backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn biết gì về bệnh ung thư biểu mô tế bào gan?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/11/2019

    Bạn biết gì về bệnh ung thư biểu mô tế bào gan?

    Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm đã lấy đi mạng sống của nhiều người. Trong những năm qua, tỉ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng, đặc biệt là ung thư gan. Ở Việt Nam, loại ung thư gan thường gặp nhất phải kể đến ung thư biểu mô tế bào gan.

    Vậy ung thư biểu mô tế bào gan là gì? Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này cũng như cách chữa trị như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

    Ung thư biểu mô tế bào gan là gì?

    Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là dạng ung thư nguyên phát bắt đầu do sự phát triển bất thường của các tế bào nhu mô gan. Các tế bào này phát triển vượt bậc và lấn át các tế bào bình thường khác, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của gan. Đây là loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong tất cả các dạng ung thư gan.

    Dạng ung thư này thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, ở nam giới nhiều hơn phụ nữ.

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

    Các chuyên gia vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra tất cả các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan, nhưng họ đã xác định được một số nguy cơ có thể tiến triển thành bệnh này:

    • Xơ gan: Xơ gan có thể coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Đây là một bệnh nghiêm trọng xảy ra khi các tế bào gan bị tổn thương và hóa thành mô sẹo.
    • Viêm gan B hoặc viêm gan C: Ung thư biểu mô tế bào gan có thể tiến triển sau nhiều năm bạn mắc phải những bệnh nhiễm trùng gan này. Cả hai bệnh này đều lây truyền qua đường máu, sinh hoạt tình dục và từ mẹ sang con. Xét nghiệm máu có thể phát hiện ra viêm gan B hay C.
    • Uống nhiều rượu bia: Việc uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày trong nhiều năm làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan. Bạn càng uống nhiều, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao.
    • Bệnh đái tháo đường: Các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường và béo phì làm tăng nguy cơ mắc HCC. Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng trực tiếp đến gan vì gan đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa glucose. Nó có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, gan nhiễm mỡ, suy gan và xơ gan. Bệnh đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với ung thư biểu mô tế bào gan. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc căn bệnh ung thư này cao gấp 1,8 – 4 lần.
    • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Các nhà nghiên cứu cho rằng béo phì có liên quan nhiều đến bệnh về gan, bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Nhiễm mỡ và xơ gan mật có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào gan. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc HCC lên 1,5 – 4 lần.
    • Các bệnh chuyển hóa và di truyền cũng có thể dẫn đến nguy cơ tiến triển thành ung thư. Các bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc HCC bao gồm bệnh quá tải sắt (hemochromatosis), bệnh Wilson, bệnh thiếu hụt antitrypsin α-1, bệnh tyrosin máu, bệnh ứ đọng glycogen và bệnh porphyrin da.
    • Các yếu tố nguy cơ khác: Giới tính có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của HCC. HCC xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới. Tuy nhiên, điều này không phải chỉ liên quan đến giới tính. Nam giới thường hút thuốc lá, uống rượu bia, dễ có nguy cơ nhiễm viêm gan và có chỉ số khối cơ thể cao hơn nữ giới. Được biết, nồng độ testosterone cao có liên quan đến việc mắc HCC ở người có nguy cơ.

    Triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào gan

    Các giai đoạn của ung thư có thể được chia theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều nhà nghiên cứu chia ung thư làm 4 giai đoạn (I, II, III, IV), tuy nhiên cũng có nhiều người chia ung thư làm 2 giai đoạn chính:

    • Giai đoạn khởi phát: Lúc này, bệnh vẫn ở dạng tiềm tàng, thường ít biểu hiện thành triệu chứng và rất khó có thể chẩn đoán được. Nếu may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn này, cơ hội chữa trị và khôi phục hoàn toàn là rất cao.
    • Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn mà bệnh đã phát triển và bộc lộ thành triệu chứng rõ ràng. Thường ở giai đoạn này, ung thư đã bắt đầu phát triển mạnh và có thể di căn, vậy nên việc điều trị có thể sẽ gặp khó khăn và đòi hỏi phải sử dụng những phương pháp tiên tiến hơn.

    Một số triệu chứng của HCC:

    Ung thư biểu mô tế bào gan

    • Đau ở phần bụng phía trên bên phải
    • Cảm giác nặng nề hoặc xuất hiện cục u ở phần bụng trên của bạn
    • Đầy hơi hoặc sưng ở bụng
    • Mất cảm giác no và ngon miệng
    • Sụt cân
    • Suy nhược và mệt mỏi
    • Buồn nôn, ói mửa
    • Bị vàng da và mắt
    • Sốt
    • Nước tiểu sẫm màu.

    Phương pháp phát hiện ung thư

    Việc tầm soát ung thư chỉ được các bác sĩ khuyên thực hiện đối với các bệnh nhân có nguy cơ. Do đó, bệnh nhân ung thư gan thường được phát hiện khi bệnh đã chuyển biến sang các giai đoạn toàn phát. Sau đây là các phương pháp tầm soát và phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan (HCC):

    • Siêu âm: Đây là phương pháp đơn giản và dễ áp dụng nhất để phát hiện các khối u ở gan. Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của gan, hiển thị những thay đổi của nó, bao gồm cả sự tăng trưởng bất thường của các tế bào. Bạn thường phải nhịn ăn 6 giờ trước khi siêu âm. Vì phương pháp này khá an toàn nên thường là sự lựa chọn đầu tiên để tầm soát và phát hiện ung thư.
    • Xét nghiệm định lượng alpha-fetoprotein (AFP) trong máu: Đây là một phương pháp đơn giản và an toàn khác có thể được bác sĩ sử dụng để tầm soát ung thư. AFP là một protein huyết tương được sản xuất ở túi noãn và gan trong quá trình phát triển của thai nhi. AFP thường có mặt nhiều trong máu của thai nhi nhưng giảm mạnh sau khi bé được sinh ra. Nếu nồng độ AFP trong máu cao, đó có thể là dấu hiệu của ung thư gan.

    Siêu âm và xét nghiệm định lượng AFP là hai phương pháp thường được sử dụng đầu tiên khi muốn tầm soát và phát hiện ung thư. Những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ thường sẽ được khuyên đi tầm soát ung thư gan bằng 2 phương pháp này mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là những phương pháp đầu tiên để xác định sự có mặt của các khối u, độ chính xác của chúng chưa thật cao. Vậy nên, khi các bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh, họ sẽ thực hiện thêm những phương pháp khác để xác định chắc chắn hơn sự hiện diện, vị trí cũng như kích thước của các khối u. Các xét nghiệm khác bao gồm:

    • Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT)
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này thường được sử dụng khi siêu âm nghi ngờ có khối u nhưng chụp CT lại không thấy.
    • Sinh thiết gan: Đây là phương pháp lấy mẫu tế bào gan (thường bằng phương pháp nội soi) để quan sát trên kính hiển vi. Phương pháp này nguy hiểm nhất vì nếu thật sự bị ung thư, việc tác động vào khối u khi tiến hành thủ thuật sinh thiết nhưng không điều trị triệt để có thể khiến chúng di căn sang các cơ quan khác nhanh hơn.

    Ung thư biểu mô tế bào gan

    Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan

    Ung thư gan thường khó phát hiện ở những giai đoạn đầu vì ít biểu hiện các triệu chứng hoặc có biểu hiện nhưng không rõ ràng. Đa số các trường hợp, các bệnh nhân đều phát hiện ra mình mắc bệnh khi căn bệnh đã tiến triển nặng và bộc lộ các triệu chứng đau cụ thể. Việc phát hiện bệnh muộn sẽ gây rất nhiều khó khăn trong quá trình trị liệu.

    Có nhiều phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, tùy vào tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp phù hợp. Các phương pháp này được chia thành 3 nhóm lớn là: Phương pháp phẫu thuật, phi phẫu thuật và liệu pháp điều trị hệ thống.

    1. Phương pháp phẫu thuật

    a. Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan:

    Phẫu thuật cắt bỏ gan là phương pháp sử dụng ngoại khoa để loại bỏ một phần gan đã bị tổn thương. Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn cho bệnh nhân không bị xơ gan vì mang lại kết quả điều trị tốt (tỷ lệ sống sót hơn 5 năm là 41%).

    Có hai loại phẫu thuật chính là mổ hở và nội soi. So với phẫu thuật hở truyền thống, phẫu thuật cắt bỏ gan nội soi an toàn và hiệu quả hơn đối với bệnh nhân xơ gan.

    Chỉ định: Phương pháp này thường được cân nhắc thực hiện đối với những bệnh nhân có khối u nhỏ (dưới 5cm) đơn độc giới hạn ở gan, khi chụp CT không thấy di căn sang các mạch máu và chức năng gan vẫn còn được duy trì tốt.

    Chống chỉ định: Phương pháp này không được áp dụng đối với các bệnh nhân HCC đã di căn sang mạch máu hoặc các cơ quan khác.

    b. Ghép gan:

    Đây là một phương pháp phẫu thuật gan giúp loại bỏ được khối u gan, gan xơ và thay thế chúng bằng gan lành mới (của người hiến gan).

    Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị mới, khó và chỉ định chặt chẽ trên từng bệnh nhân cụ thể. Chỉ khoảng 10% số bệnh nhân ung thư gan tại thời điểm phát hiện bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp này. Ngoài ra, phương pháp này bị giới hạn bởi số người hiến gan còn ít, tỷ lệ thải trừ gan sau phẫu thuật cao và các bệnh nhân sau khi ghép gan phải uống thuốc duy trì đến cuối đời.

    Ngoài ra, tỷ lệ tử vong đối với những người hiến gan là 0,3%, một con số không phải là nhỏ. Vì vậy, phẫu thuật ghép gan đòi hỏi phải được thực hiện ở những cơ sở y tế có chuyên môn cao.

    Chỉ định: Phương pháp được sử dụng cho bệnh nhân ung thư có kèm xơ gan mất bù nằm trong tiêu chuẩn Milan. Tức là bệnh nhân có 1 khối u gan dưới 5cm hoặc không quá 3 khối u gan < 3m, các khối u này chưa di căn đi xa.

    Chống chỉ định: Đối với các bệnh nhân HCC không đáp ứng được các tiêu chuẩn Milan.

    2. Phương pháp phi phẫu thuật

    a. Nút mạch hóa dầu (TACE)

    Hóa trị được cân nhắc sử dụng như một phương pháp tiền hỗ trợ trị liệu, giúp giảm thể tích khối u và đôi khi còn tác động trực tiếp đến các khối u nhỏ.

    Cơ chế của phương pháp hóa trị là dựa vào cơ chế bơm máu nuôi khối u của động mạch gan. Khi khối u tăng kích thước, nguồn cung cấp máu chính của chúng là động mạch gan nên ngay cả các khối u HCC biệt hóa cũng phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp máu từ động mạch gan.

    Trong phương pháp này, các bác sĩ đặt một ống mỏng đàn hồi (catheter) vào trong động mạch gan của bạn. Sau đó, hóa chất sẽ được bơm vào, kết hợp với một loại thuốc khác giúp chặn động mạch gan. Cách này giúp tiêu diệt khối u bằng cách ngăn máu đi nuôi chúng. Tuy nhiên, gan của bạn vẫn được cung cấp máu từ những mạch máu khác.

    Chỉ định: An toàn và hiệu quả đối với bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan kèm xơ gan, khối u tăng sinh mạch.

    Chống chỉ định: Phương pháp này chống chỉ định đối với bệnh nhân bị HCC kèm theo xơ gan mất bù, khối u gan nhiều khối lan rộng ở cả 2 thùy, giảm lưu lượng máu tĩnh mạch cửa (tắc tĩnh mạch cửa do huyết khối hoặc giảm lưu lượng máu gan) và các bệnh nhân có chức năng gan kém (độ thanh thải creatinin <30 ml/phút).

    b. Xạ trị chọn lọc:

    Xạ trị là phương pháp dùng các tia có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đồng vị phóng xạ hay được sử dụng trong xạ trị là Yttrium-90(Y-90).

    Chỉ định: Đối với các bệnh nhân bị ung thư có kèm xơ gan, áp dụng được cả với trường hợp có huyết khối tĩnh mạch cửa (tối ưu hơn TACE).

    Chống chỉ định: Y-90 chống chỉ định đối với các bệnh nhân gặp các bệnh ở phổi ảnh hưởng bởi gan vì có thể dẫn đến trường hợp phơi nhiễm bức xạ ở phổi hoặc viêm phổi do phóng xạ.

    c. Tiêm cồn tuyệt đối (PEI)

    Phương pháp này được sử dụng kết hợp với phương pháp siêu âm để xác định vị trí khối u và tiến hành tiêm cồn tuyệt đối vào để tiêu diệt chúng.

    Lượng cồn mỗi lần tiêm thường là 2 – 10ml. Trước khi thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân được gây tê.

    Chỉ định: Các khối u < 3cm ở bệnh nhân không thể phẫu thuật.

    Chống chỉ định: Ung thư có di căn hoặc chức năng gan kém.

    d. Phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần (RFA)

    Đây là phương pháp sử dụng nhiệt tần số radio để phá hủy khối u. Phương pháp này được dùng để thay thế cho phương pháp tiêm cồn do kích thích được vùng hoại tử lớn hơn và tỷ lệ tái phát thấp hơn tiêm cồn.

    Chỉ định:

    • Bệnh nhân HCC có 1 khối u < 5cm hoặc u <7cm không có tăng sinh mạch.
    • Bệnh nhân có nhiều khối u nhưng kích thước mỗi u < 3cm.

    Chống chỉ định: Bệnh nhân có di căn tĩnh mạch cửa hoặc di căn xa, chức năng gan kém. e. Phá hủy khối u bằng vi sóng (MWA) Phương pháp này có thể được sử dụng cả dưới da và trong phẫu thuật. Đây là một phương pháp rất giống với RFA, ngoại trừ MWA sử dụng sóng điện từ có tần số >900 kHz để chiếu xạ và cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, MWA làm tăng nguy cơ tổn thương nghiêm trọng các cấu trúc lân cận hơn RFA.

    3. Liệu pháp điều trị hệ thống

    Phương pháp này thường là điều trị bằng thuốc có tác dụng toàn thân, liệu pháp này cho kết quả kém nên ít được áp dụng. Các thuốc chống ung thư thường được sử dụng là doxorubicin, mitomicin, cisplatin, 5-fluouracil…

    Dự phòng ung thư biểu mô tế bào gan

    Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh gan thường gặp nhất ở Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến HCC chủ yếu là từ bệnh gan nhiễm trùng mạn tính. Do đó, để có thể dự phòng ung thư biểu mô tế bào gan, chúng ta cần dự phòng các bệnh mạn tính này:

    • Tiêm phòng, tránh lây nhiễm viêm gan B và C.
    • Tránh các tác nhân có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh như thuốc lá và rượu bia.
    • Điều trị triệt để viêm gan B và C khi chúng còn ở thể cấp và chưa phát triển thành mạn tính.
    • Điều trị để hạn chế bệnh chuyển biến từ viêm gan thành xơ gan.
    • Tiến hành tầm soát ung thư gan bằng siêu âm và định lượng AFP định kỳ 6 tháng/1 lần để xác định các bất thường ở gan và chẩn đoán bệnh sớm.

    Ung thư biểu mô tế bào gan rất nguy hiểm nhưng có thể điều trị nếu được phát hiện sớm. Vậy nên, hãy tiến hành tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện sớm và điều trị triệt để bạn nhé.

    Phương Quỳnh/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo