Nước bị ô nhiễm như thế nào?
Nước có thể bị ô nhiễm bởi các loại vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác thông thường do phân người hoặc động vật nhiễm vào nguồn nước. Đây đặc biệt là vấn đề ở các nước có điều kiện vệ sinh kém. Ở những nước này, thực phẩm cũng có thể được rửa và được nấu bằng nguồn nước bị ô nhiễm. Ví dụ, ở những vùng có điều kiện vệ sinh kém, trẻ em nên tránh:
- Uống nước máy;
- Uống nước đá (nước đá cục mua từ cây đá làm sẵn ở ngoài);
- Đánh răng bằng nước máy.
- Ăn salad như rau diếp, cà chua rửa bằng nguồn nước ô nhiễm;
- Ăn rau quả chưa nấu (vì chúng có thể đã được rửa trong nước bị ô nhiễm).
Ngộ độc thực phẩm có phổ biến không?
Ngộ độc thực phẩm rất phổ biến. Trước đây người ta chỉ báo cáo những trường hợp nghiêm trọng nhất nhưng bây giờ họ cũng lưu ý đến các trường hợp nhẹ. Số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy có hơn 500.000 trường hợp ngộ độc thực phẩm tìm được nguyên nhân mỗi năm. Nếu bao gồm các trường hợp có nguyên nhân không xác định thì con số này sẽ tăng hơn gấp đôi.
Diễn biến của ngộ độc thực phẩm
Đối với hầu hết các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng có xu hướng xuất hiện trong vòng 1-3 ngày sau khi ăn thức ăn bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đối với một số loại ngộ độc thực phẩm, thời gian ủ bệnh này có thể kéo dài 90 ngày.
Triệu chứng thông thường của ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng chính của ngộ độc thực phẩm là tiêu chảy, thường kèm theo nôn ói. Tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng thường ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ. Máu hoặc chất nhầy có thể xuất hiện trong phân đi kèm với sự nhiễm trùng. Thông thường, bé có thể bị đau bụng. Cơn đau có thể giảm sau mỗi lần đi cầu. Đôi khi bé còn bị sốt, nhức đầu và mệt mỏi.
Nếu nôn mửa xảy ra, nó chỉ kéo dài trên dưới 1 ngày nhưng đôi khi lâu hơn. Tiêu chảy thường tiếp tục sau khi nôn ói đã ngừng và thường kéo dài vài ngày hoặc nhiều hơn. Tình trạng đi ngoài phân lỏng có thể kéo dài trong một tuần hoặc hơn nữa trước khi mọi thứ bình thường trở lại. Đôi khi các triệu chứng có thể kéo dài.
Triệu chứng của mất nước
Tiêu chảy và nôn ói có thể gây mất nước. Nếu bạn nghi ngờ bé bị mất nước thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, có thể bị mất nước nghiêm trọng và kiệt sức rất nhanh. Thiếu nước nhẹ thì phổ biến và có thể điều trị bằng cách cho bé uống bổ sung nước hay các chất điện giải khác.