backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mách bạn cách chăm sóc răng miệng bằng dầu dừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 15/11/2018

    Mách bạn cách chăm sóc răng miệng bằng dầu dừa

    Dầu dừa – thần dược cho vẻ đẹp là trợ thủ đắt lực không chỉ có tác dụng trong việc dưỡng da và chăm sóc tóc, mà nó còn có thêm công dụng khác của dầu dừa như việc dùng súc miệng mỗi ngày, vì dầu dừa tốt cho răng của bạn đấy!

    Dầu dừa là gì?

    Dầu dừa là một loại dầu ăn được chiết xuất từ thịt quả dừa tươi. Đây cũng là một trong những nguồn dinh dưỡng giàu chất béo bão hòa nhất trên thế giới.

    Tuy nhiên, loại chất béo trong dầu dừa lại rất đặc biệt vì được cấu thành từ các Medium-chain Triglycerides (MCT), chất béo trung tính chuỗi trung bình.

    Thực tế, cách thức chuyển hóa của các MCT rất khác biệt so với các axit béo chuỗi dài khác được tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng loại chất béo này có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm ẩn như làm sạch và tẩy trắng răng, đồng thời còn giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng.

    Vì sao dầu dừa tốt cho răng miệng?

    Vì sao dầu dừa tốt cho răng?

    1. Diệt các vi khuẩn gây hại trong khoang miệng

    Axit lauric, một loại axit béo chuỗi trung bình, chiếm đến khoảng gần 50% chất béo chứa trong dầu dừa. Ngay khi cơ thể bạn hấp thu axit lauric sẽ phân hủy và chuyển hóa thành một hợp chất có tên là monolaurin. Cả axit lauric và monolaurin đều có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm men và virus gây hại trong cơ thể. Bằng chứng là có một nghiên cứu đã được thực hiện để thử nghiệm về khả năng tiêu diệt và chống lại vi khuẩn của hơn 30 loại axit béo khác nhau.

    Theo nghiên cứu:

    • Axit lauric chính là loại axit béo có hiệu quả trong việc tiêu diệt các mầm bệnh này hơn so với bất kỳ loại axit béo bão hòa nào (1). Loại axit này có khả năng tấn công các vi khuẩn có hại sinh sống trong khoang miệng, tác nhân gây nên tình trạng sâu răng, viêm nướu và hơi thở có mùi. Do đó, axit lauric đặc biệt có tác dụng rất tốt trong việc giúp loại trừ các vi khuẩn khoang miệng có tên là streptococcus mutans, tác nhân hàng đầu gây nên chứng sâu răng.
    • Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều lợi ích sức khỏe liên quan đến dầu dừa là trực tiếp đến từ axit lauric (2).

    2. Giảm tích tụ mảng bám để ngăn ngừa viêm nướu

    Bệnh viêm nướu, hay còn gọi là viêm lợi, là tình trạng chỉ sự sưng viêm bên trong nướu. Nguyên nhân chính gây nên bệnh này chính là sự tích tụ của các mảng bám trên bề mặt răng. Thực tế, mảng bám hoặc cao răng thường hình thành bởi sự tác động của các vi khuẩn gây hại bên trong khoang miệng.

    Tuy nhiên, có một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng, dầu dừa có khả năng làm giảm tình trạng tích tụ mảng bám trên răng, đồng thời chống lại bệnh viêm nướu. Không chỉ vậy, trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã nhận ra rằng việc súc miệng cùng dầu dừa có hiệu quả làm giảm đi đáng kể lượng mảng bám tích tụ, cũng như các dấu hiệu của bệnh viêm nướu đối với khoảng 60 người tham gia thử nghiệm mắc bệnh viêm nướu do mảng bám.

    3. Tiêu diệt các loại vi khuẩn gây ra bệnh sâu răng 

    Như đã đề cập ở trên, dầu dừa có thể tấn công các streptococcus mutan và lactobacillus (3), 2 nhóm vi khuẩn chính góp phần gây nên tình trạng sâu răng. Có một số nghiên cứu đã khuyến nghị rằng việc sử dụng dầu dừa có thể giúp làm giảm sự tồn tại của các vi khuẩn này.

    Dầu dừa được đánh giá là có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn tương tự như chlorhexidine, một chất hoạt tính được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm nước súc miệng. Vì những lý do này, nếu bạn đang muốn cải thiện tình trạng sâu răng, hãy sử dụng dầu dừa như một loại nước súc miệng hằng ngày để loại bỏ vi khuẩn nhé.

    Cách chăm sóc răng miệng bằng dầu dừa

    Cách chăm sóc răng miệng bằng dầu dừa

    1. Súc miệng bằng dầu dừa (Oil pulling)

    Việc súc miệng bằng dầu dừa đang trở thành một trào lưu phổ biến ở nhiều nước, bao gồm Việt Nam. Thực tế, hoạt động súc miệng cùng dầu thực vật đã bắt nguồn ở Ấn Độ từ nhiều năm về trước. Hoạt động này yêu cầu bạn phải sục đảo dầu quanh khắp khoang miệng trong vòng từ 1–2 phút trước khi phun dầu ra. Nói chung, bạn có thể xem dầu dừa như một loại nước súc miệng thông thường.

    Sau đây chính là 4 bước hướng dẫn bạn cách súc miệng bằng dầu dừa:

  • Cho một thìa dầu dừa vào trong miệng
  • Sục đảo dầu khắp khoang miệng từ trong ra ngoài, trong vòng từ 1 đến 2 phút
  • Phun dầu dừa vào thùng rác thay vì bồn rửa mặt vì dầu dừa dễ đóng cứng lại gây tắc nghẽn
  • Chải răng cùng kem đánh răng như bình thường và súc miệng lại với nước
  • Trong suốt khoảng thời gian súc miệng cùng dầu dừa, các axit béo chứa trong đó sẽ tấn công và hút ra các vi khuẩn trong khoang miệng, đồng thời tẩy sạch các mảng bám trên bề mặt răng. Do đó, tốt nhất là bạn nên súc miệng cùng dầu dừa vào mỗi buổi sáng, trước khi bạn dùng bữa hoặc uống nước.

    2. Làm kem đánh răng bằng dầu dừa

    Làm kem đánh răng bằng dầu dừa

    Dầu dừa có rất nhiều công dụng hữu ích, trong đó bao gồm cả việc bạn có thể sử dụng loại dầu thiên nhiên này như kem đánh răng. Công thức làm loại kem đánh răng này rất đơn giản:

    Nguyên liệu

    • 1/2 chén dầu dừa nguyên chất
    • 2 thìa súp bột nở
    • 10–20 giọt tinh dầu bạc hà hoặc quế

    Thực hiện

    • Đun sôi dầu dừa trên chảo nóng cho đến khi dung dịch đặc lại
    • Cho thêm bột nở vào và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp sánh và có độ kết dính
    • Thêm tinh dầu đã chuẩn bị vào và khuấy đều
    • Bảo quản kem đánh răng ở trong hộp kín
    • Mỗi khi sử dụng, xới nhẹ hỗn hợp lên bằng bàn chải đánh răng. Chải răng trong vòng 2 phút trước khi súc miệng lại với nước

    Với những lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe răng miệng, hãy thêm ngay loại dầu này vào quy trình chăm sóc răng hàng ngày để bảo vệ hàm răng trắng sáng nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 15/11/2018

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo