backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiêu chảy du lịch ở trẻ và những điều cần biết để điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 16/01/2023

    Tiêu chảy du lịch ở trẻ và những điều cần biết để điều trị và phòng ngừa

    Khi đi chơi xa, trẻ nhỏ rất dễ bị tiêu chảy du lịch do hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt có nhiều thay đổi, cơ thể chịu nhiều tác động từ ngoại cảnh, đồng thời hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn rất non nớt nên dễ bị các mầm bệnh tấn công.

    Ông bà ta ngày xưa hay nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Thế nên việc dẫn con đi xa để khám phá thế giới xung quanh là điều rất cần thiết để trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu. Dẫu biết là vậy nhưng khi lên kế hoạch cho con đi chơi xa, nhiều cha mẹ lại sợ đến một nơi lạ, con hay bị bệnh, đặc biệt là tiêu chảy. Nếu bạn sắp cho con đi chơi nhưng vẫn đang đau đầu tìm cách để ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy du lịch, hãy dành vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi, biết đâu bạn sẽ có thêm cho mình một vài gợi ý bổ ích đấy.

    Tiêu chảy du lịch – Nỗi lo thường trực của cha mẹ khi cho con đi xa

    đối phó với tiêu chảy du lịch

    Tiêu chảy là một rối loạn tiêu hóa thường gặp với các triệu chứng chủ yếu là đau bụng và đi phân lỏng nhiều lần trong ngày. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà sẽ có thêm những triệu chứng khác nhau như:

    • Nôn
    • Sốt
    • Đầy hơi
    • Chán ăn
    Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ nhỏ hay bị tiêu chảy du lịch là do khi đi xa, hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt có nhiều thay đổi, cơ thể chịu nhiều tác động của ngoại cảnh, dẫn đến việc dễ bị các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… tấn công. Vi khuẩn E.coli là “thủ phạm” thường gặp nhất khiến trẻ nhỏ bị tiêu chảy. Trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với vi khuẩn có trong nguồn nước và các loại thực phẩm bị ô nhiễm. Sau khi tiếp xúc, bệnh sẽ khởi phát sau 1 – 3 ngày và có thể kéo dài khoảng 5 ngày hoặc hơn.

    Nỗi lo lớn nhất của cha mẹ khi con bị tiêu chảy khi đi du lịch là tình trạng mất nước. Nôn, ói kéo dài đi kèm với tình trạng đi tiêu phân lỏng sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh chóng. Mất nước là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng này sẽ diễn tiến nhanh hơn so với người lớn. Trẻ bị mất nước sẽ có các dấu hiệu sau:

    • Khô miệng
    • Da khô
    • Đòi uống nước thường xuyên
    • Ít đi tiểu
    • Đau đầu
    • Chóng mặt

    Để tránh rơi vào tình huống này, mẹ cần chú ý bổ sung nước cho con. Bạn cũng có thể cho trẻ sử dụng dung dịch bù nước đường uống (oresol) để bù nước cho cơ thể.

    Trẻ bị tiêu chảy du lịch: 3 điều mẹ cần lưu ý

    cho trẻ uống nước để không bị mất nước

    1. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy du lịch

    Nếu trẻ chỉ bị đi ngoài với tần suất khoảng 2 – 3 lần một ngày, bạn có thể không cần đưa con đi khám mà chỉ cần theo dõi tại nhà.

    Lưu ý là khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy du lịch, mẹ không nên cho con dùng thuốc cầm tiêu chảy ngay hoặc áp dụng những cách cầm đi ngoài nhanh nhất được rỉ tai hay đăng trên các trang mạng xã hội vì có thể khiến trẻ rơi vào nguy hiểm.

    Trẻ bị tiêu chảy có thể là do điều kiện sinh hoạt thay đổi và các triệu chứng sẽ tự biến mất. Trường hợp nếu trẻ đi tiêu nhiều hơn, phân lỏng như nước, bạn cần chú ý bù nước cho trẻ bằng dung dịch bù nước đường uống (oresol) được pha theo đúng liều lượng. Ngoài ra, bạn cũng nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây không đường, nước cháo loãng pha muối… để bù nước cho cơ thể. Nếu trẻ vẫn còn đang bú mẹ, bạn hãy tăng số lần cho bé bú.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Biến chứng thường gặp và sai lầm trong chăm sóc bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em

    2. Dinh dưỡng cho bé bị tiêu chảy

    Với các bé uống sữa công thức khi bị tiêu chảy du lịch, bạn hãy cho trẻ uống một lượng sữa nhỏ mỗi lần. Nếu bé bị tiêu chảy nặng, hãy cho trẻ dùng thêm dung dịch bù nước giữa các cữ sữa. Với những trẻ lớn, đừng cố ép trẻ ăn mà hãy chú ý bù nước cho trẻ, đặc biệt là nếu trẻ bị đau bụng, nôn mửa hoặc đi tiêu nhiều lần. Mỗi bữa, bạn không nên cho trẻ ăn quá nhiều ngay cả khi bé đói. 

    Nếu bé đang dùng sữa công thức và tình trạng tiêu chảy du lịch không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy ngừng cho trẻ uống sữa trong vòng từ 12 – 24 giờ. Thay vào đó, bạn nên cho con uống 50ml nước sôi để nguội hay dung dịch bù nước đều đặn mỗi giờ để bé không bị mất nước và đưa con đi khám ngay. Khi tình trạng nôn và đi ngoài của bé thuyên giảm hoặc sau 24 giờ, bạn hãy pha sữa cho bé uống trở lại. Với trẻ đã ăn dặm, bạn có thể cho trẻ dùng các món ăn như ngũ cốc, khoai tây nghiền, táo, chuối nghiền hoặc cà rốt.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì? Chế độ dinh dưỡng theo tuổi và cách chăm sóc

    3. Lưu ý trong việc điều trị tiêu chảy cho trẻ

    Ngoài việc bù nước và chú ý đến chế độ ăn, mẹ nên bổ sung ngay men vi sinh cho trẻ khi con có dấu hiệu tiêu chảy. Bạn nên chọn các loại men vi sinh có thành phần Saccharomyces boulardii, một chủng nấm men được Hội Nhi khoa Việt Nam đồng thuận khuyến cáo sử dụng với liều 200 – 250mg/ngày. Với những trẻ còn nhỏ, không thể nuốt được viên nang, mẹ có thể mở nắp viên nang, hòa bột thuốc với nước lọc, sữa hoặc nước trái cây và cho bé uống. Điều này không ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc và đã được Cục quản lý Dược Việt Nam cấp phép.

    Một số trường hợp, trẻ bị tiêu chảy du lịch có thể dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tự ý cho trẻ sử dụng bởi một số trường hợp dùng kháng sinh không đem lại hiệu quả mà còn dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh. Với các triệu chứng sốt và đau, bạn có thể cho trẻ dùng acetaminophen hay ibuprofen. Lưu ý là tuyệt đối không cho trẻ dưới 18 tuổi dùng aspirin bởi loại thuốc này có thể làm tổn thương gan và khiến trẻ có nguy cơ mắc phải hội chứng Reye vô cùng nguy hiểm.

    Lưu ý:

    Khi trẻ bị tiêu chảy du lịch với những triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đau bụng nghiêm trọng, tình trạng nôn kéo dài hơn 4 giờ, đi tiêu hơn 10 lần/ngày, sốt hơn 39 độ C, phân có máu và các triệu chứng mất nước nghiêm trọng, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Khám phá 3 công dụng của men vi sinh đối với trẻ nhỏ

    Làm thế nào để ngăn ngừa tiêu chảy du lịch khi cho bé đi chơi xa?

    phòng tiêu chảy như thế nào

    Với trẻ nhỏ, cho trẻ bú mẹ là cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị tiêu chảy khi đi du lịch từ thực phẩm và nước. Với trẻ dùng sữa công thức, bạn nên cho mang theo sữa cho con đủ dùng trong suốt thời gian đi chơi xa vì nơi bạn đến có thể sẽ không có loại sữa mà bé đang uống. Trường hợp cho con uống một loại sữa mới, trẻ sẽ rất dễ bị tiêu chảy.

    Đối với nước lọc, bạn cần cho trẻ uống nước đã được khử trùng. Nếu cho trẻ uống nước đóng chai, hãy ưu tiên sản phẩm của những thương hiệu uy tín vì ở một số địa phương, nước đóng chai cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Với thực phẩm, bạn nên cho trẻ ăn các món ăn được nấu chín kỹ và cho trẻ ăn khi còn nóng để phòng tiêu chảy du lịch hiệu quả. Nếu cho trẻ ăn trái cây, bạn cần rửa sạch và gọt vỏ trước khi cho trẻ ăn. Mẹ không nên cho trẻ uống sữa tươi vì loại sữa này có thể chưa được tiệt trùng đúng cách. Với những chuyến đi ngắn, mẹ có thể chuẩn bị sẵn thức ăn nhẹ giàu dinh dưỡng và mang theo cho trẻ dùng. 

    Khi pha sữa cho bé, để phòng ngừa tiêu chảy du lịch, mẹ cần chú ý rửa tay và làm sạch bình sữa, núm vú cẩn thận. Sau khi thay tã cho bé, bạn cũng chú ý rửa tay để tránh lây nhiễm cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Đề phòng trường hợp không có nước rửa tay, bạn nên mang theo một chai nước rửa tay khô. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị một số loại thuốc phòng ngừa và điều trị tình trạng tiêu chảy như oresol, loperamide và đặc biệt là men vi sinh cho bé có chứa Saccharomyces boulardii để cho trẻ sử dụng khi cần thiết.

    Qua những chia sẻ trên của Hello Bacsi, chắc hẳn bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích để đối phó với tình trạng tiêu chảy du lịch ở trẻ nhỏ rồi đúng không? Với những thông tin này, Hello Bacsi tin rằng cả gia đình bạn sẽ có một chuyến đi chơi vui vẻ và không bị chứng tiêu chảy đáng ghét quấy rầy.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 16/01/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo