Thở nhanh là một trong những triệu chứng quan trọng nhất để xác định viêm phổi. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thở nhanh được định nghĩa là khi trẻ nằm im, không quấy khóc, không sốt, đếm nhịp thở trong vòng 1 phút, gọi là nhanh khi: thở trên 60 lần trở lên với trẻ dưới 2 tháng; trên 50 lần với trẻ 2 – 12 tháng; trên 40 lần với trẻ 1 – 5 tuổi… Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác như: khò khè, bú kém, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, tím quanh môi…

Viêm phổi có thể gây chết người?
Với người trưởng thành có sức khỏe tốt, viêm phổi có thể được điều trị khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, những người đang mắc phải các căn bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những người có hệ miễn dịch kém thì viêm phổi thật sự là một căn bệnh rất nguy hiểm.
Người bệnh viêm phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết và áp xe phổi. Do đó, nếu thấy trẻ có các triệu chứng sau, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay:
- Sốt cao trên 38,5 độ C
- Nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn
- Co lõm lồng ngực
- Khó thở nặng, thở rên
- Cánh mũi phập phồng, ngưng thở
- Tím tái, li bì, bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít, thậm chí là không tiểu)…
Phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ không khó như bạn nghĩ
Để phòng ngừa viêm phổi, bạn cần tìm cách nâng cao sức đề kháng thông qua việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, bạn cần chú ý giữ vệ sinh môi trường sống, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc. Chú ý giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ, nếu trẻ đã biết súc miệng, bạn nên nhắc nhở trẻ súc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý sau khi đi ngoài đường tiếp xúc với khói bụi, cần mang khẩu trang cho trẻ để tránh hít phải bụi đường. Bên cạnh đó, bạn nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm để ngăn ngừa cúm theo mùa bởi cúm là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi.
Ngoài những phương pháp trên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả trong việc phòng ngừa viêm phổi nói riêng và các bệnh về đường hô hấp nói chung. Chỉ một động tác rửa tay với xà phòng diệt khuẩn có thể giúp giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 – 45%.