backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

9 biện pháp khắc phục tình trạng răng trẻ bị đen hiệu quả, đơn giản

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 07/04/2023

    9 biện pháp khắc phục tình trạng răng trẻ bị đen hiệu quả, đơn giản

    Răng trẻ bị đen là tình trạng phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, răng bé bị mảng bám đen phải làm sao? Tình trạng này có thể được khắc phục bằng một số biện pháp đơn giản nhưng thường bị nhiều người lãng quên. 

    Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được 9 cách khắc phục răng trẻ bị đen hiệu quả.

    1. Vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách

    răng trẻ bị đen phải làm sao: Vệ sinh răng miệng đúng cách

    Nếu răng trẻ bị đen là do vệ sinh răng miệng kém thì việc đánh răng kỹ lưỡng và đúng cách có thể giúp ích. Đây cũng là cách tốt nhất để loại bỏ vết đen trên răng trẻ, đồng thời giúp phòng ngừa tình trạng răng bé bị đen tái đi tái lại trong tương lai.

    Cách vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng chuẩn:

    • Ngay khi chiếc răng đầu tiên của bé mọc, hãy bắt đầu làm sạch răng cho bé bằng cách sử dụng một miếng gạc sạch hoặc bàn chải đánh răng nhỏ của trẻ em và chải răng cho bé nhẹ nhàng với nước hoặc nước muối sinh lý, sau đó rơ lưỡi cho bé.
    • Khi trẻ từ 18 tháng tuổi đến 6 tuổi, hãy sử dụng một lượng nhỏ (bằng hạt gạo) kem đánh răng dành cho trẻ có hàm lượng fluor thấp, dùng bàn chải đánh răng nhỏ và mềm chải răng cho trẻ.
    • Khi trẻ 6 tuổi, bé có thể sử kem đánh răng có chất florua tiêu chuẩn với lượng bằng hạt đậu.
    • Đảm bảo chải răng kỹ càng cho bé 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
    • Trẻ nhỏ có thể cần một người lớn giúp đánh răng cho đến khi bé có thể tự làm tốt việc đó (thường là khoảng 8 tuổi).

    2. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho trẻ bị đen răng

    chế độ ăn uống lành mạnh giúp khắc phục răng trẻ bị đen

    Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp khắc phục tình trạng răng bé bị đen hiệu quả. Không những thế, việc duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ có thể giúp phòng ngừa răng trẻ bị đen lại trong tương lai. 

    • Đối với trẻ em trên 12 tháng tuổi, nước là thức uống chính. Sữa không đường cũng được xem là đồ uống lành mạnh. Nhưng nước ép trái cây là không cần thiết và không nên dùng cho trẻ nhỏ vì hàm lượng đường cao và tính axit có thể khiến răng trẻ bị đen.
    • Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, socola, nước ngọt… hay những thực phẩm dễ dính răng như kẹo dẻo, bánh dẻo…
    • Cung cấp cho trẻ một thực đơn đầy đủ các nhóm dưỡng chất (nhóm đường bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, đặc biệt là nhóm vitamin và khoáng chất) để răng bé luôn chắc khỏe.
    • Tránh cho bé uống đồ uống ngọt trước khi đi ngủ hoặc sau khi đã đánh răng để hạn chế răng ngả màu.
    • Nếu nha sĩ cho rằng răng trẻ thuộc dạng dễ bị tái đen, hãy hạn chế cho trẻ uống trà, trà sữa, cà phê (thức uống có màu) để tránh tạo mảng bám trên răng.

    3. Không tự ý cho con dùng kháng sinh

    Thuốc kháng sinh tetracyclin mặc dù có nhiều công dụng điều trị bệnh nhiễm trùng, nhưng lại “nổi tiếng” với tác dụng phụ làm ngả màu răng và có thể dẫn đến tình trạng răng trẻ bị đen. Do đó, cha mẹ không được tự ý cho bé uống tetracyclin mà không có chỉ định của bác sĩ.

    Ngoài ra, nếu trẻ bị bệnh và được chỉ định phải uống thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để được kê đơn thuốc không đường nếu có thể.

    4. Hạn chế cho trẻ bị đen răng ngậm bình sữa hay đồ uống ngọt

    răng trẻ bị đen phải làm sao: hạn chế ăn đồ ngọt

    Nếu trẻ có thói quen bú bình khi đi ngủ, cha mẹ chỉ nên để nước trong bình. Việc để nước trái cây, sữa công thức hay thậm chí là sữa mẹ đều có đường và có thể dẫn đến sâu răng, gây đen răng ở trẻ em. Tốt nhất là phụ huynh nên tập cho bé thói quen ngủ mà không cần bú bình.

    Nếu trẻ dùng núm vú giả, cần lưu ý không bao giờ nhúng ti giả vào mật ong, đường hay chất tạo ngọt nào khác. 

    5. Không dùng chung dụng cụ ăn uống

    Để ngăn chặn việc truyền vi khuẩn gây sâu răng từ miệng của bạn sang con, hãy lưu ý không dùng chung dụng cụ ăn uống với bé. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên làm sạch núm vú giả của trẻ bằng nước bọt cha mẹ (thông qua việc ngậm mút hay thổi…). 

    6. Cách khắc phục răng trẻ bị đen: Để ý hàm lượng fluor

    Kem đánh răng có chứa fluor thường được khuyên dùng để giúp răng chắc khỏe, nhưng việc dùng quá nhiều fluor có thể gây hại cho răng miệng. Do đó, cha mẹ cần lưu ý hàm lượng fluor cho trẻ sử dụng:

    • Với trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, cha mẹ nên cẩn trọng khi sử dụng kem đánh răng có chứa fluor. Chỉ dùng một lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt đậu khi đánh răng cho bé và tránh để trẻ nuốt kem đánh răng, nếu không có thể gây ngộ độc.
    • Chỉ nên dùng kem đánh răng có fluor cho trẻ em đã lớn hơn 3 tuổi.
    • Việc sử dụng fluor trong nước súc miệng hay uống viên fluor phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng.
    • Kiểm tra hàm lượng fluor có trong nước nấu uống để tránh tình trạng nhiễm fluorosis khiến răng trẻ bị đen.

    7. Răng trẻ bị đen phải làm sao? Lưu ý khi cho bé uống viên uống bổ sung sắt

    Nếu trẻ phải uống thuốc sắt do thiếu máu, hãy chú ý không cho thuốc tiếp xúc trực tiếp với răng của bé, nhất là khi trẻ uống thuốc bổ sung sắt dạng siro. Cha mẹ có thể cho con dùng ống hút để uống thuốc sắt dạng siro nhằm tránh tình trạng răng bé bị đen do dùng thuốc sắt. Sau khi cho bé uống sắt, hãy để trẻ uống nhiều nước và dặn dò bé súc miệng thật kỹ.

    8. Răng bé bị sâu đen phải làm sao? Điều trị bệnh lý răng miệng cho trẻ

    răng trẻ bị đen phải làm sao: khám nha khoa định kỳ

    Nếu răng bé bị đen do bệnh lý răng miệng, như sâu răng hay tổn thương men răng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại chuyên khoa nha để được điều trị kịp thời và đúng cách, giúp răng bé trắng sáng lại như bình thường.

    Trong trường hợp bé bị sâu răng nhẹ, nha sĩ có thể sẽ làm sạch răng và phần răng bị sâu, sau đó trám răng cho bé. Nếu răng bé bị sâu nặng đến tủy, phương pháp điều trị có thể phức tạp hơn. Do đó, ngay khi phát hiện ra răng trẻ bị đen, cha mẹ cần đưa bé đi khám răng càng sớm càng tốt.

    9. Khám răng định kỳ

    Nếu cha mẹ phát hiện ra răng trẻ bị đen, hãy đưa bé đi khám nha sĩ để có được những lời khuyên tốt nhất về cách điều trị và phòng ngừa. Nha sĩ có thể đề xuất cạo vôi và đánh bóng răng nếu răng bé bị mảng bám đen. Trong các trường hợp răng trẻ bị đốm đen do các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, nha sĩ sẽ đề xuất hướng xử trí phù hợp.

    Ngoài ra, khi trẻ từ 2 tuổi trở lên, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để răng của bé luôn được chăm sóc kỹ lưỡng. Việc khám răng định kỳ cũng sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề có thể xảy ra đối với răng trẻ.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 9 cách khắc phục tình trạng răng trẻ bị đen, giúp bé mau chóng lấy lại nụ cười trắng sáng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 07/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo