backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

10+ bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em và cách chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

10+ bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em và cách chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ

Trẻ em rất dễ mắc các bệnh về mắt do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả bẩm sinh và các yếu tố bên ngoài. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các bệnh về mắt ở trẻ em có thể giúp cải thiện thị lực, bảo vệ sức khỏe mắt của bé.

Một chế độ dinh dưỡng không cân đối, môi trường học tập, sinh hoạt thiếu ánh sáng, nhiễm trùng mắt không điều trị hay việc sử dụng thiết bị điện tử nhiều… là những nguyên nhân gây ra các bệnh lý về mắt ở trẻ em. Trong bài viết này, mời bạn cùng Hello Bacsi khám phá các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em và cách phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe thị lực cho bé.

Dấu hiệu các bệnh về mắt ở trẻ em

Nếu đã từng nhìn thấy bé bị ngứa mắt dụi mắt, trẻ hay nheo mắt, nháy mắt liên tục… chắc hẳn là bạn cũng băn khoăn không biết trẻ có mắc các bệnh về mắt hay không?

Các bệnh lý về mắt ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thị lực suy giảm, các biến chứng khó lường, hay thậm chí là gây mù lòa vĩnh viễn. Do đó, việc sớm phát hiện trẻ bị bệnh về mắt để điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Dưới đây là một số dấu hiệu các bệnh về mắt ở trẻ em mà cha mẹ cần lưu ý:

  • Bé xem điện thoại nhiều bị đau mắt.
  • Bé bị đau mắt nhiều ghèn.
  • Bé bị ngứa mắt dụi mắt thường xuyên.
  • Trẻ nháy mắt liên tục.
  • Trẻ hay nheo mắt.
  • Trẻ gặp khó khăn khi đọc hoặc giữ sách báo gần mặt.
  • Trẻ né tránh hoặc gặp khó khăn thì làm những việc bắt buộc phải nhìn gần.
  • Trẻ phải nghiêng đầu để nhìn.
  • Trẻ chảy nước mắt quá nhiều.
  • Tầm nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
  • Mắt đỏ, sưng.
  • Mắt lác.
  • Mắt rất nhạy cảm với ánh sáng.
  • Mắt dường như lồi ra.
  • Mắt nhìn không tập trung.
  • Mắt trẻ thường “lắc lư”, chuyển động qua lại không tự chủ.
  • Mí mắt bị sụp.
  • Bạn nhìn thấy hình ảnh phản chiếu màu trắng trong mắt của trẻ.

Những triệu chứng mắc các bệnh về mắt ở trẻ em có thể khác nhau, nhưng cũng dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc phải các bệnh về mắt, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị.

Danh sách các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em

Trong thời đại công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ rất sớm. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt phổ biến ở trẻ em. Có không ít trường hợp trẻ xem điện thoại nhiều bị đau mắt, hay thậm chí là xem điện thoại nhiều bị mù mắt.

Bên cạnh đó, một chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ lượng vitamin A thiết yếu cho cơ thể, quá trình học tập, sinh hoạt trong bóng tối kéo dài, nhiễm trùng mắt nhưng không điều trị dứt điểm… cũng là những nguyên nhân khiến trẻ gặp phải các vấn đề về mắt. Dưới đây là 14 bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em mà các bậc cha mẹ cần lưu ý:

1. Cận thị

cận thị ở trẻ

Cận thị là một tật khúc xạ phổ biến khiến trẻ khó nhìn thấy những vật ở xa nhưng lại nhìn rõ vật ở gần. Đây là một trong các bệnh về mắt ở trẻ em thường gặp nhất.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể mắc tật cận thị bao gồm:

  • Trẻ hay nheo mắt hoặc nghiêng đầu.
  • Trẻ xem điện thoại nhiều bị đau mắt.
  • Trẻ nhức đầu hoặc mỏi mắt sau khi thực hiện các hoạt động đòi hỏi thị giác.
  • Trẻ cầm sách hoặc thiết bị điện tử sát mặt.
  • Trẻ ngồi rất gần màn hình máy tính hoặc tivi.

2. Loạn thị

Loạn thị cũng là một tật khúc xạ phổ biến ở trẻ em. Giác mạc của trẻ bị loạn thị sẽ cong không đều, khiến bé nhìn các vật ở cả xa và gần đều bị mờ.

Loạn thị thường xảy ra cùng với cận thị hoặc viễn thị. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ, mỏi mắt, nhức mắt, nhìn hình bị biến dạng hoặc nhòe.

3. Viễn thị

Cùng với cận thị và loạn thị, viễn thị cũng là một trong các bệnh lý về mắt hay gặp ở trẻ em. Trái ngược với cận thị, tật khúc xạ viễn thị là tình trạng trẻ khó nhìn thấy các vật ở gần nhưng nhìn rõ các vật ở xa. Điều này là do trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường.

Thực tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị viễn thị nhẹ. Tình trạng này hoàn toàn bình thường và sẽ giảm dần khi mắt phát triển. Tuy nhiên, nếu viễn thị trở nên trầm trọng hơn, khiến hình ảnh nhìn thấy bị mờ liên tục ở một hoặc cả hai mắt, cản trở sự phát triển thị giác bình thường hoặc thậm chí dẫn đến mắt lác thì bé cần được khám và đeo kính cầu lồi.

4. Lác mắt

trẻ bị lác mắt

Lác mắt là thuật ngữ chỉ tình trạng mắt bị lệch, trong đó:

  • Lác một mắt là một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước trong khi mắt còn lại có thể hướng vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới.
  • Lác hai mắt là cả hai mắt đều có thể xen kẽ hướng về phía khác nhau, lệch nhau.

Bệnh lác mắt có thể là bẩm sinh do di truyền, hoặc do tật khúc xạ không được điều chỉnh, liệt các dây thần kinh liên quan đến chuyển động mắt, cản trở thị lực ở một mắt do sụp mí, đục giác mạc, đục thủy tinh thể…

Theo thống kê, lác mắt là một trong các bệnh về mắt ở trẻ em phổ biến, với tỉ lệ khoảng 4% trẻ bị lác mỗi năm. Hiện tượng mắt bị lác có thể được nhận thấy ngay sau khi sinh hoặc xuất hiện đột ngột khi trẻ vào khoảng 2 tuổi. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị lác mắt có thể là:

  • Một hoặc cả hai mắt xen kẽ hướng vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới.
  • Trẻ hay nheo mắt, đặc biệt là khi có ánh sáng mạnh.
  • Trẻ nghiêng đầu để cố gắng điều chỉnh mắt.

Trẻ bị lác mắt cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị, bệnh mắt lác có thể dẫn đến nhược thị và mất thị lực vĩnh viễn. Trẻ lớn hơn và người lớn có thể gặp phải vấn đề tầm nhìn đôi. Tùy thuộc vào loại và nguyên nhân gây lác mà việc điều trị có thể bao gồm đeo kính mắt, phẫu thuật, tiêm Botox hoặc liệu pháp vá mắt…

5. Nhược thị (mắt lười)

Khi nhắc đến các bệnh về mắt ở trẻ em, không thể không kể đến bệnh nhược thị. Nhược thị là tình trạng một hoặc cả hai mắt không phát triển thị lực bình thường. Não bộ vì một lý do nào đó không thể nhận biết được hoàn toàn hình ảnh mà mắt truyền đến, khiến mắt suy yếu và có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực lâu dài.

Trẻ thường bị nhược thị khi không được điều trị các bệnh về mắt ở trẻ em, chẳng hạn như tật khúc xạ, mắt lác, sụp mí mắt hoặc đục thủy tinh thể. Các dấu hiệu nhận biết nhược thị ở trẻ em bao gồm:

  • Trẻ gặp khó khăn khi đọc, làm toán, chơi thể thao…
  • Trẻ khó chú ý và tập trung.
  • Trẻ thường nhắm một mắt.
  • Trẻ thường dụi mắt.
  • Trẻ nghiêng đầu.
  • Trẻ hay nheo mắt.

Nếu được nhận biết sớm, nhược thị có thể được điều trị hiệu quả. Liệu pháp điều trị nhược thị có thể bao gồm đeo kính, dùng thuốc nhỏ mắt, phẫu thuật… Nếu phát hiện muộn thì bệnh nhược thị rất khó điều trị và trẻ có nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.

Bạn có thể quan tâm:

6. Lẹo mắt, chắp mắt

lẹo mắt

Lẹo mắt và chắp mắt cũng là các bệnh về mắt ở trẻ em khá phổ biến. Lẹo mắt là tình trạng nhiễm trùng nang lông mi do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Trẻ bị lẹo mắt thường bị nổi một cục u màu đỏ, sưng đau, ở gần mép mí mắt.

Chắp mắt là tình trạng nổi một cục u nhỏ trên mí mắt, xảy ra khi tuyến meibomian (tuyến tiết dầu ở mí mắt) bị tắc. Trẻ có thể bị chắp mắt ở mí mắt trên hoặc dưới ở một hoặc cả hai mắt.

7. Tắc tuyến lệ

Khoảng 20% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ sau khi chào đời. Tình trạng này khiến nước mắt không chảy ra khi trẻ khóc, nhưng khi trẻ không khóc thì nước mắt lại tự tràn ra mi, đồng thời kèm theo chất nhầy. Điều này khiến mắt trẻ luôn trong trạng thái ẩm và có thể gây kích ứng hoặc nhiễm trùng mắt.

8. Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ)

Viêm kết mạc, còn gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng lòng trắng của mắt bị kích ứng do nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus. Đây là một trong các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em. Ngoài ra, còn một dạng viêm kết mạc xảy ra do phản ứng dị ứng, không lây nhiễm.

Trẻ bị viêm kết mạc thường bị đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt. Vì đây là bệnh dễ lây lan nên trẻ cần được nghỉ ngơi tại nhà để điều trị bệnh dứt điểm trong khoảng 1 tuần.

9. Viêm kết mạc dị ứng (Dị ứng mắt)

viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng lòng trắng mắt bị kích ứng do phản ứng dị ứng. Bệnh thường xảy ra ở cả hai mắt. Do đó, nếu trẻ chỉ có các triệu chứng ở một bên mắt thì có thể là do một căn bệnh khác, chẳng hạn như đau mắt đỏ.

Trẻ bị dị ứng mắt thường gặp phải các dấu hiệu như:

  • Ngứa mắt dữ dội
  • Chảy nước mắt
  • Cảm giác cộm trong mắt như có dị vật.

Mặc dù bệnh không lây lan nhưng việc điều trị viêm kết mạc dị ứng là cần thiết để tránh gây khó chịu, ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt của bé. Nếu để bệnh kéo dài, dị ứng mắt đôi khi có thể dẫn đến tật khúc xạ, chủ yếu là loạn thị.

10. Sụp mi mắt bẩm sinh

Có thể bạn chưa biết, sụp mi mắt bẩm sinh cũng là một trong các bệnh về mắt ở trẻ em phổ biến. Sụp mí mắt bẩm sinh ở trẻ em là tình trạng mí mắt trên bị sụp xuống do cơ nâng mí mắt bị yếu.

Trẻ có thể bị sụp mí bẩm sinh hoặc mắc phải bệnh này khi còn nhỏ. Bệnh thần kinh cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý về mắt này.

Mí mắt bị sụp có thể chặn ánh sáng truyền tới võng mạc ở phía sau mắt, và/hoặc tạo ra chứng loạn thị đáng kể khiến mắt nhìn thấy hình ảnh bị mờ. Trẻ bị sụp mí mắt cũng thường phải ngẩng đầu lên để nhìn.

Nếu để lâu, sụp mí mắt có thể dẫn đến nhược thị. Nếu không được điều trị, sụp mí mắt có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Phẫu thuật có thể được áp dụng khi mí mắt bị sụp xuống quá thấp.

11. Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn là một trong các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra khi thủy tinh thể của một hoặc cả hai mắt bị mờ đục.

Trẻ có thể bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc do chấn thương. Theo ước tính, có khoảng 20.000-40.000 trẻ em sinh ra bị đục thủy tinh thể mỗi năm trên toàn thế giới.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ em bao gồm:

  • Trẻ gặp khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt và nhìn thấy đồ vật.
  • Mắt của trẻ hướng về các hướng khác nhau.
  • Đồng tử của bé màu xám hoặc trắng.
  • Trẻ bị rung giật nhãn cầu.

Mắt bị đục rất hiếm khi là dấu hiệu cảnh báo u nguyên bào võng mạc (ung thư võng mạc). Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ để xác nhận trẻ có bị ung thư võng mạc hay không khi bạn đưa bé đi khám.

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ bệnh mà đục thủy tinh thể có thể làm giảm thị lực của trẻ. Hầu hết trẻ em cần phẫu thuật để loại bỏ đục thủy tinh thể và nhìn rõ trở lại.

12. Bệnh glaucoma

bệnh glocom

Bệnh glaucoma (thiên đầu thống) là tình trạng áp lực bên trong mắt tăng cao, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác và có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Mặc dù không phải là một trong các bệnh về mắt hay gặp ở trẻ em, nhưng bệnh tăng nhãn áp glaucoma vẫn có thể xảy ra bẩm sinh hoặc trong quá trình phát triển thời thơ ấu của trẻ. Trẻ bị bệnh glaucoma thường có những biểu hiện như:

  • Cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng
  • Chảy nước mắt nhiều
  • Đau mắt dai dẳng
  • Mắt lồi to
  • Đỏ mắt
  • Giác mạc đục
  • Co thắt mí mắt.

Nếu không được điều trị, tăng nhãn áp glaucoma có thể dẫn đến mù lòa. Trẻ bị tăng nhãn áp thường cần phải phẫu thuật để ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh thị giác.

13. Rung giật nhãn cầu

Ngoài các bệnh về mắt ở trẻ em đã được đề cập, rung giật nhãn cầu cũng là một vấn đề mà cha mẹ cần lưu tâm.

Rung giật nhãn cầu xảy ra khi nhãn cầu chuyển động không tự chủ hoặc không ổn định, từ bên này sang bên kia, lên hoặc xuống, hoặc quay vòng. Bệnh do một bệnh lý ở cấu trúc của mắt (loạn dưỡng võng mạc, dị thường nhãn cầu…) hoặc do hệ thống kiểm soát chuyển động của mắt gây ra.

Rung giật nhãn cầu có thể xuất hiện khi trẻ vừa chào đời hoặc mắc phải khi trẻ phát triển sau này. Bệnh thường liên quan đến thị lực kém và chứng khó đọc.

Trẻ bị rung giật nhãn cầu có xu hướng giữ mắt, mặt hoặc đầu quay về hướng mà mắt ít chuyển động nhất. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị rung giật nhãn cầu, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được hỗ trợ điều trị.

14. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP)

Khi nhắc đến các bệnh về mắt ở trẻ em sinh non thì không thể nào quên bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP). Bệnh xảy ra do sự phát triển bất thường của các mạch máu ở võng mạc. Khi trẻ sinh non, võng mạc và các mạch máu của trẻ chưa phát triển đầy đủ.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non tiến triển dần dần, bắt đầu bằng những thay đổi nhẹ và đôi khi tiến triển thành những thay đổi nghiêm trọng, đe dọa thị lực của trẻ. Hầu hết trẻ sơ sinh mắc ROP đều cải thiện một cách tự nhiên, nhưng một số trẻ mắc bệnh nặng cần được điều trị bằng laser hoặc tiêm thuốc vào mắt.

Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa trẻ em mắc bệnh về mắt

Đến đây, bạn đã biết được 14 bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em. Để phòng ngừa cũng như chăm sóc bé mắc các bệnh về mắt, cha mẹ có thể tham khảo các hướng dẫn sau đây:

1. Đảm bảo cân bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ

chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ

Các chất dinh dưỡng như kẽm, lutein, axit béo omega-3 và vitamin A, C và E đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe của mắt. Do đó, bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng này trong thực đơn của trẻ, chẳng hạn như cam, dâu tây, xoài, rau bina, cải xoăn, trứng, các loại hạt…

2. Tăng cường tương tác trực quan để hạn chế các bệnh về mắt ở trẻ em

Ngay từ khi trẻ vừa ra đời, bạn có thể thu hút trẻ về mặt thị giác bằng cách chọn mua đồ chơi và đồ trang trí không gian sống của trẻ sao cho đa dạng màu sắc và hoa văn có độ tương phản cao.

Bạn cũng nên để bé có thời gian tập trung vào những thứ xung quanh khi bé ở trong môi trường mới. Việc cho trẻ tiếp cận với các đồ vật mới từ mọi góc độ có thể giúp trẻ thoải mái mở rộng tầm nhìn hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng bé chơi các trò chơi kích thích sự phối hợp tay-mắt, chẳng hạn như chơi ú òa với trẻ sơ sinh, chơi đuổi bắt với trẻ mới biết đi và trẻ trong độ tuổi đi học…

3. Bảo vệ mắt trẻ bằng kính mát phù hợp

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 90% tổn thương mắt ở trẻ em có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng kính bảo hộ phù hợp. Do đó, khi trẻ đã trở nên năng động hơn, cha mẹ có thể cho bé sử dụng kính mát được làm từ nhựa chống vỡ (tròng kính polycarbonate) khi ra ngoài để tránh việc các tia UVA, UVB làm khô mắt, chói mắt…

4. Hạn chế cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trẻ em có cơ hội tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ rất sớm. Tuy nhiên, để phòng ngừa các bệnh về mắt ở trẻ em, bạn nên yêu cầu trẻ tuân thủ nguyên tắc 20-20-20. Nghĩa là, cứ 20 phút xem màn hình kỹ thuật số thì trẻ cần nhìn vào một vật nào đó cách xa ít nhất 20 feet (khoảng 6 mét) trong vòng 20 giây.

Ngoài ra, trẻ cũng cần duy trì khoảng cách giữa mắt và màn hình trong khoảng 45-60cm. Mặc dù ánh sáng xanh từ các thiết bị kỹ thuật số không gây nguy hiểm cho mắt, nhưng nếu trẻ xem màn hình liên tục ở cự ly gần thì có thể gây mỏi mắt, mờ mắt, khô mắt, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng “lấy nét” của mắt bé.

5. Chú ý các dấu hiệu cảnh bảo các bệnh về mắt ở trẻ em

dấu hiệu các bệnh về mắt ở trẻ em

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu các bệnh về mắt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt. Nếu bé đã bị bệnh lý ở mắt, bạn cũng không được chủ quan lơ là các dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc bệnh mới.

6. Đưa trẻ đi khám mắt định kỳ

Việc khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng là điều cần thiết để tầm soát các bệnh về mắt ở trẻ em. Bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe thị lực của trẻ và đưa ra những lời khuyên phù hợp.

7. Chú ý thói quen hàng ngày của trẻ

Để hạn chế tối đa các bệnh về mắt ở trẻ em, cũng như nhằm tránh khiến cho tật khúc xạ trở nặng, bạn cần nhắc nhở trẻ:

  • Ngồi học đúng tư thế
  • Học tập ở nơi đầy đủ ánh sáng
  • Đảm bảo kích thước bàn, ghế phù hợp với chiều cao
  • Không để mắt “làm việc” quá lâu, hạn chế thời gian xem tivi, chơi điện tử, bấm điện thoại, xem máy tính quá dài
  • Không đọc sách có chữ quá nhỏ hay mờ
  • Thường xuyên vệ sinh mắt để tránh bụi bẩn, ghèn, vi trùng ảnh hưởng đến mắt
  • Không đưa tay bẩn lên mắt
  • Dùng thuốc nhỏ mắt để chăm sóc mắt bị mỏi và bảo vệ mắt.

Như vậy là bạn đã biết được các bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em. Thông qua bài viết này, hi vọng bạn đã biết cách bảo vệ thị lực của trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt cho bé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 26/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo