backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bị run tay là bệnh gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 30/01/2023

    Bị run tay là bệnh gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

    Bạn có thể bị run tay khi hồi hộp, bệnh Parkinson hay vì một nguyên nhân không rõ ràng. Nếu chủ quan không điều trị sớm, chứng run tay có thể ngày càng chuyển biến nặng khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Vậy run tay có thể là dấu hiệu của bệnh gì? Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé! 

    Triệu chứng tay bị run có thể bắt đầu từ một ngón tay (ngón trỏ hoặc ngón cái), sau đó lan đến bàn tay, rồi cánh tay, có thể run một hoặc 2 tay. Nhiều người còn có thể kèm theo run chân, run đầu cổ, run giọng nói…

    Khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu, nhiều người chủ quan không điều trị sớm vì nghĩ bệnh không nguy hiểm dẫn đến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Chưa kể khi điều trị lại chỉ phụ thuộc vào thuốc mà bỏ qua chế độ ăn uống và tập luyện khiến hiệu quả cũng không cao.

    Nếu bạn chỉ bị run tay khi đói bụng, rét lạnh, mệt mỏi… thì đó là những biểu hiện sinh lý bình thường. Nhưng nếu triệu chứng run tay diễn ra thường xuyên với mức độ ngày càng tăng dần thì đã đến lúc bạn cần tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân tại sao tay run để tìm cách điều trị sớm.

    Bị run tay là bệnh gì?

    bị run tay là bệnh gì

    Ngoại trừ bệnh run vô căn, tay bị run không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung là những nguyên nhân đó đều gây tổn thương hoặc rối loạn chức năng của tế bào thần kinh vùng vận động của não bộ.

    Vậy tay run là bị gì? Cụ thể bao gồm một số nguyên nhân sau đây: 

    1. Rối loạn thần kinh thực vật: Những bất ổn về tâm lý như mệt mỏi, lo âu, stress… sẽ tạo ra những áp lực trên hệ thần kinh, về lâu dài dẫn tới rối loạn hoạt động của hệ thần kinh thực vật. Triệu chứng run tăng khi thay đổi trạng thái cảm xúc, tập trung làm động tác chính xác (ký tên, viết, vẽ…) hoặc đứng trước người khác. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến gây tay bị run ở người trẻ tuổi.

    2. Bệnh run vô căn: Triệu chứng run vô căn xảy ra chủ yếu ở tay với đặc trưng là run xuất hiện hoặc tăng lên khi hoạt động, như cầm cốc nước uống, cầm bút viết chữ… Ngoài ra, run cũng có thể xảy ra ở một số bộ phận khác như run ở đầu kiểu run dọc (gật đầu) hoặc run ngang (lắc đầu), hay run ở giọng nói, lưỡi, chân và thân người, làm thay đổi dáng đi.

    3. Chấn thương, tổn thương não: Bạn cũng có nguy cơ bị run tay do những chấn thương ở vùng đầu hoặc tổn thương do ảnh hưởng hóa chất, môi trường, mẹ nhiễm virus trong quá trình mang thai, do mắc các bệnh như viêm màng não, đột quỵ, đa xơ cứng

    4. Bệnh Parkinson: Nếu trước đây Parkinson là đáp án hàng đầu cho câu hỏi bị run tay là bệnh gì ở người cao tuổi thì ngày nay, bệnh lý này đang ngày càng trẻ hoá. Triệu chứng tay bị run do Parkinson đặc trưng là run khi nghỉ, run thường xuất hiện hoặc tăng lên khi tay ở trạng thái nghỉ ngơi (để yên trên mặt bàn hay trên đùi), và giảm dần hoặc biến mất khi hoạt động.

    5. Hội chứng tiểu não: Triệu chứng run chỉ xuất hiện khi bạn thực hiện các động tác có chủ đích chẳng hạn như chạm đầu ngón tay lên đầu mũi (ngón tay chỉ mũi) hay ấn nút công tắc điện. Tiểu não bị tổn thương do bệnh tật (đa xơ cứng, mất điều hòa, hội chứng Fragile X) hay do rượu.

    6. Chất kích thích: Người sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lắc, ma túy… về lâu dài sẽ gây tổn thương các tế bào não, dẫn đến chứng run tay chân. Sự lạm dụng này còn có thể kèm theo nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần khác như lo lắng, dễ bị kích động, ác mộng khi ngủ…

    7. Nguyên nhân khác: Tay bị run có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc, nhiễm độc thủy ngân, suy gan thận, thiếu vitamin hay trong bệnh cường giáp.

    Một số nguyên nhân làm bạn bị run tay có thể khắc phục tại nhà bằng một lối sống lành mạnh, tránh xa chất kích thích nhưng một số nguyên nhân đòi hỏi bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.

    Nếu bạn bị run tay, bạn hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh giàu kinh nghiệm. Bởi một bác sĩ đa khoa, ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể chẩn đoán nhầm nguyên nhân gây run, dẫn tới việc sử dụng thuốc điều trị không những không đem lại hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

    Bạn có thể thăm khám để biết tay run là bị gì tại chuyên khoa thần kinh của những bệnh viện lớn trong cả nước như: bệnh viện Đại học Y dược (TPHCM), bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện 108 ( Hà Nội)…

    Bị run tay có chữa được không?

    bị run tay

    Bạn có thể chữa khỏi run tay hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây run. Tay bị run có thể được chữa khỏi nếu kiểm soát tốt các nguyên nhân do bệnh cường giáp, sử dụng thuốc hay thiếu vitamin và khoáng chất.

    Đối với các nguyên nhân khác, tay bị run khó chữa khỏi hoàn toàn mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển. Một số bệnh nhân được khuyên phẫu thuật như kích thích não sâu hoặc cắt đồi thị để điều trị chứng run nặng.

    Cách giảm triệu chứng run tay tại nhà

    Để giảm triệu chứng khi bị run tay, bạn có thể áp dụng các cách sau đây:

    1. Ăn thực phẩm giúp giảm run

    Bạn nên bổ sung vào thực đơn các món giàu magieomega-3 để giảm run. Đặc biệt, magie giúp tăng tính thư giãn thần kinh, cải thiện tâm trạng và cảm xúc

    Bạn có thể ăn các thực phẩm giàu magie như: rau bina, rau diếp, chuối, mơ, hạnh nhân, óc chó, đậu nành, gạo nâu, hạt bí, chocolate đen… Ngoài ra, bạn cũng nên dùng thêm thực phẩm giàu omega – 3 trong quả óc chó, cá mòi, cá hồi, bắp cải Brussels, dầu canola, hạt lanh, hạt chia…

    2. Không dùng chất kích thích

    Hãy bỏ hút thuốc lá, thuốc lắc, ma túy… và hạn chế tối đa các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas… Dù run tay là bệnh gì hay chỉ do tâm lý thì việc sử dụng các chất kích thích này lâu dài đều gây độc với hệ thần kinh và không tốt cho người bị run tay.

    3. Kiểm soát stress giúp điều trị tay bị run

    Đối với người có hệ thần kinh yếu, kỹ năng kiểm soát stress có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để giảm triệu chứng run. Bạn có thể áp dụng bài tập hít thở sâu để giải tỏa căng thẳng và tăng cường oxy lên não theo hướng dẫn sau đây:

    • Nằm hoặc ngồi một vị trí thoải mái, đặt tay lên bụng.
    • Hít một hơi thật sâu qua mũi sao cho không khí được bơm đẩy vào phổi.
    • Giữ hơi thở trong vòng 3 giây, sau đó thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua đường miệng đến khi phổi đã được đẩy gần như toàn bộ khí.
    • Tiếp tục như vậy trong 5 – 10 phút, mỗi ngày bạn nên lặp lại từ 2 – 3 lần.

    4. Luyện tập đôi tay

    Dù cho tay run là bị gì thì bạn cũng có thể tận dụng các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt và phối hợp của các bắp cơ. Bạn cũng có thể lựa chọn tập yoga, múa quyền hoặc thực hiện một số bài tập đơn giản như buộc những vật nặng có trọng lượng khoảng 0,5 – 1kg vào cổ tay để tập nâng lên xuống,…

    Ngoài ra, bạn có thể tập bóp bóng cao su để đôi tay linh hoạt hơn bằng cách đặt quả bóng vào lòng bàn tay, giữ chặt khoảng 5s sau đó thả lỏng. Bạn nên tập luyện thường xuyên mỗi khi rảnh rỗi.

    5. Dùng thuốc giảm run

    Nếu bạn bị run tay, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chẹn beta (như propranolol) là một loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh tim mạch, được chứng minh có thể làm giảm chứng run tay vô căn ở 50-60% người bệnh. Đối với chứng run do rối loạn lo âu hay rối loạn thần kinh thực vật, bác sĩ có thể kê toa thêm thuốc an thần (như alprazolam).

    Hy vọng những thông tin trên đây của Hello Bacsi đã mang đến cho bạn lời giải đáp cho câu hỏi bị run tay là bệnh gì và biết cách để khắc phục những tình trạng run tay nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 30/01/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo