backup og meta

Nước tăng lực hay tăng rủi ro sức khỏe?

Nước tăng lực hay tăng rủi ro sức khỏe?

Nước tăng lực tuy giúp tỉnh táo được trong chốc lát nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài nếu bạn uống quá thường xuyên. Món đồ uống lợi ít hại nhiều này sẽ khiến đường huyết tăng cao, ảnh hưởng tim mạch và khiến bạn lệ thuộc caffeine.

Những khi buồn ngủ hay mệt mỏi, nước tăng lực (energy drink) có thể giúp bạn nhanh chóng tỉnh táo và tiếp tục công việc trong ngày. Thế nhưng, món đồ uống cung cấp năng lượng ngay lập tức này lại mang đến nhiều tác hại lâu dài cho sức khỏe.

Nước tăng lực là gì?

Nước tăng lực là đồ uống có chứa các thành phần có thể giúp bạn tăng mức năng lượng và hiệu suất não bộ trong thời gian ngắn. Hầu như tất cả các loại nước tăng lực đều chứa caffeine để có thể kích thích chức năng não bộ cũng như tăng sự tỉnh táo và tập trung. Tuy nhiên, lượng caffeine trong các sản phẩm nước tăng lực khác nhau cũng không giống nhau.

Bên cạnh caffeine, nước uống tăng lực cũng thường chứa một số thành phần khác như:

• Đường: Đây chính là nguồn calo chính trong đồ uống tăng lực. Tuy nhiên, hiện có một số sản phẩm không chứa đường và thích hợp cho những ai muốn theo chế độ ăn low-carb.

• Vitamin B: Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng giúp chuyển đổi thực phẩm bạn đã ăn thành năng lượng mà cơ thể sử dụng được.

Axit amin: Các axit amin có thể xuất hiện trong nước uống tăng lực là taurine và L-Carnitine. Đây là hai loại axit amin được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên và đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh học.

• Chiết xuất thảo dược: Các loại đồ uống tăng lực có thể có chứa guarana, một loại hạt giúp bổ sung caffeine cho sản phẩm. Một số sản phẩm cũng có chứa chiết xuất nhân sâm, một chiết xuất có thể có tác dụng tích cực đến chức năng não.

Tác dụng của nước tăng lực

Nước uống tăng lực có thể mang lại một số tác dụng cho não bộ và cả hiệu suất làm việc của bạn.

• Nước uống tăng lực có thể cải thiện chức năng não: Một trong những lý do phổ biến nhất mọi người dùng đồ uống tăng lực là để cải thiện chức năng não bộ và từ đó giúp tăng sự tỉnh táo. Một số nghiên cứu cũng xác nhận rằng nước tăng lực thực sự có thể cải thiện trí nhớ, sự tập trung, thời gian phản ứng đồng thời cũng giúp giảm mệt mỏi về mặt tinh thần.

Một nghiên cứu cho thấy một lon Red Bull 500ml giúp tăng khả năng tập trung và trí nhớ lên khoảng 24%.

• Nước uống tăng lực giúp bạn vượt qua mệt mỏi: Nhiều người dùng đồ uống tăng lực để giúp mình có thể sinh hoạt bình thường dù thiếu ngủ hoặc mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu mô phỏng các tình huống lái xe đã kết luận rằng nước tăng lực có thể giúp người lái xe bớt buồn ngủ và lái xe tốt hơn ngay cả khi bị thiếu ngủ.

Nhiều nhân viên làm ca đêm cũng sử dụng đồ uống tăng lực để giúp mình tỉnh táo hơn khi phải làm việc trong giờ ngủ. Tuy nhiên, một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc sử dụng đồ uống tăng lực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ sau ca làm việc của những công nhân này.

Tác hại của nước tăng lực

cô gái uống nước tăng lực

Tuy có thể giúp bạn tỉnh táo, đồ uống tăng lực có thể mang đến nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe. Vậy bạn uống nước tăng lực có hại gì?

Sau đây là những tác hại của nước tăng lực có thể làm tăng rủi ro cho sức khỏe:

Rủi ro gặp vấn đề tim mạch

Nghiên cứu chỉ ra rằng đồ uống tăng lực có thể cải thiện chức năng não và giúp bạn tỉnh táo khi bạn mệt mỏi nhưng cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề tim mạch. Một đánh giá cho thấy rằng việc sử dụng đồ uống tăng lực có liên quan đến một số trường hợp mắc các vấn đề về tim cần cấp cứu. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ đồ uống tăng lực có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và giảm chức năng mạch máu.

Hầu hết các chuyên gia tin rằng các vấn đề tim mạch liên quan đến đồ uống tăng lực là do bạn đã nạp quá nhiều caffeine. Nhiều người gặp các vấn đề nghiêm trọng về tim sau khi uống loại đồ uống bổ sung năng lượng này đã dùng nhiều hơn ba loại nước tăng lực cùng một lúc hoặc pha loại nước này với rượu.

Bạn cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng nước tăng lực nếu có tiền sử bệnh tim. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đồ uống tăng lực với tần suất và số lượng ít có thể sẽ không ảnh hưởng tới tim ở những người trưởng thành khỏe mạnh và không có tiền sử mắc bệnh này.

Rủi ro mắc bệnh tiểu đường

Hầu hết các loại đồ uống tăng lực đều chứa một lượng đường khá lớn. Một lon Red Bull 250ml chứa 27g đường còn một lon Monster 473ml chứa khoảng 54g. Khi tiêu thụ quá nhiều đường, lượng đường huyết trong cơ thể bạn sẽ tăng đột biến.

Việc tiêu thụ đồ uống có đường như nước tăng lực có thể làm tăng đường huyết và gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là nếu bạn bị tiểu đường. Vậy nên, bạn cần hết sức cẩn trọng khi dùng nước tăng lực nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết hoặc mắc bệnh tiểu đường.

Hơn nữa, tình trạng đường huyết tăng cao có thể làm tăng mức độ stress oxy hóa và viêm. Điều này có thể dẫn tới rất nhiều bệnh mãn tính. Thế nhưng, ngay cả những người không bị tiểu đường cũng cần quan tâm đến lượng đường cao trong các loại đồ uống tăng lực. Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống đồ uống có đường mỗi ngày có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên 26%.

Ngoài các tác hại của nước tăng lực kể trên, việc pha loại đồ uống này với rượu bia cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe không ngờ. Caffeine trong nước tăng lực có thể khiến tác dụng phụ gây trầm cảm của rượu bia thêm trầm trọng. Những ai dùng đồ uống tăng lực pha với rượu bia cũng thường lạm dụng đồ uống có cồn nhiều hơn. Vậy nên, bạn cần tránh món đồ uống này để bảo vệ sức khỏe.

Lượng nước tăng lực bạn có thể uống

các lon nước tăng lực

Tuy các loại đồ uống tăng lực có nhiều tác hại nhưng bạn vẫn có để dùng nếu biết hạn chế ở mức liều lượng cho phép. Bạn có thể tính toán lượng đồ uống tăng lực hợp lý theo độ tuổi.

Trẻ em hoặc trẻ vị thành niên

Theo ước tính, có tới 31% trẻ em từ 12 – 17 tuổi thường xuyên dùng đồ uống tăng lực. Tuy nhiên, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ em và trẻ vị thành niên không nên tiêu thụ loại nước uống này. Lượng caffeine trong nước tăng lực khiến trẻ độ tuổi này có nguy cơ bị lệ thuộc hay nghiện caffeine. Thành phần caffeine cũng có thể có tác động tiêu cực đến tim và não bộ đang trong quá trình phát triển.

Các chuyên gia khuyến nghị trẻ vị thành niên không tiêu thụ quá 100mg caffeine mỗi ngày. Đối với trẻ em, lượng caffeine tiêu thụ cần ít hơn 2,5mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ như một trẻ 12 tuổi trở xuống nếu nặng 34kg chỉ nên tiêu thụ khoảng 85mg caffeine.

Người trưởng thành

Người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày. Thế nhưng, trong mỗi 237ml đồ uống tăng lực thường chứa khoảng 80mg caffeine, một lượng tương đương với một tách cà phê cỡ trung bình.

Bạn cần giới hạn mức đồ uống tăng lực uống xuống dưới 473ml mỗi ngày và hạn chế tất cả các loại đồ uống có chứa caffeine khác để tránh nạp quá lượng caffeine khuyến nghị. Đặc biệt, phụ nữ có thai và cho con bú nên tránh uống nước tăng lực hoàn toàn.

Nước tăng lực tuy mang lại một chút lợi ích tức thời nhưng không tốt cho sức khỏe của bạn về lâu dài. Vậy nên, bạn hãy hạn chế thói quen duy trì sự tỉnh táo bằng các loại đồ uống tăng lực nhiều đường nhé!

Như Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Are Energy Drinks Good or Bad for You?
https://www.healthline.com/nutrition/energy-drinks
Ngày truy cập: 18.12.2019

Energy Drinks: Quick Pick-Me-Up or Health Hazard?
https://www.webmd.com/food-recipes/news/20190626/energy-drinks-quick-pick-me-up-or-health-hazard
Ngày truy cập: 18.12.2019

Energy Drinks
https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/energy-drinks/
Ngày truy cập: 18.12.2019

Phiên bản hiện tại

06/03/2020

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Có nên cho bé uống nước đóng chai không?

Cần tây giảm cân: Thân hình thon gọn chỉ trong tương lai gần!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 06/03/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo