backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Rau chân vịt có tác dụng gì? 19 công dụng tuyệt vời của rau chân vịt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/12/2023

Rau chân vịt có tác dụng gì? 19 công dụng tuyệt vời của rau chân vịt

Rau chân vịt là một thực phẩm không quá xa lạ trong bữa ăn hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết về tác dụng của loại rau này. Những lợi ích sức khỏe nổi bật của việc sử dụng rau chân vịt bao gồm cải thiện kiểm soát lượng đường huyết ở người bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ ung thư và cải thiện sức khỏe của xương.

Mời bạn cùng tìm hiểu về loại rau này qua bài viết sau đây!

Tìm hiểu chung về rau chân vịt

rau cải bó xôi

Rau chân vịt (rau spinach) là gì?

Tên gọi khác: Cải chân vịt, cải bó xôi, rau bina

Tên tiếng Anh: Spinach

Tên khoa học: Spinacia oleracea Amaranthaceae

Rau chân vịt từng được trồng ở Ba Tư từ cách đây hàng nghìn năm sau đó du nhập về Trung Quốc cách đây khoảng 1.500 năm. Vài trăm năm sau đó, loại rau này được mang đến châu Âu và nhanh chóng có mặt trong nhiều món ăn ngon.

Rau chân vịt là một loại rau  giàu chất xơ với hàm lượng chất béo thấp. Bên cạnh đó, trong cải chân vịt còn chứa nhiều:

  • Khoáng chất như kali, kẽm, magiê, sắt, canxi…
  • Các loại vitamin như B9 (folate), A, B6, C, K, B1 (thiamine), B2 (riboflavin) và nhiều vitamin thiết yếu khác. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100g rau chân vịt chứa 28,1mg vitamin C, đáp ứng được 34% nhu cầu khuyến nghị hằng ngày của một người. 
  • Một số hợp chất thực vật như carotenoids, polyphenol, flavonoid,  lutein, kaempferol, quercetin, zeaxanthin,… Chúng đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, từ việc duy trì sức khỏe của mắt đến giảm viêm.

Bạn có thể dùng cải bó xôi để chế biến các món ăn như: salad, xào hay nấu canh, chiên trứng… Hiện nay rau chân vịt còn được bào chế dưới dạng thực phẩm bổ sung. Song nó vẫn được sử dụng rộng rãi chủ yếu như một loại thực phẩm.

Tác dụng của rau chân vịt

Cải bó xôi (rau chân vịt)

“Rau chân vịt có tác dụng gì?” là câu hỏi của không ít người khi đề cập đến loại rau này. Nhìn chung, tác dụng của cải chân vịt có thể kể đến như sau:

1. Rau chân vịt hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường

Rau chân vịt có chứa axit alpha-lipoic. Đây là một chất chống oxy hóa đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu, tăng độ nhạy insulin và ngăn ngừa sự thay đổi oxy hóa, những thay đổi do tình trạng căng thẳng gây ra ở bệnh nhân đái tháo đường.

Các nghiên cứu về axit alpha-lipoic cũng cho thấy hoạt chất này tác động làm suy giảm bệnh thần kinh ngoại vi và bệnh thần kinh tự trị ở bệnh nhân đái tháo đường.

2. Rau chân vịt giúp ngăn ngừa ung thư

Nhiều nghiên cứu trên người đã tìm thấy mối tương quan giữa việc ăn rau bina thường xuyên và giảm nguy cơ mắc cả ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Các chất phytochemical và hoạt chất sinh học có nguồn gốc từ rau bina có thể loại bỏ các loại oxy phản ứng và ngăn ngừa tổn thương oxy hóa cao phân tử, điều chỉnh sự biểu hiện và hoạt động của các gen liên quan đến quá trình trao đổi chất, tăng sinh, viêm và chống oxy hóa. Những hoạt động sinh học này góp phần vào các đặc tính chống ung thư. Chẳng hạn, việc các chuyên gia nghiên cứu dùng bột rau bina cung cấp hàng ngày cho những người tình nguyện khỏe mạnh trong thời gian 2 tuần đã ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi ADN, một phát hiện ủng hộ giả thuyết rằng các sản phẩm thực vật có chứa carotenoid có tác dụng ngừa ung thư thông qua việc giảm quá trình oxy hóa và các chất khác có thể gây tổn thương ADN của con người. Các chiết xuất tương tự đã được sử dụng trong một số thí nghiệm và chứng minh tác dụng ức chế phụ thuộc vào liều lượng đối với sự tăng sinh tế bào ung thư tuyến tiền liệt ở người và ức chế sự tăng sinh chu kỳ tế bào ung thư dạ dày. Glycoglycerolipids từ rau bina đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự hình thành mạch trong tế bào người dòng và trong mô hình khối u chuột.

3. Phòng chống hen suyễn

cải bó xôi giúp phòng ngừa hen suyễn

Một nghiên cứu tiến hành trên 433 đối tượng bị hen suyễn trong độ tuổi từ 6 – 18 và 537 trẻ không mắc bệnh này. Kết quả, nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn thấp hơn ở những người có dùng rau bina với hàm lượng  nhất định. Một trong những dưỡng chất quan trọng góp phần vào kết quả này là beta-carotene. Cải bó xôi là nguồn cung cấp beta-carotene tuyệt vời. Đồng thời, các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E cùng sự có mặt của beta carotene, đều có thể hỗ trợ chức năng phổi và rau bina chứa cả ba chất này.

4. Hạ huyết áp

Do cải chân vịt có hàm lượng kali cao trong khi hàm lượng natri lại thấp nên những người bị tăng huyết áp được khuyến cáo nên dùng loại rau này để giúp hạ áp. Lượng kali có trong loại rau này có thể giúp giảm tác dụng của natri trong cơ thể. Nồng độ kali trong cơ thể thấp có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết áp cao khi hàm lượng natri đạt mức cao. Rau bina có nhiều kali và ít natri, khiến nó trở thành nhân tố chính trong việc điều hòa huyết áp.

Các folate hiện diện trong loại rau này cũng góp phần làm giảm huyết áp và thư giãn các mạch máu, trong khi duy trì lưu lượng máu thích hợp, làm giảm nồng độ homocysteine và thúc đẩy sản xuất oxit nitric, các yếu tố then chốt trong việc kiểm soát nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

5. Giúp hình thành hệ xương chắc khỏe

Hàm lượng vitamin K trong cơ thể thấp làm gia tăng nguy cơ gãy xương. Cải bó xôi là một nguồn cung giàu vitamin K, một chất hoạt động điều chỉnh, cải thiện sự hấp thụ canxi và có thể làm giảm lượng canxi rời khỏi cơ thể qua nước tiểu, thúc đẩy quá trình khoáng hóa xương  giúp hình thành hệ xương chắc khỏe.

Ngoài ra, các khoáng chất khác như canxi, mangan, đồng, magiê, kẽm và phốt pho cũng giúp phát triển hệ xương chắc khỏe. Do đó, thường xuyên sử dụng rau chân vịt trong bữa ăn có thể ngăn chặn nguy cơ loãng xương. Những khoáng chất này cũng rất cần thiết cho việc duy trì răng và móng khỏe mạnh.

6. Hỗ trợ tiêu hóa

Cải chân vịt giàu chất xơ và nước, giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón. Hơn nữa, các chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin C, vitamin E, beta carotene và flavonoid trong rau chân vịt có thể giúp giảm viêm trong ruột. Điều này rất quan trọng để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

7. Giúp da và tóc khỏe mạnh

Rau chân vịt giúp da và tóc khỏe mạnh

Cải chân vịt rất giàu vitamin A, loại vitamin giúp kiểm soát quá trình sản xuất dầu trong lỗ chân lông và nang tóc để dưỡng ẩm cho da và tóc. Vitamin A cũng cần thiết cho sự tăng trưởng của tất cả các mô cơ thể, bao gồm cả da và tóc.

Cải bó xôi và các loại rau lá xanh là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Loại vitamin này có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp và duy trì collagen cấu trúc nên da và tóc.

Ngoài ra, thiếu sắt cũng là một nguyên nhân phổ biến của tình trạng rụng tóc. Điều này có thể được ngăn chặn một cách dễ dàng bằng việc ăn các loại rau giàu sắt như cải bó xôi.

Các chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật và chất diệp lục đã được chứng minh giúp bảo vệ da khỏi các tia có hại của mặt trời, kể cả tia UV. Chúng không chỉ bảo vệ mà ở một mức nào đó, chúng còn giúp sửa chữa các gene bị hư hại, từ đó giúp ngăn ngừa ung thư da trong thời gian dài.

8. Rau chân vịt cải thiện thị lực

Trong báo cáo năm 2013 được công bố trên tạp chí Clinical Interventions in Aging, Helen M Rasmussen, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) tiết lộ rằng rau chân vịt là nguồn giàu beta-carotene, lutein và xanthene. Đây là những chất có lợi cho thị lực. Beta-carotene có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin A, ngứa mắt, loét giác mạc khô mắt. Điều này cũng là do một số đặc tính chống viêm của rau chân vịt, có thể làm giảm bọng mắt hoặc kích ứng ở  mắt.

9. Điều trị thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng hoặc viêm võng mạc sắc tố gây mù lòa là do sự thoái hóa của lutein và xanthene. Chúng là một phần trung tâm của võng mạc. Trong một bài báo có tiêu đề Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác và những phát triển gần đây đăng trên tạp chí Post Graduate Medical, cho rằng những bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng nên dùng các loại rau lá xanh, đặc biệt là cải bó xôi, vì có chứa carotenoid. Loại rau này cũng chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa. Chúng làm giảm tác hại của các gốc tự do – các hợp chất tác động tiêu cực đến tầm nhìn và gây ra các bệnh liên quan đến tuổi tác như bệnh tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng.

10. Giảm nguy cơ đục thủy tinh thể

Bảo vệ mắt

Lutein và zeaxanthin có trong cải bó xôi hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh nên giúp đôi mắt ngăn ngừa được những tác động của tia UV, loại tia có thể dẫn đến đục thủy tinh thể. Chúng cũng làm giảm tác động của các gốc tự do mà đây có thể là nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác.

11. Đem lại các lợi ích thần kinh

Theo nhà nghiên cứu Fernando Gómez-Pinilla, khoa Phẫu thuật thần kinh và sinh lý học, Đại học California, Mỹ, một số thành phần của cải bó xôi có khả năng chống oxy hóa cao có liên quan đến hoạt động ty thể, chịu trách nhiệm ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Một số thành phần của cải bó xôi như kali, magie, folate và các chất chống oxy hóa được biết rất tốt cho hệ thần kinh ở người thường xuyên tiêu thụ nó. Folate làm giảm sự xuất hiện của bệnh Alzheimer.

Vì vậy, rau chân vịt là một lựa chọn tốt cho những người có nguy cơ cao bị suy giảm thần kinh hoặc nhận thức. Kali là một phần không thể thiếu của sức khỏe não bộ, có liên quan đến việc tăng lưu lượng máu lên não và nhận thức cao, tập trung và hoạt động thần kinh.

12. Điều trị bệnh rối loạn đông máu

Rau chân vịt giàu vitamin K giúp đông máu bằng cách sản xuất prothrombin. Do đó, loại rau này có khả năng điều trị chứng rối loạn chảy máu. Nó rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng  máu khó đông.  

13. Tăng cường cơ bắp

Coenzym-Q10 (Co-Q10) là một chất chống oxy hóa có trong rau chân vịt. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ bắp, đặc biệt là các cơ tim có chức năng bơm máu liên tục đến mọi bộ phận của cơ thể. Co-Q10 có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh tim mạch như tăng lipid máu, suy tim, tăng huyết áp và bệnh mạch vành.

14. Tăng cường trao đổi chất

các loại rau

Các bác sĩ thường đưa ra lời khuyên nên tiêu thụ rau chân vịt thường xuyên. Lý do là lượng protein thực vật trong cải bó xôi dễ phân cắt thành các axit amin cần thiết. Chúng cũng làm tăng khả năng chữa lành vết thương, tăng cường sự trao đổi chất, khuyến khích tất cả các cơ quan hoạt động ở mức tối ưu.

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thylakoid trong loại rau này có thể kiềm chế sự thèm ăn, từ đó giúp giảm cân hiệu quả.

15. Tác dụng chống loét

Nghiên cứu về hoạt tính chống loét của dịch chiết rau chân vịt trên chuột đăng trên tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Dược và Hóa học, công bố rau chân vịt và một số loại rau khác có khả năng bảo vệ lớp màng nhầy của dạ dày, giúp làm giảm hình thành loét dạ dày.

Hơn nữa, các glycoglycerolipid trong loại rau này có thể làm tăng sức mạnh của niêm mạc đường tiêu hóa, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm đường tiêu hóa.

16. Ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là do sự xơ cứng của các động mạch. Ăn rau bina có thể bổ sung nồng độ folate trong máu, giúp làm giảm homocysteine giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Và một sắc tố khác gọi là lutein được tìm thấy trong rau bó xôi cũng đã được chứng minh là làm giảm sự xuất hiện của xơ vữa động mạch, đau tim đột quỵ

17. Giúp hệ thần kinh của thai nhi phát triển

Lượng folate có trong rau chân vịt rất hữu ích trong sự phát triển của hệ thần kinh thai nhi. Thiếu folate có thể dẫn đến các dị tật như hở hàm ếch hoặc nứt đốt sống. Vì vậy, thai phụ được khuyên nên tiêu thụ loại rau này. Do hàm lượng vitamin A cao trong đó nên chỉ tiêu thụ với lượng khuyến nghị hàng ngày.

Vitamin A có nhiều trong cải chân vịt cần thiết cho hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ. Trẻ bú mẹ cũng có thể nhận được loại vitamin này qua sữa mẹ. Vì thế, bạn nên duy trì chế độ ăn có cải bó xôi trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

18. Giảm viêm

Loại rau này có rất nhiều hợp chất có tính chống viêm, chúng được phân loại vào nhóm methylenedioxy flavonoid glucuronides. Do đó, rau chân vịt có thể bảo vệ  cơ thể khỏi tình trạng viêm nguy hiểm, ngăn ngừa ung thư, giảm viêm và đau liên quan đến các bệnh như viêm khớp, thoái hóa khớp,

19. Nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ trong độ tuổi tăng trưởng

Salad rau chân vịt

Cải chân vịt là nguồn cung dồi dào protein, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật. Chúng giúp bé có sự phát triển tương xứng trong các giai đoạn phát triển quan trọng. Vì vậy, trẻ nhỏ được khuyến khích tiêu thụ loại rau này.

Ngoài ra, rau chân vịt có thể được sử dụng cho các mục đích sử dụng khác. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.

Liều dùng rau chân vịt

Liều lượng sử dụng rau chân vịt có thể khác nhau đối với những đối tượng khác nhau. Có thể dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Rau chân vịt có thể không an toàn cho một số người. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều lượng thích hợp.

Tác dụng phụ của rau chân vịt

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ khi dùng loại rau này như một loại thảo dược, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ.

Thận trọng khi dùng rau chân vịt

Trước khi dùng rau chân vịt, bạn nên biết những gì?

mẹ bầu và bác sĩ

Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ, nếu:

  • Bạn có thai hoặc cho con bú và chỉ dùng với hàm lượng theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây rau chân vịt, các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác
  • Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác

Mức độ an toàn của rau chân vịt như thế nào?

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Rau chân vịt an toàn cho phụ nữ trong thai kỳ và cho con bú khi sử dụng với liều lượng trong thực phẩm. 
  • Trẻ em: Rau chân vịt không an toàn khi dùng cho trẻ nhỏ dưới bốn tháng tuổi vì Oxalat có khả năng làm giảm hấp thụ canxi. 
  • Những người dễ mắc bệnh gút vì rau bina chứa một lượng purin vừa phải.
  • Dị ứng: Những người nhạy cảm với một số loại nấm mốc hoặc latex có thể có phản ứng dị ứng với loại rau này.
  • Bệnh đái tháo đường: Một số bác sĩ lo lắng rằng rau chân vịt có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống thấp nếu người sử dụng có bệnh đái tháo đường đang đồng thời dùng thuốc điều trị. Vì vậy, bạn hãy theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị. Bệnh thận: Rau chân vịt giàu kali nên việc dùng loại rau này quá nhiều có thể gây hại cho những người  suy chức năng thận. Ngoài ra, hàm lượng oxalat cao trong rau cân vịt có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi khiến bệnh thận trở nên trầm trọng hơn. 
  • Phẫu thuật:  Rau chân vịt có chứa một lượng lớn vitamin K giúp quá trình máu đông thuận lợi, do vậy, không nên sử dụng rau chân vịt thường xuyên với lượng lớn ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

Tương tác với rau chân vịt

Rau chân vịt có thể tương tác với thực phẩm khác

Rau chân vịt có thể tương tác với những gì?

 Thực phẩm này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng rau chân vịt.

Rau chân vịt có thể tương tác với các sản phẩm như:

  • Các thuốc trị bệnh đái tháo đường. Loại rau này làm giảm lượng đường trong máu. Thuốc đái tháo đường cũng được sử dụng để làm hạ đường huyết. Dùng rau chân vịt cùng với thuốc đái tháo đường có thể gây ra hiện tượng hạ đường huyết quá mức. Hãy theo dõi chặt chẽ đường huyết của bạn và trao đổi với bác sĩ khi dùng chung 2 loại.
  • Warfarin. Rau chân vịt có chứa một lượng lớn vitamin K, vitamin giúp máu đông. Trong khi đó, thuốc warfarin được sử dụng để làm chậm quá trình đông máu. Rau chân vịt có thể làm giảm hiệu quả của warfarin nên bạn cần kiểm tra thời gian đông máu. Báo với chuyên gia y tế nếu bạn đang dùng đồng thời 2 loại này.

Nhờ lượng dồi dào vitamin, khoáng chất và chất oxy hóa có nguồn gốc thực vật, rau chân vịt đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Hàm lượng trong thực phẩm là hàm lượng an toàn để sử dụng hàng ngày. Nếu sử dụng thực phẩm bổ sung từ cải bó xôi, nên trao đổi với chuyên gia sức khỏe để được tư vấn về liều dùng và cách sử dụng phù hợp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/12/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo