backup og meta

Các bệnh ung thư ở trẻ em thường gặp

Các bệnh ung thư ở trẻ em thường gặp

Tuy không thường xảy ra nhưng ung thư ở trẻ em là nỗi ám ảnh không ai muốn nhắc tới. Bạn có biết những loại ung thư nào thường xảy đến với các bệnh nhi?

Ung thư là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Không ai phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, ngày ngày đọc báo, bạn vẫn hay bắt gặp những bệnh nhi ung thư có khi chỉ vài tháng tuổi. Thế mới biết, bệnh hiểm nghèo chẳng chừa một ai.

Ung thư ở trẻ em rất hiếm gặp, và chỉ các bác sĩ được đào tạo đặc biệt mới có kiến thức và kinh nghiệm để điều trị đúng cách. Nếu may mắn gặp được bác sĩ giỏi, bệnh nhi chẳng những được chữa khỏi bệnh mà còn có được chất lượng cuộc sống tốt, bệnh gần như không tái phát khi trưởng thành.

Cùng tìm hiểu về các loại bệnh ung thư ở trẻ em để kịp thời nhận biết và có hướng điều trị đúng:

Ung thư xương

Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, khó điều trị và khả năng tử vong cao. Osteosarcoma và Sarcoma Ewing là hai loại ung thư xương thường gặp nhất, xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Các khối u ác tính thường xuất hiện ở xung quanh đầu gối, xương cánh tay và chân (đối với Osteosarcoma) hoặc xương chậu, đùi, cánh tay trên và xương sườn (đối với Sarcoma Ewing).

Lứa tuổi thường gặp nhất của ung thư xương là 12–25 tuổi. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này có thể là do gene di truyền, bệnh u nguyên bào võng mạc mắt hoặc tình trạng phơi nhiễm, tiếp xúc với tia phóng xạ trong thời gian dài…

Các triệu chứng của ung thư xương ở trẻ em không rõ ràng nên dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh khác. Đau ở xương là dấu hiệu nhận biết đầu tiên, mức độ cơn đau tăng dần và đau liên tục trong thời gian dài. Đôi khi, người bệnh có triệu chứng sưng đau và nóng đỏ ở khu vực xương có khối u.

bệnh ung thư ở trẻ em

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh nhân ung thư xương có thể sống thêm 5 năm (đối với khối u chưa di căn).

Ung thư não

Ung thư não (hay u não) chiếm khoảng 15% các bệnh ung thư ở trẻ em và là loại ung thư phổ biến thứ hai xảy đến cho các em nhỏ. Vì não là cơ quan điều phối những hoạt động thường ngày như học tập, trí nhớ, các giác quan (thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác), cảm xúc, mạch máu… nên các triệu chứng của u não khá rõ ràng. Nếu thấy con em mình thường xuyên bị nhức đầu, nôn mửa, thay đổi tính tình, có vấn đề về thị giác hoặc ngôn ngữ, bạn hãy đưa bé đi khám ngay.

Điều trị ung thư não ở trẻ em phức tạp hơn so với các loại ung thư khác. Không phải trường hợp nào cũng có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u, vì dễ tác động tới các phần quan trọng khác của não. Tiên lượng của một khối u não không chỉ phụ thuộc vào loại khối u, mức độ nặng nhẹ hay kích thước, mà còn phụ thuộc vào vị trí của nó trong não. Tỷ lệ bệnh nhi sống được trên 5 năm là 40–80%.

Bệnh bạch cầu (ung thư máu)

Xếp hàng thứ ba trong top các bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em, bệnh bạch cầu là một loại ung thư mà các tế bào bạch cầu bất thường được sản xuất trong tủy xương. Nói cách khác, chúng phát triển ngoài tầm kiểm soát, cuối cùng tràn ra khỏi tủy xương để xâm lấn vào các mạch máu. Ngoài ra, chúng không thực hiện chức năng bình thường của tế bào bạch cầu mà ngày càng lấn chiếm các tế bào khác (bao gồm tế bào bạch cầu bình thường, hồng cầu và tiểu cầu).

Triệu chứng của ung thư máu là da dẻ nhợt nhạt, xanh xao, đau lưng, chân, dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường, sốt kéo dài, chán ăn, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, xuất hiện hạch không đau ở cổ, nách hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Đáng buồn thay, bệnh nhân ung thư máu chỉ có khoảng 40% tỷ lệ sống sót.

Ung thư gan

Ung thư gan thường gặp ở người trường thành, ở trẻ em rất hiếm (chỉ chiếm khoảng 1% tổng số các bệnh ung thư trẻ em ở Việt Nam, đa số là trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo). Thế nhưng, đây là căn bệnh khó phát hiện và nguy hiểm hơn nhiều so với các bệnh ung thư khác.

Bắt đầu phát sinh từ gan, tế bào ung thư phát triển không kiểm soát được. Chúng từ từ xâm lấn vào những mạch máu và bạch huyết, lan tràn qua những bộ phận khác của cơ thể và từ đó tiếp tục lớn lên, cản trở những cơ năng bình thường của bộ phận đó. Có hai loại ung thư gan thường gặp ở trẻ em là ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư nguyên bào gan, trong đó ung thư biểu mô tế bào gan nghiêm trọng hơn.

bệnh ung thư ở trẻ em

Vốn được gọi là “sát thủ thầm lặng” nên ung thư gan ít có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đến khi thấy trướng bụng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Một số dấu hiệu để bạn nhận biết là trẻ thường xuyên đau khu vực gan, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, vàng da, buồn nôn, dậy thì sớm ở bé trai…

Ung thư hạch (u lymphô)

Loại ung thư này phát sinh từ hệ thống bạch huyết (hệ lymphô). Đây là hệ thống kết nối các hạch bạch huyết ở cổ, nách, háng với lá lách, tuyến ức, các amidan, dạ dày và ruột non. Khi một khối u ác tính xuất hiện ở một phần của hệ thống bạch huyết, nó sẽ từ từ lan rộng khắp phần còn lại trước khi được phát hiện.

U lymphô thường có triệu chứng đau bụng, sốt kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, nổi hạch không đau. Bệnh xảy ra phổ biến ở nhóm 10–20 tuổi với tỷ lệ chữa khỏi 60%.

U nguyên bào thần kinh

Nếu bạn thấy con em mình tuy còn nhỏ nhưng lại có triệu chứng đau lưng, đau xương, mắt gấu trúc… cộng với bụng to không bình thường, thì cần đưa trẻ đi khám ngay, vì có thể đó là dấu hiệu của căn bệnh u nguyên bào thần kinh ở trẻ em.

U nguyên bào thần kinh thường bắt đầu ở tuyến thượng thận, là những tuyến nhỏ trên đỉnh của mỗi quả thận. Cũng có khi nó bắt đầu ở ngực, trong mô thần kinh gần cột sống ở cổ hoặc tủy sống. Căn bệnh này hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (khoảng 2/3) và thường được phát hiện muộn, khi u nguyên bào thần kinh đã lan ra các khu vực bên ngoài vị trí ban đầu. Bệnh này có tiên lượng chữa khỏi khá thấp, chỉ 20%.

U nguyên bào võng mạc

Thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, u nguyên bào võng mạc khởi nguồn bằng một khối u ác tính ở lớp tế bào võng mạc của mắt. Bệnh có thể xảy đến ở một hoặc cả hai mắt nhưng không lan sang các bộ phận khác. Thách thức hiện nay đối với các bác sĩ điều trị căn bệnh này là ngăn ngừa mù lòa.

Dấu hiệu nhận biết của bệnh là ánh đồng tử trắng, lác mắt, sưng đỏ, lồi mắt, thị lực giảm sút… 80–90% trẻ em bị u nguyên bào võng mạc sẽ được chữa khỏi.

bệnh ung thư ở trẻ em

Ung thư thận

Đây là loại ung thư nguyên phát, chiếm 5% các loại ung thư ở trẻ em. Khối u phát triển từ trung tâm hoặc từ một cục thận, lớn rất nhanh (nhiều trường hợp chiếm phần lớn ổ bụng) và có vỏ bọc rắn chắc.

Khoảng 1–2% trẻ mắc ung thư thận là do di truyền. Biểu hiện của bệnh là có khối u ở bụng kèm theo rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, tăng huyết áp, mệt mỏi không dứt kèm sốt…

Ung thư tủy sống

Đây là loại ung thư có thể phát triển từ một khối u được tìm thấy ở các vùng khác nhau của tủy sống. Cũng có trường hợp, nó là kết quả từ sự lây lan của các tế bào ác tính từ các bộ phận khác của cơ thể.

Triệu chứng của ung thư tủy sống khá khác nhau tùy thuộc vào vị trí khối u, tốc độ phát triển cũng như độ tuổi của trẻ. Một số dấu hiệu dễ nhận biết là đau lưng (dọc từ lưng về phía cánh tay hoặc chân), thay đổi thói quen đại tiện, đi lại khó khăn. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể sống như người bình thường hoặc kéo dài tuổi thọ đến vài chục năm.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

13 Types of Cancer That Are Linked To Being Overweight

https://www.health.com/breast-cancer/obesity-overweight-cancer

Cập nhật ngày 19/3/2019

Neuroblastoma

https://www.acco.org/neuroblastoma/

Cập nhật ngày 19/3/2019

Breast Implants May Increase Your Risk of a Rare Type of Cancer

https://www.womenshealthmag.com/health/a25318625/breast-implants-and-cancer/

Cập nhật ngày 19/3/2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Hà Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo