Bạn đọc hỏi
Chào bác sĩ,
Con em được gần 2 tháng, bé ăn ngủ bình thường, ít quấy khóc. Gần đây, bé thường xuyên đi tiểu có màu vàng và mùi khá khai. Bác sĩ cho em hỏi nước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng có mùi khai là do đâu? Có nguy hiểm không? Em có cần đưa con đi khám không? Em cảm ơn bác sĩ!
Ngọc Thanh, Tân Uyên, Bình Dương
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn Ngọc Thanh,
Với câu hỏi nguyên nhân nước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng có mùi khai và mức độ nguy hiểm của tình trạng này, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp như sau:
1. Nước tiểu trẻ sơ sinh có màu vàng: Nguyên nhân do đâu?
Theo sinh lý hệ niệu của trẻ em, chức năng lọc của thận ở trẻ đã bắt đầu từ khoảng tuần thứ 6 thai kỳ nhưng chưa hoàn chỉnh. Chức năng lọc nước tiểu tiếp tục phát triển sau sinh và bằng người lớn khi trẻ được 3 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi có thể đi tiểu từ vài lần đến khoảng 20 lần mỗi ngày do lượng nước tiểu ít và khả năng làm trống bàng quang chưa hoàn chỉnh. Trong vài tháng đầu sau sinh, chức năng lọc của thận còn rất yếu và chưa đủ hoàn chỉnh để điều chỉnh nước và điện giải khi trẻ bị bệnh. Con bạn được 2 tháng tuổi có nước tiểu màu vàng là 1 tình trạng cần tìm nguyên nhân để điều trị. Các nguyên nhân làm nước tiểu trẻ sơ sinh có màu vàng bao gồm:
- Các nguyên nhân về dinh dưỡng: Bé đi vệ sinh ra nước tiểu màu vàng, không kèm các triệu chứng như vàng da, sốt, ói, tiêu chảy… bao gồm:
- Trẻ bú chưa đủ sữa làm nước tiểu cô đặc hơn
- Nếu trẻ bú mẹ, một số hoạt chất trong thuốc có màu vàng mà mẹ uống hoặc thực phẩm mẹ ăn có màu vàng có thể qua sữa mẹ nên nước tiểu sẽ có màu vàng
- Các nguyên nhân bệnh lý: ngoài đi tiểu có màu vàng sậm, trẻ có thể bị vàng da, vàng mắt, sốt, tiêu chảy, ọc sữa gây mất nước. Các vấn đè này bao gồm:
- Viêm gan do virus, thuốc …: Gan có nhiệm vụ lọc và thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Nếu bị tổn thương do bệnh lý như viêm gan có thể gây suy gan cấp tính, dẫn đến những triệu chứng như vàng da, nước tiểu vàng, nổi chấm xuất huyết, rối loạn đông máu…
- Bệnh lý tán huyết bẩm sinh: Đây là bệnh liên quan đến tế bào máu (hồng cầu), có tính di truyền, do thiếu men G6PD (men này giúp ngăn hồng cầu không bị vỡ) và bệnh lý Hemoglobin bất thường (Thalassemia)
- Thuốc
- Tắc nghẽn đường mật: Tình trạng vàng da thường từ sau sinh và kéo dài đến 2-3 tháng tuổi, nước tiểu sậm màu, tiêu phân bạc màu (màu trắng như phân cò). Trong trường hợp này, trẻ cần phẫu thuật sớm vì có thể diễn tiến đến suy gan và xơ gan
- Nhiễm trùng gây mất nước: Trong trường hợp trẻ có những triệu chứng như ói, tiêu chảy… thì lượng nước trong cơ thể sẽ giảm, do đó nước tiểu sẽ cô đặc bù lại và có màu vàng sậm. Nguyên nhân khác có thể do nhiễm trùng tại đường tiểu, đối với trẻ nhỏ thường có sốt cao, bỏ bú, quấy khóc, nhất là khi đi tiểu, nước tiểu có màu vàng hay đỏ…
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác khiến nước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng có mùi khai cần phải xét nghiệm nước tiểu và máu để chẩn đoán đúng tình trạng bệnh lý.
>>> Có thể bạn quan tâm: Màu phân của trẻ phản ánh bệnh gì? Bé sơ sinh đi hoa cà hoa cải là gì?
2. Nguyên nhân nước tiểu trẻ sơ sinh có mùi khai
Nguyên nhân khiến nước tiểu của trẻ sơ sinh có mùi khai hay trẻ sơ sinh đi tiểu có mùi khai là do đâu? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây, bạn đừng bỏ lỡ!
Vì 95% nước tiểu là nước nên bình thường không có mùi hoặc mùi nhẹ thường không gây khó chịu. Thức ăn, đồ uống và quá trình trao đổi chất của cơ thể có thể ảnh hưởng đến thành phần của nước tiểu cũng như mùi của nó. Nếu nước tiểu cô đặc – nồng độ các chất thải cao có thể xuất hiện mùi khai là do khí amoniac. Việc mẹ cho trẻ bú mẹ có tiêu thụ một số loại thực phẩm (ví dụ măng tây, sữa, thịt, tỏi …) và thuốc (ví dụ vitamin) có thể gây ra mùi nước tiểu ngay cả ở nồng độ thấp. Đôi khi, mùi nước tiểu bất thường gợi ý bệnh lý như nhiễm trùng tiểu, suy thận, đái tháo đường hay bệnh lý chuyển hóa di truyền khác.
3. Các sắc độ nước tiểu cảnh báo điều gì?
Nhiều bậc cha mẹ nuôi con nhỏ không khỏi thắc mắc khi thấy ước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng, bé uống sữa công thức nước tiểu vàng, trẻ đi tiểu ít, nước tiểu vàng là do đâu? Ngoài việc nước tiểu màu vàng, nước tiểu của trẻ còn có thể có rất nhiều sắc độ khác liên quan đến các vấn đề sức khỏe, điển hình như:
- Vàng nhạt và vàng sậm: Màu nước tiểu bình thường có thể từ trắng trong hoặc màu vàng nhạt, màu hổ phách (màu vàng sậm). Màu nước tiểu bình thường phụ thuộc vào lượng sắc tố gọi là “urochrome” được pha loãng trong nước tiểu. Nếu trẻ được bổ sung đủ lượng chất lỏng, chất này sẽ loãng hơn làm nước tiểu có màu vàng nhạt. Ngược lại, khi trẻ bú không đủ hay bị mất nước sẽ làm nước tiểu cô đặc có màu vàng sậm.
- Màu cam: Nếu dùng một số thuốc chống viêm, nhuận tràng hay hóa trị, các chất có trong thuốc được đào thải qua thận làm nước tiểu có màu cam. Ngoài ra, nước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng có thể do mất nước hoặc bệnh lý gan mật.
- Màu hồng hoặc đỏ: Điều này là do có tế bào máu (hồng cầu) trong nước tiểu, nguyên nhân có thể do nhiễm trùng tiểu, người mẹ tiêu thụ thực phẩm có màu hồng hay đỏ (thanh long đỏ, việt quất, củ dền…), thuốc…
- Màu nâu sậm: do thức ăn như đậu tằm (đậu fava), lô hội…, thuốc điều trị bệnh sốt rét hay nhuận tràng…, vận động quá sức gây tiêu hủy cơ, nhiễm trùng tiểu.
- Màu xanh lam hoặc xanh lục: ít gặp, chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn pseudomonas, thuốc nhuộm sử dụng trong các xét nghiệm liên quan đến thận, bàng quang hoặc bệnh lý di truyền.
- Màu trắng đục, có bọt: là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc là triệu chứng của một số bệnh mạn tính tại thận như hội chứng thận hư…
>>> Có thể bạn quan tâm: Nước tiểu có bọt là bệnh gì?
4. Cần làm gì khi nước tiểu trẻ sơ sinh có màu vàng nhạt sậm?
Vậy nước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng có mùi khai hay nước tiểu trẻ sơ sinh màu vàng phải làm sao? Nước tiểu vàng sậm thường do trẻ bú không đủ hoặc có bệnh lý gây mất nước, nhiễm trùng. Thông thường, nếu sau khi đã giúp trẻ bú đủ mà nước tiểu vẫn vàng sậm, có thể kèm theo những triệu chứng khác như vàng da, tiêu phân bạc màu hay tiêu chảy, sốt, ọc sữa liên tục, bụng chướng, lừ đừ… bạn nên đưa trẻ đến khám các bệnh viện nhi để được chẩn đoán bệnh sớm. Các dấu hiệu gợi ý trẻ bú đủ bao gồm:
- Trường hợp trẻ bú sữa mẹ: Bú đủ là khi trẻ bú mỗi cữ trong vòng từ 15 đến 30 phút, sau đó trẻ ngủ yên và 3 giờ sau thức dậy đòi bú tiếp. Trong lứa tuổi từ 2 đến 6 tháng trẻ tăng 20 – 30g cân nặng mỗi ngày. Bạn nên cho trẻ bú hết bầu vú bên này mới chuyển sang bú tiếp bên còn lại để tận dụng nguồn sữa đặc cuối dòng giúp tăng cân tốt. Nếu cho bú đúng cách, sữa sẽ tiết đều cả hai bên vú khi trẻ thực hiện động tác mút. Lúc bú no, tự bé sẽ nhả ti mẹ, ngủ ngoan và vẻ mặt thoải mái, bàn tay thả lỏng. Ngoài ra, dấu hiệu cho biết bé bú đủ là đi tiểu hơn 6 lần mỗi ngày, nước tiểu vàng trong, đi tiêu phân vàng sệt. Nếu sau bú mà bé vẫn còn mút tay, quấy khóc, không chịu ngủ thì có thể mẹ vẫn không đủ sữa cho bé. Lúc này, mẹ có thể cân nhắc cho bé bú thêm sữa công thức. Ngoài ra, mẹ cũng nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi để tạo ra lượng sữa dồi dào cho trẻ.
- Trường hợp trẻ bú sữa bình: ở lứa tuổi này nên đảm bảo cho trẻ bú khoảng 150ml sữa/kg/ ngày hoặc khoảng 120ml/cữ mỗi 5 – 6 giờ.
Bạn có thể xem thêm các bài viết:
Dễ dàng kiểm tra sức khỏe của con từ chính nước tiểu và phân
Trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày: Do sinh lý, tâm lý hay bệnh lý?
Mách mẹ cách kết hợp sữa mẹ và sữa công thức hiệu quả
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]