Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hỏi đáp Bác sĩ: Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có nguy hiểm không? Có cần đi khám không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    Hỏi đáp Bác sĩ: Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có nguy hiểm không? Có cần đi khám không?
    Quảng cáo

    Bạn đọc hỏi

    Chào bác sĩ

    Em mới sinh con được gần 1 tháng, bé bú giỏi và ngủ ngon nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây em nhận thấy con em bị vàng da vàng mắt. Bác sĩ cho em hỏi là trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có nguy hiểm không? Nguyên nhân do đâu? Có cần đi khám không?

    Ngọc Thủy, Long Thành, Đồng Nai

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn Ngọc Thủy

    Với câu hỏi “trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có nguy hiểm không? Nguyên nhân do đâu? Có cần đi khám không?”, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp như sau:

    Làm thế nào để phát hiện trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt?

    Để xác định trẻ sơ sinh có bị vàng da vàng mắt hay không, bạn Ngọc Thủy và các mẹ mới sinh nên quan sát con ở nơi có ánh sáng tự nhiên để phát hiện được tình trạng vàng da. Nguyên nhân là bởi việc quan sát trẻ dưới ánh sáng nhân tạo, đặc biệt là ánh sáng đèn huỳnh quang, đôi khi có thể đánh lừa thị giác của bạn. Bước tiếp theo, để kiểm tra xem con có bị vàng da không, bạn hãy dùng tay ấn nhẹ và giữ khoảng 10 giây lên ở các vùng như ở ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ, khi thả tay ra vùng da đó có màu vàng cam thì khả năng trẻ có vàng da.

    Có thể bạn cần biết:

    Vàng da sơ sinh là gì? Trẻ sơ sinh bị vàng da có tự khỏi không?

    Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng da

    Tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt xảy ra khi có quá nhiều bilirubin tích tụ trong cơ thể bé. Bilirubin là một chất màu vàng được tạo ra khi cơ thể phá vỡ các tế bào hồng cầu cũ. Gan lọc máu và thải bilirubinra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu. Đây là một quá trình bình thường xảy ra trong suốt cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, đôi khi trẻ sơ sinh bị tích tụ bilirubin trong cơ thể.

    Trong một số trường hợp, gan của bé có thể chưa đủ trưởng thành để lọc bilirubin hoặc trẻ có thể mắc phải bệnh lý đa hồng cầu (tình trạng tăng sản xuất số lượng hồng cầu làm tăng số lượng hồng cầu bị vỡ tạo bilirubin). Những rối loạn này có thể khiến bilirubin tích tụ trong cơ thể bé khiến trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt.

    trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt

    Một số nguyên nhân gây vàng da phổ biến:

    • Vàng da sinh lý (bình thường): Đa số trẻ sơ sinh đều gặp phải tình trạng vàng da sinh lý. Diễn tiến thường không nghiêm trọng. Vàng da sinh lý không gây ra bất kỳ vấn đề gì và tự biến mất trong vòng 2 tuần đối với trẻ đủ tháng và trong vòng 3 tuần tuổi đối với trẻ sinh non.
    • Vàng da do sinh non: Gan của trẻ sinh non thường không đủ phát triển để phân hủy bilirubin một cách hiệu quả. Do đó, nếu trẻ sinh non sớm hoặc có những yếu tố nguy cơ khác, các bé thường được điều trị, ngay cả khi mức độ bilirubin trong cơ thể không cao.
    • Vàng da do không bú đủ lượng sữa mẹ: Trẻ có thể mắc tình trạng này khi không bú đủ sữa mẹ. Điều này có thể xảy ra do những khó khăn cho bú sữa mẹ như mẹ cho con bú không đúng tư thế hoặc bú đúng tư thế nhưng chuyển đổi vú khi trẻ chưa bú sạch hết một bên hoặc do sữa mẹ chưa về kịp sau sinh.
    • Vàng da do sữa mẹ: Đôi khi các chất trong sữa mẹ khiến lượng bilirubin tăng cao. Chúng cũng có thể khiến cơ thể em bé khó đào thải bilirubin qua phân. Loại vàng da thường bắt đầu khoảng 3 đến 5 ngày sau sinh và từ từ cải thiện triệu chứng trong vòng vài tuần.

    Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt là do một vấn đề tiềm ẩn. Điều này có thể bao gồm chảy máu, nhiễm trùng hoặc bệnh lý gan. Con bạn có nhiều nguy cơ bị vàng da nếu trẻ:

    • Sinh non (sinh trước 37 tuần): Gan của trẻ sinh non thường chưa trưởng thành. Trẻ có thể đi tiêu ít hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Điều này có nghĩa là trẻ sinh non có thể không loại bỏ được bilirubin nhanh như trẻ sinh đủ tháng.
    • Bầm tím trong khi sinh: Các vết bầm tím tạo ra nhiều tế bào hồng cầu cần được chuyển hóa thành bilirubin. Điều này có thể làm tăng nồng độ bilirubin trong máu khiến trẻ bị vàng da.
    • Gặp khó khăn khi bú mẹ: Trẻ khó bú mẹ có thể bị mất nước hoặc nhận được lượng calo thấp. Điều này có thể làm tăng nguy cơ vàng da.

    Trẻ sơ sinh bị vàng da vàng mắt có cần đi khám không?

    Trẻ bị vàng da nên được đưa đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa nhi. Với trường hợp con của bạn Ngọc Thủy, tình trạng vàng da của bé kéo dài hơn 3 tuần tuổi cần được bác sĩ thăm khám và xem xét làm xét nghiệm để kiểm tra mức độ vàng da cũng như loại trừ các nguyên nhân bệnh lý gây vàng da kéo dài (như suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD …). Do đó, lời khuyên dành cho bạn là nên cho bé đi khám. Nếu chỉ vàng nhẹ ở mặt và bé vẫn lên cân bình thường, phân không nhạt màu thì có thể bé chỉ bị vàng da do sữa mẹ. bạn tiếp tục cho bú mẹ đến 1 tháng tuổi thì đi khám tổng quát và kiểm tra lại.

    Bạn có thể xem thêm các bài viết:

    Vàng da sơ sinh: Tất tần tật những điều mẹ cần biết!

    Vàng da do sữa mẹ: Trẻ bú mẹ đủ vẫn bị vàng da, vàng mắt

    Trân trọng!

    Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

    Nhi khoa · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/02/2023

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo