắng của chocolate đen, vì vậy bạn có thể xử lý bằng cách làm tan chảy và trộn với bơ đậu phộng; sau đó phết nó với bánh mì để tạo thành món ăn giàu chất sắt ngon miệng.

    2. Trẻ thiếu máu nên ăn gì? Ngũ cốc ăn sáng

    Trẻ thiếu máu ăn ngũ cốc

    Nhiều loại ngũ cốc ăn sáng được bán trên thị trường với hàm lượng thành phần giúp bổ sung chất sắt, tốt cho trẻ thiếu máu. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra nhãn hàng vì có nhiều loại ngũ cốc được phân loại cho trẻ em và người lớn. Nếu trẻ dùng nhầm loại ngũ cốc cho người lớn sẽ dễ bị dư thừa chất sắt.

    Ngoài ra, nhiều loại ngũ cốc ăn sáng cũng có nhiều chứa nhiều đường và muối không tốt cho sức khỏe. Vì thế bạn nên hạn chế cho trẻ ăn thường xuyên hoặc có thể chế biến ngũ cốc thành những bữa phụ để bữa ăn cân bằng hơn.

    3. Thịt đỏ

    Thịt đỏ là câu trả lời hợp lý cho câu hỏi trẻ thiếu máu nên ăn gì. Tất cả các sản phẩm thịt động vật đều giàu chất sắt, thế nhưng, nhiều trẻ nhỏ lại thường không thích ăn thịt. Do đó, bạn có thể thử một số cách chế biến mới mẻ để tạo cảm giác thích thú cho trẻ:

    • Tạo hình món thịt: Việc cắt lát thịt thành những hình thù ngộ nghĩnh để giúp trẻ hứng thú hơn khi ăn. Đồng thời, bạn có thể cho trẻ ăn cùng bánh mì trắng giúp cung cấp thêm khoảng 1 mg sắt.

    • Cho trẻ ăn gà chiên cốm (chicken nugget): Đây là món ăn nhận được nhiều sự yêu thích của trẻ do dễ ăn và ngon miệng. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế vì món ăn này thường chứa hàm lượng muối và chất béo bão hòa cao.

    • Xay thịt: Bạn nên ninh mềm rồi xay nhỏ các loại thịt bò, lợn rồi mới cho vào cháo để trẻ dễ ăn hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng một lượng nhỏ rồi sau đó tăng dần lên.

    4. Bơ đậu phộng

    Bơ đậu phộng tốt cho trẻ thiếu máu

    Lượng sắt trong bơ đậu phộng có thể khác nhau ở tùy nhãn hiệu, nhưng thường chứa khoảng 0,56mg sắt trên 15ml. Bạn có thể cho trẻ thiếu máu dùng chung bơ đậu phộng với bánh mì ngũ cốc để có thể giúp cung cấp thêm khoảng 1mg sắt. Bơ đậu phộng cũng tương đối giàu protein, đây là một sự lựa chọn hợp lý cho trẻ còn nhỏ chưa biết ăn thịt.

    5. Trẻ thiếu máu nên ăn gì? Bột yến mạch

    Bột yến mạch là món ăn nhẹ bổ dưỡng mà bạn có thể thêm vào thực đơn mỗi ngày cho trẻ bị thiếu máu, bởi vì 9,6g bột yến mạch có chứa 4,5 – 6,6 mg sắt. Bột yến mạch cũng rất giàu chất xơ, đây là một sự lựa chọn hợp lý cho trẻ em có vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hóa, bao gồm táo bón.

    Bạn hãy thử chế biến bằng cách thử rắc một ít quế và đường nâu lên trên bột yến mạch để tạo cảm giác ngon miệng hơn cho trẻ, đồng thời thêm một ít nho khô để giúp bổ sung thêm chất sắt.

    6. Món trứng

    Một quả trứng luộc chín có thể cung cấp 1mg sắt cùng hàm lượng protein giúp cơ thể trẻ phát triển. Đây là thực phẩm bổ máu cho trẻ mà lại có rất nhiều cách chế biến khác nhau. Các công thức chế biến món ngon từ trứng đơn giản mà bạn có thể thêm vào thực đơn cho trẻ thiếu máu bao gồm:

    • Trứng ốp la
    • Bánh mì cốc
    • Trứng khuấy
    • Trứng mặt cười
    • Bánh mì quết trứng
    • Bánh trứng yến mạch

    7. Trẻ thiếu máu nên ăn gì? Các loại đậu hạt

    Đậu là nguồn cung cấp giàu chất sắt, đặc biệt là đậu trắng cung cấp khoảng 8mg mỗi khẩu phần (tương đương 28g). Các loại hạt như hạt điều và hạt hồ trăn là một nguồn thực phẩm chứa nhiều chất sắt, protein và các chất dinh dưỡng cần thiết khác tốt cho trẻ thiếu máu.

    Tuy nhiên, các loại hạt có thể là mối nguy hiểm tiềm ẩn vì dễ gây nghẹt thở ở trẻ, vì vậy bạn đừng bao giờ cho trẻ tập nhai các loại hạt chưa được đập nát hoặc xay nhuyễn.

    8. Rau củ

    Trẻ thiếu máu nên ăn rau củ

    Nếu bạn thắc mắc trẻ thiếu máu nên ăn gì thì các loại rau lá xanh như cải xoăn, bông cải xanh, rau bó xôi là một trong những nguồn bổ sung chất sắt tốt cho trẻ. Bạn có thể thêm đậu và rau quả khác hoặc ăn chung với trứng để tăng cường hàm lượng sắt.

    Trẻ nhỏ thường không thích ăn rau củ, do đó bạn có thể thực hiện một số cách khuyến khích trẻ ăn rau củ như:

    • Khuyến khích trẻ tham gia nấu ăn
    • Chế biến rau củ đa dạng, ngon miệng
    • Sáng tạo chế biến các món ăn với rau

    9. Thịt cá

    Bạn nên thêm thịt cá vào chế độ ăn uống của trẻ vì đây là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng chứa nhiều chất sắt. Đồng thời cá cũng là một nguồn giàu protein, một số loại cá như cá thu và cá hồi có chứa nhiều axit béo omega-3 tốt cho tim và não.

    Bạn có thể kết hợp cá ngừ thái nhỏ với rau củ xay nhuyễn để tăng lượng sắt cho trẻ.

    10. Trái cây

    Một số loại trái cây có thể giúp bổ sung chất sắt cho trẻ. Bạn có thể cân nhắc các loại hoa quả nên ăn khi thiếu máu như: đào, táo, mơ khô, cà chua, lựu, dưa hấu, mận, cam, nho khô, chuối…

    Để trả lời cho câu hỏi trẻ thiếu máu nên ăn gì, sẽ không thể thiếu thực phẩm chứa vitamin C. Cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn khi dùng chung với vitamin C. Do đó, những loại trái cây này không chỉ cung cấp vitamin C mà còn hỗ trợ trẻ hấp thụ sắt tốt hơn. Bạn có thể làm cho bé yêu một ly sinh tố trái cây với một ít sữa chua hoặc mật ong.

    Bác sĩ khám trẻ thiếu máu

    Theo Viện Y tế Quốc gia, trẻ em nên nhận đủ lượng sắt hàng ngày sau đây tính bằng miligam (mg):

    • Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi: 11 mg
    • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 7 mg
    • Trẻ từ 4 – 8 tuổi: 10 mg

    Trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non thường cần nhiều chất sắt hơn so với trẻ có cân nặng bình thường, do đó bạn cần lắng nghe và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế tình trạng trẻ bị thiếu máu.

    Những thông tin trên hy vọng đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi trẻ thiếu máu nên ăn gì. Một chế độ ăn giàu chất sắt có thể giúp phòng ngừa nguy cơ và hỗ trợ điều trị thiếu máu ở trẻ. Bạn nên chú ý xây dựng thực đơn đa dạng với nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để bé yêu luôn khỏe mạnh nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 30/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo